|
Nguyên Ly
Sau Pháp nạn năm 1963, Phật đản 1964 đã đi vào lòng người với một không
khí lễ hội hoành tráng. Ký ức về Đại lễ Phật đản 1964 như mãi vang vọng
không chỉ những người con Phật mà cả trong lòng dân chúng Sài Gòn thời
bấy giờ. Trong những ngày này, không khí lễ hội Phật đản như tràn ngập
mọi nẻo đường góc phố, từ Khánh Hội, Vĩnh Hội qua ngã tư Bảy Hiền, từ
Phú Lâm về tới Thị Nghè, toàn thể Sài Gòn như ngập tràn không khí lễ hội
Phật đản, cờ phướn tung bay, đâu đâu cũng thấy lễ đài Phật đản, người
dân Sài Gòn dường như bừng tỉnh dưới ánh đạo từ bi.
Trên nhiều
phương diện, Đại lễ Phật đản 2508 có một màu sắc đặc biệt mà trước hay
sau nó đều không thể tìm thấy. Nét nổi bật không phải chỉ riêng ở cảnh
cờ bay rợp trời, đèn sáng ngời phố, hay ở lễ đài to, xe hoa nhiều mà còn
ở cái nhẹ nhàng mà hàng triệu triệu tâm hồn cảm thấy, như người bán
hàng rong trú được gánh nặng trên vai. Như một lẽ tất nhiên, sau những
biến động lịch sử của mùa Pháp nạn 1963 và kết thúc là sự sụp đổ của
chính quyền Ngô Đình Diệm, nhu cầu tổ chức một Đại lễ Phật đản quy mô,
xứng tầm là một ước nguyện của nhiều Tăng Ni và đồng bào Phật tử.
Để thực hiện nguyện vọng đó, sau ngày khai mạc Đại hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất tại chùa Xá Lợi, Đại hội đã thống nhất tổ chức một Đại lễ
Phật đản thật quy mô để cúng dàng Đức Từ Tôn sau những ngày Pháp nạn,
đồng thời để kỷ niệm và tri ân các vị Thánh tử đạo. Từ đây, một Đại lễ
Phật đản hoành tráng được lên kế hoạch do TT.Thích Thiện Minh làm Trưởng
ban Tổ chức và TT.Thích Minh Châu làm Phó ban. Việc chuẩn bị cho Đại lễ
Phật đản khởi động từ đầu tháng 4-1964 và được thông báo rộng rãi trên
các báo đài tới toàn thể Phật tử và đồng bào các giới trong cả nước.
“Đại lễ Phật đản PL.2508 đã được tổ chức vô cùng long trọng trong
khắp cả nước. Giữa Huế và Sài Gòn gần như có sự tranh đua hào hứng. Nếu
nói về phạm vi rộng, Sài Gòn không bì nổi với Huế về cảnh tưng bừng cờ
đèn khắp nơi. Ai ai cũng công nhận rằng đây là lần đầu tiên mà sự tham
gia kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh được đông gia đình và đông người tham
gia nhất. Những nét độc đáo của cuộc lễ ở Sài Gòn là Phòng triển lãm
văn nghệ Phật giáo (500.000 người đến tham quan), lễ đài rất mỹ thuật và
vĩ đại ở bến Bạch Đằng với trụ cao gần 40 thước, toàn bằng sắt, trên có
hình Phật sơ sinh và chót vót là đoá hoa Ưu đàm khổng lồ do đèn ống,
đèn màu kết thành, 2 lần cộ xe hoa ban đêm thâu hút hàng triệu công
chúng và cuộc lễ lộ thiên, sáng rằm tiếp theo có cuộc diễu hành của cả
trăm ngàn Phật tử các giới các tuổi. Đặc biệt nhất có lẽ là cuộc biểu
diễn xe hoa (trên 40 chiếc) màu sắc lộng lẫy, đèn đuốc sáng choang, hàm
súc nhiều ý nghĩa”. (Từ Quang, số ra tháng 5-1964).
Theo ký tức
của những người đã từng tham dự Đại lễ Phật đản PL.2508 – DL.1964, tất
cả đều khẳng định rằng: “Đó là một Đại lễ Phật đản lớn nhất từ trước đến
nay”. Bởi lễ đài Phật đản năm 1964 được dựng trước đó cả tháng tại bến
Bạch Đằng do Tăng Ni Phật tử cùng với sự hỗ trợ của quân nhân và máy
móc. Theo các chứng nhân từng tham dự Đại lễ Phật đản này kể lại, một lễ
đài Phật đản mang tính sáng tạo được kiến thiết công phu theo hình hoa
sen. Bệ lễ đài là một toà sen toả cánh chiếm trọn một công viên, trụ là
một đại kỳ Phật giáo cao chót vót, giống như trụ đá của vua Asoka đánh
dấu nơi Đức Thế Tôn đản sinh tại thành Ca Tỳ La Vệ, trên cùng bừng nở
một đoá hoa Ưu đàm kim loại lấp lánh trong nắng như ánh sao sa. Tượng
Đản sinh cao 8m, nặng 3 tấn được tôn trí ngay trên trụ dưới đoá hoa Ưu
đàm, ngự trị cả một khoảng trời Bạch Đằng. Sự hiện diện sừng sững của lễ
đài Phật đản khiến cho những toà nhà chọc trời xung quanh bỗng nhỏ lại,
thấp xuống. Ban đêm, lễ đài rực rỡ trong biển đèn, chiếu át ánh đèn
trong những cửa hiệu buôn bán ở khu trung tâm.
