PG & Giáo dục
Phật giáo Việt Nam, một tương lai tươi sáng
HT.Thích Trí Quảng
12/11/2016 08:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN - Phật giáo đã du nhập vào đất nước Việt Nam rất sớm, từ đầu thế kỷ thứ I, trong lúc người dân Việt đang khổ đau dưới sự cai trị tàn khốc của nhà Hán. Hành đạo trong một nước có bối cảnh lịch sử  như vậy, các nhà truyền giáo mang tinh thần từ bi vô ngã vị tha của đạo Phật đã dễ dàng nhập thân hành động, đóng góp trí tuệ và công sức cho sự sống còn của dân tộc.
Sự gắn bó mật thiết của Phật giáo với vận mệnh dân tộc, khổ nhục cùng cam, vinh quang cùng hưởng trong suốt chiều dài lịch sử hơn hai ngàn năm, đã hình thành một sinh hoạt Phật giáo Việt Nam đầy sức sống với những nét đặc sắc chưa từng thấy.


Phathoc HT.jpg
Chùa Một Cột

Trong quá trình phát triển, khởi thủy từ miền Bắc Việt Nam, Phật giáo đã lần truyền xuống miền Trung và miền Nam. Đến miền Nam, thì lại gặp Phật giáo Nam tông (do Phật giáo Khmer truyền đến) đang sinh hoạt mạnh.

Chúng ta đều biết hai hệ phái Phật giáo Bắc tông và Nam tông có sự khác biệt về tư tưởng và hình thức tu học. Vì vậy, khi Phật giáo Bắc tông phát triển sinh hoạt ở miền Nam Việt Nam, đồng thời gặp gỡ hoạt động có sẵn của Phật giáo Nam tông, điều này đã gợi cho Tăng Ni, Phật tử ý nghĩ cũng là đệ tử Phật mà tại sao không hợp nhất lại, để có sự cách biệt như vậy. Ý niệm thống nhất Phật giáo nảy mầm từ thời điểm giao thoa sơ khởi giữa hai hệ Phật giáo như vậy.

Tuy nhiên, trong khi Phật giáo chưa thống nhất được hai hệ phái Bắc tông và Nam tông thì đất nước ta bị Pháp xâm chiếm, vì nhà Nguyễn đã cắt sáu tỉnh Nam Kỳ đặt dưới sự đô hộ của thực dân Pháp.

Dưới sự cai trị của thực dân Pháp, đạo Phật bị chèn ép tối đa. Hầu hết các ngôi chùa lớn ở thành phố Sài Gòn như chùa Khải Tường ở gần nhà thờ Đức Bà, chùa Từ Ân, hay những chùa được sắc tứ ở thời Nguyễn đều bị thực dân Pháp phá hủy toàn bộ.

Dù giới Phật giáo mang niềm khao khát thống nhất mãnh liệt đến đâu chăng nữa, nhưng đứng trước hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, cũng đành bó tay. Và từ đó dẫn đến tình trạng Phật giáo bị tan rã, từng chùa phải sinh hoạt riêng lẻ, không thể có lãnh đạo chung cho hoạt động Phật giáo. Có thể nói Phật giáo gần như im lìm, chẳng còn chút sức sống.

Tình trạng Phật giáo suy đồi kéo dài mãi đến thế kỷ XX mới có những vị danh tăng xuất hiện như Sư Thiện Chiếu, Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Từ Phong… và Phật giáo bắt đầu hoạt động trở lại với việc sáng lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Sau đó, các hội đoàn khác lần lượt ra đời như Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Tăng-già Nam Việt, Hội Lục hòa Tăng, Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ. Riêng tại thành phố Sài Gòn lúc ấy, Phật giáo bừng sống với trên 20 hội hoạt động.

Tuy nhiên, sự phát triển này không tốt đẹp gì, vì thực chất các hoạt động càng ngày càng xa rời tinh thần trong sáng của Chánh pháp. Thực tế cho thấy sự tranh giành ảnh hưởng của các tập đoàn Phật giáo dẫn đến tình trạng chia rẽ, xung đột nghiêm trọng, khiến Tăng Ni, Phật tử càng mong mỏi thống nhất Phật giáo hơn nữa.

Nhưng phải đợi đến ngày đất nước được giải phóng mới mở ra cơ hội thuận tiện để giới Phật giáo thực hiện nguyện vọng thống nhất. Thật vậy, khi đất nước độc lập, các tổ chức quần chúng cũng đều thống nhất. Phật giáo Việt Nam được coi là một tôn giáo gắn liền với dân tộc; vì thế không thể tồn tại tình trạng phân chia Nam Bắc, phân hóa cục bộ nhiều tập đoàn, hệ phái. Đó là quan điểm chung của Tăng Ni, Phật tử cả nước và đã trở thành hiện thực với sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào tháng 11-1981, có đầy đủ đại biểu của 9 tập đoàn Phật giáo đại diện cho toàn thể Tăng tín đồ Việt Nam.

Thành thật mà nói, việc điều hòa sinh hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn thập niên đầu mới thành lập có phần khó khăn, vì Tăng Ni, Phật tử vẫn còn quen với nếp sinh hoạt theo từng hệ phái riêng lẻ, thường được gọi là biệt truyền. Các hình thức Phật giáo biệt truyền khi hội nhập vào tổ chức thống nhất, sống chung với nhau, đương nhiên cảm thấy bỡ ngỡ, bị ràng buộc, khó thích hợp trong giai đoạn đầu.

Nhưng với thời gian, mọi người con Phật đều ý thức rằng họ cùng tôn thờ một đấng Thế Tôn, cùng sống chung trong một đất nước, nên cần có một mẫu số chung cho sinh hoạt đạo pháp. Ý niệm đúng đắn ấy đã là kim chỉ nam hoạt động của Giáo hội, thể hiện qua phương châm: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”, nhưng vẫn tôn trọng sự tu hành của biệt truyền đúng Chánh pháp.

Thấm nhuần sâu sắc tinh thần thống nhất tổ chức mà Giáo hội đề ra, Tăng Ni, Phật tử tham gia hoạt động không còn ý nghĩ mình thuộc Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, hoặc thuộc Phật giáo cổ truyền. Tất cả đều hòa hợp cùng sinh hoạt chung trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức Phật giáo duy nhất hợp pháp tồn tại trong nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặt dưới quyền giám sát của Giáo hội, nên tất cả tu sĩ đều lãnh thẻ Tăng tịch do Giáo hội cấp phát. Tất cả văn kiện, thủ tục liên quan đến hoạt động đạo pháp đều phải thông qua Giáo hội duyệt xét. Không thể có một hoạt động nào của Phật giáo nằm ngoài Giáo hội.

Về ý nghĩa thống nhất lãnh đạo, chúng ta nhận thấy Hội đồng Trị sự gồm đủ chư tôn đức thuộc mọi hệ phái. Tuy nhiên, vì sinh hoạt theo nghị quyết, tức giải pháp do tập thể lãnh đạo quyết định, nên khi một vấn đề nào được tập thể duyệt xét, chấp thuận, thì tất cả đều phải chấp hành.

Nhờ thống nhất lãnh đạo như vậy, ý thức độc tôn không thể tồn tại. Từ đó, muốn ý kiến đề xuất của mình được chấp nhận, thành viên ấy phải tranh thủ được sự đồng tình của đại chúng thì mới thành quyết định chung của tập thể, mới có giá trị.

Về sự lợi ích của việc tôn trọng hình thái biệt truyền, chúng ta cần hiểu rõ thế nào là biệt truyền. Ngoài sự thống nhất tư tưởng về giáo pháp, chúng ta còn thấy kinh nghiệm tu hành, sở đắc của từng vị cao tăng khác nhau được truyền thừa qua các đệ tử. Phần biệt truyền này của các sơn môn hệ phái vẫn được Giáo hội tôn trọng. Nhờ vậy, giáo lý Phật chỉ có một, mà sinh hoạt biệt truyền, hay phần tu chứng, đắc pháp thì muôn màu muôn vẻ tạo thành sự hiện hữu nhiều vị danh tăng trong Giáo hội. Chính những kiến thức đa dạng của các bậc danh tăng đã đáp ứng được yêu cầu tri thức của xã hội hiện đại. 

