Sư phạm hoằng pháp: một số điểm bàn luận
Minh Thạnh
31/05/2012 13:12 (GMT+7)

Bởi vì, việc ít chú trọng đến những phương tiện hỗ trợ giảng dạy, mà trước hết là việc sử dụng bảng, là một vấn đề chung, trong rất nhiều trường hợp thuyết pháp, diễn giảng giáo lý Phật giáo.

 
Hơn nữa, nếu nói về một trường hợp cụ thể, mà chỉ căn cứ trên ảnh chụp và vài dòng chú thích, thì đương nhiên là không thực tế, không đủ cơ sở.
 
Bên cạnh đó, điều chúng tôi muốn là việc góp ý chung nhằm mục tiêu xây dựng, đối với một việc tương đối phổ biến. Thông qua một trường hợp cụ thể chỉ là điều đắc dĩ.
 
1)     Bảng
 
Mới đây, người viết bài này có được xem một số hình ảnh sinh viên một trường Phật học lớn thực tập diễn giảng. Giảng đường có một bảng lớn và một màn hình chiếu ảnh. Thế nhưng, cả 2 phương tiện trên đều không thấy các sinh viên thực tập diễn giảng sử dụng, cho dù buổi thực tập có liên quan đến môn sư phạm hoằng pháp. Mà trong hoạt động sư phạm, kỹ năng sử dụng bảng, trình bày bảng là hết sức quan trọng, có tính chất bắt buộc, là một trong những cơ sở để đánh giá hoạt động giảng dạy.
 
Khi giảng dạy bộ môn Phương pháp giảng dạy trong nhà trường sư phạm, yêu cầu được nhấn mạnh là dàn ý của bài giảng phải được thể hiện đầy đủ trên bảng, tương ứng với quá trình người giáo sinh trình bày nội dung bài giảng. Nội dung trình bày bảng phải là sự thể hiện cụ thể, khái quát nội dung bài giảng.
 
Trừ những trường hợp đặc biệt, thì sau khi tiết học hoàn tất, toàn bộ dàn ý bài học phải được thể hiện trên bảng đầy đủ, mạch lạc, diện tích bảng phải được sử dụng hết, hợp lý, cân đối.
 
Giáo sinh được lưu ý tránh việc “dư bảng”, “thiếu bảng” (phải xóa bớt một phần nội dung dàn ý đã được thể hiện). Giáo sinh cũng được lưu ý là chữ trình bày bảng phải đẹp, rõ ràng, kích thước hợp lý, ngay ngắn nội dung trình bày trên diện tích bảng được phân chia hợp lý, các đường gạch chân, đóng khung phải thẳng.
 
Giáo sinh môn toán còn được lưu ý khi vẽ hình phải dùng thước kẻ để bảo đảm các đường thẳng phải thật thẳng, phải dùng com-pa gắn phấn để vẽ các hình tròn, không được chỉ dùng dây.
 
Tôi thấy có lần, thầy giáo hướng dẫn toán cho điểm kém buổi giảng thực tập vì giáo sinh vẽ hình tròn bằng… giẻ lau bảng vải.
 
Từ đó, dẫn đến thói quen tốt, là một số thầy cô giáo, trong bất cứ hình thức trình bày nào, cũng yêu cầu phải có bảng. Vì sử dụng bảng, ngoài tác dụng làm người nghe nắm được nội dung trình bày một cách dễ dàng, chính xác, thuận tiện trong việc ghi chép, còn có tác dụng giúp người giảng bài bám sát bài giảng, không sa đà, lạc đề.
 
Nội dung trình bày trên bảng phản ánh việc phân bổ thời gian tiết học. Chẳng hạn, 50% thời gian đã sử dụng thường ứng với 50% diện tích bảng được trình bày cố định (trừ những trường hợp đặc biệt).
 
Rất tiếc, nghe nhiều các băng giảng giáo lý Phật giáo ghi âm tại chỗ, thì không nghe thấy những âm thanh thể hiện việc vị pháp sư sử dụng bảng, cả đối với những lớp học thường xuyên lẫn những buổi giảng không thường xuyên.
 
Khi tôi thường xuyên đi nghe giảng pháp tại chùa Ấn Quang (từ năm 1978 đến năm 1982), thì thấy quý thầy cũng không sử dụng bảng (cả trong những khóa giảng dành cho Tăng Ni), mà chỉ dùng bảng để viết minh họa một vài chữ Hán (dù giảng đường có 2 bảng 2 bên). Còn tại chùa Kỳ Viên thời gian sau đó, giảng sư không bao giờ dùng bảng, vì thuyết giảng bên trong chánh điện.
 
Tôi cho rằng, trong giảng dạy, liên hệ đến kỹ năng sư phạm, thì không thể không dùng bảng và đồng thời, lại càng phải chú trọng đến việc trình bày bảng sao cho “sư phạm”, khoa học. Không dùng bảng là điều thiếu sót, tất yếu làm giảm hiệu quả sư phạm.
 