Mặc dù theo
thông báo, Đại lễ Phật đản diễn ra một tuần kể từ ngày mồng 8 đến ngày
15 tháng 4 âm lịch, nhưng không khí Phật đản đã tưng bừng nhộn nhịp ngay
từ đầu tháng Tư âm lịch. Khắp nơi, từ đại lộ tới hang cùng ngõ hẻm, đâu
đâu cũng tràn ngập không khí lễ hội Phật đản. Khi ấy, nhà nhà treo đèn
Phật đản, người người kết hoa Phật đản, mỗi đầu phố, mỗi con hẻm đều
được thiết bàn thờ hay cổng chào Phật đản, cờ bay rợp trời, đèn sáng
ngợp phố.
Khai mạc Tuần lễ Phật đản 2508 là lễ khai kinh lúc 8
giờ sáng mồng 8 tháng 4 âm lịch tại chùa Ấn Quang. Hàng vạn Tăng Ni,
Phật tử đã tham gia khoá lễ cầu quốc thái dân an và truy niệm toàn thể
Tăng Ni Phật tử đã hy sinh cho đạo pháp. Tiếp theo là buổi thuyết giảng
nhân mùa Đại lễ, sau đó là lễ khai mạc Phòng triển lãm văn mỹ nghệ phẩm
vào lúc 18 giờ 30 cùng ngày tại Viên đình Tao Đàn. Hơn 200 tác phẩm được
tuyển chọn trong số 700 tác phẩm gửi tới gồm đủ các loại tranh sơn dầu,
lụa, thuỷ mạc, tranh tàu, điêu khắc, kiến trúc, nhiếp ảnh và các mỹ
nghệ phẩm kỷ niệm, nội dung phản ảnh cuộc vận động của Phật giáo Việt
Nam trong thời kỳ Pháp nạn. Đề tài tự thiêu và chân dung Bồ tát Quảng
Đức được thể hiện trong suốt 100 tác phẩm đủ loại. Các tác phẩm được
trưng bày có chữ ký của rất nhiều danh hoạ tên tuổi. Ngoài ra, thi sĩ
Đông Hồ còn trưng bày một phòng thư pháp gồm những câu đối phảng phất
đạo vị với những đường nét hào hoa, phóng khoáng. Phòng triển lãm mở cửa
suốt tuần và mỗi ngày đón tiếp khoảng 3.000 khách tham quan triển lãm.
Một kỷ lục triển lãm chưa từng thấy trên đất Sài thành.
Tại rạp
Thống Nhất, giáo sư Nguyễn Đăng Thục đã thuyết trình về đề tài: “Phật
giáo với văn nghệ Việt Nam và thế giới” vào lúc 10 giờ sáng mồng 9 tháng
4 âm lịch. Tại đây, thi sĩ Đông Hồ cũng đã thuyết trình về đề tài
“Thiền vị, đạo vị, thi vị trong văn chương Việt Nam” và TT.Thích Minh
Châu với đề tài “Giáo dục Phật giáo”. Cả ba buổi thuyết trình đều đã thu
hút rất đông giới trí thức và văn nghệ sĩ cũng như quần chúng Phật tử.
Đại lễ Phật đản 2508 không chỉ dành riêng cho các Phật tử, văn sĩ,
trí thức mà còn là ngày đại lễ của những con người đau khổ, của các
bệnh nhân, tù nhân, trẻ em cơ nhỡ và người già neo đơn. Trong tuần đại
lễ này, Xã hội vụ đã phát động chương trình uỷ lạo phát quà cho các bệnh
nhân trong các bệnh viện, tù nhân trong lao xá, người già trong viện
dưỡng lão và cô nhi trong các nhà tình thương, v.v…
Ngày Phật
đản còn là ngày của tuổi trẻ, ngày của thế hệ tương lai. Ngày 10 tháng
4, từ sáng tinh sương đã có hơn 10.000 thanh niên thuộc Tổng vụ Thanh
niên gồm sinh viên, học sinh, thanh niên, Gia đình Phật tử, và hướng đạo
Phật giáo đã có mặt tại sân vận động Hoa Lư. Dưới sự chủ toạ của
TT.Thích Thiện Minh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên kiêm Trưởng ban
Tổ chức Đại lễ Phật đản 2508, buổi lễ Phật đã diễn ra trong không khí vô
cùng trang nghiêm. Hàng vạn đôi mắt ngời sáng nhìn lên, hàng vạn bàn
tay búp sen chắp lại. Tiếng niệm Phật dâng lên rạt rào như hải triều âm
và ngân vang mãi mãi.
Đỉnh điểm của Đại lễ Phật đản là hai ngày
14 và 15 tháng 4 âm lịch. Tối 14, hàng chục vạn người tràn ngập khắp
các ngả đường đón rước Lễ hội ánh sáng. Lễ hội rước ánh sáng với hàng
chục xe hoa từ các chùa và các Gia đình Phật tử lần lượt trẩy qua các
con đường Trần Quốc Toản, Lê Văn Duyệt, Hồng Thập Tự, Hàm Nghi, Lê Lợi
rồi tập kết tại lễ đài chính và sau đó toả ra diễu hành khắp các ngả
đường để đón mừng Phật đản và tung rải niềm hân hoan khắp bốn phương. Bà
con Phật tử suốt đêm không ngủ, rừng người đứng kín hai bên đường, tay
cầm cờ vẫy chào mỗi khi đoàn xe hoa chạy ngang qua. Sau khi đã diễu hành
khắp các ngả đường, con phố, xe hoa nào về chùa đó và tối hôm sau lại
tiếp tục cuộc diễu hành.
Từ tinh mơ sáng rằm tháng Tư, bến Bạch
Đằng từ trên cao nhìn xuống như một tấm thảm khổng lồ sặc sỡ màu sắc,
màu của cờ, màu của hoa, màu của bong bóng, màu của các sắc áo vàng,
lam, xanh đậm, xanh lợt… Trước Lễ đài là một rừng cờ và biểu ngữ ca ngợi
ngày Khánh đản, ca ngợi Phật giáo, tri ân chư vị Thánh tử đạo, cảm tạ
nhân dân thế giới. Bên trái lễ đài là ban hợp xướng và ban đại nhạc gồm
hơn 200 nhạc công. Trước lễ đài, dọc theo bến Bạch Đằng là hàng hàng lớp
lớp chư Tăng Ni một màu vàng rực rỡ và đoàn nhu đạo Phật tử Quang Trung
gần 2.000 người trong võ phục thêu hoa sen. Bên phải lễ đài là đoàn phụ
nữ Phật tử trong trang phục áo dài trắng tinh và đoàn thiếu nữ Phật tử
trong bộ đồng phục màu lam thanh thoát.
Buổi lễ được cử hành vô
cùng trang nghiêm và trọng thể dưới sự chứng minh tối cao của Đức Tăng
thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cùng với sự tham dự của
quan chức chính quyền thời bấy giờ và hàng triệu Tăng Ni Phật tử, học
sinh sinh viên Phật tử, quân nhân v.v… trong bầu không khí trang nghiêm,
bầu trời như xanh hơn, cao hơn, mây như ngừng trôi, gió như ngừng thổi
để cùng thể nhập trong giây phút chào Phật kỳ và truy niệm các Thánh tử
đạo. Một sự im lặng làm rung chuyển trong sâu thẳm tâm hồn của những
người đang hiện diện trong buổi lễ. Sau nghi thức Phật đản là lễ rước
tượng Bồ tát Quảng Đức và các Thánh tử đạo. Đoàn rước đi qua các con
đường Tự Do, Lê Lợi, Phạm Hồng Thái rồi tới ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan
Đình Phùng (nay là CMT8 – Nguyễn Đình Chiểu), nơi Hoà thượng Quảng Đức
đã tự thiêu thân cúng dàng Chính pháp, để làm lễ truy niệm chư vị Thánh
tử đạo.
Để có được một mùa Phật đản hoành tráng như thế, Phật
giáo đã phải trải qua một cuộc tranh đấu xương máu mà rất nhiều Tăng Ni
Phật tử đã phải thiêu thân để bảo vệ Chính pháp. Trong Thông điệp Phật
đản 2508, Hoà thượng Thích Tịnh Khiết đã tuyên bố rằng: “Tôi thành thật
gợi lại hình ảnh hy sinh của các phật tử và sự tự thiêu của liệt vị Tăng
Ni, đặt cao ngôi vị Bồ tát của các ngài trong tâm khảm Phật giáo đồ
Việt Nam. Tôi tập hợp tất cả sự hy sinh và nỗ lực của Phật giáo đồ Việt
Nam hiến dâng lên Đức Điều Ngự nhân ngày kỷ niệm Ngài lần thứ 2508 trở
về với dân tộc Việt Nam đau khổ”. (Theo tạp chí Hải Triều Âm, số 2, ra
ngày thứ Năm, 30-4-1964).
Đại lễ Phật đản 2508-1964 đánh dấu
một bước ngoặt quan trọng và mở ra một trang sử mới trong lịch sử Phật
giáo Việt Nam. Với tất cả tâm tư tình cảm của người con Phật hướng về
Đại lễ, Phật Đản 2508-1964 đã khẳng định vai trò quan trọng của Phật
giáo trong đời sống tinh thần của dân tộc, và một lần nữa khẳng định
truyền thống gắn bó máu thịt của Phật giáo trong cuộc đồng hành cùng dân
tộc.
Nguyên Ly
(Giác Ngộ số Phật đản PL2551)