Phật đản
Phật Đản sẽ là ngày hội của toàn dân tộc
12/05/2011 03:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhìn lại Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam đã gần 2000 năm lịch sử, được các bậc cao tăng đầu tiên truyền đạo của nước ta như: Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác,...và mãi cho đến ngày hôm nay.

Phật giáo luôn hòa mình và công hiến, đồng cam cộng khổ với dân tộc, trải qua nhiều triều đại, ách thống trị, đô hộ khác nhau như: Đinh, Lê, Lý, Trần, và các cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chống Mỹ (1954-1975),...thì hình ảnh nhà sư cởi áo cà sa, khoác chiến bào cứu nước, mái chùa làng nơi nuôi dưỡng, tiếp tế lương thực cho các chiến sĩ mỗi khi thất trận, tiếng chuông chiều tà khơi dậy cho người dân Việt trở về với sự an bình và tỉnh lặng, lắng nghe hồn của đất nước đang trổi dậy trong tâm.

wwwTCo.JPG

Phật tử TP.HCM treo cờ mừng Phật Đản 2011
Ảnh: Bảo Toàn (chụp tại quận 5)

Lịch sử đã minh chứng những điều đó như một sự thật muôn đời mà không thể nào chối cải. Sự cống hiến và chuyển mình của Phật giáo lúc nào cũng lấy con người và dân tộc là yếu tố quyết định, để đưa con người trở về giá trị đạo đức chân- thiện- mỹ, biết sống tốt, làm lành, và hoàn thiện bản thân, dân tộc được ấm no hạnh phúc, an bình và thịnh vượng, xây dựng một đất nước đạo đức, văn minh và phát triển.

Để ôn lại sự đóng góp, hy sinh của Phật giáo, mỗi năm nhân sự kiện đản sanh của đức Phật ngày rằm trăng tròn tháng tư, các cấp Giáo hội đều tổ chức mừng ngày Phật đản, để có dịp cùng nhau ngồi lại, đánh dấu sự đóng góp, quá trình hội nhập và phát triển của Phật giáo nước nhà, học hỏi thêm giáo lý cũng như thông điệp của tình thương và trí tuệ của đức Phật đã đem đến cho cõi đời này, nhưng có năm được tổ chức quy mô, khắp cả các tỉnh thành, nhưng cũng có năm chỉ tổ chức hạn chế. Do điều kiện khách quan của từng địa phương nơi đó, mà ngày Phật đản có nơi dường như là không được tổ chức, vậy đó có phải là sự thật đáng buồn, mà đôi khi chỉ biết im lặng.

Nhìn ra thế giới ngày Phật đản được coi là một lễ hội của cả nước, được tổ chức một cách quy mô, hoành tráng như: Vừa mới đây ngày 8-5 tại Đài Loan đã tổ chức đêm đại lễ Phật đản với số lượng 30 ngàn người tham dự tại Quảng Trường tự do, với sự tham dự của tổng thống Mã Anh Cửu, chủ tịch Đảng Dân Tiến bà Thái Anh Văn, 18 Đại sứ của các nước và các bộ trưởng, bộ chính trị đều tham dự, hay tại Hàn Quốc tối ngày 7-5 tại trung tâm thủ đô Seoul đã thắp sáng 100.000 ngọn đèn cho tình thương và hiểu biết…đó được coi là lễ hội mang tính toàn dân tộc, mang đầy chất liệu của tình thương, thông điệp xây dựng của đạo đức con người, hướng đến hòa bình thế giới. Thử nhìn lại đất nước Việt Nam ta với một truyền thống lịch sử lâu đời, ảnh hưởng khá sâu rộng về giáo lý từ bi và vị tha của Phật giáo, qua từng câu ca dao, tục ngữ, điệu hò, truyện cổ tích qua hình ảnh của ông Bụt hiền lành và thương người, phong thái điềm đạm giản dị, làm con phải biết hiếu thảo với mẹ cha,… Có thể nói trong tâm hồn của mỗi con người Việt Nam đều có chứa đựng ít nhiều triết lý nhà Phật, đã trải qua hàng ngàn năm gắn bó mật thiết với làng xã, quê hương. Vậy điều đó đã phần nào chứng minh Phật giáo Việt Nam mãi là người bạn đồng hành không thể thiếu trong lòng dân tộc. Có người nói “đạo Phật là hồn của dân tộc Việt Nam” quả thật điều đó rất đúng, chính lịch sử và đời sống của con người Việt Nam đã minh chứng điều đó.

Nhưng tại sao ngày đản sanh của đức Phật được coi là ngày lễ trọng đại nhất của Phật giáo, lại không được sự nhất quán, thống nhất tổ chức của dân tộc. Với một số lý do được đề ra như: Do kinh phí tổ chức còn hẹn hẹp, do thiếu sự đoàn kết, do điều kiện không cho phép, do không được sự ủng hộ của Trung ương giáo hội, hay chính quyền nhà nước không cho phép,...có thể nói hàng chục lý do được đề ra một cách khá hợp lý, nhưng thử nghĩ chỉ vì những lý do như thế, mà để cho ngày Phật đản của nước ta lại trôi qua một cách êm đềm, vô vị như thế sao? để rồi khi nhìn ra lễ hội Phật đản của nước bạn, ta chỉ biết trầm trồ khen ngợi, hay ước mong cho Phật giáo nước ta cũng tổ chức như thế. Có thể nói sự khao khát và ước mong của Tăng- Ni, đồng bào Phật tử của cả nước lúc nào cũng mong đợi, mình sẽ được chung tay hòa mình lễ hội và nhìn thấy ngay chính đất nước mà ta đang sống Phật pháp được xương minh, ngày ra đời của đức Phật là sự kiện trọng đại của dân tộc. Một điều để nhìn nhận là trong những năm gần đây các cấp lãnh đạo  GHPGVN đã đề ra những chỉ thị, kêu gọi các tỉnh thành trong cả nước nên tổ chức tuần lễ văn hóa Phật giáo như: Diễu hành xe hoa, triển lãm mỹ thuật Phật giáo, Thuyết giảng kinh pháp, viết thư cho ngày Phật đản,...đều đó đã góp phần tạo điều kiện Phật tử vui chơi, giao lưu học hỏi trong tinh thần Phật giáo.

 Nhưng để ngày đại lễ Phật đản sẽ trở thành một lễ hội lớn của đất nước thì đòi hỏi rất lớn ở sự đoàn kết, giữa các Ban trị sự, Ban đại diện của các tỉnh thành trong cả nước, đồng lòng chung tay đóng góp cho đại lễ, sự ủng hộ của các cấp chính quyền ở địa phương, và yếu tố quan trọng nhất là ở chúng ta Tăng Ni và Phật tử mỗi người ai cũng bắt tay vào công việc cho đại lễ, bằng những việc làm thiết thực như: Treo cờ, làm đèn lồng, thiết kế vườn lâm tỳ ni, tuyên truyền và kêu gọi mọi người tham dự, đến thăm và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn nhân mùa Phật đản, xếp đèn hoa đăng để thắp sáng trong đêm đản sanh,…và trong mỗi chúng ta ai cũng điều có chung một niềm tin rằng “không bao lâu nữa ngày Phật đản sẽ là ngày hội của toàn dân tộc Việt Nam” điều đó sẽ trở thành hiện thực.

Giác Minh Luật (GNO)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch