Việt giải kinh sách Phật giáo - Nhu cầu thiết yếu của sự nghiệp trí tuệ
TS. Đoàn Ánh Loan
21/06/2012 06:43 (GMT+7)


1.  TÌNH  HÌNH  THỰC  HIỆN  PHƯƠNG TIỆN  HOẰNG  PHÁP:  KINH  SÁCH  PHẬT GIÁO

  Bậc Giác Ngộ cao quí nhất được thế gian tôn kính (Phật) đã truyền trao cho mọi loài những kiến thức siêu tuyệt (Pháp) thì người đi theo con đường của đấng Đại Giác cũng được xem là tôn quí (Tăng). Tăng sĩ không chỉ có giới đức tinh nghiêm, tri -hành-giải Phật pháp tròn đủ, giúp cho người thế gian giác ngộ lẽ thật của cuộc đời và phương pháp giải thoát, mà còn phải là người có trình độ thế học cần thiết để thực hiện việc giáo hóa. Nếu những hiểu biết về Phật học, thế học chưa đủ, cộng với thái độ xem nhẹ sự nghiệp hoằng hóa thì việc hướng dẫn Phật tử tại gia cũng bị hạn chế, thậm chí đưa đến sai lầm, đáng tiếc.

1.1. Phương tiện quan trọng bậc nhất để người xuất gia truyền bá Phật pháp chính là kinh sách. Chính vì thấy được vai trò quan trọng của loại phương t iện truyền bá Phật pháp này, mà có nhiều tác phẩm Phật học như kinh điển, giảng luận, dịch phẩm nghiêm túc, đạt chất lượng cao về nội dung và hình thức như Kinh tụng hằng ngày của Thích Nhật Từ, Nghi thức tụng niệm hằng ngày của Thích Thiện Thanh, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam (3 tập) của Lê Mạnh Thát, Nghi thức tụng niệm (dành cho hành giả tu chánh hạnh niệm Phật vãng sanh) của Thích Nguyên Chơn, Thiện ác nghiệp báo (Chư kinh yếu tập), Hương hoa vườn giáo pháp (Pháp uyển châu lâm của pháp sư Đạo Thế do Ban Dịch thuật Hán tạng Pháp Âm dịch sang tiếng Việt, Thích Nguyên Chơn chủ biên…, thậm chí có sách đạt được Kỷ lục Guiness Việt Nam như bộ Từ điển Phật học Huệ Quang, gồm 8 tập, do Thích Minh Cảnh chủ biên, Nxb. Tổng Hợp TP. HCM, năm 2004. Đó là tín hiệu đáng vui mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những bộ sách mà chất lượng cần phải xem lại. Hiện tượng không đồng nhất này có thể được hiểu là do thiếu tính hệ thống, nhất quán và định chế về tác phẩm của Phật giáo bao gồm ấn phẩm và tài liệu trên các website.

Về nội dung, do thiếu sự quan tâm đến đối tượng người đọc ở các phương diện như trình độ thế học, Phật học, là thành phần bình dân hay trí thức, là Phật tử hay không phải Phật tử, là tại gia hay xuất gia, nên một số sách hay bài viết thường có đề tài lặp lại, cách triển khai nội dung còn nghèo nàn, luận giải thiếu sự am tường sâu sắc.

Về hình thức, những sai sót thường thấy nhất ở các tác phẩm Phật giáo chính là lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, cú pháp, bố cục, trích dẫn thiếu xuất xứ, cách trình bày vấn đề thiếu tính logic. Xin nêu một vài dẫn chứng về lỗi ngữ pháp: “Niết Bàn có thể đạt được nhờ đạo lộ chân chính vì đã có các bậc Thánh đạt được nó nhờ dùng phương tiện Giới, Ðịnh, Tuệ. Do đó không thể bảo rằng Niết Bàn là không có gì cả, vì ta không thể h iểu được. Ðiều hiển nhiên là không phải ai cũng thấy được Niết Bàn mà nó chỉ có thể đạt được bởi các vị La Hán tức là những người đã đoạn tận tham, sân, si, đã cắt đứt mọi gốc rễ của tham ái (Thích Giải Thông, Đức Phật và hào quang chân lý , Phatgiaovietnam.net); “Pháp môn Lạy Phật không phải chỉ có các Phật tử thuộc truyền thống Tịnh Độ thực hành, nhưng phương pháp này cũng được các truyền thống khác tu tập ” (Pháp môn lạy Phật, vienchuyentu.net)…

