Nhanh tay sắp lễ gồm hoa quả, bỏng ngô, vàng hương,
chị Nguyễn Thùy Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, sau giờ tan sở,
chị vội đến làm lễ. Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, trước rằm
tháng bảy chị đều đến chùa Quán Sứ. "Gia đình bố mẹ vẫn còn nên tôi
đến cầu cho các cụ mạnh khỏe, cầu cho các vong hồn trong gia tộc
được xá tội, tiên tổ dưới suối vàng phù hộ độ trì cho cả
nhà", chị giải thích.
Giống như chị Linh, chị Phương Mai (Tây Hồ) từ cơ
quan tạt qua chợ rồi đến thẳng chùa Quán Sứ. Chị bảo làm lễ xong mới
thấy thanh thản để sau đó hai vợ chồng đưa các con về quê ăn rằm
cùng ông bà. “Quê xa không về thăm ông bà thường xuyên được, nhân
dịp này gia đình về quê để cả nhà được quây quần ăn bữa cơm chung.
Các cụ ở quê rất mong gặp cháu”, chị Mai cho biết.
|
Chùa Quán Sứ rất đông người đến làm lễ. Ảnh: Yến Hoa. |
Là sinh viên năm thứ nhất,
Hải Yến, ĐH Đại Nam lần đầu tiên đến chùa dịp lễ Vu Lan. Không
đồ lễ lỉnh kỉnh như bao khách thập phương, Yến chỉ thắp hương, bỏ tiền
công đức và thành tâm khấn vái. Yến chia
sẻ bố mất từ khi cô còn nhỏ, mẹ một mình nuôi dạy con gái lớn
khôn bằng tình yêu thương của người mẹ và sự nghiêm khắc của
người cha.
"Mẹ không bao giờ để mình
cảm thấy thiệt thòi hay tủi thân vì vắng cha. Mùa lễ Vu Lan, mình
đến thắp hương để cảm tạ trời Phật đã cho mình một người mẹ tuyệt vời,
cầu mong cho mẹ luôn mạnh khỏe, vui vẻ. Mình rất muốn nói lời cảm ơn mẹ,
nhưng sao khó quá, đành gửi những lời này tới trời Phật vậy", Yến nói.
Kim Liên, ĐH Sư phạm Hà Nội,
đã dành hẳn một ngày để đi các chùa trong nội thành Hà Nội.
Liên nghẹn ngào chia sẻ, bố cô đang ốm rất nặng, cô không biết
làm gì ngoài việc lên chùa cầu xin thánh thần phù hộ cho bố
sớm qua cơn nguy kịch. “Em chỉ ước người nằm trên giường bệnh
kia là mình. Em sẽ đánh đổi tất cả để bố có thể tỉnh dậy…”,
nói đến đây cô sinh viên không cầm được nước mắt.
Còn với Hoàng Anh, sinh viên ĐH Kiến Trúc, ngoài thời gian lên giảng đường, đều đặn hàng ngày cậu đạp
xe đến chùa Bằng A, quận Hoàng Mai tham gia khóa tu báo hiếu.
Hoàng Anh cho biết rất ít khi đi chùa, nhưng sau khi được một
người bạn thuyết phục nên đã đến tham gia thử.
“Ba ngày tham gia khóa tu đã
thay đổi con người mình. Mình thực sự hiểu và biết ơn tình yêu,
sự hy sinh thầm lặng, cao cả của đấng sinh thành. Mình cũng nhận ra
bản thân may mắn hơn rất nhiều người khi được cài hoa đỏ (dành
cho những người còn cha mẹ), bởi mình vẫn còn cơ hội để báo
hiếu”, Hoàng Anh chia sẻ.
|
Đi lễ chùa cùng cha mẹ cũng là một cách để các vị phụ huynh giáo dục con về đạo hiếu. Ảnh: Yến Hoa. |
Trong những ngày này, không
khó để bắt gặp nhiều em nhỏ chừng 5-10 tuổi ríu rít theo bố
mẹ đi lễ chùa. Chị Phạm Lan Anh sống ở nước ngoài đã lâu, đây
là dịp hiếm hoi được trở về Việt Nam. Không có nhiều thời gian,
nhưng chị vẫn cố gắng sắp xếp công việc đưa 2 đứa con đến lễ
chùa.
“Lần đầu tiên các cháu trở
về Việt Nam, lại đúng dịp rằm tháng bảy, mình muốn đưa các cháu đi
thăm một số chùa chiền, đồng thời giáo dục cho các cháu nét
truyền thống tốt đẹp của người Việt, đó là luôn nhớ về ông
bà, tổ tiên. Các cháu tỏ ra rất thích thú, luôn miệng hỏi về
truyền thuyết lễ Vu lan và ngày xá tội vong nhân…”, chị Lan Anh
kể.
Cô bé 8 tuổi Đinh Mai Hương
dường như đã quen với việc đi lễ Vu Lan cùng mẹ. Không rộn ràng
như bạn bè cùng trang lứa, bé chỉ lặng lẽ theo mẹ. Chị Ngọc,
mẹ bé cho biết, hàng năm cứ đến dịp này là chị và chồng
đều đưa con đi lễ chùa, cầu cho cha mẹ hai bên được mạnh khỏe, mong
những điều may mắn đến với gia đình.
Được hỏi về mong ước của
mình, bé Hương tít mắt: “Con mong ông bà, bố mẹ luôn mạnh khỏe.
Con cũng xin Phật cho chân bố con khỏi đau để còn làm ngựa chơi
với con”.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ, trong đạo Phật, ngày
Vu Lan là ngày nói lên tinh thần phục thiện, hối cải của Tăng Ni, vừa
gợi lại lòng hiếu thảo của người con Phật, vừa là ngày tha thứ mọi lỗi
lầm của chúng sinh. Vì nó mang ý nghĩa quan trọng như vậy nên mỗi năm
đến ngày rằm tháng bảy, phật tử đều tụ hội về các chùa để cúng dường cầu
nguyện và nghe, hiểu về tinh thần đạo hiếu.
Yến Hoa (Vnexpress)