9 bước học tập hiệu quả
28/11/2010 07:48 (GMT+7)

Phương pháp khác nhau mang lại kết quả khác nhau

Xin phép được hỏi bạn một câu. Khi nào bạn bắt đầu ôn bài cho kỳ thi cuối kì hoặc cuối năm? Thêm một câu hỏi nữa. Bạn ôn thi bằng cách nào? Hãy kể chi tiết từng bước trong cách ôn thi của bạn.

Câu hỏi trên đã được đặt ra cho hàng ngàn học sinh và bạn biết không? Thật thú vị là có hàng ngàn câu trả lời khác nhau. Đó chính là lý do tại sao mỗi học sinh khác nhau đạt kết quả khác nhau. Rõ ràng, khác nhau về phương pháp tạo ra sự khác nhau trong kết quả.

Có đến 90% học sinh sinh viên trả lời rằng họ bắt đầu học thật sự vào khoảng từ một đến ba tháng trước kỳ thi. Và thường trong quá trình học, họ chỉ thực hiện từ một đến năm bước sau đây tùy mỗi người.

Ví dụ: Một số học sinh học với chỉ…

1. Hai bước. Họ xem qua sách và các ghi chú (bước 1) rồi đi thi (bước 2). Những học sinh này luôn nằm ở ranh giới giữa đậu và trượt. Hoặc là họ thi trượt hoặc là họ đậu ở ngưỡng thấp nhất.

2. Ba bước. Họ xem qua sách và các ghi chú (bước 1), cố gắng nhớ bài (bước 2) rồi đi thi (bước 3). Những học sinh này thường đạt kết quả trung bình.

3. Bốn bước. Họ xem qua sách và các ghi chú (bước 1), cố gắng nhớ bài (bước 2), làm bài tập thực hành (bước 3) rồi đi thi (bước 4). Những học sinh này thường đạt kết quả khá hoặc thỉnh thoảng giỏi.

Vậy làm thế nào để đảm bảo một kết quả xuất sắc? Trên thực tế, các “siêu sao” thực hiện tổng cộng chín bước học để luôn giành được kết quả cao nhất trong mỗi kỳ thi. Thêm vào đó, họ bắt đầu học thật sự từ ngày đầu tiên khai giảng chứ không phải đợi đến một hoặc ba tháng trước kỳ thi. Đúng thế! Bắt đầu học từ ngày đầu tiên khai giảng.

QUÁ TRÌNH HỌC THÀNH CÔNG CÓ CHÍN BƯỚC BẮT ĐẦU TỪ NGÀY ĐẦU TIÊN KHAI GIẢNG.

Vâng, bạn có tin không, để thành công, bạn phải học từ ngày đầu tiên khai giảng khóa học, và bạn phải thông thạo chín bước của phương pháp học hiệu quả. Chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu sâu từng bước.

BƯỚC 1: XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU RÕ RÀNG

Nhiều học sinh nghĩ rằng bước đầu tiên phải là nghe giảng, đọc sách và ghi chú. Không phải vậy, việc đầu tiên mà bạn phải làm là xác định cụ thể bạn muốn đạt kết quả như thế nào trong khóa học này. Ví dụ: bạn muốn đạt bao nhiêu điểm 10?

Xác định mục tiêu rất quan trọng vì nó quyết định phương pháp học của bạn và do đó, quyết định kết quả học của bạn. Nếu bạn xác định mục tiêu đạt loại xuất sắc trong môn toán, bạn có học với quyết tâm khác hẳn với khi bạn chỉ muốn đạt loại trung bình không? Dĩ nhiên là khác hẳn! Một khi bạn đã quyết tâm đạt thành tích xuất sắc, não bộ của bạn nhận thức rằng nó không thể phạm một sai lầm nhỏ nào. Việc này có khả năng khiến bạn học kỹ từng chi tiết trong môn học. Kết quả là bạn có thể đạt điểm 10 hoặc nếu không, bạn cũng sẽ đạt điểm chín là thấp nhất.

Tuy nhiên, nếu bạn xác định mục tiêu chỉ đạt loại trung bình, não bộ của bạn biết rằng, nó được phép để mất phân nửa số điểm. Việc này có khả năng khiến bạn không bận tâm học tất cả mọi chi tiết và bỏ qua những phần mà bạn không hiểu rõ hoặc không thích học. Cuối cùng, bạn dễ dàng bỏ qua phân nửa kiến thức trong môn học. Hậu quả là bạn sẽ chỉ đạt kết quả dưới trung bình, hoặc thậm chí có thể trượt.

Tệ hơn cả là nếu bạn không xác định mục tiêu nào, não bộ của bạn sẽ tự động xác định một mục tiêu thảnh thơi nhất – đó chính là số điểm tối thiểu mà bạn cần có để vượt qua kỳ thi. Điều đó dễ dàng dẫn đến việc bạn thi trượt. Thật kinh khủng làm sao!

Bạn sẽ được học thêm về vấn đề này ở Chương 12: Dám Mơ Ước.

BƯỚC 2: LÊN KẾ HOẠCH CỤ THỂ VÀ SẮP XẾP THỜI GIAN

Bạn sẽ không bao giờ đạt được những mục tiêu to lớn mà bạn đề ra nếu không biết cách lên kế hoạch cụ thể và sắp xếp thời gian hợp lý.

Trong Chương 15: Thời Gian Là Tiền Bạc, bạn sẽ được học cách lên kế hoạch hoàn hảo để đạt mục tiêu và phương pháp quản lý thời gian hiệu quả nhất.

BƯỚC 3: HÀNH ĐỘNG KIÊN ĐỊNH

Ai cũng có thể xác định được những mục tiêu to lớn và đề ra những kế hoạch hoàn hảo. Tuy nhiên, chỉ có những học sinh thật sự hành động kiên định từng ngày mới đạt được kết quả xuất sắc. Đó chính là khả năng kiên trì đọc sách, ghi chú và ôn bài mỗi ngày.

Hầu hết các học sinh thường cảm thấy lười biếng hoặc muốn trì hoãn việc học. Thật đáng tiếc nếu bạn là một trong những học sinh này. Nếu bạn cứ tiếp tục như vậy, kỳ thi sẽ đến trước khi bạn kịp nhận ra là đã quá muộn.

Bạn sẽ được học cách làm thế nào để có thể luôn hành động kiên định và hiệu quả trong Chương 13: Động Lực Mạnh Mẽ – Vượt Qua Sự Lười Biếng, Chương 14: Công Thức Để Đạt Điểm Tuyệt Đối và Chương 16: Tạo Quyết Tâm Mạnh Mẽ Tức Thì.

Bốn bước tiếp theo là những bước áp dụng các Phương Pháp Học Siêu Đẳng mà bạn sẽ được tìm hiểu kỹ hơn trong Phần II.

BƯỚC 4: PHƯƠNG PHÁP ĐỌC ĐỂ NẮM BẮT THÔNG TIN

Phương Pháp Học Siêu Đẳng đầu tiên là bạn phải biết cách đọc sách và tài liệu một cách hiệu quả. Xin lưu ý rằng: không phải từ nào trong sách cũng quan trọng và cũng chứa đựng thông tin mà bạn thật sự cần học. Bạn phải biết cách lọc ra những từ cung cấp thông tin chính (còn gọi là “từ khóa”). Bạn sẽ được học về phương pháp này ở Chương 6: Phương Pháp Đọc Để Nắm Bắt Thông Tin.

BƯỚC 5: SƠ ĐỒ TƯ DUY (MIND MAPPING®)

Sau khi nắm bắt thông tin từ các từ khóa, bạn phải biết cách ghi chú bằng Sơ Đồ Tư Duy. Sơ đồ này sẽ giúp bạn sắp xếp lại thông tin nhanh chóng và tận dụng sức mạnh phi thường của não bộ mà bạn chưa từng được khám phá. Chương 7: Sơ Đồ Tư Duy (Mind Mapping®): Công Cụ Ghi Chú Tối Ưu sẽ nói rõ hơn về vấn đề này.

BƯỚC 6: TRÍ NHỚ SIÊU ĐẲNG

Phương Pháp Học Siêu Đẳng tiếp theo là sử dụng kỹ năng Trí Nhớ Siêu Đẳng để tiếp thu thông tin dễ dàng. Hiện nay, nhiều hệ thống giáo dục đang chuyển dần sang việc học chú trọng vào tư duy và phân tích hơn là đơn thuần học thuộc lòng. Tuy nhiên, cũng xin nhấn mạnh rằng bạn chỉ có thể phân tích vấn đề tốt khi bạn tiếp thu và nhớ được những thông tin cốt lõi. Bạn sẽ được học các kỹ thuật ghi nhớ ở Chương 8, 9 và 10.

BƯỚC 7: NGHỆ THUẬT ỨNG DỤNG LÝ THUYẾT VÀO THỰC HÀNH

Nếu bạn thuộc nằm lòng các bài học nhưng lại không biết cách áp dụng kiến thức để trả lời câu hỏi trong kỳ thi, bạn cũng không thể nào đạt được điểm 10. Ở Chương 11, chúng ta sẽ cùng khám phá các phương pháp áp dụng kiến thức được học, cũng như những kỹ năng phân tích và giải quyết câu hỏi.

BƯỚC 8: TĂNG TỐC CHO KỲ THI

Bước tiếp theo của phương pháp Học Siêu Đẳng là biết cách chuẩn bị cho kỳ thi. Bạn nên bắt đầu học tăng tốc vào khoảng hai tháng trước kỳ thi. Bước này sẽ được khám phá ở Chương 17: Tăng Tốc Về Đích.

BƯỚC 9: ĐI THI

Đi thi là bước cuối cùng nhưng quan trọng nhất. Xin nhấn mạnh rằng: thi cử là một trò chơi đặc biệt. Trong Chương 18: Chiến Thắng Và Vinh Quang, bạn sẽ được tìm hiểu về những bí quyết để đảm bảo thắng lợi trong trò này và đạt được vinh quang sau tất cả những nỗ lực.

(Trích đoạn và tổng hợp lại từ sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!) tgm.vn