1. Giá trị của tình thương yêu
Ðôi
điều tâm sự của tôi đồng thời cũng là đôi điều học tập được, sau gần cả
một cuộc đời hướng tới đạo Phật và những thông điệp của Ngài, chứa đựng
những chân giá trị sống động, mà bất cứ người nào dù xưa hay nay, ở
phương Ðông hay phương Tây cũng đều mơ ước có được cho mình.
Điều
quý báu thứ nhất mà tôi học tập được từ đạo Phật là con người phải cố
gắng sống tốt, sống thiện lành, với tình thương yêu chân thật và rộng
lớn đối với mọi người, mọi vật. Nếu mình sống tốt, thiện lành với mọi
người, thì một cách tụ nhiên, mọi người cũng sẽ sống tốt và thiện lành
đối với mình. Ðó là quy luật nhân quả, một quy luật rất công bằng. Ai
cũng có thể hiểu điều này, cảm nhận điều này trong cuộc sống hàng ngày.
Ðó là một sự cảm nhận rất tự nhiên, và cũng vì rất tự nhiên cho nên là
đúng đắn, không sai. Mình làm điều lành, thì tự nhiên tâm cảm thấy vui,
một niềm vui rất thật mà trong sách gọi là phúc lạc, tức là niềm vui do
phúc đức đem lại.
Trái
lại, nếu làm một việc không thiện lành, có những lời nói và ý nghĩ
không thiện lành, thì một cách tự nhiên, chúng ta cảm nhận trong tâm bứt
rứt, khổ não không yên. Sự cảm nhận này cũng chân thật như khi ta cảm
nhận vui trong tâm sau một việc làm thiện lành vậy, hay là sau một lời
nói hay một ý nghĩ thiện lành.
Nếu
chúng ta sống tỉnh giác, biết lắng nghe tiếng nói của nội tâm phê phán
chúng ta qua cảm thọ, thì trong cuộc sống, chúng ta sẽ có cơ hội tạo ra
thêm bao nhiêu điều thiện lành, trong cả ý nghĩ, lời nói và việc làm, và
cũng như vậy chúng ta sẽ tránh được bao nhiêu điều ác, vừa hại cho bản
thân, vừa lại cho xã hội.
Tôi
tin rằng, cội nguồn của mọi hành động, lời nói và ý nghĩ thiện lành
chính là tình thương yêu bao la, rộng rãi đối với mọi người, mọi vật.
Tình thương đó vốn có sẵn trong chúng ta, nó càng rộng rãi bao nhiêu,
thì tính vị kỷ cũng sẽ giảm bớt tương đương bấy nhiêu. Mà tính vị kỷ
thói hư tật xấu làm gì, nói gì , nghĩ gì cũng vì cái Ta, chính đó thực
sự là cội nguồn của mọi bất hạnh và đau khổ, mọi xung đột và chiến
tranh, mâu thuẫn, hiện đang gây bao tang tóc, bao nước mắt và máu ở
những nơi như Palestine, Israel, Afghanistan, Paskistan...
Chúng
ta đối trị tính vị kỷ không phải trên bình diện lý thuyết mà bằng tình
thương rộng rãi, bao la mà sách Phật thường gọi là lòng từ, lòng bi...
Chính tình thương đó, trong sự thực thi hàng ngày của nó, là phương
thuốc đối trị có hiệu quả nhất đối với cái Ta vị kỷ. Trong bài viết này,
tôi không dùng hai khái niệm và từ ngữ quen thuộc là lòng từ, lòng bi
mà chỉ dùng hai chữ tình thương, bởi lẽ tất cả mọi người dù là Phật tử
hay không đều có sẵn tình thương đó, là điều quý báu nhất của con người,
trong cả một đời.
