Ngày Đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một sự kiện vĩ đại vào
loại bậc nhất trong lịch sử xã hội loài người. Đối với giới Phật tử, sự
kiện lớn lao ấy còn mang đậm tinh chất kỳ vĩ, linh diệu. Vì như thế,
việc các kinh điển thuộc hệ Nam truyền, nhất là hệ Bắc truyền viết về
lịch sử Đức Phật đã nói nhiều đến khía cạnh linh diệu, cũng là chuyện
bình thường, hợp lẽ. Nhân mùa Phật Đản, chúng tôi xin bàn qua chi tiết
linh diệu trong ngày Đản sinh của Đức Bổn Sư, theo các kinh thuộc Hán
tạng. Đó là chi tiết: Thái tử vừa mới sinh ra, đã tự bước đi 7 bước, một
tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, với câu nói mà nhiều người đã
biết.
1. Kinh No184: Kinh Tu Hành Bản Khởi
Do 2 Đại sư Trúc Đại Lực và Khang Mạnh Tường dịch vào đời Hậu Hán
(25-220), gồm 2 quyển.
Về chi tiết linh diệu kể trên, kinh viết: "Hành thất bộ, cử thủ tục
nhi ngôn: Thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn. Tam giới giai khổ, ngô
đương an chi" (Kinh Tu Hành Bản Khởi, No184, quyển 1, ĐTK/ĐCTT, T3,
trang 463C). [...Thái tử đi bảy bước, giơ tay, dừng lại và nói: Trên
trời dưới trời, chỉ có Ta là tôn quý. Ba cõi đều khổ, Ta sẽ đem lại sự
an lạc].
2. Kinh No185: Kinh Thái Tử Thụỵ Ứng Bản Khởi
Do cư sĩ Chi Khiêm dịch vào đời Đông Ngô (222-280) gồm 2 quyển. Nơi
quyển 1, đoạn thuật lại ngày Đản sinh của Phật về chi tiết linh diệu đã
nêu cũng giống với kinh No 184:
"Tức hành thất bộ, cử hữu thủ trụ nhi ngôn: Thiên thượng thiên hạ duy
ngã vi tôn. Tam giới giai khổ hà khả lạc giả"... (Kinh Thái Tử Thụy Ứng
Bản Khởi, No 185, quyển 1, ĐTK/ĐCTT, T3, trang 473C). [...Thái tử liền
đi bảy bước, giơ tay phải lên, dừng lại và nói: Trên trời dưới trời, chỉ
có Ta là tôn quý. Ba cõi đều khổ, ai là người có thể đem lại sự an
lạc?)].
3. Kinh No186: Kinh Phổ Diệu
Do Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-304) dịch vào đời Tây Tấn (265-317), gồm
8 quyển. Đây là bản Hán dịch được thực hiện trước, từ cùng một bản
tiếng Phạn. Bản Hán dịch sau tức kinh No 187.
So với 2 kinh 184, 185, kinh Phổ Diệu viết về sự kiện linh diệu nêu
trên gồm nhiều chi tiết hơn:
"Nhĩ thời Bồ tát tùng hữu hiếp sinh, hốt nhiên kiến thân trụ bảo liên
hoa, trụy địa hành thất bộ, hiển dương Phạm âm, vô thường huấn giáo:
"Ngã đương cứu độ, thiên thượng thiên hạ vi thiên nhân tôn, "đoạn sinh
tử khổ, tam giới vô thượng, sử nhất thiết chúng sanh vô vi thường an"
(Kinh Phổ Diệu, No186, quyển 2, ĐTK/ĐCTT, T3, tr 494A). [Lúc này, Bồ
tát từ nơi hông bên phải sinh ra, hốt nhiên thấy thân trụ ở đóa sen báu.
Bước xuống đất, Bồ tát liền đi bảy bước, tiếng nói là Phạm âm vang rõ,
chỉ dạy về vô thường: Ta sẽ cứu độ muôn loài, trên trời dưới trời, là
bậc tôn quý của hàng Trời, Người, diệt trừ mọi thứ khổ của sinh tử, 3
cõi không gì hơn khiến cho hết thảy chúng sinh luôn được an lạc nơi cảnh
giới giải thoát].
4. Kinh No187: Phương Quảng Đại Trang Nghiêm
Hán dịch là Đại Sư Địa Bà Ha La, dịch vào đời Đường (618-907) gồm 12
quyển, chi tiết linh diệu kể trên thuộc quyển thứ 3, không chỉ "đi 7
bước" ở 1 phương mà cả 6 phương, mỗi phương đều có những bày
tỏ không giống nhau.
* Phương Đông: "Sở hạ túc xứ giai sinh liên hoa. Ngã đắc nhất thiết
thiện pháp, đương vị chúng sanh thuyết chi" (Nơi mỗi dấu chân đi qua đều
sinh hoa sen. Ta đã đạt được hết thảy các pháp thiện, sẽ vì chúng sanh
mà thuyết giảng).
* Phương Nam: "Nơi hàng Trời, Người, Ta là bậc xứng đáng thọ nhận sự
cúng dường".
* Phương Tây: "Đối với thế gian, Ta là bậc tối tôn tối thắng, đây tức
là sự thọ thân sau cùng của Ta, dứt sạch mọi sinh lão bệnh tử".
* Phương Bắc: "Ta sẽ ở trong muôn loài là bậc Vô thượng, tột cùng".
* Phương Hạ: "Ta sẽ hàng phục hết thảy quân ma..."
* Phương Thượng: "Ta sẽ được tất cả chúng sinh dốc lòng chiêm
ngưỡng".
(Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, No187, quyển 3, ĐTK/ĐCTT, T3,
trang 553A-B.
5. Kinh No188: Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi
Do cư sĩ Nhiếp Đạo Chân dịch vào đời Tây Tấn, 1 quyển, đã ghi nhận về
chi tiết linh diệu kia như sau:
"Tùng mẫu hữu hiếp sinh, trụy địa, hành thất bộ chi trung, cử túc cao
tứ thốn, túc bất đạp địa, tức phục cử hữu thủ ngôn: Thiên thượng thiên
hạ, tôn vô quá ngã giả". (... Từ nơi hông bên phải của mẹ sinh ra, chạm
đất, trong khi đi bảy bước, chân cất cao đến 4 tấc, không đạp đất, lại
giơ cao tay phải nói: Trên trời dưới trời, bậc tôn quý nhất không ai hơn
Ta). (ĐTK/ĐCTT, T3, tr 618A).
6. Kinh No189: Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả
Hán dịch là Đại Sư Cầu Sa Bạt Đà La, dịch vào đời Lưu Tống (420-478)
gồm 4 quyển, sự kiện linh diệu trên thuộc về quyển 1. Kinh viết: "Bồ tát
tiệm tiệm tùng hữu hiếp xuất... Vô phù thị giả "tự hành thất bộ, cử kỳ
hữu thủ, nhi sư tử hống: Ngã ư nhất thiết thiên nhân chi trung tối tôn
tối thắng. Vô lượng sinh tử ư kim tận hỉ" (ĐTK/ĐCTT, T3, trang 625A).
[Bồ tát dần dần từ nơi hông bên phải sinh ra... không người để vịn,
đỡ, tự đi bảy bước, giơ cao tay phải, lời nói như tiếng sư tử gầm: Ta,
đối với tất cả hàng Trời, Người, là bậc tối tôn tối thắng. Vô lượng nẻo
sinh tử từ nay sẽ dứt sạch].
7. Kinh No190: Kinh Phật Bản Hạnh Tập
Do Đại sư Xà Na Quật Đa dịch vào đời Tùy (589-618) gồm đến 60 quyển,
là bộ kinh bề thế nhất của bộ Bản duyên thuộc Phật giáo Bắc truyền. Về
sự kiện linh diệu kia, kinh viết:
"Bồ tát sinh dĩ, vô nhân phù trì, tức hành tứ phương diện các thất
bộ, bộ bộ cử túc xuất đại liên hoa. Hành thất bộ dĩ, quan thị tứ phương,
tiên quan đông phương, mục vị tằng thuấn, khẩu tự xuất ngôn: Thế gian
chi trung, ngã vi tối thượng. Ngã tùng kim nhật sanh phần dĩ tận... dư
phương tất nhiên".
(Kinh Phật Bản Hạnh Tập, No190, quyển thứ 8, ĐTK/ĐCTT, T3, trang
687B).
[Bồ tát sinh rồi, không người để vịn đỡ, liền đi về 4 phương, mỗi
phương đều đi 7 bước, nơi mỗi bước khi cất chân lên đều có hoa sen lớn
xuất hiện. Đi 7 bước xong, bèn nhìn khắp 4 phương, trước là nhìn về
phương Đông, mắt không hề chớp, miệng phát ra lời: Trong thế gian, Ta là
bậc tối thắng. Từ nay, nẻo sinh tử của Ta đã dứt... các phương khác
cũng thế].
8. Kinh No191: Kinh Chúng Hứa Ma Ha Đế
Do Đại sư Pháp Hiền dịch vào đời Triệu Tống (960-1279), gồm 13 quyển,
chi tiết linh diệu nêu trên thuộc quyển thứ 3. Điều đáng chú ý ở đây
là, cùng với 7 bước đi về 4 phương, kinh không ghi nhận các câu nói như
những kinh kia mà chỉ giải thích ý nghĩa biểu trưng nơi 4 phương:
"Nhĩ thời Thái tử thân tướng viên mãn... ư kỳ tứ phương các hành thất
bộ. Đông phương biểu Niết bàn tối thượng. Nam phương biểu lợi lạc quần
sanh. Tây phương biểu giải thoát sinh tử. Bắc phương biểu vĩnh đoạn
luân hồi". (ĐTK/ĐCTT, T3, trang 939B).
[Bấy giờ, thân tướng của Thái tử đã viên mãn... Ở nơi 4 phương đều đi
7 bước. Phương Đông là biểu thị cho Niết bàn tối thượng. Phương Nam là
biểu thị cho việc đem lại lợi lạc nơi muôn loài. Phương Tây là biểu thị
cho sự giải thoát khỏi sinh tử. Phương Bắc là biểu thị cho sự đoạn trừ
vĩnh viễn nẻo luân hồi].
9. No192: Phật sở hành tán
Là tác phẩm "trường ca" đầu tiên của Phật giáo Bắc truyền viết về
cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tác giả là Đại sĩ Mã Minh
(100-160TL), một luận sư đã có những đóng góp lớn vào quá trình hình
thành hệ thống Phật giáo Phát triển. Hán dịch "Phật sở hành tán" là Đại
sư Đàm Vô Sấm, dịch vào đời Bắc Lương (401-439), gồm 5 quyển, 28 phẩm
với 9.216 câu thơ 5 chữ.
Về chi tiết linh diệu nêu trên, Phật sở hành tán chỉ nói đến "Bồ tát
vừa sinh ra đã đi bảy bước" với câu nói:
"Thử sinh vi Phật sinh
Tắc vi hậu biên sinh
Ngã duy thử nhất sinh
Đương độ ư nhất thiết".
(ĐTK/ĐCTT, T4, trang 1B)
Đây là Phật thị hiện
Lần sinh ấy cuối cùng
Ta với một đời này
Muôn loài nguyền độ thảy.
10. No193: Kinh Phật Bản Hạnh Nguyện (thi kệ)
Do Sa môn Bảo Vân người Lương Châu, dịch vào đời Lưu Tống, gồm 7
quyển, 31 phẩm, sử dụng các thể thơ 4 chữ, 7 chữ để dịch, trong đó chiếm
đa số là câu 5 chữ (7.426 câu)... Sự kiện linh diệu kể trên đã được mô
tả:
Hiện 7 Giác ý
Dứt sạch phiền não
Nên đi 7 bước...
Như mặt trời sáng
Chiếu thắp bốn phương
Hiện pháp Tứ đế
Như Sư tử gầm:
Ta với đời này
Thọ thân sau rốt
Không còn trở lại
Theo nẻo thai sinh
Ta sẽ thành Phật
Đạo rất khó đạt
Dẫn dắt muôn loài...
Chúng tôi xin nêu ra mấy ghi nhận bước đầu như sau:
1. Qua 10 trích dẫn trên, khỏi phải giảng giải thêm, chúng ta cũng đã
lãnh hội được ý nghĩa chính của toàn bộ vấn đề: đó là sự xuất hiện của
một bậc vĩ nhân và với giáo pháp giác ngộ, giải thoát mà bậc vĩ nhân ấy
chứng đắc sau này, đối chiếu trong 3 cõi, chính là giáo pháp vô thượng
của bậc tối thượng.
2. Câu nói của Thái tử (Bồ tát) mang tính chất thâu tóm là: "Thiên
thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn". "Duy ngã vi tôn" ở đây nên được hiểu
là: Như Lai và giáo pháp của Như Lai là tôn quý bậc nhất, không ai có
thể vượt hơn, không gì có thể so sánh. Vì chỉ có giáo pháp vô thượng của
bậc tối thượng ấy mới giúp con người đạt đến giác ngộ và giải thoát.
3. "Duy ngã vi tôn" ở đây không hề có đại ngã, tiểu ngã gì cả, mà
cũng không hề mâu thuẫn gì với giáo lý vô ngã, một trong những giáo lý
tiêu biểu nhất mà Đức Phật đã chứng đắc. Đây chỉ là sự khẳng định, nói
rõ hơn là sự khẳng định của người biên chép kinh, mang ý nghĩa "báo
trước" về tính chất xuất chúng của Đức Phật vừa ra đời cùng giáo pháp mà
Phật sẽ chứng đắc về sau. Phật Quang đại từ điển đã giải thích khá rõ:
"Duy ngã độc tôn (**): Nghĩa là trong thế giới chỉ có Ta là tôn quý
hơn hết. Căn cứ theo kinh Trường A Hàm, quyển 1, được ghi chép nơi kinh
Đại Bản (kinh Trường A Hàm gồm 22 quyển với 30 kinh, kinh Đại Bản là 1
trong số 30 kinh ấy - ĐN chú) thì Đức Thế Tôn do mẹ là phu nhân Ma Da
sinh ra từ nơi hông bên phải, khi vừa chạm đất, đã tự mình đi 7 bước,
nhìn khắp bốn phương, giơ cao tay lên, nói: "Thiên thượng thiên hạ duy
ngã vi tôn" (ĐTK/ĐCTT, T1, trang 4C), dựa nơi sách "Thích Môn quy kinh
nghi" quyển thượng, đã giải thích, thì nhân xã hội Ấn Độ đương thời, dân
tình, phong tục tỏ ra trọng thị 96 học phái ngoại đạo, tất cả các phái
này đều tự cho là bậc đại thánh nhân, là hàng thầy của Trời, Người; Đức
Thế Tôn vì nhằm diệt trừ nẻo tà, dẫn về nẻo chánh, nên đã thị hiện tướng
ấy, biểu thị là trong 3 cõi chỉ có Phật là tôn quý hơn hết, có thể cứu
độ khắp trên trời dưới trời, là bậc tôn quý của hàng Trời, Người, đoạn
trừ sự khổ của sinh tử, khiến cho tất cả chúng sanh đạt được an lạc
lớn"... (Phật Quang đại từ điển, Phật Quang xuất bản xã ấn hành, 1999,
trang 4423/1).
Tháng 4-2002
GHI CHÚ:
(*) Xem nguyệt san Giác Ngộ số 60, 61 (tháng 3, 4-2001)
In lại trong Phật học cơ bản, T4.
(**) Các kinh thuộc Phật giáo Bắc truyền đã dẫn, kể cả kinh Trường A
Hàm, quyển 1 đều chép là "duy ngã vi tôn". "Độc tôn" chắc là do sự thêm
bớt của người đời sau.
Tuần báo Giác Ngộ, số Phật đản PL. 2546