Mỗi năm đến mùa Vu Lan, trong lòng chúng ta lại rộn lên một
niềm hiếu hạnh, nhớ thương cha mẹ nhiều hơn. Đây là dịp làm ấm lại ân
tình ân nghĩa sâu đậm của cha mẹ, công ơn sanh thành dưỡng dục nặng tợ
cù lao, để rồi trong mỗi thời khắc của cuộc sống, chúng ta không bao giờ
quên ơn cha mẹ dù còn sống hay đã khuất. Không phải đợi đến Rằm Tháng
Bảy chúng ta mới cảm thấy thương nhớ cha mẹ, mà phải tâm niệm rằng ngày
nào, giờ nào, phút nào, tình yêu thương cha mẹ vẫn luôn chứa chan trong
lòng mỗi người con hiếu hạnh.
“Nghĩ về mẹ trời luôn tươi sắc nắng,
Hoa trong vườn không gió cũng xôn xao”.
Vu Lan là ngày thể hiện tình người thắm thiết trong cuộc sống nhân
sinh, mang tính văn hóa đạo đức tâm linh, văn hóa đạo đức tình người.
Ngày lễ hội này đã ăn sâu trong lòng mỗi người dân Việt, cũng như sự ảnh
hưởng của nó lan tỏa khắp cộng đồng nhân loại, thắm đượm tinh thần từ
bi của Đạo Phật. Ngày Vu Lan không chỉ dành riêng cho người phật tử hay
trong Đạo Phật, mà còn là mùa lễ hội văn hóa của tình người, mở rộng tâm
hồn để kết nối nhịp cầu yêu thương với mọi người và tất cả chúng sanh
trong cùng khắp pháp giới. Tinh thần ảnh hưởng của ngày lễ hội thù thắng
này có tác dụng rất mạnh mẽ trong xã hội, mang tính nhân văn cao cả,
suy tiến mọi ân tình ân nghĩa trong cuộc sống, khuyến khích mọi người
sống có luân thường đạo lý theo quy luật vận hành tự nhiên của nhân quả.
Khi Đạo Phật du nhập vào nền văn hóa nước ta, bên cạnh những lời dạy
đầy minh triết của Đức Phật nhằm chuyển hóa thân tâm, đạt đến mục tiêu
tối thượng là giác ngộ giải thoát, thì tinh thần của ngày lễ Vu Lan cũng
dần dần trở thành ngày lễ hội truyền thống của dân tộc. Dầu có bề bộn
công việc gì, đến ngày này chúng ta đều về chùa, dự vào pháp phần của
Phật, nghe quý thầy giảng về công ơn cha mẹ, cách báo hiếu, đền ơn đáp
nghĩa, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa trong đời sống đạo đức tâm linh.
Mỗi chúng ta đều mang trong mình dòng máu của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. “Mộc bổn thủy nguyên”, ai ai cũng có nguồn cội gốc gác của mình.
“Cây có cội mới trổ cành xanh lá,
Nước có nguồn mới tỏa khắp rạch sông”.
Vu Lan được xem là “ngày về nguồn”, là dịp để truy niệm
nguồn gốc hiện hữu của mình trên thế gian, và những ân tình đã cưu mang
chúng ta tồn tại, phát triển trong cuộc đời này. Sự sống của chúng ta
được tiếp diễn bằng những mối tương duyên, tương quan của mọi người xung
quanh, thân hoặc sơ, trực tiếp hay gián tiếp đều ảnh hưởng đến sự tồn
tại và phát triển của chúng ta. Không một ai có thể tự tách rời ra mà
tồn tại được. Đây là tinh thần nhân văn cao cả thể hiện trong ý nghĩa về
lý nhân duyên sinh, trùng trùng duyên khởi. Nếu mọi người đều hiểu được
đạo lý này, mình vì mọi người, mọi người vì mình thì xã hội sẽ tươi
đẹp, thấm đượm tinh thần từ bi, vô ngã vị tha của Đạo Phật.
Tất cả chúng ta có mặt trên cõi đời này đều do công ơn sanh thành
dưỡng dục của cha mẹ. Từ thuở bé, cha mẹ đã lo cho ta từng cái ăn, cái
mặc. Đến khi lớn lên, lại lo cho chúng ta đến trường trau dồi kiến thức,
mai sau có công danh sự nghiệp cho mình tiến thân. Không những thế, cha
mẹ sợ chúng ta hư hỏng nên hướng vào môi trường đạo đức tâm linh, đưa
đến chùa quy y Tam Bảo, biết cách ăn ở hiền thiện, để từ đó chúng ta làm
hành trang bước vào đời một cách tự tin và vững chãi. Vì vậy, công ơn
cha mẹ thật vô bờ bến, mà bổn phận mỗi người con phải tự mình ghi khắc
trong tim. Nếu chúng ta không thương cha mẹ một cách chân tình thì đối
với những ân tình ân nghĩa khác trong xã hội, chúng ta cũng không thể
báo đáp trọn vẹn. Giả chăng nếu có, cũng chỉ là một hình thức vụ lợi để
mưu cầu cho riêng mình.
Có thể nói, hiếu đạo là nền tảng đạo đức của xã hội loài người, là
nền móng căn bản hướng đến lầu cao trí tuệ, là tiêu chí căn bản của
người tu. Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật, Đạo hiếu tức là
Đạo Phật. Là người phật tử đến chùa tụng kinh, làm mọi việc thiện lành,
lại sống bất hiếu, đối xử tệ bạc với cha mẹ thì không xứng đáng là người
đệ tử Phật. Trong kinh, Đức Phật dạy: “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật”.
Đức Phật đã nâng địa vị của cha mẹ lên ngang tầm với Ngài, xem cha mẹ
tại tiền như Phật tại thế mà hết lòng phụng thờ, nuôi dưỡng cho trọn đạo
làm con. Như thế, chúng ta có thể hất hủi, xem thường cha mẹ mình
chăng? Thơ ca dân gian cũng đã truyền tụng:
“Cha già là Phật Thích Ca,
Mẹ già như thể Phật Bà Quan Âm.
Nhớ ngày xá tội vong nhân,
Lên chùa lễ Phật đền ơn sanh thành”.
Sự hiếu thảo của con cháu là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của cha mẹ
khi tuổi đã xế chiều. Đối với người già, các nhu cầu tiêu thụ về đời
sống vật chất không nhiều, điều cần thiết nhất là niềm vui tinh thần
khi được nhìn thấy con cháu ngoan hiền, gia đình đông đủ, sum họp vui
vầy hạnh phúc bên nhau. Vì vậy, khi cha mẹ còn sống, chúng ta nên hết
lòng phụng dưỡng, thường xuyên lui tới hỏi han, thăm nom, chăm sóc để
không phải hối tiếc về sau khi cha mẹ đã lìa đời. Chúng ta đến chùa, học
hiểu phật pháp rồi đem về Phật hóa gia đình, làm cho gia đình hạnh
phúc, xã hội bình an phúc lạc.
Bất hạnh thay cho những ai không còn cha mẹ hiện hữu trên đời để vỗ
về sưởi ấm con tim, không còn dịp để phụng dưỡng, đền đáp thâm ân cao
vời của cha mẹ, thì đến ngày Vu Lan nên một lòng chí thành tưởng nhớ về
hai đấng sanh thành với niềm tôn kính nhất, phát tâm làm mọi điều thiện
lành, sống tốt đời đẹp đạo, hồi hướng công đức cho cha mẹ sớm siêu sanh
về cõi giới an lành. Đó cũng là cách báo đáp công ơn cha mẹ khi người đã
khuất.
“Nếu mình hiếu kính mẹ cha,
Mai sau con hiếu với ta khác gì.
Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công”.
Từ cổ chí kim, Đông phương hay Tây phương đều suy tiến đạo hiếu. Tinh
thần của ngày lễ Vu Lan được thể hiện trên ba phương diện: lòng biết ơn
công lao sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, phương pháp báo đáp công ơn
đó và nhân quả tất yếu của đạo hiếu. Chúng ta nên biết, hiếu kính phải
đi đôi với hiếu dưỡng. Lòng biết ơn cha mẹ phải được thể hiện bằng những
hành động việc làm cụ thể, phụng dưỡng cha mẹ về vật chất lẫn tinh
thần, có như vậy mới đầy đủ ý nghĩa tri ân và báo ân. Từ những ý nghĩ và
hành động báo hiếu đó sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp cho những người con
hiếu thảo. Vì thế, ngày Vu Lan cũng là dịp để suy tiến đạo lý nhân quả,
khuyên mọi người sống hay, sống đẹp, sống có ý nghĩa. Sống là môt nghê
thuật. Chúng ta phải sống hiếu thảo với cha mẹ, hiếu kính với người
trên, hiếu hòa với kẻ dưới, hiếu thuận với mọi người và hiếu sinh với
vạn loại. Như vậy, ngày lễ hội Vu Lan mang nhiều ý nghĩa giá trị luân lý
đạo đức, đề cao mọi ân tình ân nghĩa trong cuộc sống nhân sinh và vạn
loại.
Vu Lan là nhịp cầu yêu thương, được truyền thông từ quá khứ đến hiện
tại và tương lai. Chúng ta không chỉ nhớ ơn những người đang cưu mang
mình mà còn tri niệm công ơn của những người đã khuất như cửu huyền thất
tổ, đa sanh phụ mẫu, thất thế phụ mẫu, hay những chiến sĩ trận vong,
đồng bào tử nạn, những người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập tự do
của tổ quốc, để hôm nay chúng ta được sống trong cảnh thái bình, no ấm.
Nhiều đàn tràng chẩn tế, cầu siêu bạt độ, chẩn thí âm linh… được các cấp
Giáo hội và chính quyền tổ chức tại các tỉnh thành cũng nhằm mục đích
thể hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa cao đẹp này.
Tinh thần của mùa lễ hội Vu Lan giáo dục lòng nhân ái đối với kẻ còn
người mất, khơi mở tấm lòng độ lượng bao dung trong mối quan hệ tương
duyên giữa mình và vạn loại. Tình yêu thương đất nước, giống nòi, đạo
pháp, dân tộc, tinh thần tôn sư trọng đạo, yêu thương cha mẹ, mọi người,
mọi loài… được suy tiến trong mọi khía cạnh đạo đức của xã hội vào dịp
Đại lễ Vu Lan. Đây cũng là dịp thể hiện tinh thần cứu khổ độ sanh, mang
thông điệp từ bi của Đạo Phật vào đời, chuyển hóa khổ đau, kết nối nhịp
cầu yêu thương, xây dựng xã hội ngày thêm tươi đẹp, bình an, phúc lạc.
Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ
Phan Rang - Ninh Thuận.
Mùa Vu Lan - PL. 2554