Chúng
ta hiểu tình thương là thái độ nhạy cảm và đồng cảm giữa con người và
con người, giữa con người và tất cả những gì mà con người tiếp cận. Tình
thương là thái độ gần gũi, dịu dàng, không hại lẫn nhau mà làm tốt cho
nhau trong phạm vi khả năng của mỗi bên. Biết sống với tình thương đó là
biết sống hạnh phúc, biết sống có ý nghĩa. Còn nếu không có tình thương
đó, hay đúng hơn, tuy vốn có tình thương đó nhưng lại để cho nó mai
một, héo tàn, thì anh có sống cũng như chết rồi!
Ðạo
Phật rất coi trọng lòng từ và lòng bi cũng vì lẽ đó. Bồ tát Quán Thế Âm
sở dĩ được trọng vọng và sùng bái khắp nơi ở Ðông Á, đặc biệt là ở nước
ta, chính vì Ngài là biểu trưng sống động của lòng từ bi lớn. Chính
lòng từ bi là cội rễ của tâm Bồ đề, tức là cái tâm qiác ngộ
(bodhicitta). Vì vậy mà khi kết thúc cuộc đối thoại với nhà khoa học vật
lý thiên văn người Mỹ gốc Việt là Trịnh Xuân Thuận và thầy Matthieu
Ricard đã dẫn chứng rất đúng chỗ, bài thơ của Thiền sư Tây Tạng
Khabbar:
“Ai có lòng bi thì người đó nắm bắt được mọi giáo lý
Ai không có lòng bi thì không nắm bắt được bất cứ giáo lý nào...”
(Xem
“L’univers dans la paume de la main” [Vũ trụ trong lòng bàn tay], trang
423–chuyển dẫn từ bản dịch của Huyền Chân, nguyệt san Giác Ngộ số 72,
tr.29).
Chúng
ta cũng nên chiêm nghiệm lời tuyên bố sâu sắc và đầy ý nghĩa của ngài
Ðạt Lai Lạt Ma XIV: “Trái tim tôi là ngôi chùa của tôi. Tình thương là
triết lý của tôi, tôi không cần một triết lý phức tạp nào khác...” (The
Tibetan book of living and dying–Cuốn sách Tây Tạng về sự sống và sự
chết, tr.95)
Bấy
nhiêu dẫn chứng cũng đủ để chúng ta thấy rõ, đạo Phật coi trọng tình
thương bao la, rộng rãi đó như thế nào, tình thương mà sách Phật gọi là
lòng từ, lòng bi, một tình thương tuôn ra từ lòng người một cách tự
nhiên, tỏa sáng khắp mọi người, mọi vật mà nó đụng chạm đến. Nếu tất cả
Phật tử chúng ta, là Tăng hay tục, nam hay nữ, tất cả đều cảm nhận phải
sống bằng tình thương như vậy mới là sống hạnh phúc và có ý nghĩa, hàng
nghìn, vạn, triệu Phật tử chúng ta đều đối đãi với nhau như vậy và đối
đãi với mọi người, mọi vật cũng như vậy thì xã hội chúng ta sẽ tốt đẹp
lên bao nhiêu. Bởi lẽ, một khi đã có sẵn tình thương đó ở trong lòng,
thì một cách tự nhiên, mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm của chúng ta, trên
mọi cương vị, mọi hoàn cảnh, cũng sẽ đều thấm nhuần mọi tình thương đó.
Thí dụ. bác sĩ chữa bệnh và săn sóc bệnh nhân không phải chỉ với thuốc
men và kiến thức y học mà còn với tình thương đó; thầy dạy học trò, cũng
dạy với tình thương đó trong khi chuyển giao kiến thức; nhà báo viết
báo cũng viết với tình thương đó; tất cả mọi cán bộ, công tác trong mọi
cơ quan hành chánh sự nghiệp hay sản xuất cũng công tác với tình thương
đó trong khi tiếp cận mọi người dân...
