Trong
ngày hôm qua, chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) đã phát 1.500 phần quà (mỗi
phần gồm 10 kg gạo và một thùng mì gói) cho các hộ nghèo trên địa bàn
TP.HCM. Không chỉ vậy, Phật tử, người nghèo… đến lễ Phật đều được thưởng
thức bún riêu chay miễn phí. Trong ba ngày từ 12 đến 14-7 âm lịch, chùa
Vĩnh Nghiêm cũng tổ chức đại lễ trai đàn chẩn tế cầu siêu cho các thai
nhi. Đại lễ là dịp để các bậc đã làm cha làm mẹ hoặc sẽ làm cha làm mẹ
có cơ duyên tìm hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của tình yêu thương và mầm sống
để xây dựng một cuộc sống đạo đức, lành mạnh, tràn đầy yêu thương và
hạnh phúc.
Các Phật tử đang dùng bữa tại chùa Vĩnh Nghiêm sáng 13-8. Ảnh: HTD
Các tăng tụng kinh Địa tạng trong đại lễ trai đàn chẩn tế cầu siêu tại chùa Vĩnh Nghiêm chiều 13-8. Ảnh: HỒNG ÚT
Hàng ngàn Phật tử đã đến Khu du lịch văn hóa Suối Tiên để tham gia đại lễ Vu lan. Ảnh: HỒNG ÚT
Trước
đó, sáng 12-8 (tức 13 tháng Bảy âm lịch)THPG Thừa Thiên-Huế đã tổ chức
lễ cúng dường y, Tự tứ, Vu lan và Trai tăng cúng dường tại chùa Từ Đàm.
Buổi lễ đặt dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Đức Phương, Phó Chủ
tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thừa
Thiên-Huế cùng chư tôn đức tăng, ni. Sau lễ cúng dường y, khoảng 800
tăng, ni và hơn 1.000 Phật tử tham dự nghi lễ Vu lan tại chánh điện chùa
Từ Đàm. Hòa thượng Thích Khế Chơn đã nói lên ý nghĩa của ngày lễ Vu lan
và ảnh hưởng của ngày lễ với truyền thống hiếu đạo của người Việt Nam
nói chung và người Huế nói riêng. Tối cùng ngày, tại Trung tâm Văn hóa
Phật giáo Liễu Quán Huế, lễ cài hoa hồng và văn nghệ Kính mừng Vu lan đã
được tổ chức trong tâm niệm báo đáp ơn nghĩa sinh thành.
Hôm
nay (14-8), tức rằm tháng Bảy âm lịch, ngày lễ chính của đại lễ Vu lan.
Tất cả các chùa, tự viện đều có tổ chức lễ. Riêng tại chùa Hoằng Pháp,
hằng năm đều tập trung hàng ngàn Phật tử về cùng dâng cúng, thực hiện
nghi thức cài hoa hồng, tụng kinh Vu lan…