Hoạt động của Giáo hội trên cơ sở thống nhất ý chí và hành động, thống nhất tổ chức và lãnh đạo, đồng thời vẫn tôn trọng giáo pháp biệt truyền. Nền tảng thống nhất một cách đúng đắn và vững chắc như vậy, đã đóng góp không ít cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Thật vậy, với sự nỗ lực hoàn thiện, trau dồi đạo hạnh và thừa hành Phật sự, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành quả đáng kể, ghi đậm dấu mốc lịch sử của quá trình thành lập và phát triển của Giáo hội trải qua 7 nhiệm kỳ, điển hình là Giáo hội đã thành lập 63 Ban Trị sự ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đồng thời các đại giới đàn trang nghiêm trao truyền giới pháp đã được tổ chức ở nhiều tỉnh thành của cả ba miền Nam, Trung, Bắc góp phần xương minh Phật pháp.

Các hoạt động Phật sự tại vùng miền núi Tây Bắc, đại ngàn Tây Nguyên, vùng sông nước miền Tây Nam Bộ cũng được phát triển rõ nét, nói lên hoạt động nhập thế tích cực của Giáo hội trong thời hiện đại.

Đặc biệt là các hội Phật tử Việt Nam tại nước ngoài như Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, Pháp, Đức, Hungary, Ukraine, Ba Lan, Nhật Bản đã được Giáo hội tổ chức và đang hoạt động tốt đẹp.

Ngoài ra, còn nhiều thành quả đáng trân trọng thuộc các lãnh vực như hoằng pháp, đào tạo giảng sư, văn hóa, các khóa tu tổ chức cho Phật tử trên mọi miền đất nước…

Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Trị sự Phật giáo thành phố đã phối hợp khéo léo với Ban Trị sự Phật giáo 24 quận huyện của thành phố, hoàn thành tốt đẹp công tác thống kê tự viện, lập danh bộ Tăng Ni và cấp giấy chứng nhận Tăng sĩ chính thức của Giáo hội.

Sự thành công trong việc quản lý cơ sở và thành viên đã tạo cho Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh sức mạnh về tổ chức, về con người và nhiều lãnh vực hoạt động quan trọng.

Ngoài ra, cũng có rất nhiều ngôi chùa được trùng tu, hoặc xây dựng mới. Đáng kể nhất là ba ngôi chùa tiêu biểu cho ba hệ phái Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ đã được xây dựng với quy mô rộng lớn, trang nghiêm.

Đó là chùa Huê Nghiêm, quận 2, trong khuôn viên rộng hơn 30.000 mét vuông, được bao bọc bởi quần thể vườn cây xanh rộng lớn, tạo nên không khí trong lành cho cư dân và Phật tử về tu tập tại khu đô thị mới phát triển.

Ngôi chùa thứ hai là Pháp viện Minh Đăng Quang có quần thể kiến trúc Phật giáo đặc trưng của hệ phái Khất sĩ miền Nam. Chùa tọa lạc tại quận 2 trong khu diện tích rộng hơn 37.000 mét vuông, với những tầng tháp cao vút và những tòa nhà dành cho nhiều sinh hoạt của chùa.

Ngôi chùa thứ ba là tổ đình Bửu Long trong khuôn viên rộng hơn 11.000 mét vuông, tọa lạc trên ngọn đồi phía Tây, sông Đồng Nai, thuộc quận 9, TP.HCM, với cảnh quan thoáng mát, thanh tịnh.

Ngoài ra, phải kể đến ngôi Việt Nam Quốc Tự mang dấu ấn lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Chùa sắp hoàn thành việc xây dựng để đưa vào hoạt động của Phật giáo thành phố trong năm tới.

Về hệ thống giáo dục, Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh cũng quan tâm nhiều đến việc đào tạo Tăng tài. Từ lớp sơ cấp  đến trung cấp, cao đẳng Phật học đã có hàng ngàn Tăng Ni sinh đang theo học, hoặc đã tốt nghiệp.

Và trên hết là Học viện Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh có 355 Tăng Ni sinh khóa IX (2011-2015) đã nhận văn bằng cử nhân Phật học và 118 cử nhân hệ đào tạo từ xa; 492 Tăng Ni sinh khóa X (2013-2017); 413 Tăng Ni sinh khóa XI (2015-2019) và 114 Tăng Ni sinh học văn bằng 2. Hệ đào tạo từ xa có 287 vị khóa III, 470 vị khóa IV.

Học viện cũng liên kết với Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh mở khóa Sư phạm Giáo dục Mầm non khóa I (2015-2019) tại Học viện. Khóa học có 97 Ni sinh viên.

Trong các trường lớp nói trên có đủ màu áo của những tu sĩ thuộc tất cả hệ phái, sơn môn, đều cùng học tập chung, tạo thành sự cảm thông, hiểu biết nhau, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Có thể nói đó là biểu tượng tốt đẹp nhất chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, một thành quả do sự thống nhất mang đến.

Nhìn thành quả tốt đẹp về giáo dục ngày nay gợi chúng ta nhớ lại tình trạng giáo dục vào trước năm 1945. Ở thời đó, phải nói là chúng ta khó kiếm được một tu sĩ Phật giáo có trình độ sơ cấp, đừng nói chi đến trình độ cao hơn.

Ngày nay, Giáo hội đã đào tạo được số lượng tu sĩ đáng kể có kiến thức, tốt nghiệp từ phổ thông đến đại học, trên đại học, cũng như các Tăng Ni tốt nghiệp ở nước ngoài về. Điều này khẳng định một tương lai tươi sáng của Phật giáo Việt Nam trên bước đường hoằng truyền Chánh pháp.

Về đối ngoại, mối liên hệ giữa Phật giáo Việt Nam với các tổ chức Phật giáo trên thế giới ngày càng mở rộng qua những hội nghị, những cuộc viếng thăm, trao đổi văn hóa, tư tưởng…

Ngoài ra, không thể không nhắc đến thành quả ấn tượng về hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2015, đạt được như sau: hơn 406 tỷ đồng và nhiều ngoại tệ, cùng với hơn 100 ca hiến máu nhân đạo.

Những thành quả mà Phật giáo đã đạt được khẳng định rằng chủ trương và đường hướng hoạt động của Giáo hội thực sự đúng đắn. Vì vậy, những hoạt động đạo pháp cũng đã góp phần xây dựng xã hội, mang lại nhiều kết quả tốt đẹp đáng quý.

Tóm lại, Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nền tảng của những thành quả lợi ích thiết thực quan trọng đã tạo lập được trong suốt chiều dài lịch sử gần hai ngàn năm.

Kỷ niệm Giáo hội Phật giáo Việt Nam trải qua chặng đường dài 35 năm, đã đánh dấu một bước trưởng thành đáng trân trọng về nhận thức và hành động của Tăng Ni, Phật tử; đồng thời đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc tinh thần thống nhất và đoàn kết, cùng nhau thực hiện truyền thống tốt đạo đẹp đời do Giáo hội đề ra.

Trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII sắp diễn ra (nhiệm kỳ 2017-2022), chúng tôi kỳ vọng rằng trong tương lai với bối cảnh nhiều thuận lợi cho hoạt động của Giáo hội, cũng như dựa trên nền tảng tốt đẹp mà chúng ta đã tạo dựng được, Giáo hội sẽ vạch ra được chương trình phát triển mới, để phục vụ hữu hiệu hơn nữa cho đạo pháp và dân tộc, nâng cao vị trí của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc và trong cộng đồng quốc tế. 


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch