Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
là hai câu ca dao của miền Nam,
các bà mẹ thường hay đem hát ru con, người đồng ruộng, miệt vườn hầu
như ai cũng biết câu ca dao này. Hình ảnh trong hai câu ca dao chính là
nét tập quán, văn hóa của phương Nam
nhắc nhở cho người lúc nào cũng không quên công ơn cha mẹ. Ở thành phố
cuộc sống náo nhiệt, một số tập quán đẹp dần mất đi, trong khi đó các
miền quê vẫn còn. Phần tôi mẹ cha đã qua đời từ lâu, nhớ lại câu ca dao
nghe lòng mình có điều gì đó buồn hiu hiu. Kỷ niệm như sống lại. Quê nhà
kênh rạch dọc ngang vườn tược xanh mát, mỗi nhà có rất nhiều bàn thờ,
thờ Phật, thờ Cửu huyền thất tổ, thờ ông bà. Ngoài sân, còn có bàn thờ
ông thiên. Cứ mỗi buổi chiều tàn là có một người đứng ra thay nước cúng,
châm dầu đèn, thay bông. Bông điệp, bông trang là loại hoa nở quanh năm
nên lúc nào trên bàn thờ cũng có bông cúng, ba bốn ngày thay một lần.
Màn đêm buông xuống, trước khi đi ngủ, lần lượt từng người lớn nhỏ trong
nhà đứng ra cúng lạy, con cháu đứa nào quên chuyện này lập tức mẹ tôi
nhắc nhở ngay. Mà cúng lạy, cầu nguyện gì mỗi đêm như là thói quen… Bây
giờ tôi nhớ lại dân quê đâu có nguyện vọng gì cao xa, đó chỉ là những
lời cầu xin bình dị như xin cho trúng mùa lúa, mùa rẫy, xin cho con cháu
hiếu thảo, ngoan hiền. Lời cầu xin không biết có đến tai Trời, Phật, mà
có đến chẳng lẽ các vị chấp thuận hết, vậy là không có chuyện đời buồn,
chuyện giàu nghèo. Nhưng đặc biệt bên cạnh lời cầu xin còn có lời cám
ơn hiện tại những gì mình đang có. Thí dụ cám ơn Trời Phật cho đất nước
thái bình, gia đình đủ ăn, đủ mặc. Cám ơn Trời Phật đã cho mình sinh đàn
con ngoan. Về bọn trẻ con thì chúng tôi cầu nguyện gì. Nếu như người
lớn cầu cho con cái lớn lên hiếu thảo, bọn trẻ ngược lại cầu cho cha mẹ
mình được mạnh khỏe sống lâu. Những buổi tối thuở nhỏ ở nhà quê diễn ra
êm đềm, nhẹ nhàng, một bầu không khí thiêng liêng, ấm áp đi vào trong
giấc ngủ. Khấn vái xong người quỳ xuống lạy Trời Phật, rồi đứng lên xá
bốn phương, xá trên đầu, xá dưới, tất cả là sáu cái xá. Dân quê trình độ
không cao, nói về đạo Phật hầu như mọi người chỉ biết niệm A Di Đà Phật
để được vãng sanh Tịnh độ là một pháp môn. Việc cúng lạy xá sáu hướng
coi như là hết môn thứ hai. Hiệu quả việc lạy Phật hàng đêm mà tôi cũng
cho là pháp môn đã làm cho thân tâm người trở nên thanh tịnh, để rồi từ
đây gia đình êm ấm, con cái trở nên có hiếu với cha mẹ hơn. Như vậy thấy
rõ qua việc cúng lạy người ít hay nhiều cũng đã sửa đổi bản thân, gián
tiếp trả hiếu cho cha mẹ. Một tập quán, nét văn hóa rất là hay nhưng ngộ
nếu hỏi vì sao phải xá lạy sáu hướng dân quê không trả lời được rành
mạch mà chỉ có chung chung. Không phân đâu là cái lạy dành cho Trời
Phật, cái lạy dành cho ông bà tổ tiên, cho những người khuất mày khuất
mặt. Nhưng đó lại là tâm linh của người miền quê phương Nam,
của người Việt. Tâm linh này được đạo Phật dung hòa, thu nạp và kết hợp
nó vào trong giáo lý để tạo ra sức sống phù hợp thích nghi tâm linh con
người. Đạo Phật hoàn toàn không giống các tôn giáo khác, độc thần, tín
đồ chỉ được phép biết một đấng tối cao. Sở dĩ hơi dài dòng từ chuyện
hiếu thuận bắt sang chuyện cúng lạy vì không hiểu sao trên đỉnh núi Cấm
trước chánh điện một ngôi chùa lớn có treo bảng cấm ăn mặc lố lăng, mang
giày dép vô chùa đã đành nhưng bảng còn ghi thêm điều chỉ lạy Phật
không được xá lạy xung quanh. Tôi nhận thấy điều này đã làm cho nhà chùa
giống như các tôn giáo độc thần khác rồi, bằng chứng tôi thấy nhiều
người đưa mắt nhìn bỡ ngỡ không hiểu. Không hiểu chỉ vì bấy lâu trong
tâm thức người đã quen việc lạy là hình thức bên ngoài, để hướng về ông
Phật trong lòng mỗi người. Đây là điểm đặc sắc của đạo Phật mà các tôn
giáo thờ độc thần không có. Trong khi người khép nép quỳ trước đấng tối
cao với tâm trạng sợ sệt, thần phục. Đạo Phật ngược lại rộng mở, tình
cảm. Đức Phật nhà văn hóa siêu việt mấy ngàn năm trước qua giáo lý đã
chỉ ra. Con người nhỏ bé so với vũ trụ, thực tại khách quan. Tuy nhỏ bé
nhưng con người không tách rời mà vẫn có mối liên hệ cùng với toàn thể.
Một chiếc lá rơi thôi theo mắt của người biết về luật nhân quả, nhân
duyên thấy là do gió thổi chiếc lá rụng. Nhưng là từ đâu thổi về, gió từ
biển, hay gió mãi tận sa mạc xa, hay là trái đất ấm dần lên. Chính vì
mối liên hệ giữa người với toàn thể. Một hôm Đức Phật đi khất thực tình
cờ Phật gặp đống xương khô bên đường. Phật cung kính chắp tay xá ba cái.
Cử chỉ lạ lùng của Đức Phật khiến các vị đệ tử ngạc nhiên. Vì sao Phật
là bậc cao quý lại đi xá lạy một đống xương. Các ông theo Ta tu học
nhưng nhiều việc vẫn chưa biết, hãy nghe Ta nói. Đức Phật dịu dàng chỉ
dạy - mặc dù đây chỉ là đống xương biết đâu đó chẳng phải là di hài của
người thân, của ông bà cha mẹ của Ta trong nhiều kiếp trước. Có ai cấm
con cái không được lạy cha mẹ đâu, vì chuyện thiêng liêng cao cả cho nên
Ta mới lạy đống xương này. Sẵn dịp, Phật chỉ cho biết đâu là xương đàn
ông, đâu là xương đàn bà. Đàn bà vì mang nặng đẻ đau sinh con nên xương
thường đen và nhẹ. Nhân đó, Phật thuyết kinh “Báo đáp công ơn cha mẹ”
với tình thương bao la vô bờ bến của cha mẹ dành cho con. Con cái có bổn
phận tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ cũng chỉ được một phần, báo hiếu bao
nhiêu vẫn chưa đủ. Xứ Ấn Độ ngày xưa rất nhiều tôn giáo, nhiều kiểu thờ
cúng, kiểu lạy dị thường. Đức Phật chỉ phê phán những gì mê tín dị đoan,
không thấy Đức Phật chê trách việc lạy mà qua đó kéo người trở về.
Trong số đệ tử của Phật, có người trước đây theo Bái hỏa giáo thờ lửa.
Phật không ngăn cấm người thờ lửa và chỉ ra chính ngọn lửa bên trong mới
thắp sáng lửa bên ngoài. Lửa bên trong chính là giềng mối đạo đức của
người, con cái hiếu thảo với cha mẹ, vợ chồng anh em thuận hòa. Người
phải luôn giữ gìn ngọn lửa bên trong không để cho nó nguội lạnh. Việc
lạy của đạo Phật cho thấy rất là phong phú, sống động phù hợp tâm linh
người, trong đó có việc nhắc nhở người uống nước nhớ nguồn, làm con phải
hiếu.
***
Hóa ra việc lạy xá sáu hướng có từ ngàn xưa. Chính Đức Phật chỉ ra
việc lạy sáu hướng có một nội dung cao cả, qua đó người tu sửa hướng về
nẻo đường chân, thiện, mỹ. Đây là Lục Phương Lễ kinh, có thể nói
nó như là “kinh Lễ” của đạo Phật. Một hôm Đức Phật ở thành Vương Xá nhìn
xa xa về phía núi thấy chàng thanh niên con vị trưởng giả đang thay
quần áo, rửa mặt, chải đầu sạch sẽ. Rồi chàng hướng về phương Đông lạy
ba cái, hướng về phương Bắc, phương Nam, phương Tây cũng lạy mỗi phương
ba lạy, rồi hướng lên trời, hướng dưới đất chàng lạy tất cả là sáu
hướng. Chàng thanh niên tên Thi Ca La Việt. Tình cờ Đức Phật, nhà văn
hóa siêu việt thường hay bắt đầu dạy dỗ bằng những câu hỏi, bằng trực
quan, nên Đức Phật liền đến ngay nhà của Thi Ca La Việt. “Con đang làm
gì vậy?”, Phật hỏi. Thi Ca La Việt đáp “Con đang lạy sáu phương”. Đức
Phật tiếp tục hỏi “Lễ lạy sáu phương là pháp môn gì?”. Thi Ca La Việt
lúng túng nói không biết, khi cha mẹ còn sống dạy phải theo như vậy rồi,
lạy theo. (Việc này sao giống như người dân quê mà tôi đã nói ở trên,
lạy mà không biết mình lạy gì). Đức Phật hiền lành nói “Lạy mà không
biết đó chỉ là dùng thân lạy”. Thi Ca La Việt liền quỳ xuống nhờ Phật
chỉ dạy. Phật bắt đầu dạy - người ta có thể trừ dứt hết sáu pháp xấu ác,
đó chính là lễ lạy sáu phương. Sáu việc xấu ác chính là tham uống rượu,
mê cờ bạc, lười biếng ngủ sớm dậy trễ, kết giao cùng kẻ xấu, lừa gạt
dan díu vợ người, giết người. Nếu không trừ được, sự lễ lạy không có ích
chẳng được ai kính trọng. Nhờ việc lễ lạy, thân tâm người được sửa đổi,
việc xấu ác tránh xa, điều tốt đẹp sẽ tìm đến.
Phật lại tiếp tục chỉ cho Thi Ca La Việt “Lạy về phương Đông là có ý
nghĩa con cái có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ. Lễ lạy phương Nam
là để nhớ học trò phải tỏ lòng cung kính nghe lời thầy. Lễ lạy phương
Tây là có ý nghĩa người phải giữ đạo vợ chồng. Lễ lạy phương Bắc là
người nên giữ gìn mối giao tiếp xung quanh. Lễ lạy (xá) ở phương Trên là
phải nhớ tôn trọng các bậc thiện tri thức, Sa môn. Lễ lạy (xá) phương
Dưới là chỉ mối quan hệ của người chủ đối với những kẻ giúp việc”. Không
có cái lạy nào dành riêng cho Phật nhưng rõ ràng Phật tính nằm trong
mỗi cái lạy kia. Có thể nói không có ai dạy dỗ cặn kẽ từng chi tiết như
Đức Phật. Khi lạy về phương Đông, người con phải nhớ năm điều. Một là
hết lòng hiếu kính, chăm lo thăm viếng, làm cho cha mẹ vui lòng. Hai là
mỗi ngày dậy sớm lo lắng việc nhà, luôn giữ cho cửa nhà tươi vui, cần
kiệm. Ba là thay cha, thay mẹ làm mọi việc nặng nhọc. Bốn là lúc cha mẹ
già yếu bệnh tật phải hết lòng lo lắng, thuốc thang. Năm là luôn nhớ đến
công ơn cha mẹ.
Ngược lại, cha mẹ đối với con cũng phải có năm điều. Một là dạy con
làm lành, lánh dữ. Hai là dạy con gần gũi với những bậc thiện tri thức.
Ba là dạy con chuyên cần học hỏi. Bốn là khi con đến tuổi lo việc dựng
vợ, gả chồng cho con. Năm là chia phần tài sản cho con đồng đều.
Những phương còn lại là các mối quan hệ như vợ - chồng, người - tha
nhân, người - bậc thiện tri thức, chủ - tớ. Từng cặp song đôi không tách
rời, mỗi một vai trò đều phải có năm việc luôn giữ gìn. Sau cùng Phật
kết luận - làm đúng theo những điều trên thì lạy sáu phương mới có lợi
ích, luôn cung kính cha mẹ. Còn không đúng, lễ lạy chi cho vô ích - và
Phật nói kệ, lạy sáu hướng cũng là sáu pháp Ba la mật hướng về mọi người
để hướng về cõi Phật. Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con. Rõ ràng hai câu ca dao hoàn toàn phù hợp với Lục Phương Lễ kinh.
Tuy là kinh mang tính hình thức nhưng trong hình thức kinh chứa đựng
nội dung nhắc nhở người phải sống như thế nào để báo đáp công ơn cha mẹ
và trở thành người tốt với xã hội. So với các tôn giáo bạn, tín đồ đạo
Phật có thói quen chỉ đi chùa vào ngày rằm. Ngày thường, Phật tử sống
đạo như thế nào. Ở đâu thấy người mỗi đêm cúng lạy sáu hướng đó là dấu
hiệu cho biết người ấy theo đạo Phật, đồng thời người cũng là đứa con
hiếu thảo. Nó cũng là bằng chứng đạo Phật là đạo thực hành chớ không
phải là đạo của lý thuyết.
NGÔ KHẮC TÀI (GNO)