VUA THÀNH THANG MỞ LƯỚI
Ngày xưa, vào thời nhà Thương, vua Thành Thang được xem là người khéo trị vì nhân dân trong nước. Mỗi năm, đức vua tự mình xa giá nhiều lần để thăm hỏi sự khó khăn và đau khổ của dân tình nhằm sửa đổi chính sách trị dân, giải cứu nghèo khó, bệnh tật cho dân.
Vào một ngày nọ, trời quang mây tạnh, các loài chim đua nhau ca hót, muôn thú háo hức tung tăng chạy nhảy vui đùa. Đức vua đi đến một vùng nọ để thị sát thì trông thấy một người săn. Người này đang chỉ huy đồng bọn đặt bẫy và giăng lưới để săn bắt thú, vẻ mặt hớn hở, niềm vui dạt dào, rồi lớn tiếng chú nguyện:
- Từ trên trời đáp xuống, từ dưới đất vọt lên, từ bốn phương bay lại, tất cả hãy vào trong lưới của ta, không có một con thú nào có thể lọt lưới được.
Vua Thành Thang vốn thương dân, yêu mến thú vật, là một vị quân vương có đạo đức nhân nghĩa. Tận mắt chứng kiến tình cảnh người thợ săn mà trong tâm bất nhẫn, song cũng không phải vì chức vụ mà tùy ý ngăn cấm người thợ săn không được săn bắn. Vốn là một vị Hoàng đế rất uyên thâm lại khôn ngoan lanh lợi, đức vua bèn nghĩ ra một diệu kế, đích thân mình đi đến phía trước tấm lưới, tháo gỡ ba mặt lưới chỉ để lại một mặt.
Người thợ săn ngạc nhiên mới hỏi đức vua, tại sao lại tháo đi ba mặt lưới của mình. Với vẻ mặt nghiêm trang, đức vua sửa đổi lại câu chú nguyện:
- Con nào muốn đến bên phải thì đến bên phải, con nào muốn đến bên trái thì đến bên trái, con nào muốn đi lên trên thì cứ bên trên mà đi, đến bên dưới thì từ bên dưới mà đi, nếu con vật nào không muốn sống tùy tiện vào lưới của ta.
Người thợ săn nghe qua rất cảm động, từ sự việc nhân từ đó mà tiếng tốt đức vua nhân từ ngày một lan xa, nhân tâm thêm quy hướng và tín nhiệm đức vua hơn.