Tinh thần nhập thế của Phật giáo
Ý nghĩa Phật Đản
HT. Thích Bảo Nghiêm
04/05/2013 14:20 (GMT+7)

Mùa Phật đản năm nay tròn 50 năm kỷ niệm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu để cầu nguyện đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình, thức tỉnh lương tri của những người bị sự cám dỗ bởi danh vọng, quyền lực làm cho mê mờ tâm trí.

Hàng năm, vào mùa sen nở tháng Tư âm lịch, Tăng Ni Phật tử Việt Nam hòa cùng niềm hân hoan của Phật giáo đồ trên toàn thế giới kính mừng ngày Đại lễ Đức Thế Tôn Đản sinh, một trong những sự kiện quan trọng và hy hữu liên quan đến cuộc đời của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni.

Cách đây hơn một thập kỷ, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã công nhận Ngày Tam Hợp (kỷ niệm ba sự kiện thiêng liêng là Đức Thế Tôn: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn) làm Ngày Vesak Liên Hiệp Quốc - một sự kiện văn hóa tâm linh của cả thế giới. Sự kiện này khẳng định niềm tin của Liên Hiệp Quốc về giáo pháp của Đức Phật sẽ giúp con người nhận thức sâu sắc về sự hiện hữu tinh thần từ bi, trí tuệ và dung nhiếp của Phật giáo mới có thể thay đổi thế giới, tiến bộ, trong mục tiêu vì nền hòa bình, hạnh phúc và an lạc chung của nhân loại trên hành tinh này.

Nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2557 - Dương lịch 2013, là những người có phúc duyên được thụ nhận Giáo pháp cao quý mà Đức Thế Tôn đã từ bi tuyên thuyết vì lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Tăng Ni, Phật tử chúng ta cung kính suy niệm lại sự kiện Đản sinh hy hữu cách đây 2637 năm trước của Đức Từ Phụ tại vườn Lâm-tì-ni (Lumbini, ở Ấn Độ cổ xưa, nay thuộc Nepal) qua hình hài Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha), con vua Tịnh Phạn (Śuddhodana) và Hoàng hậu Ma Da (Māyā), thuộc dòng dõi Thích Ca trị vì vương quốc Ca-tì-la-vệ (Kapilavastu) thuộc Ấn Độ lúc bấy giờ.

Kinh văn ghi rằng, từ giã cảnh giới Đâu Suất thiên, Bồ-tát Tì Xá Thi (Vipassi) chính niệm tỉnh giác nhập vào mẫu thai, lúc ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa uy lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, đại địa chấn động. Khi vị Bồ-tát nhập mẫu thai, Hoàng hậu Ma Da giữ giới một cách hồn nhiên, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng các thức dùng làm mất sự sáng suốt của tâm trí, sống tiết hạnh, không khởi dục với nam nhân, luôn từ ái, tâm thường hoan hỷ, thân không bệnh tật, cho đến ngày hạ sinh Thái tử với rất nhiều điềm lành: “Vị Bồ-tát khi sinh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con Ngưu vương, thốt ra lời như sau: “Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời! Ta là bậc cao nhất ở trên đời! Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sinh ở đời này nữa”. (Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trường Bộ I, Kinh Đại Bản)

Vì Đại nguyện cứu độ hết thảy chúng sinh, Bồ-tát đã chủ động giáng sinh đi vào đời qua hình hài một con người với đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Bậc Đại nhân. “Một vị hữu tình sinh ra ở đời không bị chi phối, đã sinh ra ở đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”. (Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trung Bộ I, Đại Kinh Sư Tử Hống).

Từ đó, suốt cuộc đời của Ngài trong hoàn cảnh là Thái tử, xuất gia, thành đạo cho đến khi nhập Niết bàn, Đức Thế Tôn đã luôn “thương tưởng cho đời”, thuyết Pháp độ sinh, khai mở chân lý cho tất cả không phân biệt giai cấp, dòng dõi xuất thân, giới tính, với tinh thần khích lệ sự tiến bộ, sống hài hòa, trách nhiệm, hạnh phúc, an lạc ngay trong đời sống hiện tại. Là bậc Thầy của nhân thiên, nhưng Ngài đã không hề dành một đặc quyền riêng biệt nào. Đức Thế Tôn là vị Giáo chủ duy nhất trong lịch sử tôn giáo thế giới, tuyên bố với tất cả đệ tử chân lý sau khi Ngài thành đạo dưới cội Bồ đề: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”.

Ngài như ngọc lưu ly luôn thuần khiết trong mọi hoàn cảnh. “Như Lai sinh ra ở đời là bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.” (Đại tạng Kinh Việt Nam, Kinh Trung Bộ I, Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi)

Là đệ tử Đức Thế Tôn, nhân Đại lễ kỷ niệm Đức Phật Đản sinh năm nay, Phật lịch 2557, chúng ta cần trầm tư về đại nguyện và tinh thần “đi vào đời” của Ngài, để từ đó nỗ lực ứng dụng vào đời sống của từng cá nhân, cộng đồng, trong các vai trò xã hội mà chúng ta tham dự. Trầm tư để có nhận thức đúng, có Chính kiến như thật. Đó là chất liệu của tư duy, lời nói và hành động có Phật chất; được như thế thì những đóng góp của chúng ta vào cuộc đời mới phần nào xứng đáng với danh xưng, niềm tự hào là người con Phật.

Với đại nguyện và tinh thần “đi vào đời” của Đức Thế Tôn, chúng ta có những hành xử đúng, có Chính nghiệp, Chính mệnh, có những suy nghĩ, lời nói và hành vi không gây tổn hại cho người khác, cho môi trường sinh thái; đồng thời còn xây dựng vì sự tiến bộ, ổn định, an lạc chung của cộng đồng, xứ sở, rộng hơn nữa là khu vực và thế giới.

Từ thuở ban đầu đạo Phật du nhập Việt Nam, hơn hai nghìn năm trước, tổ tiên chúng ta đã tiếp nhận nếp sống tâm linh này. Tư tưởng đạo Phật được Đức Thế Tôn khởi nguồn đã hòa nhập vào nền văn hóa bản địa một cách khiêm tốn, không phủ nhận mà góp phần nội dung làm phong phú nền tảng văn hóa dân tộc. Kể từ đó trở đi, qua các thời đại từ mở nước và dựng nước, đạo Phật luôn hài hòa với các hệ tư tưởng khác, tỏ rõ tinh thần khoan dung, cởi mở, từ bi và trí tuệ.

Các thế hệ Tổ sư tiền hiền tùy nhân duyên thời đại, đã dấn thân nhập thế với nhiều vai trò khác nhau, từ người hướng dẫn chính trị, vị thầy tâm linh, cố vấn đạo đức, nhà văn hóa, giáo dục, nhà hoạt động xã hội… nhưng căn bản của mọi hành xử trong các vai trò xã hội đó là tâm từ bi và hạnh xả ly, không bị tiền tài, danh vọng, quyền lực cám dỗ, tha hóa.

Phát thệ đại nguyện, với tâm thương tưởng đời, vì an lạc, hạnh phúc cho số đông, người đệ tử Phật đi vào đời một cách dũng mãnh, tích cực không hề gây não hại cho đời lúc đến và sau khi rời khỏi, như hình ảnh con ong hút lấy mật được diễn tả trong kinh Pháp Cú:

“Như ong đến với hoa,

Không hại sắc và hương,

Che chở hoa, lấy nhụy,

Bậc Thánh đi vào đời”.

 

                       (Thi kệ 49)

Mùa Phật đản năm nay tròn 50 năm kỷ niệm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu để cầu nguyện đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình, thức tỉnh lương tri của những người bị sự cám dỗ bởi danh vọng, quyền lực làm cho mê mờ tâm trí. Với dáng tọa thiền tay bắt ấn Tam muội an nhiên trong ngọn lửa cao ngùn ngụt, với trái tim bất diệt không cháy trong ngọn lửa mấy ngàn độ đã làm thế giới bàng hoàng, cũng là bằng chứng của sự kết tinh niềm tin kiên cố ở Chính pháp của Đức Thế Tôn đã khai thị, luôn đem lợi lạc cho đời, cho nền hòa bình và hạnh phúc nhân sinh.

Chúng ta cũng khắc cốt ghi tâm công đức to lớn của chư Bồ-tát, chư vị Tổ sư nhiều đời đã bảo tồn Phật pháp, nhiều khi hy sinh cả sinh mệnh của mình, để hôm nay chúng ta được thừa kế, được học tập và tu trì. Thành tâm ghi nhớ công ơn của các hệ thế tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp dựng nước, bảo vệ sự độc lập, hòa bình cho quê hương đất nước.

Tưởng nhớ Đức Thế Tôn, tưởng niệm chư tiền nhân hữu công với Đạo Pháp và Dân tộc, không gì hơn bằng sự tinh tiến thực hành Giáo pháp mà Đức Thế Tôn đã dạy, nỗ lực hành trì, ứng dụng vào đời sống thực tiễn của mỗi người, làm sống dậy Giáo pháp, tinh thần nhập thế đó trong thời đại hôm nay.

Là Tăng Ni Phật tử, chúng ta cần phản quan tự kỷ, nỗ lực học Phật để có chính kiến, chính tín; không chỉ biết phân định đúng sai, điều phù hợp với Phật pháp và sự việc không phù hợp với Phật pháp, mà còn tích cực gạn đục khơi trong, ý thức trách nhiệm và vai trò của mình trong việc góp phần trang nghiêm Giáo hội, xây dựng đất nước, môi trường sống ngày càng tốt đẹp hơn, để xứng đáng là người con Phật, kế thừa truyền thống “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam mấy nghìn năm qua./.

HT. Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS,
Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN

Các tin đã đăng: