Ngày nay, Ma vẫn là bí ẩn đối với nhân loại, có những câu chuyện nói về Ma, nhưng cũng không thể kết luận được là có Ma.
Qua cái nhìn của Văn hóa và Tôn giáo Việt Nam, thì con người gồm có
một phần xác và một phần hồn. Khi phần xác chết thì phần hồn sẽ lìa
khỏi xác và phần này được gọi là linh hồn. Nếu linh hồn đó không có cơ
hội đầu thai hoặc nơi trú ngụ, mà còn vương vất ở những nơi có liên quan
đến họ khi còn sống, thì từ ngữ bình dân thường gọi là : Ma, Hồn ma,
Quỷ, Cô hồn...
Ma hay Hồn ma, là một khái niệm trừu tượng, trên thực tế, khi nói đến
ma người ta thường diễn tả thấy một dáng người, trắng bạc, hay một cái
bóng lờ mờ, hoặc một đống đen thùi lùi, còn chỗ ở của ma là những ngôi
mộ, nhưng ma cũng có thể vương vất ở những nơi tăm tối, vắng vẻ. Theo
quan điểm một số người nói là : chỉ có người có duyên với Ma thì mới có
thể nhìn thấy được Ma hay những người có khả năng đặc biệt còn gọi là
các nhà ngoại cảm là có thể thấy và nói chuyện được với Ma.
Một số khác cho rằng Ma có thể biết được tất cả những gì người sống
nghĩ và các việc đã, đang và sắp xảy ra như kết quả xổ số, đồng thời
cũng có khả năng tác nhập xác của người sống như hiện tượng lên đồng,
tác động lên cảm quan người sống như dắt người sống đi lạc vào bụi, xúi
người sống ăn đất mà tưởng ăn bánh hoặc ma có thể tác động lên vật chất
như tạo ra tiếng động, rung cây, xô lệch bàn ghế... Đại đa số người ta
chỉ nói : Ma chỉ nhát người chứ không hại người. Những người thường hay
tin có Ma là phụ nữ, trẻ em, người già, sống ở vùng miền quê.
Ngày nay, Ma vẫn là bí ẩn đối với nhân loại, có những câu chuyện nói
về Ma, nhưng cũng không thể kết luận được là có Ma. Sự bí ẩn này còn bị
hạn chế trong tầm hiểu biết của con người. Các nhà cận tâm lý học có rất
nhiều nghiên cứu về hiện tượng ma quỷ nhưng vẫn chưa có khẳng định khoa
học nào.
Theo các giả thuyết khoa học Ma có thể là do các
sóng hạ âm gây ra, gió biển mạnh thổi nhanh dọc theo các hành lang và
tháp canh của những lâu đài và biệt thự cổ tạo ra các sóng hạ âm được
cho là nguyên nhân gây ra hiện tượng nghe tiếng ma ở các nơi này.
Các nhà khoa học còn có giả thuyết: Mỗi con người chúng ta đều phát
ra một từ trường có tần số dao động riêng, khi ta chết đi, nguồn sóng từ
trường vẫn tồn tại. Khi có một ai đó có tần số phù hợp, sẽ kích thích
từ trường này, làm cho người xung quanh nơi đó thấy lại những cảnh sinh
hoạt trước đây của người chết.
Trong tín ngưỡng dân gian, người ta thường dùng các loại bùa chú,
thánh giá, máu chó, tỏi, củ hành, cây dâu, cây đồng đình... để trừ ma,
nhưng đôi khi các vật này không tác dụng gì với Ma mà họ cũng chẳng giải
thích được tại sao Ma lại không sợ. Các thầy ngải dùng linh hồn, thường
là chết oan, để trù ếm và luyện các các loại ngải có tác dụng hại
người.
Mỗi quốc gia đều có những huyền thoại về Ma khác nhau, do đó Ma cũng
trở thành đa dạng. Thí dụ như ở Việt Nam có ma da, ma le, ma gà, ma
lai, ma trơi, ma không đầu, ma lưỡi dài, ma một mắt, ma cổ dài...Ở
phương Tây thì có ma sói, ma cây, ma cà rồng.
Theo Phật giáo, Ma gọi đúng hơn là ngạ quỷ, là một trong lục đạo
luân hồi, xếp trên súc sanh và địa ngục. Loài ngạ quỷ có hai nơi ở, một
là nước Diêm La của nó, hai là sống trên dương gian cùng với người, vì
vậy người ta hay nói đi đêm có khi gặp quỷ. Cuốn Petavatthu (Peta = Quỹ +
vatthu = Truyện) là quyển sách thứ bảy trong Khuddaka Nikaya.
Kinh này tiếng việt gọi là Tiểu bộ kinh, một bộ kinh mà Đức Phật đã
dạy đầy đủ và chi tiết nhất cho các đệ tử của Ngài, đặc biệt là đệ tử
xuất gia. Làm cách nào để từ cuộc sống đầy bùn nhơ này mà vươn lên được,
cũng như hoa sen vươn lên được mà không bị bùn nhơ vấy bẩn?
Đọc Khuddaka Nikàya ta chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy xã hội cách
đây hơn 20 thế kỷ rồi, mà vẫn chẳng khác gì ờ đầu thế kỷ 21 này. Đức
Phật và các đệ tử xuất gia của Ngài cũng bị chửi bới, cũng bị lăng nhục,
như xã hội thời nay.
Kinh Bhàravàja (người cày ruộng) có ghi Đức Phật bị người ta kết án
là ăn không ngồi rồi. Kinh Vasalasuttam (Kẻ bần tiện) Đức Phật bị người
ta kêu la mắng chưởi giữa đường kẻ trọc đầu, sa môn ti tiện, bần tiện,
hãy dừng lại.
Kinh Udana (ud.43) Đức Phật bị người ta vu oan
qua mẩu chuyện các du sĩ ngoại đạo khác đã giết một nữ du sĩ có tên là
Sundari, rồi đem chôn nàng vào cái hố trong cái mương tại Jetavana trong
khu vườn của trưởng giả Anàthapindika. Sau khi đã thực hiện xong thủ
đoạn, họ đến thưa với vua Pasenadi của nước Kosala.
Nhà vua lập tức hỏi họ xác của Sundari chôn ở đâu? Họ liền dẫn đến
chỗ đã chôn xác Sundari, đào lên rồi khiêng xác đặt lên giường đi vào
thành Savatthi từ đường này đến đường khác, chúng làm cho dân chúng tức
giận nói rằng: “các người hãy xem công việc của các Thích tử! Vô liêm
sĩ, là sa môn Thích tử này, theo ác giới, theo ác pháp, nói láo (….) sa
môn hạnh của chúng đã đi đâu mất”[11].
Khuddaka Nikàya là quyển thứ năm của bộ Kinh Tạng (Sutta Pitaka). Bộ
kinh này gồm có : Trường Bộ (Digha Nikaya), Trung Bộ (Majjhima Nikaya),
Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya), Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), và Tiểu
Bộ (Khuddaka Nikaya).
Con người được coi như một tiểu thiên địa, một vũ trụ thu nhỏ. Vũ trụ
bao la có vô số hệ mặt trời có sự sống giống như trái đất. Một hệ mặt
trời mà có 1 hành tinh có sự sống có thể tạm gọi là Tam Giới.
Trong ABHIDHAMMA chương 10 có nói về Tam Giới và nó có 31 cõi được
phân loại như sau: 11 cõi dục giới, 16 cõi sắc giới, 4 cõi vô sắc giới.
Mỗi cõi có cấu tạo vật chất hoàn toàn khác nhau. Tiểu Thế Giới gồm
1.000 cái Tam Giới, Trung Thế Giới gồm 1.000 Tiểu Thế Giới, Đại Thế
Giới gồm 1.000 Trung Thế Giới. Còn Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới là vô
tận.
Tam giới phát triển qua 4 giai đoạn : Thành, Trụ, Hoại, Không. Một
chu kỳ Thành, Trụ, Hoại, Không của Tam Giới gọi là Trụ Kiếp, 4 Trụ Kiếp
được gọi là Đại Kiếp. Các dạng sống trên Tam Giới thường khởi đầu bằng
sự Hóa Sanh khi hội đủ Duyên hay điều kiện. Sau đó mới có Thai Sanh,
Noãn Sanh. Một năm thế gian tính tương đối là 365 ngày.
Dục giới gồm có 11 cõi : 4 cõi khổ và 7 cõi thiện dục giới như sau :
1. Ðịa Ngục (Niraya): Cõi này chỉ có mọi sự thống khổ chứ không có sự
an vui, nơi mà các chúng sinh Tự Trừng Phạt do các Ác Nghiệp đã tạo. Cõi
khổ có tuổi thọ không nhất định.
2. Ngạ Quỹ (Pettivisaya): Chúng không phải là ma quỹ vô hình, chúng
có sắc thân nhưng mắt người không thể thấy được. Chúng không có cảnh
giới riêng và luôn luôn bị đói khát. Chúng sống ở nhiều nơi khác nhau,
nhà dân, rừng núi, hang động hay các chỗ nhớp nhúa. . . Cõi khổ có tuổi
thọ không nhất định.
3. Súc Sanh (Tiricchānayoni): Các sinh vật đi ngang, bò đi, không đi
thẳng như người, còn gọi là Bàng sanh, gần như là tất cả sinh vật bình
thường trừ con người. Cõi khổ có tuổi thọ không nhất định.
4. A-Tu-La (Asurakāya): Asura nghĩa là những vị không có hoan lạc hay
không chói sáng. Những chúng sanh này rất hung dữ, hay gây gổ. Loại
A-Tu-La sanh ở đây không giống với loại A-Tu-La chư thiên chuyên gây
chiến với chư thiên và sống ở cõi Tam Thập Tam Thiên. Cõi khổ có tuổi
thọ không nhất định.
5. Cõi người (Manussa): những người có tâm cao thượng, do đó phải
hiểu rằng được làm người là rất khó, tất cả mọi đứa trẻ bình thường được
sinh ra đều là những thiên thần, chính cuộc sống và những người xung
quanh biến chúng thành quái dị, con người là cái gì đó rất thiêng liêng
và cao quý.
6. Tứ Thiên Vương (Cātummahārājika): đây là cõi
thấp nhất trong các cõi chư thiên. Tuổi thọ 9.000.000 tuổi người. Dưới
nó còn có các chư thần thấp hơn như sơn thần, thổ địa, thánh mẫu . . .
(thường 1 ngày của họ bằng 1 tháng, 1 năm hoặc hơn tùy theo tầng cao hay
thấp)
7. Tam Thập Tam Thiên (Tāvatimsa): Ðế Thích (Magha) cư ngụ ở đây. Sở
dĩ gọi như vậy vì theo tích truyện có 33 vị dưới sự hướng dẩn của Ðế
Thích đã làm những việc thiện và được tục sinh tại đây. Tuổi thọ
36.000.000 tuổi người.
8. Dạ Ma Thiên (Yāma): Yam nghĩa là tàn phá, diệt trừ. Nơi đây mọi đau khổ đều được trừ diệt. Tuổi thọ 144.000.000 tuổi người.
9. Ðâu Suất Ðà Thiên (Tusita): những vị sống sung sướng. Theo tục
truyền, vị Bồ Tác tương lai (Di Lặc) đang sống tại đây và chờ cơ hội
thuận tiện để tái sinh làm người và thành Phật. Tuổi thọ 576.000.000
tuổi người.
10. Hóa Lạc Thiên (Nimmānarati): những vị sống hoan lạc trong những lâu đài tự tạo ra. Tuổi thọ 2.304.000.000 tuổi người.
11. Tha Hóa Tự Tại Thiên (Paranimmitavasavatti): những vị đem dưới
quyền của mình các vật do các vị khác đã hóa hiện. Tuổi thọ
9.216.000.000 tuổi người.
Sắc Giới gồm 16 cõi:
Cõi Sơ Thiền Sắc Giới có:
Phạm Chúng Thiên (Brahmapārisajjā): đây là cảnh giới thấp nhất. Những
vị sanh ra ở đây là đồ chúng của Ðại Phạm Thiên (Mahābrahmā). Tuổi thọ
1/3 Trụ Kiếp.
Phạm Phụ Thiên (Brahmapurohitā): những vị sanh ra ở đây sẽ là phụ tá cho Ðại Phạm Thiên. Tuổi thọ 1/2 Trụ Kiếp.
Ðại Phạm Thiên (Mahābrahmā): các vị sanh ở đây có hình thái đẹp,
hưởng nhiều hạnh phúc và sông lâu hơn các vị sinh trong 2 cảnh trời
trên. Tuổi thọ 1 Trụ Kiếp.
Cõi Nhị Thiền Sắc Giới có :
Thiểu Quang Thiên (Parittābhā). Tuổi thọ 2 Đại Kiếp.
Vô Lượng Quang Thiên (Appamānābhā). Tuổi thọ 4 Đại Kiếp.
Quang Âm Thiên (Ābhassarā). Tuổi thọ 8 Đại Kiếp.
Cõi Tam Thiền Sắc Giới :
Thiểu Tịnh Thiên (Parittasubhā). Tuổi thọ 16 Đại Kiếp.
Vô Lượng Tịnh Thiên(Appamanāsubhā). Tuổi thọ 32 Đại Kiếp.
Biến Tịnh Thiên (Subhakinhā). Tuổi thọ 64 Đại Kiếp.
Cõi Tứ Thiền Sắc Giới có:
Quảng Quả Thiên (Vehapphalā). Tuổi thọ 500 đại kiếp.
Vô Tưởng Thiên (Asaññasattā). Tuổi thọ 500 đại kiếp.
Vô Phiền Thiên (Avihā). Tuổi thọ 1.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.
Vô Nhiệt Thiên (Atappā). Tuổi thọ 2.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.
Thiện Hiện Thiên (Sudassā). Tuổi thọ 4.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.
Thiện Kiến Thiên (Sudassì). Tuổi thọ 8.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.
Sắc Cứu Kính Thiên (Akaniṭṭhā). Tuổi thọ 16.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.
Vô Sắc Giới gồm 4 cõi.
Không Vô Biên Xứ Thiên (Ākāsānañcāyatanabhūmi). Tuổi thọ 20.000 đại kiếp.
Thức Vô Biên Xứ Thiên (Viññānancāyatanabhūmi). Tuổi thọ 40.000 đại kiếp.
Vô Hữu Xứ Thiên (Ākiñcāññāyatanabhūmi). Tuổi thọ 60.000 đại kiếp.
Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên. (Nevasaññānāsaññāyatanabhūmi). Tuổi thọ 84.000 đại kiếp.
Theo lời của Đức Phật Thích Ca thì có thể Thiền Tuệ đạt đến Diệt Thọ
Tưởng Định, lúc đó sẽ là Vô Sinh – Vô Diệt, thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Ngạ Quỷ là ai ? Nhà họ ở đâu ? Họ sống bằng cách nào ?
Trong cõi khổ thứ hai có tuổi thọ không nhất định của Dục giới có
miêu tả về Ngạ Quỷ (Pali gọi là Pettivisaya). Chúng không phải là ma quỷ
vô hình, chúng có sắc thân nhưng mắt người không thể thấy được. Chúng
không có cảnh giới riêng và luôn luôn bị đói khát. Chúng sống ở nhiều
nơi khác nhau, nhà dân, rừng núi, hang động hay các chỗ nhớp nhúa.
Từ Pettivisaya trong tiếng Pali được định nghĩa như sau:
Petā có nghĩa là cách ly sự an lạc, xuất nguồn từ câu: Sukhasamussayato Pākaṭṭho entīti.
Petti là Hội chúng của Ngạ quỷ xuất nguồn từ câu: Petānaṃ samūho.
Pettivisayo là chỗ ở, chỗ sanh của Ngạ quỷ xuất nguồn từ câu: Pettiyā visayo.
Ngạ quỷ cũng có nhiều loại, Ngạ quỷ nhỏ, Ngạ quỷ lớn, Ngạ quỷ biến
hóa thành hình ảnh đẹp hoặc hình ành xấu. Về hình đẹp thì cho thấy dạng,
nam, nữ, đạo sĩ, Sa di, Tỳ khưu. Còn xấu thì cho thấy là trâu, bò,
voi, chó với hình dạng kinh khiếp như có đầu to, mắt lồi và có khi
không hiện rõ...
Trong các loài Ngạ quỷ cũng có những loại phải chịu đói khát khổ sở,
ăn những cặn bả được quăng bỏ ở những nơi dơ bẩn hay ăn đàm, mũ, nước
miếng và phẩn ...
Phẩm Lokapaññatti có ghi rằng: " Yattha petanagare petamahiddhiko sabbapetānaṃ issariyādhipaccankaroti".
Rừng Vijjhātīavī là kinh thành của loài Ngạ quỷ, và Ngạ quỷ Mahiddhika là vị chúa tể cai trị tất cả các Ngạ quỷ khác.
Đây là 12 loại Ngạ quỷ được điển hình trong phẩm Lokapaññatti và Gacchatidīpanī:
1- Vantāsapetā hay Vantāsa: Ngạ quỷ ăn nước miếng, đàm, vật nôn mữa. Nguyên nghĩa Pali : Vantaṃ asati bhakkhatīti = Vantāso.
2- KuṇApāsapetā hay Kuṇapāsa: Ngạ quỷ ăn tử thi người hoặc thú. Nguyên nghĩa Pali: Kunapaṃ arati dakkhatīti = Kuṇapāso.
3- Gūthakhādakapetā hay Gūthakhādaka: Ngạ quỷ ăn phẩn. Nguyên nghĩa Pali: Gūthaṃ khādatīti = Gūthakhadako.
4- Aggijālamukhapetā hay Aggijālamukha: Ngạ quỷ thường có lửa trong
miệng. Nguyên nghĩa Pali : Aggijālamukhatā etassāti = Aggījālamukho.
5- Sucimukhapetā hay Sūcimukha: Ngạ quỷ có miệng bằng lổ kim. Nguyên nghĩa Pali : Sūcipamānaṃ sukhaṃ etassāti = Sūcimukho.
6- Taṇhaṭṭikapetā hay Taṇhāhaṭṭita: Ngạ quỷ thường bị ái bức hại cho
đói khát. Nguyên nghĩa Pali : Taṇhāya aṭṭhito pūḷitoti = Taṇhāhaṭṭito.
7- Sunijjhāmakapetā hay Sunijjhāmaka : Ngạ quỷ có thân đen như than.
Nguyên nghĩa Pali: Suṭṭhu nissesena jhāno= Sunijjhāmo, Sunijjhāmo
viyāti= Sunijjhāmako. Cây bị lửa đốt hết cành, lá, thân, chỉ còn lại gốc
cây bị cháy gọi là Sunijjhāmaka.
8- Suttaṅgapetā hay Suttaṅga: Ngạ quỷ có móng tay nhỏ, móng chân dài
và bén nhọn như dao. Nguyên nghĩa Pali : Sattasadisaṃ aṅgaṃ etassāti =
Suttaṅgo.
9- Pabbataṅgapetā hay Pabbataṅgo: Ngạ quỷ có thân cao lớn bằng quả
núi. Nguyên nghĩa Pali: Pabbatappamaṇo aṅgo etassāti = Pabbataṅgo.
10- Ajagaraṅgapetā hay Ajagaraṅga: Ngạ quỷ có thân giống như con
trăn. Nguyên nghĩa Pali: Ajagarasadiso aṅgo etassāti = Ajararaṅgo.
11- Vemānikapetā hay Vemānika: Ngạ quỷ bị cảm thọ khổ lúc ban ngày,
nhưng ban đêm được thọ hưởng lạc trong Thiên cung. Nguyên nghĩa Pali :
Vimāne nibbattoti = Vemāniko.
12- Mahiddhikapetā hay Mahiddhika: Ngạ quỷ có Đại thần lực. Nguyên nghĩa Pali : Mahatiyā iddhiyā samannāgatoti = Mahiddhiko.
Petavatthu và Aṭṭhakathā, ṭīkā cũng có ghi bốn loại Ngạ quỷ thường được kể trong chủ đề của họ như là:
1- Parehidattaṃ upanissāya jīvatīti = paradattupajīviko. Vì sống
phải dựa vào người khác nuôi, nên người ta đặt tên nó là Ngạ quỷ
Paradattupajīvika.
2- Khudā ca pīpāsā ca = Khuppipāsā (Đói và khát). KhuppiPāsāhi pilito
= KhuppiPāsiko(sự đói khát). Khuppipāsika là Ngạ quỷ đói và khát.
3- Nijjhāmena taṅhā etassāti = Nijjhāmataṇhiko. Vì có sự thèm ái
dục hay sự đói khát thường xuyên và liên hệ từ lửa cháy trong miệng cho
nên Ngạ quỷ này được gọi là Nijjhāmataṇhika.
4- Ngạ quỷ Kaḷakañcika này khỏi phải định nghĩa, vì là tên của Atula,
như trong Pātheyyavagga aṭṭhakathā có ghi rằng: "Kālakañcikāti tesaṃ
asurānaṃ nāmaṃ". Gọi là Kālakañcika này là tên của Atula thuộc loài Ngạ
quỷ.
Vài loài Ngạ quỷ mà Bồ-tát không sanh vào là:
1- Ngạ quỷ KhuppiPāsika
2- Ngạ quỷ Nijjhāmataṇhika
3- Ngạ quỷ Kālakañcika
Ngoài các loại Ngạ quỷ đã kể trên, còn có nhiều loại khác, như Ngạ
quỷ Suciloma là loại Ngạ quỷ có lông như kim, Ngạ quỷ Kharaloma là Ngạ
quỷ có lông thô, Ngạ quỷ Ghanakha là Ngạ quỷ có móng tay và móng chân
dài.
Theo Lakkhaṇasamyutta có 21 loại Ngạ quỷ được trình bày như sau:
1. Aṭṭhisaṅkhasikapetā: Ngạ quỷ có xương dính với nhau thành từng khúc, nhưng không có thịt.
2. Maṃsapesikapetā: Ngạ quỷ có thịt thành từng mãnh, nhưng không có xương.
3. Maṃsapiṇḍapetā: Ngạ quỷ có thịt thành từng cục, thành khối.
4. Nicchaviparisapetā: Ngạ quỉ không có da.
5. Asilomapetā: Ngạ quỷ có lông như gươm.
6. Sattilomapetā: Ngạ quỷ có lông như giáo.
7. Usulomapetā: Ngạ quỷ có lông như cây tên.
8. Sūcilomapetā: Ngạ quỷ có lông như kim.
9. Dutiyasūcilomapetā: Ngạ quỷ có lông như kim, loại thứ hai.
10. Kumbhaṇḍapetā: Ngạ quỷ có hòn dái rất to.
11. Gūthakūpanimuggapetā: Ngạ quỷ chìm ngập trong phẩn.
12. Gūthakhādakapetā: Ngạ quỷ ăn phẩn.
13. Nicchavitakipetā: Ngạ quỷ cái không có da.
14. Duggandhapetā: Ngạ quỷ có mùi hôi thối.
15. Ogilinīpetā: Ngạ quỷ có thân như cây đuốc, lửa.
16. Asisapetā: Ngạ quỷ không có đầu.
17. Bhikkhupetā: Ngạ quỷ có hình tướng giống Tỳ khưu.
18. Bhikkhunīpetā: Ngạ quỷ có hình tướng giống Tỳ khưu ni.
19. Sikkhāmānapetā: Ngạ quỷ có hình tướng giống học nữ.
20. Sāmaṇerapetā: Ngạ quỷ có hình tướng giống Sa di.
21. Sāmaṇerīpetā: Ngạ quỷ có hình tướng giống Sa di ni.
Nhận thấy sự khổ đau cùng tột của loài ngạ quỷ mang hình thù quái vị,
bởi do nghiệp chướng, tham lam bòn sẻn đời trước mà chiêu cảm quả báo
đời này. Ðức Phật với tâm từ bi vô tận đã thuyết ra nhiều pháp môn
phương tiện để cứu độ. Một trong các pháp môn phương tiện để cứu độ loài
ngạ quỷ đó là pháp chẩn tế cô hồn.
Trong pháp nghi này, Ðức Phật đã thuyết ra rất nhiều chơn ngôn thần
chú, như Phổ triệu thỉnh chơn ngôn, Tịnh nghiệp chướng chơn ngôn, Phá
địa ngục chơn ngôn, Khai yết hầu chơn ngôn, Biến thực chơn ngôn, Biến
thủy chơn ngôn...để chỉ cho họ thấy được đâu là nẻo chánh đường tà,
khiến họ dứt trừ được tâm tham lam bỏn sẻn, hồi tâm hướng thiện một lòng
tu hành, được vĩnh viễn thoát hẳn các sự khổ não của cảnh giới ngạ quỷ.
Ðấy chính là tác dụng và mục đích của pháp chẩn tế cô hồn, mà
trong các chùa, sau khi kết thúc bất kỳ một pháp sự nào, đều có tổ chức
nghi thức cúng cô hồn này.
Ngày đại lễ Vu Lan có phần cúng Mông Sơn Thí Thực, người hay đi chùa
chỉ nghe nói cúng Mông Sơn, mà ít nghe nói cúng thí. Vậy Mông Sơn Thí
Thực, bốn chữ này phải có ý nghĩa gì đặc biệt mà người ta phải dùng ?.
Qua hai truyền thuyết ghi laị trong 2 bộ kinh khác nhau :
Kinh Vu Lan (phạn ngữ gọi là Ullambana có gốc từ động từ căn là
ud-√lamb, có nghĩa treo ngược lên, và các dịch giả Trung Quốc dùng từ
đảo huyền treo ngược lên cho từ Vu lan, chỉ sự khổ đau kinh khủng khi
sa đọa địa ngục).
Lễ Vu Lan xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát Mục Kiền Liên đại
hiếu, nghe theo lời dạy của Ðức Phật, đã lập trai đàn cầu nguyện vào
ngày rằm tháng 7 để cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, và ngày này
đã trở thành ngày lễ hằng năm để tỏ hiếu với cha mẹ, ông bà và cũng để
giúp đỡ những linh hồn đói khát trong một số nước Á Đông.
Ở Nhật ngày lễ này được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 để tỏ những ước
nguyện của mình, người ta thường viết ước nguyện rồi treo vào cây trúc
với mong ước điều ước đó sẽ trở thành hiện thực. Phương thức cúng dường
để cầu siêu gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng mang tên là Vu Lan bồn
hội, và bộ kinh là Vu Lan bồn. Kinh này do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào
thời Tây Tấn (265-316).
Lễ cúng cô hồn bắt nguồn từ kinh Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ
Quỷ Ðà La Ni Kinh, dựa theo câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt
là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt
cháy (diệm nhiên).
Cuốn Phật thuyết cứu diện nhiên ngạ quỷ đà la ni thần chú kinh do
ngài Śikṣānanda, đời Đường, dịch vào năm 695-700, cùng với ba tác phẩm
khác của Mật tông do ngài Bất Không Kim Cương dịch, đó là Phật thuyết
cứu diệm khẩu đà la ni kinh. Du già tập yếu cứu a nan đà la ni diệm khẩu
quỷ nghi kinh, và Du già tập diệm khẩu thí thực khởi giáo a nan đà
duyên do.
Dựa vào những tác phẩm Mật tông này mà ngài Bất Không Kim Cương được
xem là tổ thứ ba của Mật tông Trung Hoa và cũng là tác giả đã soạn ra
nghi thức cho lễ Thí ngạ quỷ.
Người Phật tử Trung Hoa gọi lễ này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để
bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, và nghi thức này dần
dần trở thành thói quen trong các nước á Châu, với tên là lễ cúng cô
hồn.
Vậy lễ Vu Lan có phải cũng là lễ cúng cô hồn hay không? Không!. Ðây
là hai lễ cúng khác nhau nhưng được cử hành trong cùng một ngày.
Nghi thức cầu siêu cho cô hồn có thể phát xuất từ đời nhà Đường bên
Trung Quốc do ngài Huyền Trang, lập đàn siêu độ cho tứ sanh đang luân
hồi trong lục đạo. Đến đời Tống, đại sư Bất Không Kim Cương ở Mông Sơn,
tỉnh Tứ Xuyên, quán biết các cô hồn đang vất vưởng, đòi hỏi những nhu
cầu cần thiết, nên Ngài đã ghi ra nghi thức lễ để cung ứng và siêu độ
cho họ và từ đó mới có nghi thức Mông Sơn Thí Thực.
Mông Sơn là một tỉnh tại phía tây miền trung Trung Quốc. Thủ phủ là
Thành Đô. Vùng này nằm trong Lòng chảo Tứ Xuyên và có dãy núi Himalayas
bao quanh về phía tây, về phía bắc có dãy núi Tần Lĩnh, về hướng nam
có các vùng núi đồi của Vân Nam. Sông Dương Tử chảy qua lòng chảo và
cũng là thượng nguồn đối với các vùng phía đông của Trung Hoa. Sông Mân
Giang ở trung tâm Tứ Xuyên là một nhánh của thượng nguồn Sông Dương Tử
mà nó nhập vào tại Nghi Tân. Du lịch có khu ngoạn cảnh Núi Nga Mi, Nhạc
Sơn Đại Phật (tượng Phật to ở Nhạc Sơn)...
THÍ là việc làm đứng đầu lục độ vạn hạnh có 3 cách để làm : Tài thí
cũng gọi là tư sanh thí, pháp thí và vô úy thí. THỰC : là Thức ăn trong
tiếng Trung Hoa.
Thí thực là bố thí thức ăn và ý nghĩa ăn của Phật Giáo như sau:
1) Ðoạn thực: thức ăn cứng, có thể chia thành phần như cơm, cháo,
rau, canh, thịt, cá v.v. & các thức vật có hương vị làm xúc cảm tâm
thức.
2) Xúc thực: Ăn với thức quan hay biết mùi vị, tức là cách ăn của Quỷ, Thần thọ hưỡng hương vị mà thôi.
3) Tư thực: ăn với sự kiện thần giao tư tưởng, là phép ăn của bậc
Thiên trên cỏi sắc giới, ăn với phương thức thuyền duyệt tức là không
chủ về vật phẩm ăn mà chỉ thọ hưỡng hơi hương, luôn luôn xem việc ăn là
đạo vị, thanh tịnh.
4) Thức thực: ăn qua sự giao cảm của thức thứ 8, phép ăn nầy bậc
Thánh, Phàm có khác nhau, bậc Thánh hưỡng thụ một cách hồn nhiên không
phân biệt, còn bậc phàm phân biệt là ngon, dở; do chỗ phân biệt mà có
tham muốn rồi khởi lên tư tưởng tham ăn đến bị vào vòng sinh tử, luân
hồi.
Nghi thức thí thực này thường được tổ chức vào mùa Vu Lan Báo Hiếu,
vào dịp đại lễ khánh thành chùa hoặc 49 ngày cho người vừa qua đời hay
ngày cúng cơm, để hồi hướng công đức siêu độ cho vong linh.
Trong truyền thống Phật Giáo Đại Thừa Việt Nam, việc cúng Cô hồn hay
Đàn tràng Chẩn tế là một pháp thức để cầu siêu cho các vong linh của
những người đã chết mà vì oan nghiệp chưa siêu thoát. Nghi thức này được
gọi là Thập loại Chúng sinh, như Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn
Du hay Thập loại Cô hồn.
Thập loại cô hồn được phân loại như sau :
1. Thủ hộ quốc giới: Loại oan hồn vị quốc vong thân;
2. Phụ tài khiếm mạng: Loại oan hồn chết vì trái chủ oan gia, trụy thai, sẩy thai;
3. Khinh bạc Tam Bảo: Loại oan hồn vì tạo nghiệp bất hiếu, phụ nghịch, vô đạo;
4. Giang hà thủy nịch: Loại oan hồn chết sông, chết biển;
5. Biên địa tà kiến: Loại oan hồn ở nơi biên ải hẻo lánh xa xăm;
6. Ly hương khách địa: Loại oan hồn phiêu bạc tha hương, chết đường, chết bụi;
7. Phó hỏa đầu nhai: Loại oan hồn chết vì tự tử, trầm mình xuống sông, núi, chết đâm, chết chém;
8. Ngục tù trí mạng: Loại oan hồn chết vì bị tra tấn, khổ nhục trong lao tù;
9. Nô tì kết sử: Loại oan hồn chết vì bị nô lệ, hành hạ, đày đọa;
10. Manh mung ám á: Loại oan hồn lúc sống bị đui, què, câm, điếc, cô quả không ai chăm sóc.
Đàn tràng chẩn tế,Trai đàn hay làm chay và chạy kinh đàn, là một nơi
tổ chức các nghi lễ của Mật Giáo, dùng sự trang nghiêm thanh tịnh làm
gốc để nhất tâm hồi hướng cho các loại cô hồn hay vong linh vì oan
nghiệp chưa siêu thoát đang còn sống trong thế giới mong lung. Một trai
đàn cúng thí thường kéo dài từ 3 tiếng đến 7 tiếng đồng hồ.
Đàn tràng phạn ngữ viết là मण्डल, đươc phiên âm Anh hóa là mandala có
nghĩa là vòng tròn hay sự tròn vẹn. Từ mandala là danh từ ghép từ 2 chữ
" Manda, nghĩa là cốt lõi" và tiếp vĩ ngữ " la có nghĩa hàm chứa thêm
vào đó". Nghĩa chung của Mandala là một "vật chứa sự cốt lõi".
Thuật ngữ này thường được dùng để chỉ các đồ hình có mang đặc tính
tượng trưng thể hiện một dạng thức hình học của vũ trụ hay của tiểu bản
thể con người. Khởi gốc, các đồ hình Mandala có thể đã phát nguồn từ đạo
Bà la môn. Theo Nitin Kumar 2, thì Mandala có thể xuất hiện sớm nhất ở
Ấn hay Ấn Âu và liên hệ đến học thuật Rig Veda.
Mandala là một chương, một tập hợp của các bài chú hay bài thánh kệ
được tụng lên trong các buổi lễ Vệ đà, qua đó các âm thanh thiêng liêng
được chuyển tải trong các dạng thức di truyền của các chúng sinh và sự
vật.
Cúng thí thực cô hồn là một nghi thức cứu độ cho các oan hồn uổng tử,
không nơi nương tựa đã có tự ngàn xưa. Phát xuất từ hồi Phật còn tại
thế.
Một mâm lễ nhỏ, một nồi cháo trắng gọi là cúng cháo. Tại sao phải cúng cháo ?
Tại chùa, cúng thí thực hay cúng Mông sơn thí thực là một phần hành
trì thiết yếu hằng ngày sau công phu chiều. Một mâm lễ nhỏ, một nồi cháo
trắng gọi là cúng cháo. Tại sao phải cúng cháo ? Vì theo truyến thuyết
các quỷ đói với thân hình xấu xí, cái bụng bằng cái trống nhưng cần cổ
chỉ nhỏ bằng cây kim, không thể ăn uống gì được, chỉ húp được nước cháo
mà thôi.
Nghi thức cúng cháo bắt đầu từ lúc Đức Phật còn tại thế, trong Kinh "
Phật Thuyết Cứu Diện Nhiên Ngạ Quỷ Đà La Ni Kinh" có ghi rằng : Tôn
giả A Nan, thị giả của Phật, đang thiền tọa trong đêm khuya vắng, khoảng
canh ba chợt thấy một con quỷ đói với một thân xác tiều tụy khô gầy xấu
xí, mặt cháy xám (diện nhiên), cần cổ nhỏ bằng kim, miệng phun ra lửa
(diệm khẩu), bước vào cảnh báo rằng ba ngày sau ngài A Nan sẽ chết và sẽ
đọa vào loài quỷ đói. Tôn giả A Nan nghe sợ quá, nên hỏi con quỷ làm
cách nào để thoát khỏi khổ nạn.
Quỷ bảo rằng " Rạng sáng ngày mai, ông dùng các thức uống ăn đem bố
thí cho loài quỷ đói và phát tâm cúng dường Tam Bảo hồi hướng công đức
để giúp chúng tôi sớm thoát khổ địa ngục và ngạ quỷ, thì ông mới thêm
tuổi thọ ".
Ngài A Nan quá kinh hãi nên bạch Phật cứu giúp. Phật dạy : " Ông chớ
có quá lo sợ, ta nhớ lại trong quá khứ vô lượng kiếp, thuở đó ta làm
người dòng Bà la môn, đối trước Bồ Tát Quán Thế Âm, ta thọ được pháp đà
la ni (biến thực chân ngôn) của Phật vô lượng uy đức Tự Tại Quang Minh
Như Lai : ta nay truyền dạy lại ngươi, nếu trì tụng thần chú đây, niệm
được bảy biến có thể khiến cho một món ăn hoá ra làm vô lượng món ăn và
trở thành mùi vị cam lộ ngon ngọt, khiến cho các loài được thọ hưởng no
đủ ".
Tiếp đó Đức Thế Tôn đã dạy rõ phương pháp cứu độ ngạ quỹ qua bản Kinh " Phật Thuyết Cứu Diện Nhiên Ngạ Quỷ Đà La Ni ".
Nghi thức cúng cháo sau này đã được chư tổ đức Trung Hoa soạn thảo thành " Du Già Diệm Khẩu Thí Thực khoa nghi ".
Theo truyền thuyết tín ngưỡng cổ truyền Á châu, người ta tin rằng con
người có hai phần: hồn và xác. Khi chết, hồn lìa khỏi xác, xác bị phân
hủy còn hồn sẽ tiếp tục tồn tại. Hồn có thể lên thiên đàng hay đầu thai
kiếp khác, hoặc bị giáng xuống địa ngục tùy theo những điều lành hay dữ
mà người đó làm khi còn sống.
Vậy thì Hồn là gì ? Thiên đàng và Địa ngục ở đâu ? Trong bài mở đầu
Thập giới cô hồn Quốc ngữ văn của Lê Thánh Tôn, có nói Hồn là phần tinh
anh, cái phần thần thánh có ở bản thể con người và nó là thứ " khinh
quang " nên " thăng thượng " lên cõi chiêu dương (sáng rực).
Phần tinh anh là phần thứ ba trong ba thể loại của hồn: Sinh hồn,
giác hồn và linh hồn. Theo kinh Địa Tạng : " Từ khi chết, trong 7 tuần
đầu, thần thức chưa có định sở đang còn vơ vẩn khắp nơi. Nếu tang gia vì
người quá vãng chí thành cầu nguyện, Phật sẽ tiếp độ ". Đây là tín lý
của nghi cúng thất 7 tuần đầu để cầu cho vong hồn hay thần thức còn gọi
là Trung ấm hay Thức thân, được vãng sanh cõi Cực lạc Tịnh độ Niết bàn
vô vi.
Trên mặt lý của truyền thuyết trong kho tàng văn hóa dân gian có nói :
dưới âm phủ có mười vị vua cai quản mười cửa ngục, mỗi vị có nhiệm vụ
và công việc khác nhau để xem xét người chết lúc còn sống trên thế gian
đã phạm vào những tội lỗi gì mà có hình phạt tương ứng. Thời gian tạm
giam ở đây không phải là sự giam cầm vĩnh viễn mà theo sự phán xét dài
ngắn tùy trường hợp.
Địa ngục phạn ngữ gọi là Naraka नरक và Pāli là Niraya निरय. Theo
nghĩa đen chữ địa ngục có nghĩa là ngục ở dưới đất. Vì chữ địa là đất và
chữ ngục là giam giữ. Còn nghĩa bóng là ý muốn nói những người nào làm
ác thì chịu quả báo. Có thể là ở trước mắt, chứ không nhất thiết là sau
khi chết đi mới đọa vào địa ngục.
Tóm lại Địa ngục có nhiều truyền thuyết diễn nghĩa và cũng tùy theo
những khái niệm riêng của mỗi tôn giáo. Trong lãnh vực Văn học dân
gian, Địa ngục được xem như một địa danh siêu nhiên, nơi của các linh
hồn đến sau khi chết.
Phần lớn các tôn giáo đều cho rằng địa ngục là nơi giam giữ, trừng
phạt các linh hồn tội lỗi, và đây cũng là nơi để cho các linh hồn được
ăn năn sám hối, trước khi đi đầu thai. Phản nghĩa của Địa ngục là Thiên
đàng.
Có nhiều người không tin có địa ngục. Bởi vì họ cho rằng Thấy rồi họ
mới tin. Nhưng dù có dùng lý luận khoa học hay phương tiện nào đó đễ
chứng minh, thì rất khó để làm họ tin được.
Thí dụ trong đời sống hàng ngày chúng ta, ai ai cũng biết, vạn
vật sống trên trái đất này đều phải nhờ không khí, nhưng không khí ở
dạng vô hình làm sao thấy được, do đó chúng ta vẫn phải tin rằng nếu
không có không khí thì chúng ta sẽ chết, đó là chuyện thực tế không ai
chối cãi được.
Thêm một thí dụ thực tế khác nữa : Trong đời chúng ta thường
nghe nói về nguồn gốc tổ tiên của chúng ta, mặc dù không thấy mặt được
họ, nhưng chúng ta vẫn phải tin rằng, bằng một lý lẽ đơn giản: Nếu không
có ông bà tổ tiên, thì làm sao ngày nay chúng ta được sống hiện diện
tại đây.
Những chuyện đơn giản trước mắt có thể hiểu và tìm hiểu được
bằng thực chất so sánh mà còn nghi ngờ thì những việc khác không dùng
mắt để thấy được thì làm sao mà có thể tin. Cũng như : người ta không
thấy được ánh sáng là tại vì người ta mù, chứ không phải người mù mà
không biết ánh sáng.
Người con Phật tin Phật là qua trí tuệ chứng đắc của Ngài, bởi vì
Ngài đã thấy rõ mọi sự việc trên thế gian và đã kể lại cho những đồ đệ
của Ngài nghe những việc như thế để viết thành kinh để răn dạy người
đời. Còn tin hay không, là chuyện cá nhân của mỗi người. Đạo Phật hay
Đức Phật không kêu gọi và cũng chẳng bắt ai phải tin theo.
Giáo lý của Đức Phật như ngọn đèn soi sáng trong cuộc sống thực tế,
vậy thì thực tế trong cuộc sống là gì? Tất cả mọi sinh hoạt thực tế
trong cuộc sống đều phải bị chi phối bởi nghiệp lực, vô thường, khổ,
không, và vô ngã.
Có một điều chắc chắn : không có hôm qua thì không có hôm nay và ngày
mai sẽ không có. Nhân và quả tạo thành cái giải luân hồi vô tận và
chúng ta nên nghĩ rằng : Nhân tốt sẽ không bao giờ sanh trái đắng.
Đức Phật có nói : Chúng sanh bị đọa vào địa ngục vì đã tạo nhiều
nghiệp ác, tà kiến. Chúng ta nhờ tạo dựng nghiệp nhân làm người, sống
giữa cõi người, còn những chúng sanh nào tạo nghiệp nhân địa ngục thì
sống trong địa ngục v.v... Đây là một sự thật của nhân quả, nghiệp báo,
vì thế địa ngục là một cảnh giới, một cõi sống cụ thể, không phải là ẩn
dụ hay biểu tượng.
Ngày nay, địa ngục không phải chỉ xuất hiện ở một thế giới xa lạ và
bí mật nào, như chúng ta đã tham khảo sơ qua trong những đoạn kinh ở
trên hay trong kho tàng văn học dân gian, mà địa ngục hiện hữu luôn nằm
ngay trong cuộc đời hiện hữu của chúng ta.
Bởi vì ở đâu có đau khổ, có máu và nước mắt là ở đấy có địa ngục. Thế
giới hiện đang chiêu cảm nhiều thiên tai chết chốc, giết chốc tàn khốc
bởi chiến tranh đang diển ra khắp nơi. Mỗi ngày hàng vạn con vật bị lên
lò sát sanh, hàng ngàn người bị tra tấn trong mọi lao tù. Đây mới chính
là hình ảnh thực tế của một địa ngục hiện hữu trần gian một cách trọn
vẹn.
Căn bản ngục, Cận biên ngục, Cô độc ngục, mỗi ngày không còn dựng lên
một nơi mà đã tràn lan khắp nơi trong cuộc sống, không do sự xúi giục
của Ngạ Quỷ, đầu trâu mặt ngựa, mà do tự bàn tay tàn bạo của chính con
người tự tạo ra, để rồi con người phải tự chính mình tự chôn vào đó,
cũng chỉ vì Nhân loại tranh chấp nhau vì những lợi quyền kinh tế, chánh
trị và tranh chấp nhau vì tư tưởng.
Những tâm niệm xấu xa, ích kỷ, kiêu mạn, tham lam và tàn bạo, là
một địa ngục sâu thẳm trong mỗi tâm hồn nhân loại và cũng là nguồn gốc
tạo ra các loại địa ngục khác trên thế gian.
Khi ngọn lửa tâm tưởng xấu xa, ích kỷ, kiêu mạn, tham lam và tàn bạo
còn bừng cháy trong mỗi cá nhân, thì ngọn lửa khổ đau của toàn thể nhân
loại không thể nào dập tắt được nữa. Thế giới ngoại cảnh biến hiện tùy
thuộc vào tâm thức của mỗi người. Khi đôi mắt đã nhuộm màu đỏ của sự tàn
ác, thì cảnh vật bên ngoài làm gì không ngập đầy máu đau thương !.
Muốn cứu độ nhân loại đang thoi thóp trong đau khổ và hận thù
trong các địa ngục, thì mỗi cá nhân phải tự cứu mình trước đã. Đây chính
là cuộc cách mạng vĩ đại nhất rất khó làm.
Tất cả địa ngục không còn giá trị, khi trong lòng mỗi người không còn
những ngọn lửa tâm tưởng xấu xa, ích kỷ, kiêu mạn, tham lam và tàn bạo.
Trích trong Tinh Hoa Phật Học của TS Huệ Dân,
Kính bút
TS Huệ Dân