Theo các nhà nghiên cứu Phật học, kể từ khi đạo Phật được truyền vào
nước ta những năm đầu thế kỷ thứ I TL, quá trình tiếp biến đạo Phật luôn
xảy ra liên tục để thích hợp và thể nhập vào đời sống sinh hoạt tín
ngưỡng tâm linh người dân nước Việt. Hay nói cách khác, quá trình tiếp
biến ấy diễn tiến theo xu hướng “bản địa hoá” đạo Phật của cộng đồng
người Việt đang sinh sống theo từng thời kỳ phát triển của xã hội Việt
Nam qua mỗi giai đoạn lịch sử.
Thế nên, ngay trong tác phẩm Lý hoặc luận (Những luận lý để xử lý các
mối nghi hoặc, sai lầm về Phật giáo) của Mâu Tử cũng cho ta một cái nhìn
khá đầy đủ quan niệm của nhân dân ta về hình ảnh Đức Phật như thế nào,
để từ đó thấy được diện mạo và đặc trưng của đạo Phật thời đó, thông qua
tình hình sinh hoạt và phát triển tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng
người Việt được ghi nhận vào tác phẩm.
Cụ thể, nội dung của tác phẩm Lý hoặc luận bao gồm 37 điều, vì quan điểm
của tác giả cho rằng “xem Phật kinh chi yếu có 37 phẩm, Đạo Đức kinh có
37 thiên” cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó có 3 điều khởi đầu trình
bày về các quan niệm Phật giáo và 9 điều dành cho việc phê phán Đạo
giáo, cộng với điều kết thúc cuối cùng, còn lại 25 điều hoàn toàn dành
cho việc xử lý những thắc mắc về quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo.
Theo Nguyễn Lang ghi nhận trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì tác phẩm
được bảo lưu trong bộ Hoằng Minh tập do Tăng Hựu sưu tập, ấn hành vào
đầu thế kỷ VI. Các sách Tuỳ chí và Đường chí đều có nói đến sách này của
Mâu Tử (1).
Điểm đáng nói là thông qua nội dung ở các điều 1 và 2 của Lý hoặc luận,
chúng ta thấy hình ảnh Đức Phật theo quan niệm của người Việt thời du
nhập được minh hoạ khá rõ ràng và cụ thể, phù hợp với tâm thức tín
ngưỡng tâm linh của dân ta thời đó. Ngay ở điều 1, Mâu Tử đã trả lời cội
nguồn về Đức Phật đản sinh và xuất gia thành đạo, sau đó thuyết pháp độ
sinh như sau:
“Có người hỏi:
- Phật tử đâu sinh ra? Có tổ tiên và làng nước gì không? Đã làm được gì,
giống loại người nào?
Mâu Tử đáp:
- Giàu thay câu hỏi! Xin đem dốt nát nói qua điểm chính. Bởi nghe công
trạng giáo hoá của Phật, tích chứa đạo đức, hàng ngàn ức đời, không sao
ghi chép. Nhưng khi sắp thành Phật, thì sinh ở Thiên Trúc, mượn hình nơi
vợ vua Bạch Tĩnh. Bà ngủ ngày, mộng thấy cưỡi voi trắng, thân có sáu
ngà, hớn hở thích thú, bèn xúc cảm mà có thai. Đến tháng Tư mồng tám,
Phật theo sườn bên phải của mẹ mà sinh, đặt chân xuống đất, đi bảy bước
giơ tay phải lên, nói: “Trên trời dưới trời không có gì hơn Ta!”. Bấy
giờ trời đất rung mạnh, trong cung sáng ngời. Hôm ấy, người ở trong cung
vua cũng sinh ra một đứa con, trong tàu ngựa trắng cũng cho ngựa con
bú; đầy tớ Xa Nặc, ngựa tên là Kiền Trắc. Thái tử có 32 tướng tốt, 80 vẻ
đẹp, mình cao trượng sáu, thân đều sắc vàng, đỉnh đầu có nhục kế, má
như sư tử, lưỡi che được mặt, tay có ngàn xoáy, cổ sáng chiếu vàng dặm.
Đây là nói qua tướng Phật. Năm 17 tuổi, vua cha bắt lấy công chúa nước
láng giềng làm vợ. Thái tử ngồi thì dời chỗ, nằm thì riêng giường. Đạo
trời rộng sáng mà âm dương thông đồng. Bà có mang con trai, sáu năm mới
sinh. Vua cha trân quý thái tử, dựng cho cung điện, kỹ nữ, đồ chơi châu
báu, đều bày trước mắt. Thái tử không ham thú vui ở đời, muốn giữ đạo
đức. Năm 19 tuổi, ngày mồng tám tháng Tư, nửa đêm gọi Xa Nặc đóng yên
Kiền Trắc vượt thành. Quỷ thần nâng đỡ, bay ra khỏi cung. Hôm sau không
biết ở đâu. Vua cùng quan dân thảy đều sụt sùi, đuổi tới cánh đồng. Vua
bảo: “Khi chưa có con, cha cầu xin thần, nay đã có con, như ngọc như
trân, nên nối ngôi tước, chứ bỏ đi đâu?
Thái tử tâu: Muôn vật vô thường, có rồi phải mất. Nay muốn học đạo, độ
thoát mười phương.
Vua biết thái tử đã kiên quyết, bèn đứng lên về. Thái tử đi thẳng, suy
tư về đạo, sáu năm thì thành Phật. Sở dĩ Ngài sinh vào tháng Tư mùa Hạ,
đó là lúc không nóng, không lạnh, cây cỏ đơm hoa, cởi áo lông chồn, mặc
áo thưa mỏng, là biết trung lữ vậy. Sở dĩ Phật sinh ở Thiên Trúc là chỗ
trung hoà trong trời đất vậy. Kinh do Phật viết gồm đến 12 bộ hợp tám ức
bốn ngàn vạn quyển. Quyển lớn vạn lời trở xuống, quyển nhỏ ngàn lời trở
lên. Phật dạy thiên hạ, cứu vớt giải thoát nhân dân. Nhân ngày 15 tháng
2 nhập tịch mà đi. Kinh điển và giới luật tiếp tục tồn tại, noi theo mà
làm, cũng đạt vô vi, phúc đến đời sau. Kẻ giữ năm giới, một tháng sáu
ngày trai. Ngày trai giới thì chuyên tâm vào một ý, hối lỗi mà tự đổi
mới. Sa môn giữ 250 giới, hàng ngày trai giới. Giới ấy không phải cho Ưu
bà tắc được nghe vậy. Oai nghi đi đứng cùng điền lễ ngày xưa không
khác. Suốt ngày thâu đêm giảng đạo tụng kinh, không tham dự việc đời”
(2).
Rõ ràng, ngay điều đầu tiên trong 37 điều của tác phẩm Lý hoặc luận, Mâu
Tử đã xác định hình ảnh Đức Phật Thích Ca đản sinh từ trong huyền sử
Phật giáo Ấn Độ được khắc hoạ lại bằng hình ảnh Đức Phật lịch sử, hiện
thân của một con người thật có mặt trong cuộc đời. Từ địa vị thái tử,
nhờ công phu tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ, Ngài
trở thành Bậc Giác ngộ giữa đời, được ghi nhận và mô tả theo tâm thức
của người Việt Nam bấy giờ. Các yếu tố mang tính huyền sử có mặt, chỉ
nhằm tô điểm khắc sâu vào tâm thức như báo hiệu một sự kiện hy hữu là
Phật ra đời với nhân cách lớn mà không có bất kỳ người bình thường nào
mang đặc trưng đó. Điều đáng nói các yếu tố huyền sử được tiếp biến bằng
những hình ảnh, chi tiết sống động, được mô tả thật ấn tượng và diễn
đạt theo cách tư duy tín ngưỡng dân gian của quần chúng người Việt. Hình
ảnh, chi tiết “Mượn hình nơi vợ vua Bạch Tĩnh. Bà ngủ ngày, mộng thấy
cưỡi voi trắng, thân có sáu ngà, hớn hở thích thú, bèn xúc cảm mà có
thai”; “mình cao trượng sáu, thân đều sắc vàng, đỉnh đầu có nhục kế, má
như sư tử, lưỡi che được mặt, tay có ngàn xoáy, cổ sáng chiếu vàng dặm”;
“Bà có mang con trai, sáu năm mới sinh”; “Quỷ thần nâng đỡ, bay ra khỏi
cung”; “Khi chưa có con, cha cầu xin thần, nay đã có con, như ngọc như
trân, nên nối ngôi tước, chứ bỏ đi đâu?”. Chính những hình ảnh và chi
tiết mô tả xung quanh sự kiện hy hữu Phật đản sinh ở đời khi đọc lên,
khiến chúng ta có ấn tượng đây là hình ảnh Đức Phật thị hiện được ghi
lại trong các huyền thoại, huyền sử thuộc Kho tàng cổ tích Việt Nam mà
bất cứ người dân nào cũng được mẹ hiền kể chuyện thần tiên khi còn trong
nôi, mẹ ru à…ơ… cho con ngủ. Bằng cách này, người Việt sẽ nhìn nhận và
thấy hình ảnh Đức Phật thật gần gũi và thân thương biết chừng nào! Và
như thế, Đức Phật trong tâm thức người Việt cứ theo lời ru của mẹ mà đi
suốt cả cuộc đời từ khi được cha mẹ sinh ra, lớn lên, trưởng thành mà
đóng góp cho đời, cho đạo. Bởi vì:
“Dù cho đi hết cuộc đời,
Vẫn không đi hết những lời mẹ ru”.
Trên hết, toàn bộ nội dung của điều 1 trong 37 điều của tác phẩm không
chỉ giới thiệu cuộc đời của Đức Phật từ khi đản sinh, cho đến sự quyết
tâm tu hành, chuyển hoá thân tâm, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp, để
lại cho đời 12 bộ kinh, thực hành giới định tụê mà còn là cơ sở để thiết
lập Phật thể quan thật hiện thực từ trong đời sống được diễn tiến hàng
ngày hàng phút của xã hội Việt Nam bấy giờ được ghi trong điều 2 của tác
phẩm Lý hoặc luận, khi có người hỏi Phật có nghĩa là gì và được Mâu Tử
lý giải và khẳng định:
“… Phật là nguyên tổ của đạo đức, đầu mối của thần minh. Nói Phật nghĩa
là giác, biến hoá nhanh chóng, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ
được, lớn được, tròn được, vuông được, già được, trẻ được, ẩn được,
vuông được, đạp lửa không bỏng, đi dao không đau, ở dơ không bẩn, gặp
hoạ không mắc, muốn đi thì đi, ngồi thì loé sáng, nên gọi là Phật” (3).
Một quan điểm về Phật thể như thế sẽ tác động mạnh mẽ vào tâm thức con
người trong chiều hướng thăng tiến, được xây dựng trên nền tảng của
nguyên lý đạo đức của con người, là đầu mối của thần minh, chứ không
phải gì khác ngoài hiện thực con người đang sống. Hay nói cách khác,
xuất phát điểm từ con người, vì con người mà sống theo nguyên lý đạo đức
của con người thiết lập mà chuyển hoá thân tâm, sống tốt đời đẹp đạo.
Chính xuất phát từ nhận thức như thế, mà tự thân mỗi con người luôn nỗ
lực nhiệt tâm tự giác sống đúng luật nghi, phòng hộ các căn, tẩy rửa
thân tâm, tỉnh thức để thiết lập các mối quan hệ giữa người với người,
giữa người với môi trường sống của xã hội. Cụ thể là sống theo nếp sống
đạo, trên nền tảng xây dựng đạo đức cuộc sống như điều 1 của Lý hoặc
luận vạch định:
“Ngày trai giới thì chuyên tâm vào một ý, hối lỗi mà tự đổi mới. Sa môn
giữ 250 giới, hàng ngày trai giới. Giới ấy không phải cho Ưu bà tắc được
nghe vậy. Oai nghi đi đứng cùng điển lễ ngày xưa không khác…”.
Một người sống theo nguyên lý đạo đức thì hoá hiện những phẩm chất cao
thượng, sau đó đi đến sự an định trong tâm thức và thăng tiến trí tuệ,
đó là Giác. Một người đã làm hoá hiện tính giác thì khả năng sáng tạo vô
cùng to lớn và có thể làm nhiều điều kỳ diệu cho chính mình, cho mọi
người và cho cả cuộc đời. Do đó, hình ảnh Đức Phật được Mâu Tử ghi nhận
là một con người với vẻ đẹp toàn bích của đạo đức và các phẩm chất năng
lực siêu việt với cách diễn đạt và đầy quyền năng như là một khát vọng
sống. Mục đích là để con người vượt qua những chướng duyên và khó khăn
từ trong cuộc đời. Và như thế, Phật cũng trở thành nhân vật lý tưởng,
một mục tiêu hướng tới mà bất kỳ người nào sống trên cõi trần này đều có
khả năng vươn tới và thành tựu.
Thực tế, nguyên uỷ của nghĩa Phật là Giác, là tỉnh thức về sự thật con
người và thế giới hiện hữu quanh ta. Có điều, Mâu Tử vào thời đó, ngoài
việc nêu Phật là nguyên tổ đạo đức, đầu mối thần linh, còn triển khai ý
nghĩa “Giác” qua một số yếu tính khác nữa hết sức quyền năng và thần
thông như chứng tỏ khả năng vô hạn của con người là có thể khi “trí tuệ
bừng khởi” và soi sáng cho đời từ trong hiện thực khổ đau cần phải vượt
thoát: “biến hoá nhanh chóng, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ
được, lớn được, tròn được, vuông được, đạp lửa không bỏng, đi dao không
đau, ở dơ không bẩn, gặp hoạ không mắc, muốn đi thì đi, ngồi thì loé
sáng”. Một người Phật tử khi làm được điều này là có nghĩa thực hiện
được mục đích cao cả mà Phật giáo thời đó đề ra như điều 1, Lý hoặc luận
ghi: “Phật dạy thiên hạ, cứu vớt giải thoát nhân dân”.
Thế là Phật giáo thời du nhập ở nước ta cho chúng ta cái nhìn hiện thực,
nó tạo sức sống mới để tạo ra mẫu người Phật tử tự tin về chính bản
thân mình. Con người tự nương tựa vào chính mình mà hoàn thiện bản thân,
thành tựu nhân cách, an trú trong sự bình an nội tại mà thăng tiến trí
tuệ. Đó là bản chất của đạo Phật mà Mâu Tử đề xuất trong Lý hoặc luận
được ghi trong điều 3 và 4. Cụ thể là “… Nhìn không có hình, nghe không
có tiếng. Bốn phương là lớn, nó vượt ra ngoài, tơ hào là nhỏ, nó lọt vào
trong” và “… Đạo làm ra muôn vật, ở nhà có thể dùng thờ cha mẹ, làm chủ
nước có thể dùng trị dân, đứng một mình có thể làm dùng để sửa thân…”.
Điều này khẳng định, mục đích tối hậu mà đạo Phật có mặt ở đời không
ngoài ý nghĩa giải quyết các vấn đề khổ đau từ hiện thực cuộc sống mà
con người luôn giáp mặt. Trên hết, đạo Phật luôn đòi hỏi mọi người Phật
tử không chỉ lo hoàn thiện đạo đức bản thân, mà còn biết sống tốt với
những người thân trong gia đình và tham gia tích cực đóng góp cho đời
trong một trọng trách cao quý là “trị nước an dân”.
Kết quả, Phật giáo thời du nhập nước ta đã góp phần cùng dân tộc tạo ra
diện mạo và đặc trưng đạo Phật của cộng đồng người Việt mà chúng ta có
thể nhận diện qua toàn bộ tác phẩm Lý hoặc luận. Từ một Phật thể quan về
Đức Phật đản sinh mà Mâu Tử, đại diện cho giới Phật tử Việt Nam thời
bấy giờ đề xuất, nó đã được nhân dân ta chung lòng, kề vai sát cánh làm
nên kỳ tích lịch sử dân tộc. Đó là mở ra thời kỳ độc lập tự chủ không
chỉ trên biên cương lãnh thổ mà trên các lĩnh vực khác, kể cả tín ngưỡng
tâm linh mà sử sách ghi nhận qua các triều đại khởi đầu từ chiến thắng
Bạch Đằng lịch sử khai sáng ra triều Ngô, kế đến là Đinh Lê Lý Trần và
tiếp nối mãi cho đến hôm nay.
Và điều cuối cùng mà chúng tôi muốn nói, với quan điểm về hình ảnh Phật
đản sinh như thế, chắc chắn chúng ta sẽ tạo nên những kỳ tích mới mà đạo
Phật có thể cùng với dân tộc tham gia tích cực đóng góp cho xã hội thêm
phồn thịnh, nhân dân ngày càng hạnh phúc, trong bối cảnh đất nước hội
nhập thế giới.
Chú thích:
1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận (I, II, III) tái bản, NXB Văn
Học, Hà Nội, 2000, tr.51.
2. Lê Mạnh Thái, Nghiên cứu về Mâu Tử, tập II, Tu thư Vạn Hạnh, 1982,
tr.510.
3. Sđd, tr.510.
Thích Phước Đạt
(Giác Ngộ số Phật đản PL2551)