Hạnh phúc luôn có mặt trên những chặng đường
ta đi qua chứ không phải ở cuối con đường
Dựa vào tiêu chí nào để đánh giá đó là một người thành
đạt? Thành công trong sự nghiệp, có địa vị xã hội, nổi tiếng, kiếm được
nhiều tiền… là những tiêu chí hiện nay. Đây là mơ ước, khát vọng của
nhiều người và là niềm kiêu hãnh của những ai đạt được. Đối với cá nhân,
sự thành đạt mang lại cuộc sống giàu sang, sung túc, những mơ ước, khát
vọng tạm thời được thỏa mãn. Đối với gia đình và xã hội, sự thành đạt
của mỗi cá nhân góp phần làm cho gia đình, xã hội phồn thịnh.
Thành đạt có thể mang lại hạnh phúc, nhưng điều đó không
có nghĩa là con người chỉ hạnh phúc khi thành đạt. Có nhiều người không
nổi tiếng, họ cũng không kiếm được nhiều tiền nhưng họ sống rất hạnh
phúc, mãn nguyện với một gia đình đầm ấm, một cuộc sống tương đối đầy
đủ, hài lòng với công việc và các mối quan hệ. Ngược lại, có không ít
người thành công trong sự nghiệp nhưng lại thất bại trong đời sống hôn
nhân gia đình, hoặc không tìm thấy hạnh phúc trong giàu sang danh vọng,
họ cô đơn, buồn bã, chán nản, thậm chí bị stress, trầm cảm, tâm thần…
Hạnh phúc tùy thuộc vào quan niệm, cảm nhận của con
người chứ không tùy thuộc vào các giá trị tiền bạc, danh vọng, sự
nghiệp. Tiền bạc, danh vọng, sự nghiệp, thành công, nổi tiếng… chỉ góp
phần tạo nên hạnh phúc. Khi trạng thái tinh thần thoải mái, trong lòng
nhẹ nhàng, thanh thản là lúc con người có được an vui, hạnh phúc. Hạnh
phúc luôn có mặt trên những chặng đường ta đi qua chứ không phải ở cuối
con đường. Hạnh phúc có thể được tìm thấy trong từng phút giây ta sống
chứ không phải từ những gì ta đạt được. Hạnh phúc là một trạng thái cảm
xúc thiên về tâm lý, là giá trị tinh thần chứ không đơn thuần là giá trị
vật chất.
Người ta thường nhận thức sai lầm, nghĩ rằng mình sẽ
hạnh phúc khi đạt được những mong ước, khát vọng, khi có được những giá
trị vật chất. Nhưng chính tâm trạng hướng ngoại mong cầu, băn khoăn lo
lắng, không bằng lòng, không thỏa mãn… đã làm cho con người không hạnh
phúc. Và cho dù đạt được những gì mình mong muốn, người ta vẫn không
hạnh phúc bởi tham vọng không dừng, bởi tâm luôn hướng ngoại.
Không ít sự thành đạt có được từ những đau thương, mất
mát. Để làm ra nhiều tiền, để mau thăng tiến, để sớm đạt được mục đích,
người ta lao vào công việc quên cả gia đình, quên cả bản thân. Đến khi
thành đạt thì hạnh phúc gia đình đổ vỡ, con cái hư hỏng vì thiếu tình
thương và sự quan tâm dạy dỗ, người thân (cha mẹ, anh em…) không còn,
bản thân mang nhiều bệnh tật, sức khỏe hao mòn, những mất mát đó khó
mong tìm lại được.
Tiền bạc, danh vọng, địa vị khiến cho con người ta say
mê và thường sống trong ảo tưởng, nghĩ rằng có nó thì cuộc sống là thiên
đường hạnh phúc, có nó là bước đến tột đỉnh vinh quang. Nhiều người mải
miết chạy theo tham vọng làm giàu, mải lo tạo dựng cơ ngơi, sự nghiệp,
địa vị, quyền lực mà bỏ quên cha mẹ, bỏ quên tổ ấm gia đình. Những mục
tiêu phát triển, những kế hoạch, dự án choán hết thời gian và tâm trí
những người đàn ông, những người phụ nữ thành đạt. Đối với họ, công việc
được đặt lên vị trí hàng đầu. Họ quay cuồng với cuộc sống tất bật, mỗi
ngày đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về, về nhà lại tiếp tục dán mắt
vào những con chữ con số trên máy vi tính và đống sổ sách giấy tờ. Ngôi
nhà của họ dường như trở thành quán trọ từ lúc nào không hay, mọi người
chỉ trở về đó để ngủ khi đêm đến và sáng sớm lại ra đi. Vợ chồng không
có thời gian để sẻ chia tâm sự, quan tâm lo lắng cho nhau, giúp đỡ nhau
công việc gia đình; cha mẹ không có thời gian tiếp xúc với con cái,
không có cơ hội bày tỏ tình cảm yêu thương và giáo dục dạy dỗ. Hiếm khi
có được bữa cơm gia đình để mọi người ngồi lại bên nhau. Càng tệ hơn là
những căng thẳng, bực bội từ nơi làm việc được mang về nhà làm cho bầu
không khí gia đình trở nên ngột ngạt. Và trong một số trường hợp, quyền
lực của người đàn ông, người phụ nữ thành đạt trong xã hội lại được thể
hiện trong gia đình tạo ra sự bất mãn, mâu thuẫn, xung đột làm đổ vỡ các
mối quan hệ tốt đẹp.
Người thành đạt phải chịu áp lực từ nhiều phía: gia
đình, xã hội, công việc… Những căng thẳng, lo lắng, bất an, khiến cho
người ta không hạnh phúc. Người có nhiều tiền luôn nghĩ cách làm cho
đồng tiền sinh lợi, người có danh tiếng luôn muốn bảo vệ tiếng tăm,
người có sự nghiệp lớn lao luôn nghĩ cách giữ gìn và phát triển cho sự
nghiệp ngày càng lớn thêm. Lo cấp trên khiển trách, lo cấp dưới không
phục tùng; lo việc làm ăn sa sút, thất bại; lo quan hệ đồng nghiệp, quan
hệ bạn bè đổ vỡ; lo bị thuyên chuyển, giáng chức; lo cho gia đình, lo
cho tình yêu, lo cho sự nghiệp v.v… Có đến hàng trăm nỗi lo khiến cho
con người ta ăn không ngon, ngủ không yên giấc, tâm trạng không thanh
thản, thoải mái, ít có niềm vui vì tinh thần thường bị ức chế. Theo
nghiên cứu của các chuyên gia y khoa, những người thường xuyên sống
trong tâm trạng bồn chồn, băn khoăn, lo lắng thuờng có nguy cơ mắc các
loại bệnh về rối loạn thần kinh, sa sút trí tuệ rất cao, nhất là bệnh
Alzheimer và Parkinson.
Thành đạt ở mức độ nào thì dừng lại và được xem là đủ?
Không ai đặt ra câu hỏi đó bao giờ. Tham vọng leo thang, ham muốn của
con người không bao giờ dừng nghỉ, khi đạt được mục tiêu này rồi thì
người ta lại đặt ra mục tiêu kế tiếp cao hơn, xa hơn. Thế là người ta
không ngừng theo đuổi các mục tiêu mà chưa có lúc nào dừng lại để cảm
nhận, thụ hưởng những gì mình có được. Vất vả theo đuổi mục tiêu, chạy
đua với thời gian, vội vàng, hối hả, cuộc sống trở nên căng thẳng, nhọc
nhằn. Sống quay cuồng, bận rộn, người ta không có thời gian quan tâm lẫn
nhau, chia sẻ với nhau những buồn vui ấm lạnh trong cuộc đời, người ta
dễ dàng đánh mất những niềm vui giản dị, bỏ qua cơ hội tận hưởng những
khoảnh khắc yêu thương, vui vẻ với người thân (cha mẹ, vợ chồng, con
cái…), quên đi những giá trị tinh thần.
Kết quả một cuộc khảo sát toàn cầu được thực hiện trên
30.000 người từ 65 quốc gia trên thế giới cho biết, tỷ lệ người dân hài
lòng với cuộc sống và cảm thấy hạnh phúc ở khu vực Mỹ Latin cao hơn so
với người dân ở các quốc gia khác (theo Woman’s World). Như thế thu nhập cao hay sự giàu có, thành đạt không phải là điều kiện duy nhất đưa đến cuộc sống hạnh phúc.
Trong khi đó, Nhật Bản là nước đứng hàng thứ ba trong số
10 nước có thu nhập cao tính theo đầu người nhưng người dân Nhật không
được xếp vào hàng ngũ những người hạnh phúc. Cuộc sống của người Nhật
căng thẳng, bận rộn và chịu nhiều áp lực đến mức người ta không chịu
nổi, ngày càng có nhiều vụ tự tử vì áp lực công việc, áp lực cuộc sống.
Theo thống kê, từ năm 1998 ở Nhật hàng năm có đến hơn 30.000 người có
hành động tự sát, trong số đó có hơn 2/3 là đàn ông. Về hệ số tự sát
tính theo đầu người là 25,3/100.000 người năm 2004, tăng cao so với năm
2000 (24,1). Trong khi đó, hệ số này ở Pháp là 18,4, ở Mỹ là 10,4. Người
ta bảo rằng người Nhật "sống để làm việc" thay vì "làm việc để sống":
Mỗi ngày làm việc 15 giờ, tối ngủ lại văn phòng và gần như cả năm không
nghỉ phép. Ở Nhật, việc không thể trở thành thành viên được kính trọng
của một trong số các nghiệp đoàn không khác gì bị trục xuất, tẩy chay ra
khỏi gia đình. Khi bị như thế, người ta thấy sự tồn tại của mình trở
nên vô nghĩa, sống không bằng chết.
Đức Phật từng dạy, để có một đời sống cá nhân, đời sống gia đình hạnh phúc, mỗi người cần phải:
- Có trình độ học thức, tay nghề cao, cần mẫn siêng năng, biết điều hành công việc.
- Biết làm ra của cải hợp pháp bằng sức lao động của mình.
- Biết thu chi hợp lý.
- Biết làm bạn với điều thiện, tu tập Tín, Trí, Giới và Tuệ.
- Biết giữ quân bình sức khỏe và tâm lý.
- Biết thiểu dục, tri túc, sống trong hiện tại, làm chủ tâm ý, không tiếc nuối quá khứ, không vọng tưởng tương lai…(Kinh Tăng Chi IV, Tương Ưng I, Trung Bộ III)
Do vậy, tạo được sự cân bằng, hài hòa giữa đời sống vật
chất và tinh thần, giữa đời sống cá nhân và xã hội, giữa gia đình và sự
nghiệp, sống chơn chánh, lấy điều thiện làm gốc, chăm lo cho đời sống
tâm linh, biết cảm nhận niềm an vui trong hiện tại, chính là căn bản của
hạnh phúc và cũng là sự thành đạt đích thực mà mọi người đang cần.
Phan Minh Đức (GNO)