Hãy
ví dụ tình thương đó như một ngọn nến. Hàng nghìn, vạn, triệu người có
tình thương đó khác nào như ngàn, vạn, triệu ngọn nến cháy rực, sẽ làm
xã hội ta trong sáng, đẩy lùi và dập tắt mọi tội ác và tệ nạn xã hội.
Gandhi
nói: hai chỗ nương tụa của mọi nền văn minh đích thực và bền vững là
chân lý và tình thương (satya và ahimsa) (chuyển dẫn từ “The concept of
man”, Prefatory remarks–Radhakrisnan, tr.12).
Nhưng
chân lý, dù là chân lý tương đối cũng không dễ nắm bắt. Phải học tập,
biết tư duy và thực nghiệm để đạt được một chân lý tương đối. Nhưng tình
thương thì tuôn chảy tự nhiên từ lòng người, thí dụ như từ lòng người
mẹ cho con bú, và tình thương đáp lại của đứa bé...
Còn
đối với đạo Phật, thì tình thương hay lòng từ, lòng bi là suối nguồn
của tâm Bồ đề. Tình thương là cứu tinh của nhân loại hiện nay, trong khi
tại các điểm nóng trên thế giới người ta đang đáp lại điều ác bằng
những điều ác hơn, đáp lại bạo lực bằng bạo lực kinh khủng hơn! Còn đạo
Phật thì nói:
“Với hận diệt hận thù
Đời này không có được
Không hận diệt hận thù
Là đinh luật ngàn thu”
(Kệ 5 - Kinh Pháp Cú)
Câu thứ ba trong bài Pháp Cú trên có thể đổi lại không sai: Tình thương diệt hận thù.
Cũng như lấy điều thiện diệt điều ác, lấy tình thương diệt bạo lực vậy.
Các
bạn đọc có thể nói là tôi đang nói trong mơ, Vâng, có lẽ đúng là giấc
mơ trong súng đạn và bom nổ tứ tung, nhưng đó là giấc mơ đẹp mà loài
người–trước hết là những quốc gia giàu mạnh nhất hiện nay–phải cố gắng
ra sức thực hiện cho kỳ được, nếu không thì vòng xoáy bạo lực và thù hận
sẽ dẫn hành tinh và Ioài người ở trên đó đến bờ vực thẳm của diệt vong.
Tôi biết suy nghĩ này không phù hợp với nhiều người. Thế nhưng, những
điều mà nhiều người làm, tự cho là rất thực tế nếu đối chiếu với hiệu
quả mà nói, thì những điều gọi là thực tế đó họ làm cũng chỉ là giấc mơ
mà thôi. Bởi vì, làm sao mà lấy lửa dập tắt được lửa, lấy hận thù dập
tắt được hận thù, lấy bạo lực dập tắt được bạo lực? Ðó là điều không
thể. Ðiều không thể mà cứ làm thì phải chăng mình đang mộng mị?
Khi
người mẹ cho con bú, bấy giờ hiện hữu một tình thương giao hòa giữa mẹ
và con thật tự nhiên, đậm đà và sâu sắc. Nhiệm vụ của mọi người trong
gia đình là trân trọng giữ gìn tình thương đó, tình thương mẹ-con mà
trong bài kinh Từ Bi, Ðức Phật đem ví với lòng từ của đạo Phật. Lòng từ
mà Phật thường mô tả là tỏa sáng, là trạng thái tinh thần đẹp nhất dưới
thế gian này.
Có
điều, các bà mẹ có khi không biết là chính tình thương đó, sau này sẽ
trở thành suối nguồn của đầu óc cởi mở, trí thông minh, trí tuệ. Cũng
như trong sách Phật, nói lòng từ, lòng bi là suối nguồn của tâm Bồ đề
tức là tâm giác ngộ.
Một
đặc sắc của tâm hồn người Việt là giàu tình thương. Có thể đây là hệ
quả tự nhiên của lịch sử một dân tộc, do vị trí địa lý đặc biệt mà phải
trải qua chiến tranh liên miên và thiên tai dồn dập. Và trong niềm đau
khổ chung, con người rất thương nhau. Bản thân tôi cảm nhận điều này
trong những năm tháng chiến tranh, cũng như trong những tháng vừa qua,
miền Trung và Tây Nam Bộ bị lụt lội trầm trọng kéo dài. Từ mọi miền của
đất nước, từng đoàn xe tới tấp chở vật phẩm cứu trợ đến các tỉnh bị lụt.
Cảnh các em học sinh vùa khóc vùa gói sách vở làm quà tặng gửi các bạn ở
những nơi chỉ là đồng nước mênh mông, không còn trường để đến học và
cũng không còn sách vở để viết!
Từ
tất cả những cảnh tượng đó toát ra một tình thương mênh mang, sâu lắng.
Và tôi nghĩ: Với tình thương đó, tương lai dân tộc Việt sẽ được đảm
bảo. Vì tình thương dẫn tới đoàn kết và thành công trong mọi sự nghiệp
của dân tộc Việt.
2. Thái độ của người học Phật
Học
Phật cũng như học bất cứ môn học nào khác, phải tìm thấy cho được niềm
vui ở trong đó, thì nhất định học Phật sẽ có kết quả. Tôi thấy có thể
nói khiêm tốn: Học Phật trước hết là để cho mỗi người học Phật đều trở
thành một người tốt, một người thiện, lương tâm không bao giờ bị bức
xúc, vì có điều suy nghĩ, lời nói và việc làm có hại cho người và xã
hội, học Phật trước hết là học làm một người có ích cho đời và đạo.
Mỗi
người như vậy sẽ có đời sống an vui, vì họ chỉ nghĩ, nói và làm những
chuyện phúc đức, lợi tha. Nhờ học Phật mà có được một đời sống an vui.
Cho nên học Phật chính là niềm vui, một niềm vui lớn. Có lẽ vì vậy cho
nên ông Khổng Tử nói “Tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất
như lạc chi giả” (Luận ngữ, chương “ủng giả”–đệ lục). Nghĩa là: Biết mà
học đạo không bằng học đạo mà thấy được niềm vui ở trong đó. Và người
thầy dạy giỏi không phải là ông thầy trao truyền cho học trò thật nhiều
kiến thức, mà là người thầy biết tạo ở nơi học sinh niềm vui thật sự
trong khi học. Muốn có niềm vui khi học tập, thì học tập phải có sáng
tạo. Nhưng nếu chỉ tiếp thu một cách thụ động thì không thể có sáng
tạo.
Muốn
học Phật có sáng tạo và có được niềm vui lớn, thì không được một chiều
đọc sách Phật, và thuộc lòng những điều ghi trong sách Phật, tuy rằng
việc ghi nhớ tốt sách Phật cũng là điều đáng khen ngợi rồi. Việc đọc và
học sách Phật chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết kiểm nghiệm những điều
ghi trong sách với cuộc sống, với diễn biến ở ngoài đời và ở trong thân
tâm chúng ta. Ðời sống là quyển sách, luôn trải rộng trước mắt. Thân tâm
chúng ta, luôn phản ứng trước những diễn biến của đời sống bên ngoài
cũng là một cuốn sách khác rất gần gũi đối với mỗi chúng ta. Muốn học
Phật có kết quả, chúng ta phải thường xuyên đọc và nghiền ngẫm sách Phật
(Kinh, Luật, Luận), “sách cuộc đời” và “sách thân tâm” của chúng ta.
Thí dụ đọc kinh Pháp Cú, trong phẩm Tâm, chúng ta biết vấn đề uốn nắn
tâm, điều phục tâm, phòng hộ tâm, an trú tâm là quan trọng đến dường
nào, bởi lẽ đến hai bài kệ 42 và 43 của phẩm Tâm, kinh Pháp Cú cảnh báo
rằng, tâm nghĩ bậy còn làm hại chúng ta hơn kẻ thù hại ta: tâm nghĩ tốt,
nghĩ thiện sẽ làm tốt cho ta hơn cả cha mẹ muốn làm điều tốt cho ta.