2)     Slide (chiếu ảnh)
 
Slide trong sư phạm là một hoạt động trực quan hỗ trợ cho việc trình bày bảng, vừa có thể là một biến thể của trình bày bảng (không dùng bảng nữa).
 
Ở trường hợp là một biến thể của trình bày bảng, nội dung chiếu ảnh gồm cả việc nội dung phải trình bày trên bảng. Toàn bộ dàn ý bải giảng đã nằm trong series ảnh chiếu có quá trình phân bố thời gian chiếu phù hợp với tiến trình trình bày bài giảng.
 
Hiện nay, chiếu ảnh là hoạt động hầu như không thể thiếu trong các buổi thuyết trình. Nội dung trình chiếu còn được in sẵn thành tập trên giấy phân phát để cử tọa lưu giữ. Ngoài tác dụng làm cho người nghe thuyết trình nắm đầy đủ và chính xác nội dung thuyết trình, việc này còn có tác dụng khắc sâu nội dung đã thuyết trình ở người nghe, giúp người nghe ghi nhớ, dễ dàng tra cứu khi cần.
 
Vì vậy, tại những cơ sở giáo dục cao cấp, ngoài bảng đen, hiện nay, màn hình chiếu ảnh là một phương tiện không thể thiếu được.
 
Tại giảng đường các chùa, các trường hợp học viện Phật giáo, khi thuyết giảng Phật học, để nhằm các mục tiêu đã nói ở trên, người giảng sư nay có thể dễ dàng sử dụng phương tiện chiếu ảnh để hỗ trợ cho bài giảng cũng như thay thế cho việc sử dụng bảng.
 
Việc dùng chiếu ảnh thay thế trình bày bảng phấn có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, kỹ năng trình bày bảng đã là một kỹ năng kinh điển trong hoạt động sư phạm. Thao tác trình bày bảng có tác dụng hỗ trợ trong kỹ năng trình bày lời nói của người diễn giảng (thí dụ một thầy dạy toán vừa vẽ hình vừa giảng một bài toán hình học thì tác dụng tốt đối với việc trình bày bằng lời của thầy hơn là chiếu lên 1 hình vẽ sẵn).
 
3)     Vị trí của người thuyết trình
 
Nếu chỉ thuyết trình thuần túy, thì vị trí người thuyết trình là bục giảng và bên cạnh bảng.
 
Nhưng nếu có liên hệ đến kỹ năng sư phạm, thì người thầy giáo thỉnh thoảng phải đi xuống giữa các dãy bàn học, đến tận dãy cuối cùng, để:
 
-         Quan sát việc tiếp thu bài giảng trọn vẹn.
 
-         Lắng nghe câu trả lời, các câu hỏi nêu ra từ bài giảng ở mọi nơi trong phòng học.
 
-         Bao quát lớp học.
 
Trong môn phương pháp giảng dạy, hồi chúng tôi học (những năm 1980), thì việc người giảng bài chỉ ngồi một chỗ hay đứng yên ở một chỗ là một hạn chế.
 
Nay, trong hoạt động giáo dục Phật giáo đã có bộ môn “sư phạm hoằng pháp” thì chúng ta cần lưu ý đến vấn đề sư phạm này.
 
Tùy trường hợp, người giảng sư có thể phải di chuyển, thay đổi vị trí thuyết giảng để bao quát cử tọa, nắm sát tình hình cử tọa ở những vị trí xa bục giảng nhất, trực diện nêu câu hỏi và nghe trả lời của cử tọa ở cự ly ngắn như đối thoại.
 
Những điều được trình bày trên đây đều là những kỹ năng sư phạm đã có từ lâu, kể cả đèn chiếu (*), nhưng trong hoạt động giảng dạy Phật học chưa được ứng dụng đúng mức.
Nay, đã có khái niệm “sư phạm hoằng pháp”, thì Phật giáo chúng ta cần quan tâm hơn đến những vấn đề của khoa học sư phạm, ứng dụng, khai thác những ưu thế của nó phục vụ cho hoạt động hoằng pháp, sao cho kết quả đạt được của những buổi thuyết giảng là tối ưu.

MT (PTVN)
 
(*) Thí dụ, từ những năm 1970, tại Liên Xô đã sản xuất máy đèn chiếu giáo dục loại phổ thông, rẻ tiền dùng trong trường học. Máy dùng bóng đèn xe hơi, gồm cả điện nguồn 12v (từ accu, cho những vùng chưa có điện), phim dương bản có nội dung minh họa bài giảng được in thành cuộn nhỏ (với chi phí thấp, không phải từng tấm dùng với bộ phận thay phim, đắt tiền hơn).

Các tin đã đăng: