Thời
gian qua mau, mùa xuân sắp hết, mùa hạ lại trở về. Đó đây không khí
chuẩn bị Lễ Phật Đản đã thức tỉnh và thúc giục mọi người con Phật phải
làm gì để cúng dường Đức Phật trong ngày lễ trọng đại này. Chúng ta cảm
nhận thế nào về sự kiện to lớn và đầy ý nghĩa này?
Phải chăng Đức Phật có quyền lực bắt con người phải phục vụ theo ý
muốn của Ngài để tôn vinh Ngài?. Hay muốn thể hiện ảnh hưởng và sức
mạnh của mình đối với nhân loại trên hành tinh này?
Dĩ nhiên câu trả lời, đối với người phật tử chân chánh, là không phải
như thế. Ngay từ trong bản nguyện độ sanh cũng như trong kho tàng giáo
lý mà Đức Phật đã thuyết giảng, không hề có nội dung kinh điển nào Đức
Phật tự đề cao mình, hay bắt mọi người cùng đề cao Ngài. Đức Phật
không bao giờ xem mình là một giáo chủ đến để thống lãnh cuộc đời bằng
một số giáo điều, mà chỉ là một Sứ giả có sứ mạng đem thông điệp hoà
bình đến với cuộc đời, và hướng dẫn phương pháp thực hiện thông điệp
đó.
Bạn có nhận ra nội dung thông điệp đó không? Thông điệp có bị giới
hạn về không gian và thời gian không?. Thông điệp mà Đức Phật mang lại
có giống như một pháp lệnh trần gian không? - Câu trả lời dứt khoát là
không.
Là Phật tử được thấm nhuần giáo pháp của Phật, chúng ta cần phải có
cái nhìn chính xác, một đức tin thật sáng suốt về những gì liên quan
tới Đức Phật và giáo pháp của Ngài. Nếu không, các bạn chẳng bao giờ
gặp được Đức Phật thật tướng, mà chỉ là Đức Phật thần linh giả tướng do
con người tưởng tượng ra.
“Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” là tuyên ngôn bất
hủ thể hiện tính cốt lỗi của giáo pháp Phật Đà. Nếu các bạn hiểu Đức
phật như chính bản chất của Ngài đựơc chứa đựng trọn vẹn trong ý nghĩa “
Đạt đáo viên mãn giả”, nghĩa là một con người đã hoàn tất tiến trình
giác ngộ và hướng dẫn người khác cùng đạt đến giác ngộ. Đức Phật không
thủ đắc giác ngộ, và giác ngộ không phải là tài sản hương hỏa đặc ân
cho ai. Hễ là một chúng sanh, một con người là có sở hữu giác ngộ, chỉ
khác nhau ở mau hay chậm mà thôi.
Sự tôn vinh và lòng ngưỡng mộ Đức Phật chỉ là cách thể hiện niềm tin
và sự tôn kính trọn vẹn đối với Ngài. Người Phật tử cảm thấy hạnh phúc
và an ổn hoàn toàn mỗi khi lễ lạy Ngài. Ba mươi hai tướng tốt, tám
mươi vẻ đẹp báo thân, cùng với mười hiệu tôn xưng là kết quả tất yếu
của một quá trình lâu dài hoàn thiện thân tâm và hành bồ tát đạo lợi
lạc hữu tình. Phước Trí Nhị Nghiêm hay Lưỡng Túc Tôn cũng đều là sự tôn
xưng tán thán đối với một con người siêu việt về trí tuệ và đạo đức,
về tài năng và nhân cách như Đức Phật.
Trong kinh Kim Cang, Đức Phật xác định tính vô thủ đắc của giác ngộ
bằng câu nói cô đọng bình đẳng : “Tu nhất thiết thiện pháp tức đắc A
nậu đa la tam miệu tam bồ đề”. Vâng ! chỉ cần nổ lực phụng hành các
thiện pháp theo tinh thần Ba la mật, thì con đường giác ngộ được hiển
lộ một cách tối thượng. Nếu chúng ta không hành động theo con đường
thiện pháp thì sẽ bị lạc vào con đường thế trí, tức là vọng tưởng điên
đảo, tà kiến chấp thủ.
Từ trong Đại bi tâm, Đức Phật đã xuât hiện như một sứ giả, mang thông
điệp hoà bình đến với cuộc đời, phổ biến hướng dẫn chúng ta thực hiện
thông điệp hòa bình bằng tinh thần giác ngộ. Có hiểu biết đúng mới cảm
thông thật sự, có cảm thông thật sự mới có tha thứ, giúp đỡ yêu thương
sâu sắc. Hiểu biết, cảm thông, tha thứ, giúp đỡ, yêu thương là chất
liệu tạo nên hoà bình thật sự. Trong cuộc sống hiện tại, có một vấn nạn
về hoà bình như sau : “ Chúng tôi thật sự muốn có hoà bình, nhưng
chúng nó không muốn có hoà bình, chúng nó thường gây xung đột”.
Theo Đức Phật không có hoà bình của chúng tôi, của các anh, của chúng
nó, mà là hoà bình của tất cả chúng ta, của nhân loại, của cả hành
tinh này. Nhân danh hoà bình để gây chiến tranh, đó không phải là hoà
bình chân chính. Nơi này, nơi kia còn xung đột còn hận thù, còn chết
chóc là vì có một bộ phận của nhân loại chưa ý thức sự cần thiết và giá
trị của hoà bình, còn chạy theo tham vọng tranh chấp. Điều này có
nghĩa rằng nhân loại chưa ý thức đồng bộ về hoà bình, còn xem hoà bình
như một thứ hàng hóa có thể bị tranh giành phân chia. Cho tới khi nào
hiểu biết được đánh giá đúng mức như là một nhu cầu thiết thực trong
đời sống nhân loại, và yêu thương được xem là chất liệu đem lại hạnh
phúc cho mọi tâm hồn, thì hoà bình thật sự sẽ phổ biến và bền vững.
Bản chất của hoà bình là nối kết, là không phân biệt, không bị giới
hạn, nhưng con người đã làm cho hoà bình bị cắt xén, bị phân chịa bị
giới hạn, thậm chí còn không có hiệu quả - Đức Phật dạy ; “Cuộc sống
thế nào là do ý thức con người tác động vào”. Cho nên ý thức tốt thì
cuộc sống an lạc hạnh phúc. Ngược lại, ý thức xấu thì cuộc sống tối tăm
đau khổ. Nghiệp thức con người là chủ nhân của mọi hiện tượng xã hội.
Thật ảo tưởng về một xã hội hoà bình hạnh phúc văn minh trong khi chính
mỗi thành viên của cộng đồng nhân loại còn điên đảo vô minh, hận thù
tranh chấp, tham lam tha hóa, ích kỷ cục bộ. Cuộc sống thật sự văn minh
chỉ khi nào con người biết hướng thiện, biết xả bỏ, biết hy sinh và hoà
đồng. Còn tham lam là còn cục bộ, còn cục bộ là còn cố chấp, còn cố
chấp là còn lạc hậu, còn lạc hậu thì không thể nói tới văn minh văn
hóa.
Đức Phật ra đời là một dấu móc tâm linh quan trọng nhằm khai mở ánh
sáng giải thoát và phát huy khả năng giác ngộ trong mỗi con người để
vượt qua mọi khổ đau do vô minh chấp thủ. Nhờ thực hiện con đường giác
ngộ mà rất nhiều quốc gia, nhiều cộng đồng xã hội và cá nhân đã thật sự
có hoà bình an lạc.
Ngày nay tổ chức Văn Hóa Giáo Dục của Liên Hiệp Quốc, đã công nhận
Phật giáo là tôn giáo hoà bình, được xây dựng trên nền tảng Từ bi và
Trí tuệ, và đã chọn ngày Phật Đản hằng năm là ngày lễ hội Tôn giáo Hòa
Bình Thế giới. Như vậy trải qua suốt chiều dài lịch sử trên 2550 năm có
mặt trên hành tinh này, Phật giáo đã được thừa nhận là một Tôn giáo hoà
bình vì lý tưởng hòa bình an lạc mà Tôn giáo này đã cống hiến cho nhân
loại. Vậy là nhân loại đã chính thức thừa nhận, lương tri loài người
đã thừa nhận, nền văn minh Thế giới đã thừa nhận Đức Phật là một vĩ
nhân trên các vĩ nhân, một nhà cách mạng vượt không gian thời gian, một
nhà văn hoá tâm linh không lệ thuộc vào giáo điều, một con người siêu
việt về nhân cách và trí tuệ.
Đức Phật và giáo lý nhân bản của Ngài vì an lạc hạnh phúc cho mọi
chúng sanh sẽ mãi mãi còn giá trị và cần thiết cho một thế giới vốn
nhiều bất ổn, đói nghèo, thiên tai, tranh chấp hận thù. Chúng ta hy
vọng song song với sự phát triển về khoa học kỷ thuật, thì sự tiến bộ
về mặt văn hóa đạo đức tâm linh sẽ mãi mãi có vị trí quan trọng trong
việc xây dựng và bảo vệ hoà bình hạnh phúc lâu dài cho nhân loại.
Tóm lại, bức thông điệp mà Đức Phật đã trân trọng đem đến cho nhân
loại trên 2550 năm, chính là tinh thần giác ngộ, tinh thần yêu thương
chia xẻ biết tôn trọng sự sống và sự thật, cải thiện môi trường tâm
linh, góp phần làm trong sạch môi trường tự nhiên, nhằm xây dựng bảo vệ
một cuộc sống hoà bình an lạc, ở đó không còn cảnh người bóc lột
người, không hận thù chiến tranh xung đột chia rẽ, con người sống với
nhau bằng tình thương yêu chân thật, biết tôn trọng và bảo vệ lẫn nhau.
Cao cả hơn nữa là biết nhận chân và phát huy các giá trị văn hóa tâm
linh, nêu cao tinh thần bình đẳng tôn trọng an lạc hạnh phúc của mọi
người như của chính mình. Mỗi người trong chúng ta cần phải gieo hạt
giống từ bi vào mảnh đất nhân sinh để màu xanh hòa bình mãi mãi che mát
hành tinh đang rực nóng vì hận thù tranh chấp. Hãy bảo vệ hành tinh
này trước khi quá muộn.
Kính lạy Đấng Lưỡng Túc Tôn !
Nhân loại của chúng con đang thành kính hướng về Ngài với tất cả niềm
tôn kính và tri ân vô hạn. Ánh sáng chánh pháp của Ngài đã giúp chúng
con biết trở về đúng hướng, đã soi sáng tâm hồn chúng con trên những
nẻo đường tăm tối. Tình thương mà Ngài đã đánh thức trong chúng con
thật cần thiết để giữ yên cho thế giới khỏi biến thành biển lửa.
Máu của nhân loại đã đổ và vẫn còn tiếp tục đổ ra vì những nhân danh
không cần thiết. Tham vọng và hận thù vẫn còn tồn tại dưới nhiều dạng
thức. Bao nhiêu nền văn minh do con người xây dựng đã và đang bị con
người hủy diệt một cách vô lương tâm.
Đã đến lúc ánh sáng của ngọ đèn chánh pháp phải được vận dụng một
cách trân trọng để xua tan bóng đêm tà kiến đang bao phủ nhân loại.
Đã đến lúc tiếng chuông Từ bi phải được lắng nghe một cách tha thiết
để mọi trái tim cùng đập nhịp đập yêu thương xây dựng tình người.
Kính dâng lên Ngài trái tim của một chúng sanh đang tha thiết nguyện cầu cho một thế giới xanh màu hòa bình hạnh phúc./.
Thích Thiện Đạo (Trụ trì chùa Phi Lai, Biên Hòa)