NSGN - Chuyện
kể rằng, có một con sư tử con vì một lý do nào đó đã lạc vào giữa đàn nai, lớn lên cùng be be với đàn nai ngơ ngác. Rồi một
hôm, khi soi mình xuống hồ nước, nó phát hiện ra nòi giống đích thực của mình,
sư tử con bắt đầu cất tiếng rống, làm khiếp sợ đàn nai cùng muông thú…
Thành ngữ
"Sư tử hống" hay "Tiếng rống sư tử" trong kinh điển Đại
thừa thường được dùng để chỉ cho tiếng nói của đại trí. Tiếng nói ấy làm chấn
động và nghiêng đổ cung ma, những ai có căn tánh thấp kém thảy đều khiếp sợ,
như đàn nai run sợ khi nghe tiếng rống của sư tử. Trong kinh điển Nguyên thủy,
khi Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai thuyết pháp bằng bốn vô úy, thì sự thuyết
pháp đó được gọi là "Thành tựu sư tử hống".
"Tiếng rống sư tử", như vậy, là tiếng nói
không sợ hãi, không do dự, không mơ hồ, nói với niềm xác tín, kiên quyết.
Một thời Đức Phật ngự tại vườn trúc Nālandā. Bấy
giờ, Tôn giả Sāriputra đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, ngồi sang một bên
rồi bạch Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn, con tin sâu xa Thế Tôn rằng, các
Sa-môn, Bà-la-môn trong quá khứ, vị lai và hiện tại, không ai có trí tuệ, công
đức lực của thần túc sánh bằng Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh
giác!".
Lời tuyên bố này của Tôn giả Sāriputra được gọi là
"Thuyết xuất đạo vô úy hay "Vô úy thuyết" (sampad-adhigamāya
nairyānika-pratipat-tathātva-vaiSāradya), không sợ hãi khi công bố tính chân
thật của sự thực hành dẫn đến sự chứng ngộ. Phật chỉ bày con đường thoát ly
sinh tử, chỉ bày phương pháp tu tập để thoát ly khổ đau. Vô úy này còn được gọi
là "Thuyết tận khổ đạo vô sở úy", bởi Phật tuyên thuyết đạo xuất ly
mà không sợ hãi điều gì.
Thật vậy, Sāriputra, bậc A-la-hán có đại trí tuệ,
vẫn chưa biết những điều suy nghĩ trong tâm của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện
tại; nhưng Sāriputra đã thấu triệt Pháp tổng tướng của Phật, tức tinh yếu của
giáo nghĩa Phật thuyết, và căn cứ vào đó, bằng sự chứng nghiệm của tự thân, tôn
giả cất lên tiếng rống sư tử. Pháp tổng tướng ấy được liệt kê gồm có, theo thứ
tự từ thấp lên cao: phân biệt pháp đen, pháp trắng, hai phần đối trị nhau. Thứ
đến, chế pháp, là các pháp được Phật thiết lập mà hành trì có kết quả, đó là
Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn thần túc, Bốn thiền, Năm căn, Năm lực, Bảy giác
chi, Tám chi Thánh đạo. Thứ đến, phân biệt các nội ngoại xứ. Pháp được thuyết
càng lúc càng vi diệu: bốn nhập thai, bảy giác chi, bốn thông hành, hành vô
thượng ngôn thanh tịnh, kiến đẳng chí, thường trú luận, quán tha tâm, giáo
giới, giới thanh tịnh, túc mạng trí, thiên nhãn trí, thần túc thông. Do các
pháp vi diệu như vậy, hành trì có kết quả như vậy, nên biết pháp được khéo
thuyết bởi Phật là bậc Chánh đẳng giác.
Tôn giả Sāriputra đã y pháp, thuận pháp trả lời Đức
Phật: Trong quá khứ và trong đời vị lai, đã có và sẽ có nhiều vị ngang bằng
Phật. Vì đã có nhiều Phật xuất hiện trong quá khứ và sẽ có nhiều Phật xuất hiện
trong đời vị lai. Nhưng trong hiện tại, không ai có thể sánh, vì trong một
thời, không bao giờ có hai Đức Như Lai cùng xuất hiện. (Trường A-hàm, kinh Tự
hoan hỷ).
"Sư tử hống" còn là lời nói chắc thật
đúng với việc làm, gọi là "Quyết định thuyết". Trung A-hàm, kinh Thế
gian nói : "Đức Như Lai, kể từ đêm thành đạo Vô thượng Chánh giác
cho đến đêm nhập vô dư Niết-bàn, trong khoảng trung gian đó, những gì được nói
chính từ miệng Như Lai, những gì được đối đáp bởi chính Như Lai, những điều ấy
tất cả đều chắc thật, không trống rỗng, đúng như thực, không điên đảo; nói về
Như Lai cũng là nói về sư tử vậy".
Nói đến Như Lai là nói đến một con người lịch sử
đã tự mình giác ngộ thế gian, đã đoạn tập khởi của thế gian, đã tác chứng sự
diệt tận của thế gian và đã tu tập hành trì dẫn đến diệt tận thế gian. Thế giới
này bao gồm thiên giới, cho đến chư thiên và nhân loại, những gì được thấy,
được nghe, được nghĩ đến, được biết đến, được đạt đến, được tầm cầu, được suy
xét bởi ý; tất cả những thứ ấy đều được Như Lai giác ngộ. Cho nên, "nếu
nói về sư tử như thế nào, thì hãy nói về Như Lai cũng như vậy. Vì sao? Như Lai
ở giữa đại chúng, nếu có giảng thuyết thì đó chính là tiếng rống của sư
tử". (Trung A-hàm, kinh Thế gian).
Đức Phật
không hề sợ hãi, không mơ hồ, khi nói một cách dứt khoát những yếu tố gì cản
trở sự chứng ngộ. Phật nói "pháp nhiễm ô chắc chắn gây trở ngại sự tu
tập". Khi nói như vậy, Phật không hề lo sợ sự bắt bẻ hay gạn hỏi của bất
cứ ai. Điều này còn được gọi là Thuyết chướng đạo vô sở úy (antarāyika-dharmānanyathātva-niScita-vyākarana-vaiSāradya).
Thí dụ, khi Đức Phật bác bỏ các lối tu khổ hạnh và chỉ ra con đường chân chính,
thiết thực hơn các khổ hạnh ấy cho các người Ưu-đàm-bà-la, thì đấy là lúc Ngài
đang nói bằng tiếng rống của sư tử, và do đó kinh được đặt tên là Ưu-đàm-bà-la
sư tử hống.
"Tiếng rống sư tử" còn là lời tuyên bố
"Lậu vĩnh tận vô úy" (sarvāsrava-ksaya-jñāna-vaiSāradya), không hề sợ
hãi hay do dự khi tuyên bố là biết rõ sự diệt tận hết thảy ô nhiễm. Còn gọi là
"Lậu tận vô sở úy". Phật đã dứt sạch hết tất cả mọi phiền não, không
có sự sợ hãi từ các nạn bên ngoài.
Thắng Man phu nhân nói: "Hết thảy phiền não,
tùy phiền não được đoạn trừ, thì các pháp nhiều hơn số cát sông Hằng mà Như Lai
sở đắc đều được thấu suốt vô ngại, với hết thảy trí và kiến, lìa hết thảy
khuyết điểm, được hết thảy công đức, là Pháp vương, Pháp chủ, mà được tự tại
bước lên địa vị tự tại đối với hết thảy pháp, là Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng
giác, với tiếng rống sư tử chân chính: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững,
điều cần làm đã làm xong, không còn tiếp thọ đời sau nữa". (Tuệ Sỹ, Thắng
Man giảng luận, tr.204).
"Tiếng rống sư tử" này còn được gọi là
"Chư pháp hiện đẳng giác vô úy"
(sarva-dharmābhisambodhi-vaiSāradya), không hề sợ hãi hay do dự khi tự tuyên bố
là đã chứng ngộ hết thảy pháp. Đối với tất cả các pháp, Phật đều rõ biết một
cách tường tận, Phật đã sinh nhãn, sinh trí, sinh minh, sinh giác, cho nên ở
giữa chư thiên, ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng nghe pháp, Phật tuyên
bố đã giải thoát, đã xuất ly, đã tự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đức Phật, như vậy, là một Đại chúng sanh đã chiến
đấu và chiến thắng thế gian, như lời Ngài đã xác định khi trả lời câu
hỏi "Ông là ai mà cốt cách siêu phàm như vậy?": "Ta không
phải là Thượng đế, không là Thần linh, mà chỉ là một con người, nhưng là con
người đã chiến thắng thế gian". (Kinh Tạp A-hàm).
Người đã chiến thắng thế gian thì hẳn nhiên là
người tôn quý nhất giữa chư thiên và nhân loại: "Thiên thượng thiện hạ,
duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sinh, sinh lão bệnh tử". "Cũng như trong
các ngọn núi, Tu-di sơn vương là bậc
nhất. Cũng như trong các dòng suối, biển lớn thu nhập nước, biển lớn là bậc
nhất. Cũng như trong các loại đại thần, a-tu-la vương là thứ nhất. Cũng như
trong các loại chiêm thị, ma vương là thứ nhất. Cũng như trong các loại hành
dục, Đảnh Sinh vương là thứ nhất. Cũng như trong các tiểu vương, Chuyển Luân
vương là bậc nhất. Cũng như giữa các vì tinh tú trong hư không, mặt trăng là
bậc nhất. Cũng như trong các loại vải lụa, lụa trắng tinh là thứ nhất. Cũng như
trong các loại ánh sáng, ánh sáng của trí tuệ là thứ nhất. Cũng như trong các
chúng hội, chúng đệ tử của Như Lai là bậc nhất. Cũng như trong các loài chúng
sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, sắc, vô sắc, có tưởng, không
tưởng, cho đến phi hữu tưởng, phi vô tưởng, trong đó Như Lai là bậc nhất, là
tối đại, là tối thượng, là tối cao, là tối tôn, là tối diệu". (Trung
A-hàm, kinh Dụ, số 141).
Phật là bậc tôn quý nhất giữa chư thiên và nhân
loại, Ngài đến thế giới này để chiến đấu và chiến thắng thế gian nhằm mục đích
đưa chúng sinh thoát khỏi nỗi thống khổ của sanh, già, bịnh, chết. Đó là tiếng
rống sư tử của Đức Phật ngoan đồng, làm chấn động và nghiêng đổ cung ma, những
ai có căn tánh thấp kém thảy đều khiếp sợ, như đàn nai run sợ khi nghe tiếng
rống của sư tử…
Thích Nguyên Hùng (NSGN)