Cách đây hơn 26 thế kỷ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện tại xứ Ấn
Độ cổ xưa, cội nguồn của nền văn minh sông Hằng. Sự kiện trọng đại Đức
Thế Tôn thị hiện vào cõi đời này thật là hy hữu. Ngài đản sanh tại vườn
Lâm Tỳ Ni, ngoại thành Ca Tỳ La Vệ, ngày nay là xứ Nepal. Sử sách Ấn Độ
cho rằng một người ra đời với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp,
sau này xuất gia sẽ thành Phật, sẽ đem chánh pháp giáo hoá chúng sanh.
Khi Đức Thế Tôn thị hiện đản sanh, tiên nhân A Tư Đà đoán rằng sau này
Ngài sẽ trở thành Chuyển Luân Thánh Vương hoặc xuất gia sẽ thành Phật;
còn ngài Kiều Trần Như cho rằng Đức Thế Tôn sau này chỉ thành Phật và
điều ấy đã trở thành sự thật. Lịch sử của Đức Thế Tôn có tính siêu việt
giống như đoá hoa Vô Ưu mấy ngàn năm mới nở một lần. Theo tục lệ Ấn Độ,
người phụ nữ hoài thai sẽ trở về quê ngoại để sinh nở, Hoàng hậu Ma-Da
sắp đến ngày nở nhụy khai hoa đến vườn Lâm Tỳ Ni gặp hoa Vô Ưu nở, đưa
tay hái liền hạ sanh Thái tử Sĩ-Đạt-Ta.
Đức Phật nhập thế, thị hiện là một vị Đông cung thái tử trong cung
vua Tịnh Phạn. Với hoàn cảnh y báo tại vương thành Ca Tỳ La Vệ, cha là
vua Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Ma-Da, Ngài ở trên đỉnh cao địa vị và
danh vọng nhưng chẳng đam mê lạc thú trần gian, quyết định ra đi tìm
đạo, thành đạo, trao truyền chánh pháp đến cuối cuộc đời mới thể nhập
Niết bàn tự tại. Trước khi xuất gia, Ngài dạo qua bốn cửa thành thấy
cảnh già, bệnh, chết và một đạo sĩ. Từ đó, Ngài trầm tư về lẽ sống chết,
về thân phận của kiếp người. Con người phải chịu đựng biết bao nỗi sầu,
bi, khổ, ưu, não, mãi bươn chãi theo dòng đời xuôi ngược, cuối cùng đều
từ giã cõi đời với hai bàn tay trắng. Người nghèo khổ lẫn giàu sang phú
quý đều trải qua sinh, già, bệnh, chết. Với ý chí, trí tuệ phi thường
và lòng từ bi vô hạn, Ngài cảm nhận sâu xa nỗi khổ niềm đau của nhân
thế, từ bỏ mọi thụ hưởng, quyết định vượt thành ra đi tìm đạo để cứu
chúng sanh đang chịu trầm luân thống khổ trong biển sinh tử.
Đạo Phật có tư tưởng xuất thế nhưng chủ trương nhập thế để cứu khổ độ
sanh. Ngày nay, Liên Hợp Quốc đã công nhận hình ảnh Ngài là biểu tượng
của hoà bình thế giới. Ngài sáng lập đạo Phật, đạo của hoà bình, hợp
tác, hữu nghị. Đạo Phật chủ trương hoà bình, bảo vệ sự sống, đem đến an
lạc và hạnh phúc cho nhân loại. Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, đạo
Phật chưa từng gây ra cuộc Thánh chiến đẫm máu nào cả. Đạo Phật được
công nhận là Tôn giáo Văn hoá Thế giới. Ngày lễ Phật đản của cả thế giới
được Liên Hợp Quốc bảo trợ và gọi là Đại lễ Vesak. Đức Phật, giáo pháp
của Ngài, Tăng đoàn hàng sứ giả của Như Lai nối truyền mạng mạch phật
pháp để thông điệp từ bi cứu khổ chuyển hoá nhân sinh. Pháp là đuốc soi
tỏ đường trong đêm trường vô minh tăm tối giúp chúng sanh thoát khỏi mê
mờ, trở về sống an vui, hạnh phúc, giác ngộ và giải thoát.
Đức Phật là Bậc Giác ngộ, đạo Phật là đạo giác ngộ, phật tử là con
của Bậc Giác ngộ. Ngài truyền giáo pháp thậm thâm vi diệu, còn hàng hàng
lớp lớp sứ giả Như Lai thắp lên ngọn đuốc trí tuệ để soi đường cho
chúng sanh đi. Bởi thế, dân gian thường nói: “Tiên bái Trụ trì, hậu bái Thích Ca”.
Chính Chư Tăng đã thay Phật nói pháp và truyền giới cho phật tử. Chư
Tăng là chân lý sống động trong ba ngôi quý báu giúp phật tử hiểu giáo
lý một cách thấu đáo, rõ ràng. Chư Tăng có thể xương minh phật pháp, làm
cho phật pháp quang huy, đó là lý do vì sao phật tử phải quy y Phật,
quy y Pháp, quy y Tăng. Trong kinh Pháp Cú có câu:
“ Vui thay Phật ra đời
Vui thay Pháp được giảng
Vui thay Tăng hoà hợp
Hoà hợp tu vui thay.”
Đức Phật thị hiện rồi nhập Niết Bàn, để lại giáo pháp thậm thâm vi
diệu. Đức Phật nhập diệt nhưng ánh sáng trí tuệ của Ngài còn tồn tại.
Nếu không có hàng sứ giả Như Lai tuyên dương chánh pháp thì dần dần Phật
pháp sẽ bị mai một. Chư Tăng thay Phật truyền pháp cũng cần có nếp sống
thanh tịnh, là tấm gương sáng trong đời sống tâm linh. Người phật tử
trong lòng vui vẻ phấn chấn khi nghe pháp thì mới có được pháp lạc mà
tiếp thu những tinh hoa tư tưởng của đạo Phật. Cho dù là người xuất gia
hay tại gia cũng nên hoà hợp cộng tu, phật tử tại gia phải giữ gìn năm
giới cấm để trở thành người phật tử chân chánh.
Vào ngày 15/12/1999 Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị
quyết chính thức công nhận ngày Đại lễ Vesak, còn gọi là Đại lễ Tam hợp
là: ngày Phật đản sanh, ngày Phật thành đạo và ngày Phật nhập Niết bàn,
cùng vào ngày trăng tròn tháng Vesak theo lịch Ấn Độ cổ nhằm tôn vinh
giá trị đạo đức văn hoá, tư tưởng hoà bình của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Đây là ngày Lễ hội Văn hoá Tôn giáo Quốc tế. Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc
tổ chức tại Srilanka đã xác nhận Phật giáo là một trong những tôn giáo
cổ xưa nhất suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ đã và đang tiếp tục đóng góp
rất hữu hiệu cho đạo đức tâm linh của nhân loại. Đạo Phật đã đáp ứng cho
nhân loại xã hội ngày nay các giá trị an lạc, hoà bình, hữu nghị và hợp
tác. Người đệ tử Phật đã thọ những giới cấm, được nuôi dưỡng trong
truyền thống tâm linh của Phật giáo cần tránh xa mọi tội lỗi, phân biệt
rõ thiện ác, tội phước. Người phật tử chân chánh cần sống trong tinh
thần của Bát chánh đạo là: Chánh kiến, thấy biết chơn chánh; Chánh tư
duy, suy nghĩ chơn chánh; Chánh ngữ, nói năng chơn chánh; Chánh nghiệp,
hành động chơn chánh; Chánh mạng, mưu sinh chơn chánh; Chánh tinh tấn,
siêng năng chơn chánh; Chánh niệm, nghĩ nhớ chơn chánh và Chánh định,
tập trung tư tưởng chơn chánh, nhằm mục đích xây dựng đời sống an lạc
giải thoát. Thông thường, những gia đình thuần hoá sống trong nền luân
lý đạo đức của Phật giáo thường là những gia đình thuần lương, đời sống
ổn định, hạnh phúc an vui.
Đức Phật thị hiện với nhân dáng hoàn mỹ và toàn bích, với ba mươi hai
tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp không ai có thể sánh bằng. Nhờ có trí tuệ
siêu việt, lòng từ bi nhân ái vượt thường, đời sống tu tập chuyển hoá,
Ngài kết tinh bằng những đức tính cao cả tôn quý nhất cả về thể chất lẫn
tâm hồn nên chúng sanh xưng dương tán thán Ngài.
Đức Phật tuyên thuyết lần đầu tiên tại Lộc Giả Uyển về chân lý của sự
thật gọi là Tứ diệu đế, tức bốn sự thật nhiệm mầu, không phải là quy
ước pháp của thế gian mà là sự thật của cuộc đời bao gồm: Khổ đế, Tập
đế, Diệt đế và Đạo đế.
Khổ đế là chân lý sự thật đúng đắn về sự khổ ở thế gian. Con người
sinh ra phải chịu cảnh sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não mà
chúng ta thường nghe là Tam khổ, Bát khổ. Tam khổ là Khổ khổ, hoại khổ
và hành khổ. Bát khổ là sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly
khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hoại khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Con người
chịu khổ trùng trùng điệp điệp với biết bao điều bất toàn, bất như ý
trong cuộc sống ở nơi thân này không thể kể sao cho xiết. Thân bất tịnh
là khổ, vô thường là khổ, thân giả hợp là khổ. Nhưng Đức Phật nói khổ
để chúng sanh nhận diện sự thật rồi tìm phương thoát khổ, vì khổ làm
thân tâm con người bức bách, ray rứt, thúc giục họ nhìn nhận bản chất
sâu xa của cuộc sống.
Tập đế là chân lý về nguyên nhân của sự khổ. Mọi thống khổ con người
đang phải gánh chịu nơi thân này, cuộc đời này chính là tham, sân, si.
Tham chính là nguyên nhân của đau khổ, làm cho con người thiếu sáng
suốt. Tham là nguyên động lực làm xoay chuyển bánh xe luân hồi. Người
xưa thường nói tham thì thâm vì tham lam chi phối con người thấy lợi
trước mắt mà không thấy hại sau lưng, tham làm cho con người đoạn tình,
đoạn nghĩa, không còn nhìn xa trông rộng để nhận thức toàn diện vấn đề.
Người xưa có câu: Một đốm lửa sân có thể thiêu rụi cả rừng công đức.
Sân cũng là nguyên động lực vận chuyển bánh xe luân hồi, phần nhiều là
tạo ra ác nghiệp trùng trùng. Si là trạng thái tối tăm trong tâm hồn, là
nguyên nhân tạo ra nhiều tội lỗi, là nhân của loài súc sanh không biết
tôn tri trật tự, phải trái, tốt xấu, đúng sai, không phân biệt được chơn
ngụy chánh tà. Chính si mê sản sinh ra tham và sân. Nếu con người hết
si mê thì được sáng suốt, vì thế chúng sanh cần tu tập để đoạn si mê.
Đức Phật đã nói Tập đế là nguyên nhân của mọi khổ đau, nếu chúng sanh tu
tập và đoạn trừ được tham sân si thì trong lòng bình an vui vẻ, ra khỏi
trần lao sinh tử. Chư Phật, chư Bồ tát, các bậc Thánh Hiền đoạn trừ
tham sân si và đã trở thành vô sanh bất tử. Các Ngài đem ánh sáng quang
minh soi rọi vào cuộc đời tăm tối để vực chúng sanh ra khỏi biển khổ
sông mê. Chính vì vậy, Đức Phật đã nói: Tập đế là sự thật, là nguyên
động lực tạo nên tất cả nỗi khổ trong cuộc đời này.
Diệt đế là gì? Diệt đế là chân lý về sự diệt khổ. Tức là Niết bàn.
Chỉ có những bậc Giác ngộ giải thoát mới thấu hiểu được trạng thái của
Diệt đế là trở về với chơn tâm, phật tánh của chính mình, tu tập không
còn tham sân si phiền não, không còn bị vô minh nghiệp chướng chi phối,
là sự thật của xuất thế gian mà những người còn tham sân si không thể
nào hiểu thấu.
Đạo đế là nhân xuất thế gian, là những pháp tu gồm có Tứ Niệm xứ, Tứ
Chánh cần, Tứ Như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề phần và Bát Chánh
đạo phần. Để đạt được Diệt đế Niết Bàn cần tu chuyển hoá ba nghiệp, tu
tập giới định tuệ để gột rửa tham sân si, vô minh nghiệp chướng trong
lòng.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chuyển vận bánh xe Chánh pháp tại Lộc Giả
Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như đều đắc Thánh quả. Đức Phật đã thị
hiện trên cõi đời này lần đầu tiên thuyết minh về Tứ đế. Cuối đời Ngài
nói kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu triển khai vi diệu pháp đến đỉnh
điểm mà trong kinh Pháp Hoa nói là Đại sự nhân duyên Đức Phật xuất hiện
trên thế gian để khai thị chúng sanh ngộ nhập phật tri kiến. Ngài nói vô
lượng pháp môn tu nhưng cuối cùng là để chúng sanh trở về lại với phật
tri kiến của chính mình. Ngài xuất hiện để nói lại nguyên uỷ gốc gác của
chúng sanh vốn là Phật, nhưng đã lãng quên rồi tạo nghiệp trầm luân khổ
ải trong ba nẻo sáu đường, đó là bi kịch của thân phận chúng sanh.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện đản sanh, xuất gia, thành đạo,
hoằng pháp rồi nhập Niết bàn. Đại sự nhân duyên Ngài xuất hiện trên cuộc
đời mãi đến giờ hơn 26 thế kỷ. Nhân ngày khánh đản, người học Phật hãy
làm sống dậy những giá trị cao quý của đạo Phật, bước đi trên lộ trình
giác ngộ, tìm chân lý giải thoát, để mỗi mùa khánh đản trở về thừa hưởng
pháp âm vi diệu, sưởi ấm bởi lòng từ bi vô hạn của Ngài mà chào đón một
mùa khánh đản tràn đầy ý nghĩa.
Thiền Tự Trúc Lâm Viên Giác
Mùa Phật đản – PL. 2559