Hoằng pháp có thể áp dụng và đem lại hiệu quả nhất định trong mọi lứa
tuổi, giới tính hay chủng tộc. Tuy hoằng pháp không giới hạn bởi những
yếu tố này nhưng phương cách thực hiện lại cần áp dụng cho từng đối
tượng khác nhau. Có thể nói, phương cách là chìa khóa để mở cửa thành
công cho nhiệm vụ hoằng pháp. Một số khía cạnh liên quan đến hoằng pháp
xin được chia sẻ nơi đây.
Xưa
nay, đa phần chúng ta quen với cách hiểu hoằng pháp là gồm có đạo tràng
và có giảng sư thuyết pháp. Những vị giảng sư được thành lập thành
giảng sư đoàn và có nhiệm vụ đi khắp các tỉnh thành, những nơi có nhu
cầu học hỏi giáo lý để giảng dạy. Đó là mặt nổi dễ thấy nhất và cũng là
phương pháp khá hiệu quả trong tình hình hiện nay khi mà đa số các vị
trụ trì vì không đủ điều kiện hay khả năng để thực hiện nhiệm vụ thiêng
liêng này. Nếu nhìn qua tôn giáo bạn, ta sẽ thấy rõ ràng đây là một sự
khác biệt rất lớn và cũng là khuyết điểm đáng ngại mà Phật giáo đang
trải qua và đối mặt. Nếu ta thử khảo sát các chùa nơi có thể đáp ứng
nhiệm vụ này thì cách thực hiện hoằng pháp của họ như thế nào và hiệu
quả của nó ra sao trong thời gian qua? Đó là một vấn đề cần nghiên cứu
nghiêm túc để tìm hiểu và đánh giá thực trạng của công việc trọng yếu
này.
Hoằng
pháp như vừa nêu là đáp ứng nhu cầu của những Phật tử từ thanh thiếu
niên trở lên, tức là những người có thể nghe và hiểu những lời giảng dạy
từ giáo lý Phật đà qua các vị giảng sư. Hoạt động này góp phần rất quan
trọng vì đã mang đến cho mọi người những phương pháp có thể hóa giải
nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống hằng ngày của họ. Nhờ hoằng pháp mà có
không biết bao nhiêu người tìm được lại hạnh phúc mà bấy lâu nay họ quên
mất hay không có cơ hội nhận ra. Đó là một niềm hạnh phúc lớn lao cho
cả người làm công tác hoằng pháp và hành giả tu tập. Cái mặt nổi này đã
đóng góp rất nhiều thành tựu cho việc phổ biến Phật pháp và khẳng định
được vị trí nổi bậc và ưu thế của nó trong nhiệm vụ thiêng liêng này.
Tuy nhiên, vẫn còn có những hình thức hoằng pháp khác cũng cần lưu tâm.
Để
khắc phục nhược điểm phải có đạo tràng và thời gian nhất định, các kinh
sách, báo chí cũng như các băng đĩa bằng âm thanh và hình ảnh được lưu
lại và truyền tải khắp nơi qua các phương tiện truyền thông kỹ thuật số.
Giải pháp này đã mang Phật pháp đến tận nhà các hành giả từ thành thị
đến thôn quê hẻo lánh, từ trong nước đến ngoài nước, nhằm giúp cho mọi
người có cơ hội học và tu tập. Nó đóng vai trò như kim chỉ nam góp phần
định hướng con đường chân chánh đưa đến an lạc giải thoát mà một hành
giả tu tập cần phải có. Hình thức này đang được thực hiện rất đa dạng.
Những cách thức phát hành kinh sách, băng đĩa v.v…bao gồm khuyến khích
ủng hộ tài chính cũng như phát tâm ấn tống cúng dường đang rất phổ biến
hiện nay. Đó là một trong những phương thức hoằng pháp gián tiếp có hiệu
quả đáng kể trong việc phổ biến Phật pháp.
Ví
như khi thức ăn đã bày biện sẵn trên bàn rồi thì việc tiếp theo là
thưởng thức chúng. Cũng vậy, khi đã tiếp nhận được nguồn diệu pháp của
đức Phật rồi thì hành giả cũng phải biết thật chứng về nó, tức là nương
vào những lời dạy của Phật để thấy được giá trị đích thực của cuộc sống -
giá trị hạnh phúc thật sự. Nói một cách dễ hiểu là hành giả phải tự
trải nghiệm bằng chính bản thân mình về những chân lí mà Phật đã dạy. Để
thưởng thức món ăn, thực khách chính hiệu phải biết cách thưởng thức và
thực khách chỉ có thể cảm nhận sự ngon ngọt các món ăn bằng chính những
giác quan của bản thân. Tương tự, hành giả muốn trải nghiệm về chân lí
hay thực tại cuộc sống cũng phải biết cách nhận diện và thấy rõ những
cảm thọ của thân tâm. Đây là một quá trình phức tạp và khó khăn, đòi hỏi
hành giả phải có sự hỗ trợ của các bậc minh sư, thiện hữu tri thức. Các
đạo tràng tu tập nơi có những vị đã trải qua kinh nghiệm hành trì sẽ là
nơi thích hợp nhất cho các hành giả có thể tìm đến để thực hiện ý
nguyện cao đẹp của mình.
Thế
thì, ngôi chùa tự nó đã phải là nơi linh thiêng và cũng là nơi để hoằng
hóa chánh pháp cho tín đồ Phật tử. Ngôi chùa trở thành nơi tu tập không
thể thiếu đối với những người con Phật bởi nơi đó có đủ điều kiện nhất
cho việc phát triển tâm linh, và thể nghiệm Phật pháp. Như vậy, vị trụ
trì có vai trò rất lớn trong việc truyền dạy Phật pháp cho tín đồ. Vị
trụ trì tăng hay ni dù không có khả năng nói pháp lưu loát vẫn có thể
hoằng pháp một cách rất hiệu quả. Vị trụ trì không chỉ giảng pháp bằng
những lời nói mà còn giảng bằng chính hành động của thân và ý của mình.
Vị ấy hoằng pháp qua cách thức hành trì tụng kinh, bái sám và qua tất cả
mọi sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật. Vị trụ trì và tín đồ Phật tử
cùng tu tập, cùng trao đổi kinh nghiệm sống trong môi trường tâm linh
thì lo gì không cảm nhận ít nhiều an lạc giải thoát. Hãy nhìn các tôn
giáo khác, các vị tu sĩ chỉ việc giảng dạy đức tin và những điều căn bản
về đạo đức rập khuôn mà có thể thu hút bao nhiêu tín đồ tập trung mỗi
ngày hay mỗi tuần. Nếu như tất cả các ngôi chùa ở Việt nam, các vị trụ
trì có thể làm được như họ thì sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo rất
xán lạn! Vậy thì, đâu phải do không giảng pháp giỏi nên không hoằng pháp
được bởi hoằng pháp xưa nay vốn bắt nguồn bản tâm, từ nguồn gốc hành
trì cơ mà?! Rõ ràng, bất cứ tu sĩ hay cư sĩ điều có thể đóng góp cho sự
nghiệp hoằng pháp qua cách hiểu này.
