Mô hình tu tập thí điểm dành cho Phật tử dân tộc K'ho
BAN HOẰNG PHÁP TỈNH LÂM ĐỒNG
15/05/2010 03:36 (GMT+7)

Để thực hiện theo lời Phật dạy: “Phụng Sự Chúng Sanh là Thiết Thực Cúng Dường Chư Phật”. Tiêu chí này được thể nhập quán triệt trong lý tưởng hoằng đạo của Ban Hoằng Pháp tỉnh Lâm Đồng. Thứ nữa, là lời dặn dò của Hòa thượng giảng sư thượng Trí hạ Quảng rằng: “Trên con đường Hoằng Pháp lợi sanh, các vị Tăng, Ni trẻ nên quan tâm đến Đồng bào Dân tộc nơi vùng sâu vùng xa và Đồng bào sắc tộc thiểu số ”. Đây cũng được xem là nguồn động lực chủ đạo mà những nhiệm kỳ qua đã gặt hái được một vài thành tựu khả thi với việc đem ánh sáng chân lý Đạo Phật vào nơi vùng người Dân tộc K’Ho.

Thiết nghĩ rằng bất kỳ quốc gia nào trên thế giới dù có khác chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tín ngưỡng… nhưng thể tánh chung vẫn là “chúng sanh hiện hữu trên cõi Ta bà”. Người hành Bồ Tát Đạo không thể không thực hiện trách nhiệm hướng dẫn nhân sinh theo lộ trình giác ngộ mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã vạch sẵn. Hành giả hoằng pháp hiện nay phải biến tự lợi thành lợi tha đi vào đời sống mang tính hữu hiệu nhất hầu phục vụ lợi ích thiết thực cho đời sống con người. Bởi giáo lý nhà Phật là nền giáo lý sinh động uyển chuyển mà bất biến vì tính lý thuần túy trong sự khế nhập cuộc đời. “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian giác” phải tự giác, giác tha, thì quả vị giác hạnh mới châu viên. Vì tự thể lý tánh tuyệt đối không phải là giáo điều ràng buộc người khác phải tin theo một cách mù quáng, điều ấy được kiểm định thông qua sự “Tri Hành Hợp Nhất” từ bản thân của những bậc tuyên giáo trong Phật pháp.

Muốn hướng đến tính xã hội thì vô cùng rộng lớn, nhiều mãng bất khả thi, nhiều vấn đề thiết yếu cần ngành tuyên truyền phổ quát hiện nay. Trong đó vần đề là tổ chức tu học và quản lý tốt quần chúng Phật tử mới là điều quan thiết trong mạch Đạo. Bởi tính quần chúng là tính chiến lược nhắm tới của tất cả Tôn giáo trong đó có Phật giáo nên cần định hình một sách lược cụ thể mang tầm nhìn tương lai hơn là giá trị lợi ích hiện tại.

Trước tiên muốn cho quần chúng Phật tử hướng về sinh hoạt tín ngưỡng, tu tập, học hỏi giáo pháp phải hướng dẫn Quy y Tam bảo. Đây là điều kiện cần, điều kiện đủ là không nên áp đặt cái gì với người Đồng bào Dân tộc vùng sâu, vùng xa; ngược lại phải tận tình phục vụ, hy sinh cho quần chúng Phật tử, đây mới là chính yếu. Phải biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng, nắm bắt tính sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, hướng dẫn những chủ trương, chính sách pháp luật nhà nước, những phương thức canh tác, thu hoạch hoa lợi, mùa màng đối với cây công nghiệp lâu năm và ngắn ngày đây là phương thức sản xuất mà vị hoằng pháp viên khi đi vào thực tế đời sống phải trang bị thật chuẩn và hiệu quả. Quan trọng nhất vẫn là tư liệu sản xuất, điều này nên cần có những sự quan tâm bổ trợ đồng loạt của các ngành chức năng có liên quan, hoặc có thể huy động phát tâm ủng hộ của Phật tử vùng kinh tế trọng điểm, những công ty, doanh nghiệp và quý Mạnh thường quân có tấm lòng vàng từ thiện.