Còn có trường hợp, sách được in, bìa đẹp, có tên tác giả hoặc dịch giả, nội dung khá tốt, kiến giải giáo lý sâu sắc, nhưng không qua nhà xuất bản, chỉ được chuyền tay lưu hành nội bộ, không nằm trên kệ của các nhà sách như một ấn phẩm nghiêm túc, công khai , người đọc “có duyên” được thưởng thức thật là ít ỏi (Nguyên Liên, Những mật ý trong cuộc đời đức Phật Thích - ca Mâu - ni, Sài Gòn, năm Canh Thìn, 2000, Thích Giác Thiện, Vô thường, ...)[1]. Đó cũng là điều đáng tiếc.

Đối với các dịch phẩm, tuy không nhiều, nhưng vẫn còn có tình trạng do dịch giả tham khảo, sử dụng những lớp từ cho đến nay không còn thông dụng, khiến người đọc, nhất là thế hệ trẻ khó nắm bắt. Chẳng hạn “Tam bảo được hình thành từ ngày đức Phật còn tại thế, và vẫn được truyền trì phát triển, tồn tại liên tục ở thế gian cho tới hiện nay và mãi mãi sau này, đó là nương vào đạo tại nhân hoằng, nương vào sự nghiệp tuyên dương chánh pháp của lịch đại Tổ Sư ” (Thích Đồng Bổn chủ biên, Danh tăng Việt Nam), “Thức thứ bảy đầy đủ câu sanh ngã chấp và p háp chấp, cùng   nhau   nhậm   vận   sanh   khởi ”   (Quảng   Minh,   Bát thức qui củ tụng trang chú , Phatgiaovietnam.net)...

Còn có dịch giả chưa phân biệt được Việt dịch và phiên âm Hán Việt, cho nên bìa sách có đề tên người Việt dịch, nhưng bên trong chỉ toàn là âm Hán Việt, chưa kể lỗi chính tả và cú pháp (Thích Chân Lý phiên dịch, Kinh Ngũ bách danh, Thành hội Phật giáo TP. HCM, 1997…).

Để một tác phẩm về Phật học ra đời sau khi dịch thuật hay biên soạn, có lẽ cần phải thông qua các khâu: Thẩm định, Giảo chính, Biên tu, Chuyết văn… Những vị tham gia vào các khâu này cần phải có trình độ Phật học, thế học đáng tin cậy. Trên thực tế, một số tác phẩm đã thực hiện nghiêm chỉnh các khâu này. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chưa được như thế, hoặc có nhưng chỉ mang tính hình thức, hoặc đã lược bớt . Chính vì vậy, chất lượng những ấn phẩm Phật học ấy về nội dung lẫn hình thức đều ít nhiều bị hạn chế.

Có thể nói, nội dung sách Phật giáo được quyết định bởi kiến thức xuất thế gian lẫn thế gian, còn hình thức lại thuộc về kiến thức thế gian. Dùng phương tiện thế gian (kiến thức chuyên môn, trình độ sử dụng tiếng Việt) để triển khai nhận định, lý giải Phật pháp là điều không thể chối bỏ. Thiếu một dấu câu, sai một dấu thanh, ý nghĩa lệch xa ngàn dặm, khiến người đọc có khả năng lạc lối. Ngôi quí báu thứ ba chẳng lẽ không cần có một phương tiện chuyển tải tương xứng với vị thế quan trọng của nó?

1.2. Hiện trạng thường thấy hơn cả là sự phổ cập kiến thức Phật học căn bản cho Phật tử tại gia chưa thật sự được chú ý.

1.2.1. Hiện nay, còn rất nhiều chùa thích tụng kinh âm Hán Việt. Điều này không có gì sai trái, nhưng đã hạn chế sự nhận biết ý nghĩa, ngôn từ trong kinh tụng. Phật tử không có vốn tiếng Hán cổ, chắc chắn không hiểu, không hiểu tức không thể thực hành đúng. Điều này không hoàn toàn hợp với mục đích của việc trì kinh mà Phật, Tổ, các vị cao đức đã dày công dạy dỗ! Phật tử lại không có thói quen tham khảo sự chỉ dạy của Tăng Ni để có kiến thức về nội dung bản kinh mà mình tụng hằng ngày. Tăng Ni cũng không thấy cần thiết phải giảng giải nội dung, lời lẽ trong kinh. Mục đích tụng niệm, vì thế chỉ dừng lại ở chỗ mong cầu phước báo hữu lậu mà thôi.

Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam cho đến thế kỷ XX, Tăng Ni, Phật tử đọc tụng kinh điển bằng chữ Hán. Khi chữ quốc ngữ thay thế vị trí c ủa chữ Hán, phong trào chấn hưng Phật giáo nổi lên, không thiếu những ý kiến xác đáng của các bậc cao đức kêu gọi Việt dịch tất cả những kinh tụng âm Hán Việt để “có thể lĩnh hội được hết những nghĩa lý sâu xa, huyền diệu chứa đựng trong đó”, để “giáo lý cao siêu của đức Phật có thể lan truyền rộng rãi trong khắp giới bình dân, một thành phần chiếm đại đa số trong các thời đại [2]. Nguyện vọng chính đáng và đúng đắn đó của những người hết lòng vì đạo pháp, vì dân tộc đã trở thành nỗi niềm bức xúc qua những l ời lẽ thiết tha mong có kinh điển bằng tiếng Việt cho người tu Phật Việt Nam: “… Nhân dân Việt Nam nói chung hay Phật tử nói riêng không nên đắm mình trong “hủ Nho nhập cảng” bị rỉ sét lâu đời từ thời Hán tộc xa xưa, thiếu dinh dưỡng để vun vén cây Bồ -đề Việt Nam. Nói cho dễ hiểu, Phật tử nên tụng kinh tiếng Việt để hiểu rõ nghĩa lý kinh mình đang tụng. Lấy lời dạy quí báu đó để sửa tâm tánh cho được thanh tịnh. Muốn hiểu rõ ý kinh, không ngôn ngữ nào hơn là tiếng mẹ đẻ, là tiếng Việt[3]. Tác giả còn nói thêm: “Đầu thế kỷ XX có ba tờ báo Phật giáo có giá trị ra đời “Đuốc Tuệ” ở Bắc, “Hải Triều Âm” ở Trung, “Từ Bi Tâm” ở Nam được viết bằng tiếng Việt. Trong đó có nhiều bài bình luận về giáo lý của Phật, thơ đạo, một số đoạn kinh được dịch từ Hán văn, cách diễn dịch, miêu tả hay chấm phết theo tinh thần Tây phương, người đọc cảm thấy thoải mái và dễ hiểu. Đây là khúc quanh lớn trong văn học Phật giáo Việt Nam ”. Tác giả cũng lấy làm tiếc khi các kinh tụng đã được dịch sang tiếng Việt chỉ được sử dụng trong một vài Phật học đường hay những chùa ở tỉnh thành, còn các chùa ở miền quê hay thuộc các tông phái khác đều có nghi thức tụng niệm riêng, đều bằng tiếng Hán Việt. Ý kiến này cho đến nay vẫn còn xác đáng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy lý do phổ biến lý giải tại sao các chùa vẫn tụng kinh âm Hán Việt là vì: Thứ nhất, Tăng Ni theo truyền thống, thói quen của thầy tổ, ngại không dám thay đổi. Thứ hai, Tăng Ni biết chữ Hán cho rằng lời kinh âm Hán Việt ngắn gọn mà bao hàm nghĩa lý sâu xa, huyền diệu, “ý vượt ra lời”, khi đọc lên, trong lòng có cảm xúc. Thứ ba, một số người cho rằng, tụng kinh âm Hán Việt mới giữ nguyên âm ngữ của Phật dạy, mới có sự cảm ứng.

Ngoài lý do thứ ba, thì suy nghĩ thứ nhất và thứ hai chẳng sai, nhưng không thực sự mang lại lợi ích hiểu biết, giác ngộ và thực hành Phật pháp cho các hàng Phật tử, không giúp ích cho người ngoại đạo hoặc các nhà nghiên cứu khi họ tìm hiểu về giáo lý phổ biến và sâu xa của đạo Phật. Lý do thứ ba thể hiện sự thiên chấp và sai lầm không nên có. Nếu muốn đọc tụng đúng âm ngữ của kinh Phật, thì nên đọc âm Pali hoặc Sankrit, bởi kinh bằng chữ Hán cũng đã được chuyển ngữ rồi.

