Ðức Phật Thích Ca đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni thuộc xứ Ca Tỳ La Vệ,
được gọi là Thái tử Tất Ðạt Ða (hay Sĩ Ðạt Tha), con của đức vua Tịnh
Phạn và Hoàng hậu Ma Gia. Ngài lớn lên trong hoàng cung, vâng lệnh
song thân lập gia đình với Công chúa Gia Du Ðà La, và hạ sanh Thái tử
La Hầu La.
Trong các chuyến xuất cung du ngoạn ngoại thành, Ngài chứng kiến các cảnh: sanh, lão, bệnh, tử
trong nhân gian. Từ đó, Ngài luôn luôn trầm tư mặc tưởng, muốn tìm
phương tự độ và cứu giúp chúng sanh thoát khỏi cảnh trầm luân sanh tử,
cho nên Ngài lìa bỏ hoàng cung, lên đường tìm đạo giải thoát. Sau 6 năm
tu khổ hạnh ở chốn rừng già, và 49 ngày đêm ngồi thiền định dưới cội
cây bồ đề, tâm trí thanh tịnh, Ngài hoát nhiên giác ngộ, thành Phật,
thành bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác, vào năm Ngài được 35 tuổi.
Sau đó, Ngài đi khắp nơi thuyết pháp, đem chân lý giác ngộ giải
thoát giảng dạy cho mọi người trong 45 năm ròng rã, và Ngài thị tịch,
nhập niết bàn, năm 80 tuổi tại khu rừng ta la song thọ.
Toàn bộ lịch sử của Ðức Phật Thích Ca từ ngày đản sanh, đến thành đạo
và nhập niết bàn, cũng như toàn bộ giáo lý của Phật giáo, không phân
biệt tông phái, nêu lên những điểm quan trọng như sau:
*1) Mọi người trên thế gian đều có thể trở thành một vị Phật, một
bậc sáng suốt giác ngộ, không phân biệt dân tộc, nam nữ, xuất xứ, đẳng
cấp, trẻ già, thời đại, đã có gia đình hay chưa, nếu người đó biết phát
tâm tìm hiểu và tu tập theo đúng Chánh pháp, theo đúng bản đồ tu học.
Do đó, có hằng hà sa số các vị Phật, từ quá khứ, đến hiện tại và vị
lai, chứ không phải chỉ có một vị Phật duy nhất làm giáo chủ là Ðức
Phật Thích Ca, còn tất cả các loài chúng sanh khác đều phải thờ lạy
theo tinh thần van xin, cầu khẩn một cách tiêu cực. Đây chính là ưu điểm nổi bậc của giáo lý đạo Phật vậy.
*2) Ðức Phật không phải là vị thần linh hay thượng đế tưởng tượng
chuyên ban phước ra ơn hay giáng họa trừng phạt. Cho nên những ai cúng
kiến, tin tưởng, thờ lạy Ðức Phật theo tinh thần van xin, cầu khẩn một
cách tiêu cực, dù ở chùa hay ở nhà, đều không đạt được những ước muốn
như ý. Bởi vậy, cúng kiến nhiều thì buồn phiền nhiều, tin tưởng nhiều
thì thất vọng nhiều, xin xỏ nhiều đau khổ nhiều. Trái lại, những người
sống đúng theo tinh thần những lời dạy của Ðức Phật, dù tại gia hay
xuất gia, dù có thờ lạy Ðức Phật hay không, cũng đều được an lạc và
hạnh phúc hiện thời, giác ngộ và giải thoát mai sau. Đây chính là điểm chí công vô tư của giáo lý đạo Phật vậy.
*3) Từ trước thời Ðức Phật xuất hiện trên thế gian này, cuộc đời vẫn
thường đầy dẫy những sự đau khổ, bất trắc, đấu tranh, lừa đảo, chứ
không phải chỉ có thời hiện tại mà thôi. Do đó, giáo lý của đạo Phật
thường được ví như chiếc thuyền, gọi là thuyền bát nhã, tức là thuyền
từ bi trí tuệ, giúp đỡ con người vượt qua bể khổ, sông mê, lướt qua bát
phong của cuộc đời, đến bến bờ giác ngộ và giải thoát. Ðức Phật vẫn
sống ngay trên thế gian này, vẫn gặp bao nhiêu khổ nạn của cuộc đời,
nhưng tâm trí của Ngài vẫn an nhiên tự tại, không cần phải đợi đến lúc
về tây phương cực lạc hay thăng lên thiên đàng! Ðây chính là cốt tủy của đạo Phật vậy.
*4) Ðạo Phật là một tôn giáo, cho nên cũng có những hình thức cúng
kiến, lễ lạy, cầu nguyện, cốt để giúp đỡ những người đang đau khổ trên
thế gian này tìm đến với đạo, trong những bước ban đầu. Nếu như con
người, dù tại gia hay xuất gia, đến với đạo Phật nhưng chỉ biết những
hình thức cúng kiến, lễ lạy, cầu nguyện mà thôi, cứ đứng ở đó bao nhiêu
năm trời, cho rằng như vậy là đủ rồi, không chịu bước thêm bước nữa,
thì đau khổ vẫn hoàn khổ đau, có khác chi bao nhiêu người khác đâu?
Bước đó chính là: phát tâm học hỏi, tìm hiểu Chánh pháp, xem Ðức Phật
dạy những gì, để có thể áp dụng trong cuộc sống thực tế hằng ngày, đạt
an lạc và hạnh phúc, thêm nữa đạt được: giác ngộ và giải thoát. Ðây chính là chánh kiến và chánh tín của đạo Phật vậy.
*5) Các buổi lễ của Phật giáo, quan trọng nhất là Lễ Phật Ðản, đều
nhằm mục đích dẫn dắt con người đến với đạo, xoa dịu bớt những nỗi khổ
đau của cuộc đời. Và mục đích quan trọng hơn hết là: "Hãy bước vào cửa đạo", chứ không phải chỉ bước vào cửa chùa
rồi thôi, hay vẫn cứ đi lang thang, lòng vòng bên ngoài, bằng lòng với
các hình thức cúng kiến, lễ lạy, các buổi văn nghệ xổ số, các cuộc
hành hương thương mại, các cuộc vận động in sách cầu vãng sanh lưu xá
lợi, kêu gọi đóng góp tạo chùa to tượng lớn, mà không quan tâm việc tu
học, không lo việc tu tâm dưỡng tánh, không biết đến Chánh pháp là gì?
Bước vào cửa đạo nghĩa là: phải biết tu học theo lời
Ðức Phật dạy trong các kinh sách, để đạt giác ngộ và giải thoát, chứ
không phải là: không chịu học hỏi, chỉ biết tu mù, bảo sao làm vậy, nói
sao nghe vậy, người trước làm sao, người sau y vậy, chẳng hiểu ý
nghĩa, nhiều điều hết sức, mê tín dị đoan! Ðây chính là mục đích cứu cánh của đạo Phật vậy.
Một điều căn bản khác, chúng ta cần biết là: Phật lịch được tính kể
từ năm Ðức Phật nhập diệt, 544 năm trước dương lịch. Cho nên năm nay
dương lịch 2011, Phật lịch chính là 2555 (2011 + 544 = 2555). Tuổi thọ
của Ðức Phật là 80 tuổi, cho nên năm đức Phật đản sanh được cộng thêm
80 năm vào Phật lịch, tức là năm nay kỷ niệm Lễ Phật Đản lần thứ 2635.
Tóm lại, năm nay dương lịch là 2011, Phật lịch là 2555, Phật đản là 2635.
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Chủ-Nhiệm PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA