"Hoa Nghiêm suối ngọc thậm thâm
Vườn Nai vang dội pháp âm buổi đầu
Linh Sơn diệu pháp vô cầu
Ta La biểu thị một màu pháp thân".
Thuyết pháp, giảng kinh là hình thức sử dụng ngôn ngữ để chuyển tải giáo lý của Đức Phật, thông qua nhiều phương diện để khơi nguồn trí tuệ, tỏ ngộ chân lý cho chúng sanh. Chính vì thế, nhiệm vụ cua người hoằng pháp phải luôn đẩy mạnh bánh xe chánh pháp, đem giáo pháp thậm thâm truyền bá khắp nhân gian, vào tận nơi hang cùng ngõ hẻm, "nơi nào chúng sanh cần ta đến", lấy mục đích làm cứu cánh, lấy sự lợi ích chúng sanh làm hoài bảo, phát nguyện lực vô biên, và lập chí vô úy. Được như vậy, chánh pháp mới trường tồn, và hoàn thành đúng nhiệm vụ của người con Phật: "Tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự".
Đơn vị Phú Yên chúng tôi trình bày tham luận: HOẰNG PHÁP Ở VÙNG SÂU, VÙNG XA, VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC.
Thực hiện lời di huấn thiêng liêng của Đức Từ Phụ: “Này các Tỳ Kheo, hãy đi truyền bá Chánh Pháp khắp hết thảy mọi nơi. Hãy đi một nơi một người, đừng đi một nơi hai người, hãy nổ lực truyền bá Chánh Pháp không biết mỏi. Làm cho Chánh Pháp của Như Lai ăn sâu vào tâm thức của mọi loài chúng sanh”. Qua đây, chúng ta có thể nhận thấy Đức Phật muốn gởi bức thông điệp đến những đệ tử của Ngài: Hãy đem Giáo pháp truyền bá rộng khắp. Để tiếp nối sự nghiệp Hoằng pháp của người con Phật, mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm đem ánh sáng của Đạo Phật lan tỏa khắp nơi. Đây chính là phương châm hành động của hàng Tăng sĩ trên bước đường phụng sự chúng sanh, với chí nguyện “Thượng cầu Phật đạo - hạ hóa chúng sanh”, lấy việc tu học làm chính, phối hợp hài hoa với những kinh nghiệm trong đời sống, để trau dồi khả năng truyền đạt giáo lý Phật Đà. Nhằm kế thừa sự nghiệp hoằng pháp trong tương lai, Tăng Ni giảng Sư nên tâm niệm và ghi nhớ lời Phật dạy: "Chư Tăng tắm mình trong Chánh Pháp, thực hành Chánh Pháp, suy nghĩ công cuộc Hoằng Pháp lợi sanh, Chư Tăng ấy không bao giờ phí tổn cuộc đời”.
Thế nên, để kế thừa sự nghiệp mà Chư Phật, Chư Tổ đã dày công tạo lập, Tăng Ni ngày nay cần xác định rõ mục đích, nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng tòa nhà Chánh pháp của Đức Như Lai. Điều nầy đòi hỏi Tăng Ni phải là những người chân tu thực học, có tâm huyết và có khả năng làm cho Phật Pháp được trường tồn. Vậy có những điều kiện nào để Phật Giáo được phát triển đồng bộ, đây thiết nghĩ không chỉ là nỗi trăn trở của riêng ai.
Từ khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập đến nay, đã trãi qua 28 năm, với 6 nhiệm kỳ đại hội. Trong thời gian qua, sự cố gắng của Chư Tôn Đức lãnh đạo, cũng như Tăng Ni, Phật tử trong việc xây dựng Giáo Hội là điều không thể phủ nhận được, mỗi ngày chúng ta thấy sự thay da đổi thịt của Giáo Hội qua các phật sự đã làm được. Đó là điều đáng mừng, vì Giáo Hội không đứng ngoài xã hội mà gắn chặt chẽ hơn với đời sống dân sinh. Song, nội tại của Giáo Hội vẫn còn những điều ưu tư trăn trở, nhất là khi xã hội phát triển không ngừng và đất nước trong đà hội nhập toàn cầu. Nhưng Giáo Hội Phật Giáo chúng ta vẫn còn khập khểnh, sự phát triển chưa đồng bộ giữa cung và cầu. Đây là những điều "hiển nhiên" ai cũng nhìn thấy, nhưng thực sự đó có phải là những "việc khó làm" và có phải là những "thách thức" cho Giáo Hội Phật Giáo trong thời đại mới?
