Từ
khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, chúng ta thấy rõ là bất cứ khi nào
truyền thống dân tộc nép mình để đi trong dòng sinh mệnh của đạo Phật
thì lúc ấy, đất nước được an bình và tinh thần người Việt Nam chúng ta
được thăng hoa. Sử liệu cụ thể đã chứng minh rõ vào thời đại nhà Lý, nhà
Trần, các vị vua sáng suốt, các vị bề tôi tài trí đã biết đưa dân tộc
mình nương vào dòng chảy thênh thang của đạo Phật – lúc ấy, dòng Thiền
Pháp Vân (đời Lý), dòng Thiền Trúc Lâm (đời Trần) đang tìm được mảnh đất
tươi tốt ươm mầm – để từng bước đem sức sống bao dung, hiểu biết hòa
quyện cùng mạch nguồn dân tộc, khiến cho đất nước trở mình, khẳng định
sự tồn tại đầy tính nhân văn và khai phóng. Những cống hiến về mặt văn
học, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc... trong thời kỳ này đã chứng tỏ
một điều, là khi nào đạo Phật thổi vào nguồn mạch tâm linh của dân tộc
Việt Nam thì liền làm cho dân tộc thăng hoa từ nhiều phương diện.
Nên
dân tộc cần phải đồng hành cùng với đạo Phật. Dân tộc có chịu đi trong
mạch nguồn vi diệu của đạo Phật thì mới mong làm cho sức sống của đất
nước ngày càng vươn cao.
Sở
dĩ đạo Phật có được lực tác động vi diệu đó là do một trong những yếu
tính trong giáo lý đức Phật đã để lại cho chúng sinh là mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống. Vì thế, chúng ta hãy chiêm nghiệm thật kỹ điều này.
Mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống có đủ cả hai yếu tố bi và trí. Mở rộng lòng thương là bi, tôn trọng sự sống là trí. Thực hiện trọn vẹn hai yếu tố này là đạt được sự lý viên dung, bi trí song vận. Chúng ta hãy nhớ, một đời đức Phật hành đạo cũng chỉ để thực hiện tính viên dung này. Khi nhìn đức Phật trên phương diện con người lịch sử,
chúng ta thấy con người ấy là một nhà giáo dục siêu tuyệt. Những gì
Ngài để lại cho hậu thế, về mặt tư tưởng, mãi cho đến nay, vẫn chưa có
một đánh giá, nhận định nào tiếp cận thật chính xác được những điều tinh
tuý nhất. Về mặt văn học, Tam tạng kinh điển gần như là một kho tàng đồ
sộ mà các nhà nghiên cứu từng tuyên bố, dù có trải qua nhiều kiếp sống
cũng khó thâm nhập hết được. Giáo pháp chúng ta được thừa hưởng ngày nay
mang trọn vẹn sắc thái giáo dục từ bản nguyện của Ngài. Cho nên thế
gian mãi mãi cần đến đạo Phật. Hễ con người còn khổ đau là còn cần đến
đạo Phật. Như lời tán thán:
Phước lạc thay là sự xuất hiện của chư Phật.
Phước lạc thay là sự diễn thuyết của chánh pháp.
Phước lạc thay là sự hòa hiệp của Tăng-già.
Phước lạc thay là sự cần tu của đại chúng.[1]
Nhân
loại chúng ta may mắn thay, ngay từ thuở bình minh, đã có sẵn yếu tính
giáo dục này trong huyết quản của mình. Ngày nay, khi nền văn minh công
nghệ tiến bộ, những giá trị đạo đức tâm linh càng bị thử thách và xói
mòn, thì yếu tính giáo dục trong Phật giáo chúng ta càng được đặt ra một
cách bức thiết hơn. Trách nhiệm đặt trên vai hàng cư sĩ chúng ta càng
nặng nề hơn, tư duy phải càng sâu thẳm, sắc bén hơn. Chúng ta cũng là
một thành viên trong bốn chúng của Tăng-già. Phước lạc đem lại cho nhân
gian đang chờ trông vào sự hy sinh, siêng năng hành trì tu tập của chúng
ta.
Sự
hành đạo và sống đạo của người Phật tử chúng ta đang đối diện ngày hôm
nay là lúc đang ‘bị nhiễu sóng’ bởi thời đại ‘lắm chuyện’. Điều này đức
Phật đã dự báo trước cho chúng ta qua Kinh A-di-đà bằng ý niệm Ngũ trược.[2]
Tiến trình toàn cầu hóa của nhân loại ngày nay cho chúng ta thấy ý niệm
tương tức mà đức Phật đã thể nhập và chỉ dạy cho chúng ta là một trong
những giáo lý chủ đạo, đề cập giữa vật thể–sự kiện mà chúng ta quán sát
được trong hiện tượng tự nhiên ngày nay, như là một minh họa cho chân lý
mà ngài đã chứng ngộ. Sự ô nhiễm của khói bụi công nghiệp, quan hệ phát
triển kinh tế giữa các quốc gia, chưa kể đến những mối quan hệ phức tạp
giữa cá nhân.
Ngày
nay, chúng ta còn đối diện với vấn đề chưa được báo trước như dịch bệnh
và thiên tai. Chúng ta có tâm nguyện dựa vào giáo lý đức Phật đã chỉ
dạy để nhờ đó nhận ra nhị nguyên tính, nhận chân cho rõ duy ngã luận để
hóa giải hết những vấn nạn này trong thế song hành với chiều hướng phát
triển khoa học công nghệ càng lúc càng vươn đến đỉnh cao.
Và chúng ta cũng được nghe lời phát nguyện của A-nan qua Kinh Thủ-lăng-nghiêm:
Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập...
Ngài
A-nan đã phát nguyện, đã thực hành, và nhờ đó, chính ngài đã vượt qua
thời đại Ngũ trược đầy nhiễu sóng này. Ngài đã vượt qua bằng chất liệu
của tinh thần mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống.
THÍCH NHUẬN CHÂU
Tịnh thất Từ Nghiêm, Đại Tòng Lâm
[1] Skt.: buddhānāṃ sukkha utpādaḥ sukhā dharmasya deśanā/ sukhā saṅghasya sāmagrī samagrāṇāṃ tapaḥ sukham//
(Pāli): sukho buddhānam uppādo, sukhā saddhammadesanā, sukhā saṅghassa sāmaggī, samaggānaṃ tapo sukho. Pháp cú, 194
[2] S: pañca kaṣāyāḥ; e: five defilements. Năm biểu hiện suy thoái:
1. Kiếp trược:
kỷ nguyên suy thoái tức kiếp giảm. Thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh,
khủng bố, v.v.....đang đe doạ, rút ngắn đời sống con người.
2. Kiến trược: Cái thấy ngắn hạn. Đảo lộn mọi giá trị tâm linh, dẫn đến tà kiến. Các giáo phái hoành hành.
3. Phiền não trược: Đạo đức suy giảm, không còn được tôn trọng. Con người ngày càng bất an, mất niềm tin và phương hướng sống.
4. Chúng sinh trược: Quan hệ cộng đồng nhân sinh ngày càng xem nhẹ. Nhân phẩm bị xói mòn và bị xem thường.
5. Mạng trược: Mạng sống con người giảm dần. Những căn bệnh hiểm nghèo chưa tìm ra thuốc chữa.