Trong cái nhìn tương quan đối đãi, cuộc sống hiện sinh chỉ là chuỗi ngày
dài đầy khổ lụy. Có sự đau khổ ấy là do vì chúng ta chấp lấy huyễn
cảnh vô thường, cái không thật có cho là bền vững, và duy trì bản chất
của tham ái, vô minh.
Sự đảo điên của kiếp người cứ mãi xoay vần
như vậy cho đến khi đuối sức, gục ngã lăn tròn trên con đường vô định.
Kiếp này tương tác lên kiếp kia tạo ra một chuỗi tương tục trầm luân.
Cái khổ này chồng chất lên cái khổ kia như con lạc đà chở vật nặng, sức
nặng càng trở nên nặng nề hơn khi đi trong sa mạc hoang vu nơi mà kiếp
sống của nó được định hình trên nấm mồ cát trắng; cũng vậy, kiến chấp
về cuộc đời của chúng ta ngày một sâu dày hơn.
Trong Khế kinh
đức Phật dạy “Toàn thể thế giới đang bốc cháy. Toàn thể vũ trụ đắm chìm
trong khói lửa, toàn thể vũ trụ làm mồi cho lửa, toàn thể vũ trụ run
lập cập”[1]. Lời dạy này mở ra một nhận thức mới về cuộc đời, và thiết
lập nên một lộ trình tu tập cần thiết cho sự thể nghiệm tâm linh.
Đó
là nhận thức về một thế giới bất an và con đường tu tập để viễn ly ra
khỏi thế giới bất an đó, nghĩa là chúng ta phải thực hành theo con
đường Phật dạy, ứng dụng giáo lý vào trong cuộc sống của mình. Thế cho
nên, khi trình bày cuộc đời đức Phật là chúng ta đang nghĩ về một con
người siêu việt mà chân lý của vị ấy luôn vận hành tương tức với đời
sống tâm linh. Một quá trình hành đạo thực chứng nội tâm.
Cách
đây 2632 năm, từ cung trời Đâu Suất, với bi nguyện độ sinh, Bồ-tát Hộ
Minh đã thị hiện trần gian, sinh ra trong dòng họ Sakya, nước
Ca-tỳ-la-vệ ở Ấn Độ. Ngài đản sinh trong giai đoạn lịch sử xã hội Ấn Độ
phân tầng khắc nghiệt. Xã hội đã chế định nên những quy luật quá khắt
khe với con người, tạo ra bao nhiêu bất công, áp bức, bóc lột. Biến con
người vốn đã nô lệ lại càng trở nên nô lệ tồi tệ hơn. Con người mất đi
quyền sống, quyền được làm người. Trong sự chờ mong bi thương tuyệt
vọng đó, đức Thế Tôn xuất hiện.
Sự xuất hiện của Ngài lúc đó
được xem như là vị cứu tinh cho những người dân Ấn Độ nói riêng, và là
vị Đại Cứu Tinh cho toàn nhân loại nói chung. Sự xuất hiện của Ngài báo
hiệu suối nguồn tuệ giác rồi đây sẽ mở ra, con đường thực nghiệm tâm
linh, đạt đến Thánh quả mà bất cứ ai đi trên con đường ấy rồi đây cũng
sẽ thành tựu tất cả.
Bóng tối của vô minh sẽ bị đẩy lùi bởi tuệ
giác vô thượng của Ngài và con đường hướng đến Thánh quả của các đệ tử
Ngài sẽ được nở rộ ở thế gian này. Vì thế, ngay sau khi xuất hiện, Ngài
được xem như là sư tử vương ra khỏi hang khiến các loài thú phải khiếp
sợ, cũng như giáo pháp của Ngài rồi đây sẽ phủ trùm đứng trên tất cả
học thuyết.
Ngài còn được xem như là nhật nguyệt bừng tỏa xua tan đi bóng tối âm
u đã phủ trùm vô số kiếp lên cuộc sống của chúng sanh để rồi ánh sáng
ấy làm hiển lộ vẻ đẹp rực rỡ của buổi bình minh tươi vui và hạnh phúc,
và hàng phục những tà thuyết đem lại sự đau khổ cho cuộc đời.
Như
vậy, sự xuất hiện của đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã mở ra một cuộc cách
mạng mới. Cuộc cách mạng ấy khai triển tự tính duyên sinh, giúp cho
những ai đang còn chìm đắm trong vũng bùn sinh tử, bằng đời sống tư duy
vô chấp liễu ngộ thực tại tánh, sớm ly tham, ly sân, ly si ngay ở cõi
đời này.
Ngài ra đời vì một lý do duy nhất là đáp ứng nguyện vọng
thâm sâu thầm kín đó của con người, đem tình thương hóa giải những đau
khổ trong tâm tư con người; lấy bình đẳng để san bằng những bất công
của xã hội, khai ngộ tuệ giác cho mọi chúng sanh như trong kinh Pháp
Hoa tuyên thuyết “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”.
Chính
sự hiện thân từ lúc nhập thai, đản sinh, thành đạo cho đến giây phút
trước khi nhập niết-bàn của Ngài ấy đều diễn thuyết bài pháp vô ngôn.
Mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói cho đến sự im lặng của Ngài cũng
là những bài học mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống nhân sinh.
Những
bài pháp ấy cho đến ngày nay và mai sau vẫn luôn là nền tảng tư tưởng
căn bản cho mọi thời đại, cho mọi học thuyết đang tìm kiếm giải pháp để
xây dựng một thế giới hòa bình, một quốc gia an lạc. Chúng được chuyển
thành những pháp hành thẩm thấu trong đời sống tu tập của mỗi người.
Không kể sang hèn, không kể vua chúa hay kẻ bần cùng,… nếu người nào
biết thực tập chuyển hóa thì người ấy có hạnh phúc, có an lạc. Người nào
sống trọn vẹn tinh thần mà đức Phật đã chỉ dạy thì người đó gọi là
Phật tử. Đức Phật là hiện thân của giác ngộ nên đạo Phật gọi là đạo
giác ngộ.
Vì không hiểu rõ về vấn đề này, nên nhiều người lầm
lẫn cho rằng, đức Phật chúng ta là một nhà tôn giáo. Ngài cũng chỉ như
những vị thần của những tôn giáo khác với những huyền thoại khó tin,
khó chấp nhận mà lịch sử đã tô vẽ vị giáo chủ của mình.
Ngài
không đứng trên lập trường như vậy “Ta không phải là Thượng đế, cũng
không phải là thần thánh, cũng không phải là con người, mà Ta là
Phật.”[2]
Điều đó đã minh chứng phần nào về con người và sự xuất
hiện của Ngài. Do đó, chúng ta không thể nói đức Phật lịch sử là con
người bình thường như những người xưa nay từng quan niệm bởi vì nếu ai
cũng nhìn như vậy thì tôn giáo không còn là tôn giáo nữa. Tôn giáo có
một cái nhìn và cách lý giải riêng của tôn giáo, cũng như khoa học có
cái nhìn và cách lý giải riêng của khoa học.
Khoa học chỉ có thể
giải thích một khía cạnh nào đó của tôn giáo có thể cho là đúng mà
thôi, chứ khoa học không thể giải thích toàn bộ những điều mà tôn giáo
đang đề cập. Theo Phật giáo, muốn có một nhận định đúng về cuộc đời con
người của đức Phật, chúng ta phải đặt cái nhìn trong phạm trù tương
quan duyên khởi, “cái này có cái kia có, cái này không cái kia không;
cái này sinh cái kia sinh, cái này diệt cái kia diệt”.
Cũng như
hoa sen mọc ra từ bùn, lớn lên từ bùn nhưng không bao giờ nhiễm bùn.
Đức Phật cũng vậy, tuy Ngài sinh ra trong cõi đời ô trược nhưng không
bị nhiễm ô bởi cõi đời ô trược. Sự đản sinh của Ngài là sự đản sinh
trong sự trú tâm an tịnh, hướng tâm nguyện độ sinh đem lại sư an vui
cho mọi người.
Trong kinh Trung bộ III, số 123, kinh Vị Tằng
Hữu, đức Phật dạy: “Ngài không được sinh ra từ nơi bất tịnh, lớn lên
trong đau khổ và chết dần trong đau khổ.”[3]
Còn kinh Hoa
Nghiêm, phẩm Nhập pháp giới đã trình bày: “Lúc Ma-da phu nhân sắp đản
sinh Bồ-tát, ở trước mặt phu nhân bỗng từ kim cang tế mọc lên hoa sen
lớn tên là nhất thiết bảo trang nghiêm tạng. Kim cang làm cọng, các báu
làm tua, Như ý châu vương làm đài, có Phật sát vi trần số cánh. Tất cả
đều bằng châu Ma ni, lưới báu lọng báu đều che phía trên. Tất cả thiên
vương cầm giữ, tất cả long vương mưa hương vũ, tất cả Dạ xoa vương
cung kính rải thiên hoa. Tất cả Càn thát bà vương dùng âm thanh vi diệu
ca ngợi công đức của Bồ-tát thuở xưa cùng dường chư Phật. Tất cả Tu la
vương bỏ tâm kiêu mạn mà cúi đầu đảnh lễ. Tất cả Ca lâu la vương thòng
phan báu khắp hư không. Tất cả khẩn na la vương hoan hỷ chiêm ngưỡng ca
ngâm khen ngợi công đức của Bồ-tát. Tất cả Ma hầu la vương đều hoan hỷ
tán thán rải mây bửu trang nghiêm. Đây là thần biến thứ mười của
Bồ-tát sắp đản sinh.
Này thiện nam tử! Vườn Lâm-tì-ni thị hiện
mười thần biến như vậy rồi, sau đó Bồ-tát đản sinh như mặt nhật hiện
nơi hư không, như mây lành hiện ở đỉnh núi cao, như làn chớp sáng giữa
cụm mây dày, như ngọn đuốc sáng giữa đêm tối. Bấy giờ Bồ-tát từ hông
bên hữu của phu nhân mà đản sinh, thân tướng quang minh, đủ các tướng
hảo.
Này thiện nam tử! Lúc đó dù hiện sơ sinh nhưng Bồ-tát đã tỏ
thấu tất cả pháp như mộng, như huyễn, như ảnh, như tượng, không đến,
không đi, chẳng sinh, chẳng diệt.”
Sự đản sinh của một vị Phật
không thể hiểu và giải thích như sự sinh ra của những con người bình
thường. Vì chúng sinh mê muội đầu thai rồi mê muội ra đời, còn sự ra
đời của đức Phật chính là sự ra đời của một bậc Phước trí song toàn,
theo bi nguyện thị hiện độ sinh. Sự đản sinh của Ngài trong cuộc đời
này muốn thể hiện rõ ràng hơn chân lý của cuộc đời xưa nay vẫn như vậy,
“Pháp nhĩ như thị”, “dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện thì
pháp tính ấy vẫn như vậy”.
Pháp ấy là cội nguồn của chân lý, là
sự thật, là một nơi không có dáng dấp của khổ đau hay bất hạnh, không
có sự phân chia giai cấp sang hèn, “tất cả sinh ra trong dòng máu cùng
đỏ, trong nước mắt cùng mặn”, cho nên ai cũng bình đẳng và có thể thành
Phật “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính” như Ngài.
Những
huyền thoại ghi chép đã lưu dấu lại cho đời những thâm ý mầu nhiệm.
Mỗi biểu hiện là mỗi bài pháp quý giá như “Voi trắng sáu ngà” khi vào
thai mẹ với giáo lý lục độ Ba-la-mật, vừa “sinh ra biết đi” đã phá tan
những tập tục cổ hữu đương thời của Ấn Độ, “Bảy bước đi” với thất thánh
tài, hay câu nói bất di bất dịch “trên trời dưới trời chỉ có chân lý
là tối thượng”, v.v…
Phủ phục trước ánh sáng của trí tuệ và lòng
từ bi bao la của đức Phật, học giả Radha Krishman đã viết: “Nơi đức
Phật Cù đàm, ta nhận thấy một tinh hoa toàn diện của người phương Đông.
Ảnh hưởng của ngài trong tư tưởng và đời sống nhân loại là một kỳ công
hi hữu, cho đến nay không thua kém ảnh hưởng của bất cứ vị giáo chủ
nào trong lịch sử. Mọi người đều sùng kính tôn ngài là người đã dựng
lên một hệ thống tôn giáo vô cùng thâm sâu huyền diệu, ngài thuộc về
lịch sử tư tưởng thế giới. Ngài là kết tinh của người thiện trí, bởi vì
đứng về phương diện trí thức, đạo đức trang nghiêm, và tinh thần minh
mẫn chắc chắn ngài là một trong những bậc vĩ nhân cao thượng nhất của
lịch sử.”
Cuộc đời của Ngài có nhiều giải thích khác nhau, mục
đích chung trong việc dùng ngôn từ để diễn đạt chẳng qua cũng chỉ làm
cho mọi người rõ thêm về sự thị hiện của Ngài, và đích đến là làm sao
đạt được sự giải thoát ngay trong hiện tại cho chính mình. Đức Phật
cũng đã từng dạy: “Ta chỉ là bậc đạo sư chỉ đường”, để nói lên thể tính
trong sáng nơi mỗi người, nhằm khích lệ con người không nên ỷ y nơi
ngài mà hãy bằng tự lực của mình để vươn lên trong khả tính thực chứng
của mình.
Tất cả những gì Ngài còn để lại ở cuộc đời không được
xây dựng trên tính cố hữu ràng buộc bắt buộc mọi người phải tuân theo,
nhưng để đạt được hạnh phúc an lạc thực sự thì phải đi theo lộ trình tự
chứng mà Ngài đã trải qua. Chính điểm này chúng ta thấy, sự thị hiện
đản sinh của Ngài đã mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới.
Kỷ
nguyên ấy được duy trì và tồn tại đích thực trong hiện quán của trí tuệ
và từ bi. Chỉ khi nào trí tuệ và từ bi luôn được vận dụng trong đời
sống, thì cuộc đời sẽ có một sự chuyển đổi, có sự thăng hoa tâm linh,
còn không thì nó mãi vẫn đắm chìm trong chuỗi chấp thủ khổ đau và bất
hạnh.
Thích Khải Tâm