Điều đó có đúng không?
Không đúng. Nếu người đó
như chúng ta, chỉ là những con người với đầy tham sân si, đang vì những mục
đích vật chất tầm thường mà không ngừng tạo ác nghiệp. Với bậc cao tăng, thánh nhân
thì… Sống gần thời với chúng ta nhất là hòa thượng Tuyên Hóa (26/4/1918 – 7/6/1995),
lược sử của Ngài có ghi: ‘Thân mẫu Ngài là người ăn chay trường, niệm Phật chẳng
hề gián đoạn. Một đêm nọ, bà mộng thấy đức Phật A-di-đà hiện thân, phóng
hào quang chiếu sáng khắp thế giới, chấn động thiên địa. Giật mình tỉnh giấc,
bà ngửi thấy mùi hương kỳ diệu khắp phòng, rồi sau đó hạ sanh Ngài’. [②] Không chỉ thế, cuộc đời Ngài
còn là một chuỗi những sự tích, mà người thường chúng ta chỉ có thể nghĩ ‘đó là
sự thật ư?’. Thế những điều đó có hư cấu được không? Có lẽ là không dễ, vì những
người cùng thời với Ngài, biết Ngài, biết sự việc sảy ra vẫn còn; tức nhân chứng
sống còn nhiều, sao ‘bịa’ được. Vậy, cuộc đời của một vị cao tăng đương đại,
còn có những điều kỳ diệu như thế, chư Phật, Bồ tát hạ sanh chẳng lẽ không bằng
sao?!.
Các hiện tượng diệu kỳ của
đất trời, hay chư thiên chúng tiên nữ chào đón bậc xuất thế ra đời, cũng như những
biểu hiện phi thường của Thái tử, được ghi trong: Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi kinh quyển
một, Tu Hành Bản
Khởi kinh, Đại Bổn kinh, Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả kinh quyển một, Thái
Tử Thụy Ứng Bản Khởi kinh quyển một, .v.v. Trong những bài kinh mà người viết
tìm được, đều có nói, khi xuất thai, Thái tử liền bước bảy bước, còn mỗi bước đều
có hoa sen nâng gót, không phải các kinh đều có ghi. Dù có hoa sen dưới mỗi bước
chân Ngài hay không đi nữa, việc một trẻ sơ sinh, vừa lọt lòng mẹ mà tự bước đi
được, quả là không thể tưởng tượng!!! Đến đây, có lẽ không ít người cho rằng những
điều ấy, từ cổ chí kim, đều do lòng kính trọng đức Phật thái quá, mà tạo ra những
điều ‘phi lý’ như thế. Xin thưa, những điều ấy được ghi chép trong kinh điển,
người viết chỉ y kinh mà nói. Vậy các bạn cũng có thể đặt câu hỏi, những kinh
điển ấy có đáng tin không? Điều này, với kiến thức nông cạn, đường tu chưa tới
đâu, nên người viết không dám hý luận.
Hiện tượng Thái tử bước bảy
bước, rong kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả nói rất rõ, không người dìu đỡ, Thái tử tự bước
đi; những kinh khác, không nói rõ có người đỡ bước hay không. Vấn đề này, chúng
ta thử nhìn từ góc độ khác xem. Dù không có ‘Người’ nhưng chư Thiên, cùng chúng
Tiên nữ có thể làm việc đó, tức đỡ Thái tử bước đi. Như thế, chúng ta không cảm
thấy ‘hoang đường’. (Đây chỉ là sự suy luận của người viết)
Các bạn đừng nói là không
tin có chư Thiên nhé. Trong lục đạo luân hồi: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu
la, người và trời; chúng sanh ở cõi trời, chúng ta thường gọi là chư Thiên, chư
Tiên hay Thần tiên chung chung. Gồm: dục giới, tức thế giới của chư thiên mà
còn tính dục và thích ăn ngon mặc đẹp; sắc giới, chư thiên cõi này đã dứt mọi dục
vọng, không còn hình tướng nam nữ, không cần ngữ ngôn thể hiện; vô sắc giới,
nghĩa là không còn bất cứ hình tướng nào (vô sắc), chỉ có thọ tưởng hành thức tạo
thành thế giới ấy. Thế thì việc chư Thiên đến nghinh đón bậc sẽ chấm dứt sanh tử
trong đời này, có gì là hoang đường. Hơn nữa, chúng sanh được sanh về Thiên giới
phải tu thập thiện, tứ thiền, bát định; hoan hỷ tán thán phật sự, dùng thiên
hoa thiên hương, anh lạc trân châu…cúng dàng chư Phật. Nên khi thiên chúng xuất
hiện có các vầng sáng sắc đẹp, hay có mùi hương thanh khiết, cũng không phải
không thể. Vậy, việc Thái tử khi mới ra đời đã bước đi, chúng ta có thể nói có
sự giúp đỡ của thiên chúng cũng được.
‘Bảy bước’ - sao không phải
là con số khác? Nói đến số bảy, không biết do trùng hợp ngẫu nhiên hay có huyền
cơ nào đó mà: trong hệ mặt trời có bảy hành tinh (thiên thể, sao…) mà từ trái đất
mắt thường chúng ta có thể thấy được (Sun
- Mặt Trời, Moon - Mặt Trăng, Mars - Sao Hỏa, Mercury - Sao Thủy, Jupiter - Sao
Mộc, Venus - Sao Kim, Saturn - Sao Thổ); đồng thời ứng với bảy ngày của
tuần. Cầu vồng có bảy sắc (đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím); nhạc cũng chỉ
có bảy nốt (đồ, rê, mi, pha, son, la, si); mùi vị chính cũng bảy (chua, cay, mặn,
ngọt, đắng, chát, nồng).v.v. Vậy, bảy bước đi của đức Phật khi mới đản sanh có
ý nghĩa gì? Cũng đã có nhiều bài viết bàn về vấn đề này, ở đây người viết chỉ
trình bày kiến giải của mình. Đức Phật có tuyên ngôn rằng, sẽ chấm dứt sanh tử
luân hồi trong bao kiếp, ngay tại lần tái sanh này. Mà chúng sanh theo nghiệp lực
đã tạo tác, trôi lăn trong sáu nẻo. Sáu nơi ấy, khổ sướng khác nhau, nhưng đều
còn ‘khổ’, do còn vô minh, tức chưa thực nghiệm được bản chất của sự vật sự việc
(như thật tri kiến). Thế nên, thái tử đã bước thêm một bước nữa, để thoát sáu nẻo
ấy. Bằng con đường: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực,
Thất giác chi, Bát Thánh đạo, cũng là con số bảy. Và, bước đi bằng các pháp như
thế, là bước đi tự tại, ‘dạo chơi’ ngoài ba cõi, không bị chi phối bởi sáu cảnh
vô thường.
Trong cuộc sống, có
rất nhiều điều chúng ta không thể kiểm chứng được, khoa học cũng chưa tìm ra giải
đáp. Đức Phật Thích Ca là nhân vật lich sử, cuộc đời Ngài có vô vàn điều phi
thường. Mà vĩ đại nhất là, Ngài đã chứng ngộ giải thoát, và đem pháp ấy truyền
dạy cho chúng sanh. Còn các hiện tượng mà chúng ta chưa lý giải được, chúng ta
có thể coi đó huyền thoại, vì “cái gì đã thành lý tưởng thì cũng
thành huyền thoại. Những nhân cách lý tưởng, là những nhân vật huyền
thoại. Người dù hoàn thiện nhân cách mẫu mực thế nào đi nữa, cũng
chỉ là nhân vật của xứ sở và thời đại nhất định nào đó. Chỉ có
nhân vật huyền thoại mới vượt ngoài không gian và thời gian, để làm
mẫu mực cho xứ sở và mọi thời đại.”[③]
Vĩnh
Nghiêm, tháng 3 năm 2012
Nguồn: Tuyển tập Tri Thức
Phật Giáo số 05
[①] hay còn gọi hoa Bọ Cạp vàng hay hoa Nữ hoàng.
[②] Trích từ website Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới:
http://www.drbachinese.org/online_reading/drba_others/vmsj/sj1-photos.htm#sj11
[③] Tuệ Sỹ, Du Già Bồ Tát Giới, Nxb Phương Đông, 2010, tr. 47.