Như vậy tính cho
đến nay đã có 21 nước trên thế giới có hôn nhân đồng giới tính được luật
pháp quốc gia sở tại công nhận (Netherlands, Belgium, Spain, Canada,
South Africa, Norway, Sweden, Portugal, Iceland, Argentina, Denmark,
France, Brazil, Uruguay, New Zealand, Britain, Luxembourg, Finland,
Ireland) và Hoa Kỳ là nước thứ 21 đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính
ngày 26 tháng 6 năm 2015 vừa qua. [1]
Đồng tính
luyến ái (homosexual) được các nhà triết học định nghĩa là những ước
muốn tình dục hướng tới những người cùng giới tính đồng thời giảm đi sự
thích thú tình dục đối với những người khác giới vàhôn nhân đồng giới
tính (same-sex marriage) là sự kết hợp giữa một người nam với một người
nam hoặc giữa một người nữ với một người nữ.
Bao nhiêu
năm nay, hôn nhân giữa hai người đồng giới tính vẫn là một trong những
vấn đề chính trị nhạy cảm ở Hoa Kỳ, nhưng nay Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ
đã chính thức phán quyết rằng hôn nhân đồng giới tính là quyền hợp pháp
trên toàn nước Mỹ.
Tổng
Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã công khai ủng hộ việc hai người nữ hay hai
người nam có thể kết hôn với nhau. Ông là vị Tổng Thống Hoa Kỳ đầu tiên
ủng hộ việc hôn nhân đồng giới tính. Để giải thích việc này, ông cho
rằng tư duy của ông đã “tiến hóa” và quan điểm (của ông) đã mở rộng theo
thời gian.
Trước sự
kiện quan trọng này các nhà lãnh đạo Thiên Chúa giáo La Mã tại Hoa Kỳ
bày tỏ sự không hài lòng với phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ về
việc cho phép những người đồng giới tính quyền kết hôn. “Bản chất của
hôn nhân cuả loài người vẫn không thay đổi và không thể thay đổi, Chúa
Giêsu Kitô, chúa của tình yêu, đã dạy rõ ràng rằng hôn nhân ngay từ khởi
đầu là sự hợp nhất suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn
bà," Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville, chủ tịch hội đồng
các giám mục Hoa Kỳ cho biết. [2] Tuy nhiên, nhà thần học hàng đầu của
nước Mỹ, Paul Lakeland của trường đại học Fairfield University nói rằng
“chẳng có cơ sở thần học nào biện minh cho lập trường của các giám mục
Hoa Kỳ phản đối hôn nhân đồng giới tính”. [3]
Tưởng cũng nên biết, theo các tài liệu
chính thức của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thì hôn nhân không xuất phát từ
Giáo Hội hay nhà nước, nhưng từ Thiên Chúa. Do đó, cả Giáo Hội lẫn nhà
nước đều không có quyền thay đổi ý nghĩa và cấu trúc cơ bản của hôn
nhân. “Hôn nhân đã được thiết lập bởi Thiên Chúa, là một sự kết hiệp
trung tín, độc quyền và suốt đời giữa một người nam và một người nữ được
kết hiệp trong một một cộng đoàn mật thiết của đời sống và tình
yêu.” [4] Trong Cựu ước, Thượng đế nhấn mạnh đến một ước muốn sáng tạo
của Ngài rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều…” [5] Theo Thánh kinh Cựu
ước, việc truyền giống tạo ra kẻ nối dõi là việc làm có giá trị, cần
được đề cao. Duy trì tình trạng không vợ chồng là điều đáng xấu hổ.
Vậy còn Phật giáo đối với vấn đề này như
thế nào? Phật giáo lên án hôn nhân đồng giới tính? Hoàn toàn không. Đối
với Phật Giáo, đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ, bình đẳng và không phân
biệt chủng tộc, tôn giáo, mầu da và giới tính. Với nguyên tắc thương yêu
tất cả mọi loài chúng sinh, Phật giáo không chủ trương xét xử, không
chống đối hay chỉ trích (lên án) người khác, đơn thuần chỉ dựa trên tính
chất của người đó, vì điều này được xem như là một sự phê phán thiên vị
và không công bằng. Vì thế, xuyên qua những lời giảng dạy của Đức Phật,
chúng ta không thấy Ngài phê phán hay lên án những người đồng giới tính
về phương diện đạo đức.
Trong đạo Phật, có hai giới Phật Tử, Phật tử tại gia và Phật tử xuất gia.
Đối với hàng Phật Tử tại gia,
hôn nhân và sinh con được xem là tích cực, nhằm xây dựng một đời sống
hạnh phúc gia đình của đời này và đời sau, nhưng không có nghĩa là bắt
buộc. Trong giới luật áp dụng cho hàng cư sĩ tại gia, không có điều luật
hay lời khuyên nhủ nào về vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới
tính.
Đối với hàng Phật tử xuất gia,
những người đã từ bỏ nếp sống gia đình, phát nguyện sống đời sống độc
thân, quyết chí tu hành giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, nên bị ràng
buộc trong tổ chức Tăng đoàn qua bộ luật Tỳ Kheo. Theo bộ luật này, Dâm
Dục là giới cấm đầu tiên trong bốn giới “Ba La Di” mà bất cứ vị Tỳ kheo
hay Tỳ kheo ni nào phạm phải giới này đều bị trục xuất hay bị khai trừ
vĩnh viễn ra khỏi cộng đồng Tăng đoàn. Dâm Dục được định nghĩa là bất cứ
loại hoạt động tình dục nào, cho dù đó là cùng giới tính hay khác giới
tính, kể cả với loài vật.
Có thể do nguy cơ gây xáo trộn đời sống
thanh tịnh của Tăng đoàn, làm cản trở tiến trình tu tập của các thành
viên, nên những người đồng tính luyến ái, trong đó bao gồm cả người ái
nam ái nữ và cả loại người mà kinh điển Pali gọi là Pandakas, không được
thọ giới Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni, tức là không cho vào hàng ngũ Tăng
đoàn.
Tuy nhiên, “Đức Dalai Lama chỉ ra rằng,
những giới cấm của Phật ứng dụng tùy vào thời gian, nền văn hóa và xã
hội mà con người ở đó tuân hành. Chẳng hạn, các vị Tỳ kheo mặc áo hoại
sắc bởi vì vào thời điểm đó, nó phù hợp với người nghèo Ấn Độ. Ngài kiến
nghị: “Nếu đồng tính luyến ái là một phần trong các tiêu chuẩn được
cộng đồng thừa nhận, thì điều đó cũng có thể được chấp nhận. Thế nhưng,
không một cá nhân hay vị thầy nào có thể tự thay đổi giới luật. Tôi cũng
không đủ thẩm quyền tái định nghĩa những giới điều đó bởi vì không ai
có thể quyết định hay ban hành sắc lệnh”. Ngài kết luận: “Việc xác định
lại như thế chỉ được quyết định trong một hội nghị Tăng già với sự có
mặt của tất cả các trường phái Phật giáo. Điều này không phải chưa từng
có trong lịch sử Phật giáo khi muốn xác định lại một vấn đề, nhưng nó phải
được thực hiện ở cấp độ tập thể”. Ngài nói thêm, điều đó thật hữu ích
để nghiên cứu sâu hơn nguồn gốc của giới luật về đề tài tính dục. [6]
Trong cuộc thăm dò dư luận mới nhất của
viện Gallup [7] trước ngày Tối Cao Pháp Viện phán quyết về vấn đề hôn
nhân đồng giới tính cho biết đa số người Mỹ (60%) tin rằng hôn nhân đồng
giới tính sẽ được luật pháp công nhận với các quyền giống như hôn nhân
truyền thống. Trong khi đó chỉ có 37% tức khoảng một phần ba người Mỹ
không đồng ý. Điều này cho thấy quan điểm của người dân Hoa Kỳ đã mở
rộng theo thời gian.
Riêng đối với Phật Giáo nói chung, những
người tu theo đạo Phật tin rằng, mọi sự mọi vật trên thế gian là vô
thường, cuộc sống nhân sinh cũng chuyển dịch biến hoá không ngừng và tuỳ
theo nghiệp của mỗi chúng sinh, giới tính có thể thay đổi từ giới này
sang giới khác như người nam trở thành người nữ hay ngược lại và chuyển
dịch từ đời này sang đời khác.[8] Ngay cả hiện tại cũng đã có nhiều
người hoặc tự mình thay đổi với sự trợ giúp của y khoa hay tự nhiên thay
đổi giới tính. Dù thế nào chăng nữa cũng không ra ngoài nhân quả. Mỗi
người đều mang trong mình cái nghiệp, nghiệp lành, nghiệp dữ mình làm
mình chịu, có gieo nhân tất có quả. Theo lý này, nếu một người thương
yêu một người nào đó, dù cùng giới tính hay khác giới tính đều là có
nhân duyên nợ nần với người đó ở quá khứ. Chính nhân duyên và nợ nần quá
khứ thúc đẩy người ta tìm đến nhau và thương yêu trong hiện tại. Đó là
quan hệ nhân quả bình thường. Nếu chúng ta tin tưởng vào nhân quả nghiệp
báo thì chúng ta có thể chuyển đổi được nghiệp quả của mình từ xấu
thành tốt, kể cả từ giới tính này sang giới tính khác bằng cách tu tập
những điều mà giáo lý nhà Phật chỉ bảo, như “Làm tất cả việc lành, không làm các điều ác và tự thanh tịnh hoá tâm”.