Mô hình hóa này tại tỉnh Lâm Đồng, ngành Hoằng Pháp đã thực hiện và hướng dẫn tu học được một số lượng Phật tử không nhỏ đối với người Dân tộc K’Ho đã Quy y Phật pháp từ năm 1992 đến nay. Với những kết quả cụ thể như sau: ở Huyện Di Linh - Tỉnh Lâm Đồng có hai Đạo tràng hướng dẫn Phật tử Dân Tộc K’Ho Quy y Tam Bảo:

- Chùa Pháp Hoa do hai Ni trưởng thượng Huệ hạ Đức và Ni trưởng thượng Minh hạ Hiền. Chùa Thanh Sơn do Sư Cô Phổ Tuệ hướng dẫn đã Quy y tổng số Phật tử khoảng 2.100 nhân khẩu.

ª Các công tác cụ thể cần chia sẻ với sự thành tựu như sau:

- Nghi Lễ: Đa số Phật tử ở đây phát âm chưa rõ tiếng Việt, chúng ta phải kiên trì hướng dẫn. Những người già lớn tuổi không biết chữ thì dạy đọc tụng kinh điển bằng cách truyền miệng. Đến nay, hầu hết đều đã thuộc lòng những bài kinh chú, sám tụng nghi thức. Đã áp dụng các khóa lễ Cầu an, Cầu siêu trong Buôn Làng. Ban Hoằng Pháp tỉnh đã kết hợp cùng Sư cô trụ trì Chùa Thanh Sơn, Huyện Di Linh tổ chức được đội “Cồng Chiêng Tây Nguyên” phục vụ các ngày lễ hội văn hóa Phật giáo.

- Văn Hoá Giáo Dục: Hướng dẫn thực tập cho các con em trong Buôn làng ca múa những đề tài Phật giáo, sinh hoạt văn nghệ Phật tử…. Dạy tiếng Việt phổ thông cho những người không biết chữ, biết viết và đọc …. Tự lo đầu tư chi phí cho những gia đình đông con, khó khăn kinh tế để con em trong Buôn được cấp sách tới trường.

- Kinh Tế: Tạo điều kiện sinh hoạt kinh tế gia đình cho Đồng bào bằng cách nhận hợp đồng những lô Cà phê của các cá nhân, hộ gia đình Đồng bào Kinh cho Phật tử K’Ho làm thuê mướn để tăng thu nhập ổn định. Hướng dẫn trồng cây công nghiệp hằng năm, hướng dẫn nơi cung ứng hàng hóa trên địa bàn Huyện.

- Công Tác Từ Thiện: Tổ chức khuyến khích Đồng bào Phật tử K’Ho làm Từ thiện cúng dường Tam Bảo bằng cách nhận lãnh công đi hái Cà Phê, có tiền đi cứu trợ như bão lụt ở các tỉnh miền Trung.

ª Công tác quản lý và tổ chức:

Thành lập các chúng, trong đó có tổng chúng điều hành mọi sinh hoạt Phật tử trong Chùa. Mỗi Chủ nhật hằng tuần có tổ chức thọ Bát Quan Trai dành riêng cho Đồng bào Phật tử K’Ho từ vùng sâu vùng xa về. Đã hướng dẫn hầu hết các gia đình trong Buôn làng đều đã Quy Y Tam Bảo và mỗi tư gia đều có bàn thờ Phật, cải bỏ những hủ tục lạc hậu tế lễ, ma chay không mang tính văn hóa nhân văn mà thay vào đó là những nghi thức Cầu an, Cầu siêu, Sám hối của Phật giáo vv….

Ban Hoằng Pháp tỉnh đã cung ứng kịp thời những giảng sư địa phương tại nơi thường trú của Đồng bào Phật tử. Thuyết pháp giảng dạy và hướng dẫn lồng ghép những chính sách của Đảng, nhà nước kịp thời đến cho người dân

Sự nghiệp Hoằng pháp của Tỉnh nhà đang trên đà phát triển với những khởi sắc và có những thành tích mà Chư tôn đức đã nhiệt tình ủng hộ sách tấn cho chúng con trên con đường hành Đạo.