“Kẻ thù hại kẻ thù
Oan gia hại oan gia
Không bằng tâm hướng tà
Gây ác cho tự thân”
(Kệ 42)
“Điều mẹ cha, bà con
Không có thể làm được
Tâm hướng chánh làm được
Làm được tốt đẹp hơn”
(Kệ 43)
Ðọc
kinh Pháp Cú như vậy, chúng ta đã hiểu tâm nghĩ bất thiện, nghĩ bậy,
nghĩ tà tác hại đến chúng ta như thế nào, chúng ta hãy kiểm nghiệm xem,
chúng ta có thể hay không, suốt ngày, luôn luôn, bất cứ ở đâu, hay làm
gì điều tuyệt đối không bao giờ nghĩ bất thiện, nghĩ điều làm hại người,
hại vật. Trái lại, thường xuyên nghĩ thiện, nghĩ điều tốt lành đối với
mọi người, mọi vật.
Chúng
ta biết, trong các thuyết về đạo đức học ở phương Tây có thuyết của
Socrates cho rằng, chỉ cần giảng giải cho người biết rõ như thế nào là
thiện, là ác thì con người nhất định sẽ làm điều thiện, tránh điều ác.
Có thể nói, yêu cầu này của thuyết đạo đức học của Socrates, đạo Phật đã
đáp ứng một cách đầy đủ vớí thuyết 5 giới, 10 thiện: không làm 3 điều
ác về thân là giết hại, ăn trộm và tà dâm; không làm 4 điều ác về lời
nói là nói ác. nói dối, nói chia rẽ, nói lời vô nghĩa; không dung dưỡng 3
điều ác về ý là tham lam, sân hận và si mê.
Có
thể nói thuyết đạo đức của phật giáo đã phân biệt rạch ròi điều thiện
với điều ác. Kinh Pháp Cú còn khuyên chúng ta tránh điều ác, siêng làm
điều thiện ngay từ trong tâm của mình, ngay trong suy nghĩ. Vậy thì điều
mà chúng ta kiểm nghiệm đối với thân tâm mình, là có thể hay không, sau
khi được giảng về thuyết đạo đức của đạo Phật, thân tâm chúng ta luôn
luôn nghĩ thiện, nói thiện, làm thiện, luôn tránh nghĩ bất thiện, nói và
làm điều bất thiện. Có thể hay không thể? Và nếu không thể thì vì
sao?.
Ðó
là điều tất cả chúng ta phải kiểm nghiệm khi học Phật. Hãy xem trước
một việc bất thiện, không nên làm, thân tâm chúng ta sẽ phản ứng ra sao.
Và trước một việc thiện nên làm phản ứng như thế nào. Phải chăng chúng
ta sẽ không ngần ngại, không do dự làm việc thiện và tránh việc bất
thiện.
Tôi
biết rằng việc này không dễ. Trong Thiên Chúa có thuyết đạo đức cho
rằng, do con người phạm nguyên tội từ thời Adam, cho nên trong nhiều
trường hợp, chân tay không làm theo cái đầu, mà còn làm trái lại. “Mọi
người đều mâu thuẫn với bản thân vả cuối cùng với Thượng đế, bởi lẽ có
một quy luật của tay chân chống lại quy luật của tâm thức của nó” (Xem
“Christ vs Socrates” – Reinhold Niebuhr, chuyển dẫn từ cuốn “Towards
liberal education”, tr.773). Thuyết này của Thiên Chúa giáo được minh
họa bằng câu tâm sự của Pauline: “Điều thiện mà tôi muốn làm thì tôi
không làm. Điều ác mà tôi không muốn làm, thì tôi cứ làm”. Chúng ta cũng
có thể nhắc lại câu thời danh của Bertrand Russell xác định xu thế căn
bản của con người là lòng tham “quyền lực và danh vọng”.
Tôi
kể ra hết như vậy, để người học Phật được học thuyết đạo đức rạch ròi
thiện ác, chúng ta nỗ lực nghĩ điều thiện, nói và làm điều thỉện. Tránh
nói, làm điều ác, điều bất thiện. Còn về thuyết của Thiên Chúa giáo, nói
tay chân không vâng lời cái đầu, và về tâm sự bất lực của Pauline, thì
người học Phật suy nghĩ thế nào?
Tôi
nghĩ là đạo Phật đã có câu trả lời: Kinh Lăng Nghiêm nói tới tập khí
nan trừ, tức thói quen lâu ngày khó bỏ. Sách Phật cũng khuyến cáo Phật
tử phải sống như ngưòi chiến sĩ, và có một nỗ lực đạo đức không ngừng.
Nỗ lực đạo đức của người Phật tử có hai mặt: một mặt là tự mình phấn đấu
để trở thành người hoàn thiện, một mặt nữa là hết lòng giúp đỡ chúng
sinh, giúp đỡ người khác. Hai mặt đó bổ sung và hỗ trợ nhau. Cũng như
muốn tránh ác, thì làm thiện. Muốn làm thiện thì tránh ác. Làm thiện
tránh ác thì tâm ý mình sẽ trong sáng, tâm ý trong sáng giúp cho việc
làm thiện, tránh ác được dễ dàng. Cũng như hai chuyện hướng ngoại và
hướng nội của đạo Phật là bổ sung và hỗ trợ cho nhau chứ không mâu thuẫn
nhau. Nhiều người lầm, khi nghe nói đạo Phật hướng nội bèn vội cho đạo
Phật là ích kỷ, là bàng quán với đời. Họ không hiểu rằng, muốn giúp đỡ
người khác có hiệu quả thì nội tâm người giúp phải trong sáng, thiện
lành. Ðó là những điều chỉ cần qua kiểm nghiệm ở đời là thấy liền không
phải bàn cãi. Giúp người có năm bảy cách. Có thể giúp người mà làm hại
người. Thí dụ có những đạo sư tà giáo tổ chức cho hàng loạt đệ tử mình
tự tử tậr thể! Chuyện này đã từng xảy ra với giáo phái gọi là “Cổng
Thiêr đường” ở Thụy Sĩ và ở Mỹ.
Chính vì vậy mà đạo Phật khuyến cáo nỗ lực giúp đỡ chúng sinh phải đi đôi với nỗ lực hoàn thiện bản thân.
Ðể
giúp loại bỏ niệm ác (tức là tư tưởng ác), Phật nói là người có niệm ác
không khác gì nuôi kẻ thù trong nhà, nó làm hại mình còn hơn kẻ thù làm
hại mình. Trái lại người có niệm thiện, niệm lành thì niệm thiện, niệm
lành đó còn giúp đỡ mình hơn cha mẹ , bà con giúp đỡ mình nữa (Xem kinh
Pháp Cú, kệ 42, 43).
Ðối với người bị niệm ác ám ảnh, dày vò, sách Phật khuyên chúng ta dùng 5 biện pháp:
a) Dùng niệm thiện, đánh bật niệm ác, cũng như người thợ mộc thiện xảo dùng một niêm gỗ này đánh bật một niêm gỗ khác.
b) Xem niệm ác là một cái gì ghê tởm, như xác chó hay xác rắn, sao lại đem quàng vào cổ, mà trái lại phải vứt xa đi.
c) Ðối với niệm ác, cũng như đối với một vật xấu, chúng ta đừng nhìn nó nữa, mà nhìn sang nơi khác.
d) Hãm chậm dòng ý niệm lại, cũng như người đang chạy, chuyển sang đi bước một, đang đi thời đứng lại, rồi ngồi lại.
e) Cũng như người lực sĩ, mím chặt môi, dùng cả sức mình vứt niệm ác ra xa.
Năm
biện pháp trên, có trong kinh An Trú Tầm, thuộc kinh Trung Bộ, tôi chỉ
thuật lại ý đại khái, không dẫn nguyên văn. Nhưng qua lời thuật đại
khái, chúng ta cũng đủ thấy Ðức Phật cũng không nói sống đạo đức là
chuyện dễ dàng, không những phải cố gắng thường xuyên mà còn phải khéo
léo, thiện xảo nữa.
Riêng
về biện pháp thứ tư, tôi xin giải thích thêm một ít. Ðây là biện pháp
chủ động làm giảm tốc độ của dòng chảy tâm thức, của dòng ý niệm. Thí dụ
có người nghĩ tới thuốc lá, vội đi tìm ngay bao thuốc, rút thuốc ra
châm hút... Con người hành động như cái máy. Ở đây người học Phật nghiện
thuốc, cũng sẽ không làm thế. Vừa nghĩ tới thuốc lá, anh ta sẽ không
đứng dậy đi lấy bao thuốc, mà ngồi lại nghĩ tới ung thư phổi, bệnh lao,
nghĩ tới chuyện tốn tiền, vợ con la rầy... Nói tóm lại , tức là hãm
chuyện hút thuốc lá lại, rồi chuyển dòng ý nghĩ mình sang các chuyện như
ung thư phổi, bệnh lao phổi... Nhưng muốr làm được việc đó, thì đừng có
chạy theo dòng ý niệm hút thuốc lá như một cái máy, như một người không
biết suy nghĩ. Lợi ích của việc hãm chậm dòng chảy ý mệm là như vậy.
Niệm
ác, niệm bất chính có nhiều lắm, và còn phức tạp hơn nhiều niệm hút
thuốc lá. Nhà phân tâm học Freud nói đến sụ ám ảnh tình dục. B.Russell
nói đến tham vọng “quyền lực và danh vọng”, sách báo phương Tây nói
nhiều đến lòng ham muốn hưởng thụ vật chất, ý muốn tham nhũng của một số
người muốn “hy sinh đời bố, củng cố đời con”... Ðối với tất cả những ý
mệm ác, bất thiện có khả năng xảy ra như trên, chúng ta sẽ gắng áp dụng
một trong năm biện pháp Ðức Phật dạy trong kinh An Trú Tầm.
Là
người học Phật, thường xuyên được đọc sách Phật, chứa đựng những tư
tưởng đẹp, thiện, lành. Những tư tưởng đó, tiếp thu vào người, tạo ra
một chuyển biến nội tâm hướng thiện và hướng thượng. Chúng ta thường
xuyên gần gũi những người học Phật khác, sống theo năm giới, mười thiện
đều là những gương sáng thúc đẩy chúng ta tránh ác, làm thiện. Nhiều
người đều sống như vậy, thì chúng ta sẽ tạo ra cả một cộng nghiệp thiện
lành. thành cả một áp lực thúc đẩy xã hội hướng thiện và hướng thượng.
Tất
nhiên, không tránh khỏi có ngoại lệ. Nhưng người viết bài này nhân dịp
lễ Phật Ðản năm nay, rất tin ở sức mạnh bất khả kháng của điều thiện,
điều lành, tin ở sức mạnh của lòng thương, lòng từ, một sức mạnh tỏa
sáng một cách tự nhiên từ tấm lòng của mọi người Việt Nam trải qua nhiều
đau khổ, bất hạnh, nhưng suối nguồn tình thương đó không bao giờ cạn,
vẫn dồi dào thêm, sẽ làm dập tắt mọi hận thù và bất hạnh, đẩy lùi mọi tệ
nạn xã hội, khai mở những trang sử mới đẹp đẽ nhất cho thiên niên kỷ
mới này.