Để
ngôi chùa phát huy được vai trò tích cực trong sự nghiệp hoằng pháp và
trở thành trung tâm văn hóa tâm linh thì ngôi chùa phải có những chương
trình sinh hoạt cụ thể có tính linh hoạt và bất biến. Linh hoạt là sự
thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với môi trường con người xung quanh;
còn bất biến là trong bất cứ sự thay đổi điều chỉnh nào vẫn phải giữ
được mục đích của Phật pháp. Bởi vì đối tượng tham gia bao gồm mọi lứa
tuổi, mọi thành phần nên chương trình tu học tất yếu cũng có sự khác
biệt nhất là chương trình dành cho thanh thiếu niên – một thành phần ít
được quan tâm. Hiện tại, thành phần tham dự các khóa tu hay tụng niệm
thường là các vị ở độ tuổi trung và cao niên bởi họ đã ít nhiều trải
nghiệm những khổ đau của cuộc sống và mong muốn tìm cầu sự an lạc tâm
linh. Phần lớn, thành phần thanh thiếu niên chưa quan tâm nhiều đến giá
trị đạo đức tâm linh bởi vì họ một mặt không thừa hưởng được truyền
thống tâm linh từ tổ tiên của họ, và một mặt vì sự hấp dẫn quá mạnh của
vật dục.
Do
vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể thu hút giới trẻ quan tâm
đến nền đạo đức tâm linh Phật giáo. Theo thiển ý cá nhân thì thiết lập
một niềm tin vững chãi cho thế hệ trẻ là yếu tố thiết thực cần phải thực
hiện cấp thời. Bởi lẽ, có niềm tin là có tất cả và mất niềm tin thì
cũng chẳng còn gì.
Nếu
thử so sánh các tín đồ của các tôn giáo trên thế giới, một kết quả thú
vị là các tôn giáo có tín đồ nhiều nhất đều là các tôn giáo dựa trên
niềm tin, và lý do các tín đồ đến với tôn giáo nhiều nhất cũng là niềm
tin. Dù rằng hiện nay, ở các nước Âu, Mỹ, các tín đồ không thường xuyên
tới các nhà thờ do nhận thức của họ đã thay đổi nhưng trong lòng họ vẫn
giữ niềm tin vào chúa như là một truyền thống văn hóa của họ. Dù họ biết
rằng chúa (một thực thể sáng tạo thế giới) không thực có nhưng họ vẫn
giáo dục các thế hệ con em có một niềm tin, một điểm tựa lý tưởng trong
cuộc sống phàm tục này. Vậy thì, giá trị giáo dục vẫn phát huy tác dụng
dù rằng niềm tin chưa hề được trải nghiệm chứng đắc.
Trở
lại với đạo Phật, chúng ta luôn tự hào Phật giáo là ‘đến để mà thấy’
chứ không phải đến để mà tin. Tuy nhiên, ở khoảng giữa của đến và thấy
ta vẫn tìm thấy sự có mặt của niềm tin (saddha). Bởi nếu không có niềm
tin thì đức Phật không nói chi phần ‘tín’ đầu tiên trong ngũ căn và ngũ
lực thuộc 37 phẩm trợ đạo, và kinh Hoa Nghiêm cũng không có câu nói
‘niềm tin là mẹ các công đức lành’. Có điều là niềm tin trong đạo Phật
không phải là niềm tin mù quáng, mặc khải mà các tôn giáo khác chủ
trương truyền bá. Niềm tin trong Phật giáo được đề cập khá rõ ràng học
qua sáu đề mục niệm. Đó là tin Phật – bậc giác ngộ hoàn toàn, bậc có đầy
đủ lòng từ bi cứu đời, bậc cứu khổ mầu nhiệm; là tin Pháp – những lời
dạy của Phật, những phương pháp có thể đưa chúng sanh đến giác ngộ giải
thoát; là tin Tăng – một đoàn thể những người xuất gia thanh tịnh có thể
giảng dạy chánh pháp của đức Phật; là tin Thí tức tin sự thực hành của
việc bố thí sẽ mang lại kết quả lành tất yếu; là tin Giới tức những điều
đạo đức đưa đến đời sống trong sạch; và tin Chư Thiên tức những bậc có
phước báo và phẩm chất đạo đức cao hơn con người.
Xuyên
qua sáu đề mục niệm hay niềm tin cơ bản này, các nhà hoằng pháp bằng sự
sáng tạo của mình vận dụng để thiết lập cho thế hệ trẻ một niềm tin
vững chãi về cuộc sống, về giá trị đạo đức xã hội, về đạo hiếu thảo đối
với ông bà cha mẹ, về nhân quả công bằng của những hành động, và đặc
biệt là niềm tin tâm linh Phật giáo. Để đạt được những mục đích này,
không có cách nào hữu hiệu hơn là cần có sự phối hợp của gia đình và nhà
chùa. Gia đình các Phật tử nên quan tâm đưa con em mình đến chùa để
huân tập đức tin tâm linh ngay từ khi chúng còn nhỏ hơn là chờ cho đến
khi chúng lớn. Chờ cho con em đến tuổi trưởng thành mới cho tìm hiểu đạo
lý là chúng ta vô tình đánh mất cơ hội tiếp nhận đời sống tâm linh của
chúng và vô tình tạo điều kiện cho các thế giới vật dục bên ngoài xâm
nhập. Khi giới trẻ đã có thói quen vọng ngoại rồi thì gia đình sẽ ít có
cơ hội thành công trong việc hướng dẫn chúng tu tập đạo đức tâm linh.
Về
phía chùa, các vị trụ trì nên tổ chức những nghi thức cầu an chúc phước
vào một thời điểm thích hợp cho tất cả các con em Phật tử khi chúng
được sinh ra. Kết hợp với gia đình hãy hướng dẫn trẻ quy ngưỡng Phật,
biết kính lễ Phật và đặt trọn niềm tin kiên định vào đức Phật thông qua
sự giới thiệu một đức Phật từ bi và mầu nhiệm, luôn luôn lắng nghe và
thương chúng trong mọi lúc. Khi quý thầy cô đề xướng cách thức đem đến
sự bình an và lợi lạc như thế, thiết nghĩ, Phật tử sẽ rất hưởng ứng. Làm
như vậy, các con em chúng ta sẽ có nhiều cơ hội gieo duyên với Phật
pháp và qua đó cũng thể hiện sự quan tâm săn sóc giữa chùa và tín đồ.
Hơn nữa, chùa cũng phải tạo môi trường tốt cho các con em trẻ sinh hoạt
bằng những buổi sinh hoạt kể chuyện Phật pháp, những bài ca vui tươi,
cách cư xử với nhau, v.v…Khi những ấn tượng tốt đẹp ban đầu đã gieo vào
cuộc đời trẻ thơ thì chúng sẽ nhớ mãi và sẽ có nhiều cơ hội phát triển
cho dù khi chúng không có nhiều cơ hội đến chùa. Chúng ta vẫn nghe đâu
đây rất nhiều Phật tử khi tỉnh ngộ than rằng, ‘phải chi chúng con biết
đạo Phật sớm thì đỡ khổ biết mấy.’ Vậy thì sự gieo vào tâm thức trẻ thơ
những hạt giống Phật pháp chẳng phải là hữu ích ư?!
Sẽ
còn rất nhiều phương cách được ứng dụng trong quá trình hoằng pháp mà
một vị giảng sư, một vị trụ trì và ngay cả hành giả Phật tử tại gia có
thể sáng tạo ra. Điều đó sẽ dành cho các bậc tôn đức kinh nghiệm về
hoằng pháp. Trong phạm vi nhỏ này chỉ nêu vài ý về các phương cách hoằng
pháp phổ biến hiện nay. Sự hợp tác giữa các vị trụ trì tổ chức đạo
tràng tu tập và chư vị giảng sư thuyết pháp là sự phối hợp rất cần
thiết. Vấn đề giáo dục về đạo đức tâm linh, về truyền thống đạo hiếu cho
giới trẻ nơi nhà chùa cần được quan tâm nhiều hơn bởi quý thầy cô và
phụ huynh Phật tử. Nhiệm vụ hoằng pháp sẽ góp phần đáng kể trong việc
định hướng niềm tin và lối sống vững chãi cho các thế hệ tương lai, và
là người bạn đồng hành trên bước đường tu tập của tất cả những hành giả
Phật giáo.