Thử làm bài so sánh một số đơn cử về lời kinh âm Hán Việt và tiếng Việt:

 

HÁN VIỆT

TIẾNG VIỆT

Bỉ  Phật  quốc  độ  vi phong xuy động chư bảo hàng thọ cập bảo la võng, xuất vi diệu âm, thí như bá thiên chủng nhạc đồng thời câu tác, văn thị âm giả, tự nhiên giai sanh niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm (A-di-đà kinh)

Ở nước Phật ấy mỗi khi có gió nhẹ thổi đến, các hàng cây và các màn lưới châu báu lay động, phát những âm thanh tuyệt diệu, giống như trăm ngàn nhạc khi cùng lúc trỗi lên. Chúng sanh nước ấy mỗi khi nghe các âm thanh kia, thì đều niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng.[4]

Trí  tuệ  hoằng thâm  đại  biện tài. Đoan cư ba thượng tuyệt trần ai. Tường quang thước phá thiên sinh bệnh. Cam lộ năng khuynh vạn kiếp tai. Thúy liễu phát khai kim thế giới. Hồng liên dũng xuất ngọc lâu đài. Ngã kim khể thủ phần hương tán. Nguyện hướng nhân gian ứng hiện lai. (Quán Thế Âm ngũ bách danh kinh[5])

 

Trí tuệ bừng lên đóa biện tài. Đứng yên trên sóng sạch trần ai. Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh.  Hào  quang  quét  sạch buổi  nguy tai. Liễu biếc phất bày muôn thế giới. Sen hồng nở  hé  vạn  lâu  đài.  Cúi  đầu  ca  ngợi  dâng hương  thỉnh.  Xin  nguyện  từ  bi  ứng  hiện ngay.[6]

 

 

  Rõ ràng lời kinh Việt dễ hiểu, dễ cảm hơn rất nhiều so với âm Hán Việt.

Còn có biết bao lời Việt trong sáng, đẹp đẽ, đầy sức biểu cảm, gợi tả, khi đọc lên trong lòng không khỏi xúc động bồi hồi:

Ơn cha nghĩa mẹ mười phần phải tin

Điều thứ nhất giữ gìn thai giáo

Mười tháng trường châu đáo mọi bề

Thứ hai, sinh sản gớm ghê

Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần

Điều thứ ba, thâm ân nuôi dưỡng

Cực đến đâu bền vững chẳng lay

Thứ tư, ăn đắng nuốt cay

Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con

Điều thứ năm, lại còn khi ngủ

Ướt mẹ nằm, khô ráo phần con

Thứ sáu, sú nước nhai cơm

Miễn con no ấm chẳng nhờm, chẳng ghê

Điều thứ bảy, không chê ô uế

Giặt đồ dơ của trẻ không phiền

Thứ tám, chẳng nỡ chia riêng

Nếu con đi vắng, cha phiền, mẹ lo

Điều thứ chín, miễn cho con sướng

Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam

Tính sao có lợi thì làm

Chẳng màng tội lỗi bị giam, bị cầm

Điều thứ mười, chẳng ham trau chuốt

Dành cho con các cuộc thanh nhàn

Thương con như ngọc như vàng

Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng Thái sơn.

(Phật nói kinh Báo hiếu phụ mẫu)

Trong Pháp uyển châu lâm, pháp sư Đạo Thế (đời Đường) có viết: “Mong người tu hành trong đêm dài thanh vắng, dưới ánh trăng sáng, một mình lắng tâm, ngâm tụng kinh điển, âm giọng bổng trầm, văn tự rõ ràng, lời hay ý đẹp, âm điệu hài hòa, phù hợp lòng người, giúp sinh tâm thiện, lại cũng đủ khiến cho u linh phấn khởi, tinh thần an ổn. Nếu tụng tập làu thông, thấu suốt văn nghĩa, thiết tha chí thành đọc tụng thì sẽ thầm cảm”[7]. Lời Việt sáng trong, uyển chuyển, giàu sức gợi cảm, gợi hình, dễ hiểu, nếu được người ngâm tụng thi ết tha, thấu suốt văn nghĩa, chắc chắn sẽ động lòng người, hễ cảm tất có ứng. Còn nếu không được như thế, thì ít nữa, người đọc cũng có thể thấu hiểu nội dung. Với những lý do trên, Việt dịch kinh sách Phật giáo thật cần thiết biết bao! Điều này dẫn đến một yêu cầu thiết thực khác trong sự nghiệp trí tuệ của Phật giáo Việt Nam: giảng giải các nghi thức lễ bái cho hàng Phật tử tại gia.

1.2.2. Sự cần thiết để có được kiến thức căn bản về các nghi thức, nghi lễ hằng ngày.

Trong Phật giáo, tất cả những phương diện giới luật, hành trì tu tập định-huệ với các nghi thức hành lễ, tụng niệm hằng ngày, thọ Bát quan trai giới, tu Phật thất… tham gia công việc từ thiện xã hội, các sinh hoạt Phật pháp khác…, đối với người tại gia, tựu trung đều để đi đến mục đích giác ngộ, giải thoát. Lâu nay các chùa chiền tự viện thường xuyên tổ chức những ngày tu tập cho hàng Phật tử thành định khóa, đó là điều cần thiết và đáng mừng. Trong các khóa tu, Phật tử thực hiện nhiều nghi thức: công phu khua, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, cúng ngọ, quá đường, Mông sơn thí thực, phóng sanh v.v… Không ít người tham gia liên tục nhiều năm liền, siêng năng tinh tấn, nhưng mấy ai thực sự hiểu được rõ ràng ý nghĩa của những nghi thức mà mình thường xuyên tham gia hành trì đó là thế nào. Đây là điều đáng tiếc. Nhiều câu hỏi thiết thực được đặt ra cần được giải đáp như:

- Tại sao hầu hết các hình tượng đức Phật đều nhìn xuống?

- Danh từ “tam thế” và “tam thánh” khác nhau thế nào?

- Tại sao phải thờ bảy tượng Phật Dược Sư mà không phải là sáu, tám hay hơn nữa?

- Tại sao trong nghi thức Cúng ngọ, phần Cúng dường, có danh hiệu “Giám Trai sứ giả bồ - tát” và “Thập điện Minh vương bồ-tát” trong quyển kinh này, có khi lại không có ở quyển khác. Hai vị bồ-tát này là ai?

- Trong nghi thức thí thực cô hồn, có chú Tam-muội da giới, nghĩa là gì?

- Tại sao trong nghi thức chẩn tế có dàn nhạc cổ và vị chủ đàn phải xướng hát âm điệu giống như nghệ thuật hát bội? v.v… và v.v…

Nếu được trang bị những kiến thức căn bản về ý nghĩa, cách thức thực hành các nghi thức và nội dung kinh tụng hằng ngày nói trên, chắc chắn bản thân họ đã thấy thú vị, mà niềm tin Phật pháp và việc hành trì càng thêm chắc thật. Bởi, có gì hơn niềm vui trí tuệ được bừng soi, niềm vui được nếm vị giải thoát qua lời dạy của đấng Toàn Giác? Chính vì thế, nhu cầu được giải thích và giảng dạy rõ ràng những nghi thức hành trì hằng ngày cho mọi người là điều không thể bỏ qua, không thể không quan tâm.

Thật hiếm hoi khi có những tác phẩm giải thích tường tận ý nghĩa của các việc tu tập qua những nghi thức thường ngày. Trong Nhị khóa hiệp giải do HT. Thích Khánh Anh, cố Thượng thủ Giáo hội Tăng-già toàn quốc, Pháp chủ Giáo hội Tăng-già Nam Việt chuyển dịch từ công trình cùng tên của pháp sư Quán Nguyệt (Trung Hoa)[8]. Công trình này giải thích ý, lời, các thuật ngữ Phật học trong các nghi thức công phu sớm và chiều. Ngoài ra, sách còn có phụ chú rất hữu ích với năm bức biểu đồ thế giới, cảnh giới, chú thích, dẫn giải khá đầy đủ các loại kinh sách cần thiết, giúp người đọc nhiều kiến thức căn bản về các thời kinh. Tuy nhiên, công trình này có được tận dụng thường xuyên và lâu dài để giảng dạy cho người tại gia lâu nay hay không? Có thể nói, quyển Kinh tụng hằng ngày của Thích Nhật Từ (xuất bản năm 2004) là một công trình tập hợp, biên soạn đáng chú ý vì đậm nét Phật học và khoa học, nguồn tài liệu tham khảo phong phú. Tác phẩm này là tuyển tập các bài kinh căn bản trong kho tàng kinh điển hệ Tiểu thừa và Đại thừa, được chuyển dịch từ tiếng Pali và tiếng Hán, là sự kết hợp của ba pháp môn Tịnh, Mật và Thiền tông. Tác phẩm được sắp xếp theo bố cục khá hoàn chỉnh, mạch lạc và khoa học với phần Mở đầu (lời giới thiệu, lời tựa, ý nghĩa của việc tụng kinh, hướng dẫn hành trì), phần Nghi thức dẫn nhập, phần Chánh kinh với 49 kinh Tiểu và Đại thừa, phần Sám nguyện và hồ i hướng. Ngoài ra, sách còn có năm Phụ lục: 1. Tóm tắt nội dung của 49 kinh. 2. Chú thích các thuật ngữ và danh từ riêng. 3. Về một bộ kinh Thánh Phật giáo. 4. Các ngày lễ trong hai truyền thống Phật giáo. 5. Các ngày ăn chay.

Đây là một công trình được gia công cẩn thận, nhiều công phu, mà đối tượng độc giả được phục vụ bao gồm rộng rãi từ giới trí thức đến bình dân, từ xuất gia đến tại gia, sơ cơ hay lâu năm, Phật tử lẫn không phải Phật tử… đều có thể nhận được lợi ích. Có lẽ, điều đáng chú ý hơn cả của công trình này là hoài bão có được bộ kinh Thánh Phật giáo thống nhất không chỉ cho người tu Phật Việt Nam mà còn mở rộng ra cho người Phật tử nước ngoài. Những ý kiến xác đáng này của tác giả được đặt ra sau cùng như một kết luận để ngõ, mong chờ sự thống nhất, xuyên suốt, nối kết những người con Phật trên trái đất cùng thiết thực thực hiện mục đích cao cả: giác ngộ và giải thoát.

Chưa có tác phẩm nào chuyên dùng cho việc tụng niệm hằng ngày được biên soạn, tập hợp đầy đủ và cẩn thận như thế cho đến nay. Vì thế, khi xuất bản, sách được giới tu sĩ, Phật tử nhiệt liệt hoan nghênh tiếp nhận. Chắc chắn qua công trình này, sự hiểu biết căn bản của hàng Phật tử ít nhiều được mở mang, giúp họ nắm rõ ý nghĩa nội dung bài kinh, các thuật ngữ Phật học, mục đích và phương pháp hành trì của mình. Những bộ sách hữu ích như thế cần được tái bản nhiều lần, đến tay người đọc, được sử dụng đúng cách, lợi ích trí giải sẽ càng cao.

Tuy nhiên, những kiến giải ấy không nên chỉ dừng lại ở phạm vi sách vở, mà còn nên được các Tăng Ni truyền trao trực tiếp. Việc làm này không phải là to tát, không đòi hỏi trình độ thế học, Phật học cao, Tăng Ni cũng không cần phải ra công học tập, nghiên cứu nhiều năm mới làm được. Người thực hiện chỉ cần tham khảo cẩn thận những công trình của các bậc tiền bối đã có sẵn, rồi giảng giải các nghi thức trì tụng hằng ngày cho Phật tử. Việc làm này nếu có thể được thực hiện thường khóa, hàng tu sĩ các chùa không chỉ thực hiện được sự nghiệp tuệ giải tự lợi mà còn lợi tha một cách thiết thực nhất. Làm được như vậy là trách nhiệm của hàng xuất gia, không chỉ lợi ích cho sự nghiệp Phật học mà còn là học Phật của bản thân và chúng sanh các giới.

2. GIẢI PHÁP

Mục đích duy nhất và cuối cùng của con đường học Phật, tu Phật chính là thoát khỏi sinh tử. Trên đường đi tới điểm đích ấy, nền tảng chủ yếu hướng dẫn người tu Phật xuất gia lẫn tại gia không bị lạc lối được xem là sự nghiệp trí tuệ. Vì tính chất quan yếu và to lớn của nó, nên việc khai mở trí tuệ trở thành phương châm và mục tiêu giáo dục của Phật giáo. Để có trí tuệ Phật, người tu Phật cần thiết lập đời sống đạo đức, tuân thủ những cấm giới Phật chế định và qua phương pháp chuyển hóa nội tâm để trí huệ rạng khai, thoát vòng sinh tử. Nhưng người tu Phật cũng là một hiện hữu chịu ảnh hưởng và chi phối của đời sống thế gian, nội tại của việc xuất thế không ra ngoài thế gian. Vì vậy, người tu Phật học tập, hành trì để có trí tuệ Phật, đồng thời phải trang bị trí tuệ thế gian để nhập thế một cách tốt nhất. Hai loại kiến thức này đều là những điều kiện cần và đủ để thực hành tự giác, giác tha. Lực lượng triển khai sự nghiệp cao cả này sau khi Phật Thích - ca vào niết - bàn chính là ngôi quí báu thứ ba: Tăng chúng.

Qua những điều trình bày trên, chúng tôi thấy lực lượng tăng chúng cần được trang bị song song kiến thức Phật học và thế học cần thiết, thực hiện công việc tự học, giảng giải Phật pháp từ căn bản đến cao cấp cho Phật tử bằng phương tiện kinh sách và đối thoại trực tiếp. Có một số ít chùa ngoài thời khóa tu tập, còn lập ra định khóa giảng giải, học tập, t hảo luận những tài liệu kinh luật luận được chọn lọc để thực hành tri giải Phật pháp. Tuy nhiên, việc làm này chỉ dừng lại ở một số tự viện, chùa chiền riêng lẻ. Nếu mô hình này được nhân rộng và trở thành qui định thường khóa bắt buộc, chắc chắn sự lợi ích hoằng khai tuệ Phật sẽ lớn lao hơn rất nhiều. Muốn làm được điều này thật tốt, cần phải có phương pháp và sự hỗ trợ thiết thực của những tập thể, cá nhân hữu trách. Dưới đây là những đề nghị có tính cách gợi ý giúp giải quyết những hiện trạng đã nói trên:

- Chuẩn hóa, định chế những công trình biên soạn, dịch thuật kinh sách, sao cho kinh sách ấy không chỉ là sách Phật học nghiêm túc mà còn là những công trình khoa học mang giá trị thiết thực cho mọi người, kể cả giới nghiên cứu triết học tư tưởng và giáo dục đạo đức. Chẳng hạn, cần có những qui định thống nhất về phương thức viết hoa các danh từ Phật học, phiên âm những từ tiếng Phạn, qui cách về ngữ pháp, cú pháp, cách ghi các tiêu đề, xuất xứ, qui cách về phụ lục, mục lục… (có thể tham khảo tài liệu chi tiết về Qui cách phiên dịch Đại tạng kinh của Ban Phiên dịch Hán tạng Pháp Âm do TT. Thích Nguyên Chơn chủ biên).

-  Khuyến khích, hỗ trợ thành lập những dịch trường và hội đồng thẩm định, hiệu đính nghiêm túc.

- Khuyến khích và xuất bản những công trình nghiên cứu, dịch thuật, biên soạn có giá trị cao, kể cả những ấn phẩm lưu hành nội bộ có chất lượng.

- Trang bị kiến thức cần thiết cho những người có trách nhiệm chuyên môn về biên tập, xuất bản, lưu trữ, phát hành.

- Viện Nghiên cứu Phật học, Ban Hoằng pháp trung ương và Ban Nghi lễ trung ương kết hợp thành lập một Hội đồng biên soạn bộ Nghi thức tụng niệm hàng ngày thuần Việt, hoặc chọn lọc những bản kinh tụng có chất lượng cao về nội dung và hình thức đã xuất bản, với đầy đủ các nghi thức, và thống nhất sử dụng trong các chùa trên toàn quốc (có thể chia làm hai phần cho Thiền tông và Tịnh Độ).