ª Biện pháp thực hiện:

Bằng tinh thần từ bi vô chấp, thể nghiệm thực tế qua việc hành đạo, không đặt nặng hình thức sinh hoạt tu tập. Nhưng đặt sự ràng buộc trong tư duy và tín ngưỡng tâm linh. Hướng dẫn Phật tử đồng bào người Dân tộc kính lễ Chư Phật như những thần nhân ban phước giáng họa trong tín ngưỡng dân gian ăn sâu trong huyết quản của mọi người. Nhưng, bên cạnh đó thuyết pháp về vấn đề nhân quả, tội phước, nghiệp lực và sự tu hành chứng quả thành tiên, thánh, Phật. Ban Hoằng Pháp tỉnh chỉ đạo các chùa có tổ chức mô hình sinh hoạt cho đồng bào Dân tộc K’Ho theo tinh thần chung là: Phục vụ lợi sinh kết hợp với tuyên truyền giảng dạy giáo lý. Kết hợp đồng bộ với các chùa, các ngành đóng tại địa bàn, không đi xa rời quần chúng.

Nhiều lần đã vận động thành công chương trình Từ thiện ở các Tỉnh thành phố đưa về cho Đồng bào nghèo, xây nhà tình thương, giếng nước sạch, khám bệnh cấp thuốc… tạo cho Phật tử người Dân tộc cảm thấy có sự ấm áp nghĩa tình không thấy tách biệt về ngôn ngữ văn hóa.

Các Chùa này đã tổ chức các khóa tu Bát quan trai, Niệm Phật, sám hối… kinh phí ăn uống các chùa tự vận động và lo chu toàn. Phục vụ với tinh thần hoan hỷ lợi lạc.

ª Những mặt khó khăn tồn đọng:

Tuy nhiên, trong thời gian Hoằng Pháp nơi vùng sâu vùng xa này, chúng tôi còn gặp khó khăn. Vì mỗi tuần tổ chức thọ Bát Quan Trai cho Phật tử K’Ho phải đài thọ một số chi phí khá lớn trong ẩm thực cũng như xa phí sinh hoạt đi lại cho đồng bào từ vùng sâu vùng xa về tham dự tu tập. Những văn hóa phẩm Phật giáo như áo tràng, kinh sách, mua trang thiết bị Cồng Chiêng, và khả năng hướng dẫn bằng tiếng K’Ho chưa được phát huy quan tâm đúng mức, các chương trình tiết mục trang phục múa lễ hội thiếu thốn v.v….

ª Kiến nghị - nguyện vọng:

Thông qua bản tham luận này, những điều đạt được và còn hạn chế mong rằng TWGH và nhất là ngành Hoằng Pháp TW có sự điều chỉnh về vấn đề đào tạo hướng hoằng pháp cho những Tăng Ni sinh trẻ có tâm huyết đi về vùng sâu, vùng xa phải thực sự là một vị có trái tim Bồ tát theo nguyên nghĩa. Học lực, đạo đức và cách ứng xử linh hoạt nhẹ nhàng, am hiểu nét văn hóa vùng miền, tạo được mối giao cảm thật sự trong lòng Đồng bào dân tộc. Cũng như hiện nay cần nhân rộng mô hình hóa ánh sáng Phật pháp với người dân tộc miền cao, kế hoạch cụ thể cho từng vùng miền.

Kính mong chư Tôn Đức trong Ban Hoằng pháp TW tiếp tục quan tâm nuôi dưỡng những thành quả mà những vị hoằng pháp viên của tỉnh đã làm được trong một thời gian dài nhưng vẫn còn khúc mắc ở một số vấn đề. Mong cho mô hình này ngày càng được nhân rộng và thành tựu viên mãn./.

Các tin đã đăng: