Phật giáo & Doanh nhân
Bảo Yến: Biết buông bỏ là có được mọi thứ
30/06/2010 12:41 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tôi còn nhớ mình đã vui mừng như thế nào khi bước ra khỏi nhà sách Xuân Thu, trên tay là quyển sách nhạc trong đó có in bài Nói chuyện với người trong tranh của nhạc sĩ Triều Dâng, khi đó tôi 14 tuổi. Bài hát ấy cùng rất nhiều những bài hát khác như Biển sáng, Sài Gòn mùa Xuân, Ngõ vắng xôn xao…

Tôi còn nhớ mình đã vui mừng như thế nào khi bước ra khỏi nhà sách Xuân Thu, trên tay là quyển sách nhạc trong đó có in bài Nói chuyện với người trong tranh của nhạc sĩ Triều Dâng, khi đó tôi 14 tuổi. Bài hát ấy cùng rất nhiều những bài hát khác như Biển sáng, Sài Gòn mùa Xuân, Ngõ vắng xôn xao… đã đi qua thời niên thiếu, cùng tôi lớn lên, nói giùm tôi những khát khao tuổi đang lớn, thông qua một giọng hát, mà với tôi, người sở hữu nó mới thật sự là một Diva, ca sĩ Bảo Yến.


Tôi sẽ hát cho đến lúc chết

Tôi từng nghĩ, thời hoàng kim của ca sĩ Bảo Yến là khi tôi và những người bạn mình thất điên bát đảo, la hét ầm ĩ, vỗ tay không ngừng mỗi khi chị xuất hiện trên sân khấu, lặng ngồi nghe và lẩm nhẩm hát theo mỗi lần chị và em gái chị là ca sĩ Nhã Phương hát. Đó là thời điểm mà hai chị hát nhạc trẻ, làm sân khấu sôi sục, tràn đầy năng lượng, thế nhưng Bảo Yến nói với tôi rằng, đỉnh điểm của nghề hát, lại là thời gian sau khi chị ra ban nhạc Gò Công và chuyển sang hát nhạc mang âm hưởng dân ca.

- Ngần ấy năm đi hát, từng đứng trên đỉnh cao, đến bây giờ nhìn lại có điều gì chị còn cảm thấy hối tiếc vì đã không thực hiện trọn vẹn cho nghề của mình?

Tôi không nghĩ đó là đỉnh cao, tôi chỉ thấy tôi làm nghệ thuật một cách chân chính, học nghề chuyên tâm và làm thật tốt cái nghề đã học của mình một cách thành thạo, nên tôi không có gì phải tiếc nuối cả.

- Ngay trong thời gian chị bảo rằng mình đi qua giai đoạn đỉnh điểm, chị vẫn có những bài hit đáng mong ước như Đường Xưa, Biển Cạn... mà không có ngôi sao nào hát lại hay bằng. Chị giữ lửa nghề bằng cách nào?

Tôi không cố tình giữ lửa mà đó là số phận bài hát đó đã dành cho tôi. Tôi sống, chân thật, không giả dối, không ganh đua đòi hỏi thiệt hơn, giữ tâm bình an nên tôi có cái mà tôi nên có.

- Thường xuyên đi hát cho đồng bào ở nước ngoài, chị thấy khán giả ở mỗi nơi có khác gì nhau về văn hoá thưởng thức không?

Khán giả ở đâu cũng giống nhau hết, hưởng ứng những bài hát nóng bỏng thì khán giả luôn dành cho tôi những tràng pháo tay thật dài, những tiếng huýt sáo và những tiếng hô vang: “Nữa đi, hát nữa đi”. Đó chính là động lực cho tôi hát, chỉ cần những tràng pháo tay và những lời đề nghị là tôi sẵn sàng chiều lòng khán giả mà hát thêm vài bài nữa.

- Chị vừa cho ra hai album mới, đây có phải là kế hoạch quay lại với sân khấu trong thời gian sắp tới của chị?

Những album vừa ra mang tính chất kỷ niệm hơn là kế hoạch. Tôi muốn khán giả có những album nhạc của tôi, cả trữ tình quê hương, lẫn trữ tình lãng mạn, tôi hát cho khán giả nhiều hơn là cho kế hoạch của mình.

- Rất nhiều ca sĩ ít kinh nghiệm hơn chị đã đua nhau làm chương trình kỷ niệm 10 năm – 15 năm ca hát, chị có ý định làm một chương trình như thế không?

Làm chương trình để kỷ niệm 20 năm, 25 năm ư? Hát để từ giã sân khấu? Không, tôi không nghĩ đến điều đó, tôi vẫn sẽ hát cho đến tận khi tôi chết mà không cần những thứ đó.

Cảm xúc cá nhân của người nghệ sĩ là kho tàng vô giá cho cuộc sống. Những gì cảm nhận được ở Bảo Yến bây giờ là sự ung dung tự tại và dường như không có gì có thể thay thế được điều đó. Trên tất cả là giọng hát, vẫn còn sung sức, hừng hực lửa. Tôi từng ngồi nghe chị hát liên tục gần hai giờ đồng hồ ở phòng trà Văn Nghệ, và đúng như chị nói, chỉ cần yêu cầu chị sẽ hát, hát mãi.

Vui sống an nhiên

Bao nhiêu năm, ấn tượng của tôi về giọng ca ấy vẫn không thay đổi. Đó là cảm giác không thay đổi về những kỷ niệm đẹp xưa cũ hay thực chất, giọng ca ấy vẫn như chưa bao giờ thay đổi. Có lẽ tách bạch rạch ròi điều đó cũng không còn quan trọng nữa. Nhưng có một điều rõ ràng đã tác động rất lớn đến giọng ca ấy, giờ đây, là Bảo Yến của thiền định.

- Đang là một ca sĩ nổi tiếng, động cơ nào đưa chị đến với thiền định và Phật pháp? Chị tìm được điều gì ở đó?

Tôi đi hát nhiều show mỗi đêm, rất vất vả, có cả thành công lẫn không, phải đối phó với những áp lực của công chúng, của những ông bầu, của dư luận… có khi tôi mệt đến ăn không được, ngủ không yên, không còn thời gian dành cho gia đình bạn bè nữa, tôi thấy mình quá khổ sở, làm việc như một cái máy chạy hoài không nghỉ. Mà điều đó để làm gì, có được gì?

Sau mười năm mệt mỏi, uể oải và không còn đam mê như trước đây, tôi quay đầu về với kinh kệ, thiền định, Phật pháp. Kinh Phật đã dạy: “Hãy cởi bỏ tất cả, quay về với chân tâm”. Tôi thực sự từ bỏ đua ganh, không màng tới bất cứ điều gì. Khi làm được điều đó tôi đã tìm thấy được bình an và thấu hiểu triết lý của Phật. Kỳ lạ là khi biết cách buông bỏ mọi thứ cũng là lúc tôi có được mọi thứ.

- 13 năm để tìm ra chân lý, để có thể sống với tâm bình an, như vậy có là quá lâu?

13 năm để hiểu thấu đáo giáo lý uyên thâm của nhà Phật – thật xứng đáng, 13 năm để hiểu ra một chân lý – thật quý giá vô vàn, tôi không cho ngần ấy thời gian là quá lâu. Là người theo đạo Phật, tôi tin mỗi người đều có một cái tâm thiện đang bị bản ngã chi phối, giữa cái bản ngã chỉ tồn tại được 60 năm và cái tâm thiện ngàn năm, tôi chọn cái tâm. Xây nền cho cái tâm thiện cả ngàn năm đó, 13 năm chỉ là một chớp mắt.

- Tự đọc kinh Phật, giác ngộ một cách tự nhiên, chị sống ra sao sau khi tìm thấy chân lý cho mình?

Tôi sống an nhiên. Điều gì đến với tôi, tôi làm bằng tất cả khả năng của mình, nhưng không bon chen, gắng sức để có được điều này điều kia. Điều kiện vật chất là vừa đủ, không quá dư thừa. Tôi không vay mượn ai vì tôi tin luật nhân quả, vay kiếp này sẽ phải trả lại kiếp sau. Tôi giữ tâm mình, không nghĩ ác, không làm điều ác.

Tôi tin con người sinh ra không phải để thụ hưởng mà để tìm đến giác ngộ, chỉ khi giác ngộ mới cứu mình, cứu người khỏi biển khổ luân hồi. Khi nghiệp lực đến ta phải biết phải làm gì chứ không bất lực buông xuôi. Giác tỉnh là sống trên quá khứ và tương lai. Khi hiểu được điều này, tôi không cho phép con – ngựa – thân – xác đang chở linh hồn tôi này điều khiển tôi nữa, nó không được phép có những đòi hỏi phi lý.

Nhưng tu không phải là từ bỏ tất cả, ta vẫn có tất cả nhưng vừa đủ. Tu là để dẹp bỏ bản ngã hẹp hòi, để sống bằng chân tâm bình đẳng. Khi ấy ta sẽ sống trong niềm an lạc thảnh thơi.

Bảo Yến giữa đời thường

- Người ta bảo: “Cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói được anh là người thế nào”. Chị có nhiều bạn thân không, họ là ai và đóng vai trò như thế nào trong đời sống cá nhân chị?

Tôi không có bạn nhiều, để tâm sự thì chỉ có một mà thôi, bạn tôi cũng hay góp ý cho tôi và chỉ bảo nhiều điều thú vị, chúng tôi đã là bạn 23 năm nay và anh cũng là người như thân thuộc trong gia đình. Anh là ai, xin phép được giữ riêng cho mình.

- Từng là một biểu tượng thời trang trên sân khấu, thời trang của chị bây giờ với lúc hát Summer night city khác nhau như thế nào? Chị có phải là tín đồ mua sắm không? Trong tủ quần áo của chị vật dụng nào là nhiều nhất?

Kiểu thì bao giờ cũng thế, không thay đổi, chỉ khác chăng ngày xưa chất liệu cho áo quần không hiện đại và đẹp bằng bây giờ. Tôi không thuộc dạng người đam mê mua sắm, với tôi quần áo là vật ngoại thân, chỉ vừa đủ dùng, không cần quá dư thừa làm gì. Vật dụng nhiều nhất trong tủ quần áo của tôi là đầm dạ hội dài, vì tôi phải thay đổi trang phục rất nhiều khi xuất hiện trong các chương trình ca nhạc hoặc lên truyền hình.

- Mái tóc của chị xưa giờ dường như có một kiểu thì phải, ai nghĩ ra cho chị kiểu tóc này?

Tôi chứ ai, đưa cho thợ cắt cứ thấy mình kỳ kỳ, thế là tự cắt, đằng trước thì dễ, đằng sau cứ vừa soi gương vừa cắt, làm vậy mới hợp ý mình.

- Còn nhớ ngày xưa chị và chị Nhã Phương gần như là người đưa ra xu hướng trang điểm, ví dụ như đánh mắt bằng kim tuyến và kẻ đuôi mắt dài chẳng hạn, chị học kiểu trang điểm đó từ đâu?

Cũng lại tự chế, ngày xưa không có kim tuyến, chúng tôi còn phải tự tay cắt nhỏ giấy trang kim để làm, bây giờ mỹ phẩm đa dạng và tiện lợi hơn nhiều.

- Con cái có phải là niềm hạnh phúc của chị và chị kỳ vọng điều gì ở những đứa con mình?

Con cái là cái duyên, hai đứa con trai của tôi đều rất thân với tôi, chúng rất hay tâm sự với mẹ và có bất cứ chuyện gì chúng đều hỏi ý kiến tôi hết. Tôi dạy dỗ con để chúng thấm nhuần quan điểm sống đạo đức, hiểu luật nhân quả của mỗi hành động mình gây ra, để biết phân biệt đâu là lẽ phải – trái. Cả hai đều làm tôi hài lòng về nhân cách sống.

Tôi thử hỏi những người bạn mình rằng họ có muốn nghe Bảo Yến hát nữa không, chín trên mười người được hỏi đều xuýt xoa thèm muốn, cả tôi cũng thế. Đã có lần sau khi nghe chị hát, tôi có ý trách chị lười biếng, thôi không sáng tạo, ngọc quý không chịu mài giũa… nhưng sau câu chuyện này, tôi hiểu ra rằng, viên ngọc quý ấy vẫn sáng, lửa nhiệt tình vẫn nóng, ngôi sao của tôi (và rất nhiều người khác) vẫn đang toả nhiệt, vì thật ra ngôi sao đang quay trên một quỹ đạo riêng mình, tìm đến đúng hành trình ấy, đi đúng vào vùng không gian ấy, bạn sẽ được nhìn thấy ngôi sao kia chiếu sáng, có khi còn rực rỡ hơn ngày nào.

Theo Phạm Hoài Nam - SGTT

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch