|
Khai bút đầu xuân tại Đền thờ Danh nhân Văn hóa Trương Hán Siêu. Ảnh: Phương Thảo |
Người Việt Nam từ thời xa xưa đã có tục xin chữ và cho chữ vào
những ngày Tết đến, Xuân sang. Cùng với việc khai bút đầu năm, tục xin
chữ và cho chữ trở thành nét đẹp văn hoá người Việt thể hiện sự trọng
chữ nghĩa, tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ may mắn, cầu
một năm Phúc - Lộc - Thọ - Khang…
Tuy không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày
Tết nhưng tục xin chữ và cho chữ vài năm trở lại đây đang dần trở thành
một nét văn hóa đầu Xuân. Từ mùa Xuân năm Nhâm Thìn 2012, Đại đức Thích
Minh Quang, trụ trì chùa Đọ, xã Khánh Thiện (Yên Khánh) và chùa Gác
Chuông, xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình) đã khơi dậy tục xin và cho
chữ đầu năm. Năm nay, Đại đức Thích Minh Quang đã phối hợp với Hội
Khuyến học tỉnh duy trì tục xin chữ và cho chữ tại Đền thờ Danh nhân văn
hoá Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình) với mong muốn số tiền quyên
góp được từ những người xin chữ sẽ đóng góp vào Quỹ khuyến học của tỉnh,
góp phần có thêm những học sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh học
giỏi xuất sắc được động viên, trao thưởng kịp thời…
Sáng mùng 9 Tết, chúng tôi bắt gặp khá nhiều người
dân đến thắp hương cầu công danh sự nghiệp, vãn cảnh Đền thờ Danh nhân
văn hoá Trương Hán Siêu và xin chữ. Ông Trịnh Đình Bảo, xã Ninh Phúc
(thành phố Ninh Bình), năm nay đã gần 80 tuổi đi cùng cháu nội đến vãn
cảnh chùa Non Nước, đền thờ Danh nhân văn hoá Trương Hán Siêu cho biết:
Ngoài cầu may mắn cho gia đình, con cái, xin chữ còn thể hiện nét đẹp
văn hoá người Việt từ bao đời nay. Thời xưa, khi ông còn ở tuổi niên
thiếu, tục xin chữ được nhiều người dân coi trọng, rất nhiều nhà treo
chữ. Chữ khi xin được rồi được treo chỗ trang trọng nhất trong nhà để
con cháu nhìn vào mà làm việc và phấn đấu, để đôi khi làm những việc
chưa chuẩn, mắc phải sai lầm thì cũng nhìn vào chữ đó mà tự chấn chỉnh,
sửa chữa. Năm nay ông Bảo xin chữ “Tâm” về thờ vì ông quan niệm, con
người mọi thứ đều bắt đầu bằng cái tâm, khi con người có tâm, tức tấm
lòng sẽ làm nên mọi chuyện và thành công với những điều mình mong ước…
Gặp chị Lê Kim Sơn, xã Khánh Trung (Yên Khánh),
hiện là giáo viên Trường Cao đẳng nghề Lilama 1 đang trân trọng cầm chữ
“Bình an” chưa ráo mực để đợi chữ khô, chị vui vẻ cho biết: Vốn là một
nhà giáo, chị rất trọng chữ nghĩa và luôn mong một cuộc sống an lành.
Chị xin chữ “An” - một chữ đơn giản nhưng chứa đựng bao điều muốn nói,
đó là một cuộc sống an lành, một chỗ an cư lạc nghiệp trong cuộc sống,
một sự an toàn trong mọi việc…
Khi nhịp sống ngày càng hối hả, thì giao lưu văn
hóa đầu xuân với việc xin chữ và cho chữ đã tạo nên những giá trị tinh
thần nhân văn cao cả. Việc xin chữ đầu năm ngày nay đã trở nên phổ biến,
nhất là ở các thành phố lớn. ở tỉnh ta, những năm gần đây, để bảo tồn
giá trị văn hóa cao đẹp này, ngoài việc tổ chức Hội thi viết thư pháp,
ngành văn hóa còn tổ chức các hoạt động này tại Hội chợ xuân, Lễ hội
truyền thống Cố đô Hoa Lư và các lễ hội mùa xuân trên địa bàn tỉnh…
Theo tìm hiểu, người xin chữ cũng đủ mọi lứa tuổi,
tầng lớp, mọi ngành nghề. Người trung niên xin chữ Tâm, chữ Đức, chữ
Nhẫn; nam thanh, nữ tú xin các chữ: Danh, Duyên, Hiếu, Trung; người ít
tuổi, còn đang đi học, xin chữ Minh, Đăng khoa, Trí tuệ, Chí hướng; tặng
bố mẹ xin chữ Tâm, An khang, Bình an; mừng các cụ cao tuổi không thể
thiếu chữ Phúc, Lộc, Thọ. Người làm nghề buôn bán, kinh doanh sẽ là chữ
Lộc, chữ Tín, Phát đạt.... Mỗi chữ ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi
công việc, mang nỗi niềm, tâm tư, mong ước thầm kín… hoặc một trạng
thái tinh thần, một ý niệm tự răn mình, khuyên con, khuyên cháu ăn ở “có
phúc có phần”…
Không ngại mất thời gian, chờ đợi lâu, trên nét mặt
người người chờ xin chữ đều thể hiện sự háo hức, trân trọng, mọi người
đều mang trong mình một tâm nguyện: Xin được một chữ mình mong muốn, tâm
đắc, thể hiện đầy đủ ước nguyện của bản thân và gia đình trong năm mới.
Thì thầm, nhẹ nhàng hỏi nhau những chữ vừa xin được; trầm trồ, gật gù
trước những chữ viết đẹp, mang nét “rồng bay phượng múa”… Để khi đến
lượt mình thì chăm chú nhìn theo từng nét chữ, kiên nhẫn chờ đợi chữ
thật khô để trân trọng gói ghém cẩn thận mang về. Một chữ viết chỉ mất
khoảng thời gian từ 30 giây đến 1 phút, nhưng thời gian chờ để chữ khô,
ráo mực có khi mất cả tiếng đồng hồ, nhưng ai cũng vui vẻ, bình thản chờ
chữ thật khô mới mang về.
Đối với người cho chữ thì thận trọng dồn hết tâm
tư, cái hồn của mình vào đường đi của từng nét cọ điêu luyện, để có cái
thần của nét chữ, sao cho đẹp cả hình thức và nội dung, thể hiện khả
năng viết chữ đẹp của mình. Chữ thường được viết trên nền giấy hồng,
giấy đỏ, là biểu tượng màu may mắn, tốt lành. Tùy thuộc vào nội dung của
chữ mà người viết bằng mực nho hay nhũ vàng để có ý nghĩa nhất cho
người đến xin chữ. Và rất nhiều khi người cho chữ đã trở thành người dạy
chữ, vì có khá nhiều người xin chữ nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa của từng
con chữ. “Cho dù là khá đông người chờ đến lượt để xin chữ, nhưng khi
viết chữ, tôi không bao giờ vội mà vừa viết chữ vừa giảng giải ý nghĩa
của từng nét chữ cho người xin chữ để họ có thể hiểu được hết những ý
nghĩa sâu sắc của từng con chữ…”- Đại đức Thích Minh Quang - người cho
chữ chậm rãi và từ tốn cho biết.
Theo Đại đức Thích Minh Quang, người có hơn 30 năm
học và biết chữ Hán, với bằng Tiến sĩ triết học, hội viên Hội Tư pháp
Trung Hoa thì cho chữ là việc khai bút đầu xuân và cũng là lời chúc của
riêng mình với mọi người lời chúc may mắn, an khang, thịnh vượng trong
năm mới.
Ông Lê Văn Toại, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho
rằng: Tục xin chữ và cho chữ là một nét đẹp, nó không chỉ là món quà
mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh mà còn tạo mối giao lưu văn
hóa trong cộng đồng khi mọi người cùng nhau hướng tới chân-thiện-mỹ. Nét
đặc sắc năm nay là Đại đức Thích Minh Quang đã dành toàn bộ số tiền ủng
hộ từ người xin chữ để đóng góp vào Quỹ khuyến học của Hội Khuyến học
tỉnh, khẳng định công tác xã hội hoá giáo dục, công tác khuyến học,
khuyến tài đã được triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, mọi
giới chức trong xã hội. Chúng tôi vui mừng và trân trọng khi ngay trong
ngày đầu diễn ra hoạt động xin và cho chữ đã có hàng trăm lượt người đến
xin chữ và ủng hộ số tiền gần 10 triệu đồng về Quỹ khuyến học của Hội
Khuyến học tỉnh.
Chúng tôi mong rằng, hoạt động mang ý nghĩa tốt đẹp
này tiếp tục được duy trì và phát triển trong những năm tiếp theo tại
nhiều nơi trong tỉnh. Điều đó khẳng định, dù cuộc sống ngày càng hối hả
tưởng sẽ làm con người ta quên đi những phong tục cũ, nhưng không khí
nhộn nhịp, trang trọng tại sân Đền thờ Danh nhân văn hoá Trương Hán Siêu
ngày mùng 9 Tết âm lịch vừa qua là một minh chứng cho thấy những phong
tục đẹp ngày Tết không dễ bị lãng quên.
Mỹ Hạnh