Đó là Tất Đạt Đa, người mà sau này, khi tròn mười chín tuổi xuân đã
làm nên một sự kiện trọng đại trong lịch sử tư tưởng triết học và tôn
giáo thời bấy giờ: từ bỏ cung vàng điện ngọc, địa vị quyền lực cao sang
để ra đi tìm chân lý, và mười một năm sau đó đã trở thành Bậc Đạo sư vĩ
đại sau khi khám phá ra con đường giác ngộ Vô thượng Chính đẳng Chính
giác, mà hôm nay chúng ta đang tôn thờ và từng bước noi theo.
Nhưng, hai chữ Phật đản vốn có nghĩa là một vị Phật ra đời – hay thị
hiện cũng được. Mà Phật có nghĩa là giác ngộ và tỉnh thức. Vậy đáng lý
ra, khi nhắc đến Phật đản, chúng ta nghĩ đến một chúng sinh vừa giác
ngộ, tỉnh thức. Phật đản như vậy thì không nhất thiết ở vườn Lâm Tỳ Ni
hay ở bất cứ một nơi nào mà chúng ta cần phải khảo cổ hay xử lý văn bản
gì đó để tìm ra một Đức Phật gọi là lịch sử! Mà nơi nào, ở đâu có một
chúng sinh sống trong tỉnh thức và giác ngộ thì ở đó có một vị Phật ra
đời.
Thật vậy, Phật đản đích thực không phải tại vườn Lâm Tỳ Ni vào năm
624 trước Tây lịch, mà đã Đản sinh vào một kiếp thật lâu xa trước đó rất
nhiều. Kinh A Hàm ghi lại rằng, vào một kiếp xa xôi, xa lắm, khi Đức
Phật còn là một con người bình thường, chưa biết tu tập là gì. Trong
kiếp đó, Ngài làm một người con bất hiếu với cha mẹ. Vì nhân ấy, sau khi
chết. Ngài thọ quả báo bị đoạ vào địa ngục Vô gián, trên đầu phải đội
vòng lửa đỏ, hừng hực lửa cháy, đau khổ đến tận cùng. Khi ấy, Ngài hỏi
viên cai ngục rằng mình phải chịu nỗi khổ đau này đến bao giờ. Viên cai
ngục trả lời, chừng nào trên trần gian có một người con bất hiếu bằng
hoặc hơn Ngài bị đoạ vào đây để thay thế cho Ngài. Nghe vậy, Ngài liền
khởi niệm mong cho trên trần gian có thêm nhiều người bất hiếu để nhanh
chóng bị đoạ vào đây thay thế chỗ mình. Nhưng oan nghiệt thay, niệm ấy
vừa khởi, vòng lửa dữ bỗng nhiên siết chặt vào đầu Ngài hơn nữa là lửa
cháy càng khốc liệt, khiến cho Ngài không thể nào chịu nổi, toàn thân rã
rời tưởng chừng như tan thành tro bụi. Ngay lúc đó, Ngài cảm thấy hối
hận và thấm thía nỗi khổ đau của cái quả báo làm con bất hiếu, tự trong
sâu thẳm tâm thức Ngài bỗng khởi lên tâm niệm nguyện cầu cho tất cả mọi
người trên thế gian đừng ai trở thành người con bất hiếu nữa và nếu như
có ai lỡ dại trót làm điều bất hiếu thì Ngài xin chịu thay cho người đó.
Mầu nhiệm thay, khi tâm niệm ấy vừa khởi thì Ngài thoát khỏi địa ngục
và sinh lên cõi trời! Kể từ đó, Ngài tinh tấn tu tập, hành Bồ tát đạo,
vun bồi công đức, thành tựu Thánh giới, trải qua vô số kiếp, đầy đủ tám
vạn bốn ngàn oai nghi tế hạnh, công viên quả mãn, phạm hạnh đã thành,
Ngài thành Phật quả.
Rõ ràng, Phật đã Đản sinh ngay từ lúc phát khởi tâm niệm nguyện thay
thế cho tất cả chúng sinh đang chịu khổ đau (Nguyện đại chúng sinh thọ
vô lượng khổ), và thành Phật khi có thể khiến cho tất cả chúng sinh đạt
được an vui hạnh phúc, giải thoát chân thật (Linh chư chúng sinh tất
cánh đại lạc). Chính vì ý nghĩa này mà kinh điển Đại thừa nói rằng Đức
Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp, và sự kiện lịch sử Đức Phật đản
sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni, sinh bên hông phải, bước đi bảy bước trên hoa
sen và tuyên ngôn “Thiên thượng thiên hạ…” là sự thị hiện.
Mùa Phật đản năm nay lại về. Trong không khí hân hoan của muôn triệu
người con Phật, chúng ta thành kính chắp tay nguyện cầu cho tất cả mọi
người đều phát khởi tâm niệm nghĩ đến nhau, quan tâm và giúp đỡ cho nhau
thoát khỏi những nỗi khổ, niềm đau, đó là chúng ta đang nguyện cầu cho
nhiều vị Phật đản sinh và thành Phật trong tương lai. Vì rằng, Phật,
trong ý nghĩa đích thực của từ này, được làm bằng chất liệu hay yếu tố
từ bi và trí tuệ, là phước trí nhị nghiêm. Cho nên, khi nào và ở đâu có
một chúng sinh phát triển được những yếu tố đó, thì ở đó có một vị Phật
ra đời.
Thích Nguyên Hùng
(Giác Ngộ số Phật đản PL2551)