Bất cứ một tổ chức nào, một tôn giáo nào, muốn biết được tương lai có phát triển tốt đẹp hay không thì phải nhìn vào 2 phương diện:
1. Phương pháp hoạt động có hiệu quả hay không?
2. Lực lượng nhân sự kế thừa, có trẻ trung năng động, và tràn đầy nhiệt huyết hay không?
Nguyên nhân trước hết là do sự yếu kém về nhân sự. Có những địa phương tu sĩ trẻ khá đông, nhưng khi đi học ở các thành phố lớn xong lại không muốn trở về lại quê hương để phục vụ, khiến cho lực lượng nhân sự trẻ ở các tỉnh thành thiếu trầm trọng. Chính vì thế mới xãy ra một số trường hợp bất cập, làm cho Phật Giáo không phát triển mạnh mẽ và đồng bộ được.
Hiện nay các giảng đường tại trung tâm thành phố, được xem là quá tải giảng sư. Bởi trong những nhiệm kỳ qua, ban Hoằng pháp T.Ư đã mở nhiều khóa đào tạo giảng sư dài hạn và ngắn hạn. Tuy vậy, hầu hết các giảng sư lại tập trung ở các Thành Phố lớn, ít ai chịu về nông thôn, vùng sâu vùng xa. Một thực tế hiện nay tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc, đang rất "đói" pháp, nhất là những vùng mới khai phá, kinh tế mới... Vì đa số các tự viện ở vùng nông thôn, hoạt động phật sự rất là ảm đạm và đơn điệu nghèo nàn, còn công tác hoằng pháp hầu như không có, nên không thu hút được nhiều giới trẻ, nhất là sinh viên, học sinh và giới tri thức, nếu ai đã một lần trở về sinh hoạt ở vùng sâu vùng xa, hay đã từng tham quan một vài ngôi chùa ở vùng thôn quê hẻo lánh. Lúc ấy, mới thấy được, mới cảm nhận được, nhu cầu thính pháp, học hỏi, tu tập của Phật tử các nơi là vô cùng bức xúc và tha thiết đến dường nào! Vậy nên chăng Giáo Hội cần tạo điều kiện và quan tâm hơn nữa, để Tăng Ni trẻ sau khi ra trường có cơ hội được phục vụ đạo pháp, đem kiến thức Phật học chia sẽ cho tha nhân, đó là một thực tế cần làm!.
Tuy nhiên, để đi vào hoằng pháp những vùng sâu vùng xa như vậy, sẽ có những khó khăn khách quan và chủ quan. Chính vì thế, mà người làm công tác hoằng truyền giáo pháp của Đức Như Lai, phải có phương pháp, phải có tâm nguyện phục vụ chúng sanh, trên tinh thần tự giác, tự nguyện, lấy tứ hoằng thệ nguyện của Ngài Phổ Hiền làm hành trang, và phải hội đủ những quyến thuộc như sau:
- Phương tiện thiện xảo (Trí tuệ) Ba La Mật làm cha.
- Đàn Na ( Bố thí ) Ba La Mật làm nhũ mẫu.
- Thi La (Giới) Ba La Mật làm dưỡng mẫu.
- Sằn đề (Nhẫn Nhục) Ba La Mật làm y phục để trang nghiêm.
- Tỳ Lê Da (Tinh Tấn) Ba La Mật làm người dưỡng dục.
- Thiền Na (Định) Ba La Mật làm người tắm gội.
Chúng ta nghe trong kinh Đức Phật dạy rằng: “Phật pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác”, đó chính là trọng điểm của việc triển khai giáo lý, mà các vị giảng sư phải khéo léo đưa Phật Pháp vào mọi mặt của cuộc sống, luận bàn các vấn đề cá nhân, gia đình, xã hội trong thời hiện đại, đồng thời đưa ra cách giải quyết và hướng đi. Để làm được điều này, thì điều kiện cần và đủ của một vị giảng sư, phải trang bị một nền tảng tu học căn bản vững chắc, phải khéo léo sử dụng nhuần nhuyễn thuần thục các phương tiện độ sanh như: Khế lý, Khế cơ, Khế thời và Khế xứ, phải luôn tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những phương pháp giáo hóa cho phù hợp với hoàn cảnh đối tượng, phải diễn đạt như thế nào vừa mang phong cách hiện đại, thực tế, lại dễ hiểu, mà không xa rời chân nghĩa của đạo lý. Ít dùng các danh từ chuyên môn Phật học mà chuyển đổi thành ngôn ngữ bình dị, dùng nhiều cách ví dụ mẫu chuyện để minh hoạ, có như vậy thì việc "đem đạo vào đời" mới có hiệu quả.
Tuy nhiên, ngoài việc trang bị tư lương cho mình ra, chúng con rất cần sự trợ duyên, giúp đở của Giáo hội. Quý Ngài có những biện pháp hữu hiệu, tạo mọi điều kiện thuận lợi, để Tăng Ni trẻ chúng con có thêm nghị lực, niềm tin, để dấn thân về vùng sâu vùng xa, hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh.
Trong thực tế chúng ta nhận thấy, việc giáo dục và hoằng pháp của chúng ta đến và đi như một cơn gió, lướt nhẹ qua ba tháng mùa hè oi bức. Nhưng bên cạnh đó, các tôn giáo bạn lấy việc truyền đạo vào các vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc, làm nơi căn cứ, họ len lõi vào các vùng sâu vùng xa này để phát triển, để chuyển đổi, nâng cao đời sống, để đi đến mở rộng địa vực truyền giáo, họ đến và đi sao mà đúng với tiêu ngữ của hoằng pháp. Trong khi đó, ngành hoằng pháp chúng ta mang tiêu chí: “Nơi nào chúng sanh cần ta đến, nơi nào Đạo Pháp cần ta đi, chẳng kể gian lao, không từ khó nhọc". Thế mà thấy chúng sanh đang "đói" pháp, đang trông chờ, đang đau khổ, mà chúng ta lại ngoảnh đầu làm ngơ sao?
Vậy, để cho con thuyền Phật Pháp lướt nhẹ trên đại dương bao la, và không bị sóng ngầm làm chao đảo. Đơn vị Phú Yên chúng con mạo muội kính trình lên Trung ương Giáo Hội một vài ý kiến sau:
1. Giáo Hội và Ban Hoằng Pháp nên tạo điều kiện thuận lợi cho các giảng sư T.Ư, chư Tăng Ni có trình độ Phật học, về các địa phương, những vùng "đất mới" để hoằng pháp.
2. Thường xuyên mở các khóa bồi dưỡng hoằng pháp ngắn hạn, chú trọng các đối tượng thuộc vùng sâu vùng xa, dân tộc, nội dung cô đọng thực tế, để đội ngũ Tăng Ni trẻ có ý thức, sẵn sàng dấn thân về những nơi xa xôi, thiếu vắng Phật pháp để hướng dẫn, truyền bá giáo lý của Đức Phật phổ cập cho đồng bộ.
3. Ban hoằng pháp T.Ư giúp đỡ cho các tỉnh nghèo, một số pháp khí như vấn đề kinh sách, tranh ảnh, băng đĩa Phật pháp, tượng Phật. Vì đây là những phương tiện hoằng pháp thực tiển mà bà con vùng sâu vùng xa, dân tộc rất cần thiết, trong việc tăng thêm niềm tin kính Tam Bảo đối với họ.
4. Nếu được, nên có một nội san về hoằng pháp, với sự tham gia của các giảng sư trẻ và trí thức Phật Giáo. Đây là nguồn tài liệu chuyên ngành rất cần thiết cho giảng sư các tỉnh thành tham khảo, học tập.
5. Giáo hội thường xuyên mở các khóa học cho các vị trụ trì, tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Hướng dẫn về việc tổ chức các buổi lễ và mô hình sinh hoạt tu học, để đi vào hoạt động thống nhất chung./.