Theo truyền thuyết, Minh Thái Tổ là Chu Nguyên Chương thường ăn mặc
giả dạng để đi thăm dân. Có một Tết, ông mặc giả một người dân thường
đến một thị trấn đông dân. Khi nhìn thấy một đám đông đang xúm lại,
tiếng cười nói huyên náo, nhà vua chen vào xem thì hóa ra đám đông đang
chế nhạo về bức họa. Bức họa vẽ một người con gái tay ôm quả dưa hấu,
để lộ đôi chân trần rất to. Nhà vua nghĩ là hình ảnh cô gái Hoài Tây,
với đôi chân to để chỉ các cô gái nhà nghèo không có điều kiện để bó
chân theo phong tục bấy giờ. Hoàng Hậu cũng chính là người con gái chân
to Hoài Tây đó, hẳn rằng họ cười chê ác độc đối với Hoàng Hậu?
Nhà vua giấu mình trở về cung rồi phái mấy quan viên thân tín đến thị
trấn với nhiệm vụ ghi vào sổ đen tên người vẽ tranh và những người
đứng chế giễu bức tranh đó. Sau đó dán tờ giấy có chữ “Phúc” trước cửa
những nhà không tham gia. Các quan viên hoàn thành nhiệm vụ trở về, Chu
nguyên Chương lập tức phái đại binh tiến về thị trấn, phàm tất cả
những nhà không dán chữ “Phúc” đều bị bẻ cửa, cướp sạch của cải. Từ đó
về sau, cứ đến Tết mùa xuân, mọi người đều dán chữ “Phúc” lên cửa nhà
mình, và dần trở thành tập tục.
Chữ "Phúc"
Giải thích tập tục Tết mùa xuân dán chữ “Phúc”, đầu tiên phải hiểu
nội dung chữ “Phúc” là gì? Sách “Thượng thư - Hồng Phạm” viết rằng:
“Nhất viết Thọ, nhị viết Phúc, tam viết Khang ninh, tứ viết Du hảo đức,
ngũ viết Khảo chung mệnh”.
Thọ chỉ trường thọ.
Phúc chỉ sự giàu có về vật chất.
Khang minh chỉ thân thể khỏe mạnh không có bệnh tật.
Du hảo đức chỉ đạo đức cao đẹp. Khảo chung mệnh là đạt được cái thiện
mãi mãi. Người xưa cho rằng muốn đạt được “Ngũ phúc” (tức là 5 điều nói
trên) có một số mặt có thể định được nhờ sự cố gắng của bản thân ví dụ
như cầu phúc, tu đức, nhưng tuổi thọ dài ngắn của một đời người và cái
chết là không thể quyết định được. Muốn được trường thọ và thiên chung
chỉ có thể cầu xin Thần Linh, và dán chữ “Phúc” ở cửa nhà là thể hiện
nguyện vọng cầu xin Thần linh và tổ tiên ban cho mọi nhà mọi người có
được hạnh phúc trong năm mới. Lâu rồi dần thành tục lệ.
Theo Nguyễn Thị Nhi - Quê hương