- Cung cấp tài liệu tham khảo, giáo trình Phật học căn bản về nghi thức các kinh tụng hằng ngày, đồng thời yêu cầu Tăng Ni các chùa lập định khóa giảng giải ý nghĩa và phương pháp thực hành các nghi thức ấy. Việc làm định khóa này cần được xem là trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh của Tăng Ni, có sự kiểm tra, giám sát nghiêm túc.

Ở góc độ Việt giải kinh sách Phật giáo (qua các phương tiện giảng giải, dịch thuật kinh luận, việc trì tụng, sử dụng kinh sách tiếng Việt và giảng giải ý nghĩa, mục đích, phương pháp những nghi thức tụng niệm hằng ngày), chúng tôi hy vọng bài viết này ít nhiều đóng góp cho Giáo hội Phật Việt Nam, nhất là Ban Giáo dục Tăng Ni những ý kiến thi ết thực cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo trong sự nghiệp Trí tuệ cao cả, giác ngộ, giải thoát, xứng đáng với vị thế ba ngôi Phật Pháp Tăng quí báu.

 

TS. ĐOÀN ÁNH LOAN

Trường ĐH. Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. HT. Thích Khánh Anh Việt dịch, Nhị khóa hiệp giải, Thành hội Phật giáo TP.HCM, 1995.

2. Thích Minh Cảnh chủ biên, Từ điển Phật học Huệ Quang , Nxb. Tổng Hợp TP.HCM, 2004.

3. Thích Nguyên Chơn chủ biên, Hương hoa vườn giáo pháp , Nxb. Tổng Hợp TP.HCM, 2011.

4. Thích Nguyên Chơn, Nghi thức tụng niệm (dành cho hành giả tu chánh hạnh niệm Phật vãng sanh), Nxb. Tôn Giáo, 2008.

5. Chùa Viên Giác biên soạn, Thiền môn nhựt tụng, Nxb. Tôn Giáo, 2008.

6. Pháp sư Đạo Thế, Thiện ác nghiệp báo (Chư kinh yếu tập), Ban Dịch thuật Hán tạng Pháp Âm phiên dịch, Nxb. Phương Đông, 2009.

7. Thích Minh Huệ, Kinh Hồng danh tam thiên Phật, Nxb. Tôn Giáo, 2002.

8. Nguyên Liên, Những mật ý trong cuộc đời đức Phật Thích - ca Mâu - ni, Sài Gòn, năm Canh Thìn, 2000.

9. Thích Chân Lý phiên dịch, Kinh Ngũ bách danh, Thành hội Phật giáo TP. HCM, 1997.

10. Thích Thiện Thanh, Nghi thức tụng niệm hằng ngày , Nxb. Tôn Giáo, 2008 (tái bản lần 2).

11. Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, NxB. TP. Hồ Chí Minh, 2002.

12. Thích Nhật Từ, Kinh tụng hằng ngày, Nxb. Tôn Giáo, 2004.

13. hoavouu.com

14. Phatgiaovietnam.net

15. vienchuyentu.net

 

 


[1] Khi trích dẫn những tác phẩm này, tôi vừa biết Những mật ý trong cuộc đời đức Phật Thích -ca Mâu-ni đã đƣợc Nxb Văn hóa ấn hành.

[2] Thích Nhật Từ, Kinh tụng hằng ngày, Nxb. Tôn Giáo, 2004.

[3] Thích Thiện Thanh, Nghi thức tụng niệm hằng ngày, Nxb. Tôn Giáo, 2008 (tái bản lần 2).

[4] Thích Nguyên Chơn, Nghi thức tụng niệm (dành cho hành giả tu chánh hạnh niệm Phật vãng sanh) , Nxb. Tôn Giáo, 2008.

[5] Việt  dịch: Thích Chân Lý, Kinh Ngũ bách danh , Thành hội Phật giáo TP. HCM, 1997.

[6] Bản dịch này từ mạng internet, không đề tên dịch giả.

[7] Thích Nguyên Chơn chủ biên, Hƣơng hoa vƣờn giáo pháp , Nxb. Tổng Hợp TP.HCM,  2011.

[8] HT. Thích Khá nh Anh Vi ệt dị ch, Nhị khóa hiệp giải, Thà nh hội Phậ t gi á o TP.HCM, 1995.

Các tin đã đăng: