Nhân mùa Phật Đản – Nói về niềm tin kiên định của người Phật tử
Thích Giải Hiền - Hội trưởng Hội Sự nghiệp Từ thiện Minh Đức
24/05/2010 01:29 (GMT+7)

Viết bài viết này để làm sáng tỏ hơn nữa một điều mà chúng tôi không lý giải được trong Diễn đàn Cư sĩ thế giới lần thứ 3 được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 12 năm 2009 tại Kuching, Sarawak, Malaysia.

Trên Diễn đàn giáo sư 強梵畅 (Cường Phạn Sướng) đến từ Mỹ trong tham luận của mình có đề cập đến số lượng Phật tử ở Việt Nam hiện nay là khoảng 18% dân số.

Trong Diễn đàn không có thời gian đặt câu hỏi nên đến bữa ăn chiều tôi đã trao đổi với giáo sư về vấn đề này. Giáo sư đưa ra số liệu ấy là con số thống kê từ số liệu của Nhà nước Việt Nam công bố. Nó không thể sai được nhưng là người Việt Nam tôi cảm nhận được nó không xác thực tế. Và từ đó tôi đã để ý, tham khảo không chính thức bằng nghiên cứu cũng như qua tiếp xúc và tìm hiểu của cá nhân để đưa ra những lý giải phần nào cho con số này. Con số ấy nó cũng phản ánh được một vấn đề mà Phật giáo nước ta đang gặp phải là “Niềm tin kiên định của người Phật tử Việt Nam”.

Dân số 90 triệu người với 18% là người theo đạo Phật tại Việt Nam có phải là sự thật không? Câu trả lời là:

1/ Nó không phải là sự thật

Không phải là sự thật bởi vì bằng cảm nhận thực tế trong cuộc sống hằng ngày và trong các hoạt động, sinh hoạt, tu tập tại các chùa, các địa phương trong cả nước hiện nay ai cũng dễ dàng nhận ra rằng người theo đạo Phật ở Việt Nam phải trên con số 18% (nhưng là bao nhiêu thì chưa ai biết được kể cả Giáo hội Phật giáo và Nhà nước Việt Nam). Trong Chương trình cung đón Phật Ngọc Hòa bình Thế giới đến Việt Nam vừa qua, từ Đà Nẵng, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Bắc Ninh, mỗi nơi số lượng từ 300.000 người đến 500.000 người đến chiêm bái. Ngoài ra còn có rất nhiều trong các hoạt động khác như các lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, Lễ hội Quan Âm Đà Nẵng, Đại lễ Phật Đản, Vu lan, các đạo tràng tu tập, các Đại lễ rước Ngọc Xá lợi, Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc, Tuần lễ văn hóa Phật giáo…Qua các hoạt động đó chúng ta đều phải công nhận một điều con số 18% dân số theo đạo Phật là điều không đúng sự thật.

Tác giả với bài phát biểu tại Diễn đàn

2/ Nó lại là sự thật

Đó là sự thật bởi vì nếu chúng ta có được một cuộc kiểm tra thật sự thì sẽ thấy rằng:

Là Tu sĩ Phật giáo, là Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, Ni sư… trụ trì các  tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, là các Tăng ni sinh đang theo học tại các trường sơ, trung, cao đẳng và học viện Phật giáo trong cả nước, là các vị lãnh đạo trong các ban ngành của trung ương và địa phương của Giáo hội, là các vị Thầy hướng dẫn và truyền bá Chánh Pháp của đạo Phật nhưng trong số đó chắc hẳn là không ít người Chứng minh nhân dân của họ ghi rất rõ họ là người không có niềm tin về tôn giáo, họ là người không tôn giáo.

Cũng như vậy nếu cuộc kiểm tra này được thực hiện với tất cả các tín đồ Phật giáo những người đã quy y Tam Bảo, các Phật tử là lãnh đạo các ban ngành trung ương, địa phương, là Phật tử có trọng trách trong các đạo tràng ở các chùa, các Phật tử là ban hộ tử, các Phật tử thường tu Bát quan trai, thọ Bồ tát giới, Thập thiện giới nhưng Chứng minh nhân dân của họ cũng ghi rất rõ: Tôn giáo: không.

Thực tế này đã nói lên con số thống kê của Nhà nước công bố dân số Việt Nam có 18% theo Phật giáo là con số đúng với dữ liệu.

3/ Vì sao lại như thế?

Giáo hội được thành lập được gần 30 năm. Trong 30 năm công cuộc hoằng pháp của Giáo hội đã đạt được rất nhiều thành quả lớn lao nhưng vì sao Tu sĩ và Phật tử lại không dám nhận mình là người theo đạo Phật? Vì Giáo hội đã hoằng pháp sai chiều hướng hay vì những người vốn là Tu sĩ và Phật tử đã không có được một niềm tin kiên định vào Phật giáo nên trong nội tâm của họ đã tự phủ nhận niềm tin tôn giáo mà họ đang theo nên đã khai báo và xác quyết là họ không có niềm tin tôn giáo và họ là người không tôn giáo, họ không phải là Tu sĩ Phật giáo và họ cũng không phải là Phật tử.

Mặt khác, một đất nước tự do tôn giáo, các tôn giáo được bảo vệ và phát triển. Quyền tự do tín ngưỡng được xác lập thật sự nhưng vì sao các Tu sĩ và Phật tử lại không dám khai nhận mình là người có tôn giáo, mình là người theo đạo Phật?

Một đôi lần sang châu Âu tham dự các hoạt động tôn giáo tôi có nghe được các Phật tử nói rằng quí Thầy ở Việt Nam đều là thầy tu giả. Tôi cảm thấy chạnh lòng vì sao người ta lại nói như thế trong khi là Tu sĩ ở trong nước tôi biết được quí Thầy thiệt nhiều lắm chứ. Nhưng sau lần tham dự Diễn đàn Cư sĩ Phật giáo thế giới lần thứ 3 trở về tôi suy tư và lưu ý điều này nên cảm nhận được có những điều đã phản ảnh sai một thực tế nhưng hình như chúng ta đã coi đó quá đỗi bình thường mà không điều chỉnh. Như các Tu sĩ và Phật tử không làm thủ tục thay đổi Chứng minh nhân dân và khai báo lại niềm tin tôn giáo của mình khi hoàn cảnh đã thay đổi và cho phép nên đã để việc này vẫn tồn tại và diễn biến làm cho chúng ta đã không sống thật với lòng mình, với niềm tin tâm linh của mình và vô tình mình đã lừa dối cả chư Phật, Bồ tát và Long Thiên.

Ngày Phật Đản đã về, để biểu thị lòng tri ân của mình và để cùng dường Khánh Đản các Tu sĩ và Phật tử hãy dũng mạnh cầm bút khai lại mình là người theo đạo Phật trong Chứng minh nhân dân để cho niềm tin của mình càng kiên định và công đức tu tập được tròn đầy.

Ý niệm vẫn chỉ là điều của cá nhân người viết. Nó có được chấp nhận hay không còn tùy thuộc vào cảm nhận của người đọc. Xin dâng trọn niềm tin vững chắc vào Chánh Pháp của Như lai nhân ngày Đản sinh của Ngài.

Theo DPNN

Các tin đã đăng: