PG & Hôn nhân gia đình
Đức Phật dạy về tội ác phá thai
29/08/2012 03:19 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đức Phật đã nói đến tội ác phá thai hơn 600 năm trước Kinh Thánh. Đức Phật đã gọi dứt khoát, rõ ràng “tự phá thai mình” là một tội, phải chịu quả báo hết sức nặng nề và kéo dài. Lẽ tất nhiên, là chúng ta phải tránh xa tội này.


Trước đây, viết về đề tài chống phá thai, chúng tôi có cảm giác ngần ngại. Vì chống phá thai là điều mà đạo Ca tô La Mã làm rất quyết liệt, khiến cho khi viết về đề

tài này, mình có cảm giác là đi theo chân họ.

Thực ra không phải vậy, Đức Phật đã nói đến tội ác phá thai hơn 600 năm trước Kinh Thánh. Đức Phật đã gọi dứt khoát, rõ ràng “tự phá thai mình” là một tội, phải chịu quả báo hết sức nặng nề và kéo dài. Lẽ tất nhiên, là chúng ta phải tránh xa tội này.

Dưới đây là Kinh số 512, trong Kinh Tạp A Hàm, tập II, bản dịch tiếng Việt của Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành năm 1994, trang 309. Trong ấn bản này, bài kinh là bản đã giản lược, chúng tôi khôi phục đầy đủ theo văn bài kinh trước.

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Tôn giả Tỳ-kheo Lặc-xoa-na cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Sáng sớm, Tôn giả Lặc-xoa-na đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, rủ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ra khỏi núi Kỳ-xà-quật, vào thành Vương-xá khất thực. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên im lặng nhận lời; hai Tôn giả cùng vào thành Vương-xá khất thực. Đi đến một nơi, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên có điều gì suy nghĩ trong tâm, nên vui vẻ mỉm cười. Tôn giả Lặc-xoa-na thấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên mỉm cười, liền hỏi:

“Thường khi nào đức Phật và các đệ tử của Ngài vui vẻ mỉm cười là phải có duyên cớ. Vậy hôm nay Tôn giả vì nhân duyên gì lại mỉm cười như vậy?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp: “Câu hỏi chưa đúng lúc. Hãy vào thành Vương-xá khất thực xong, trở về trước Thế Tôn rồi hãy hỏi việc này. Lúc ấy thầy hãy hỏi, và tôi sẽ trả lời thầy.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cùng Tôn giả Lặc-xoa-na sau khi vào thành Vương-xá khất thực xong, trở về; rửa chân, cất y bát, rồi hai vị cùng đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên.

Tôn giả Lặc-xoa-na hỏi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Sáng nay tôi cùng với thầy ra khỏi núi Kỳ-xà-quật để đi khất thực. Đến chỗ nọ, thầy lại vui vẻ mỉm cười. Tôi liền hỏi thầy cười việc gì. Thầy nói tôi hỏi không đúng lúc. Bây giờ tôi hỏi lại, vì nhân duyên gì mà thầy vui vẻ mỉm cười?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với Tôn giả Lặc-xoa-na: “Giữa đường tôi thấy một chúng sanh to lớn, toàn thân không có da bao bọc, chỉ là một khối thịt, đi trong hư không, bị quạ, diều, kéc, kên kên, dã can chó đói rượt theo cấu xé để ăn; hoặc moi nội tạng ra khỏi xương sườn để ăn, thống khổ bức bách, kêu la, gào thét. Tôi liền nghĩ: chúng sanh này đã phải mang cái thân như vậy, mà sao còn phải chịu sự đau đớn vô ích như vậy?”

Phật bảo các Tỳ-kheo: “Lành thay! Lành thay! Trong chúng Thanh văn của Ta, người có thật nhãn, thật trí, thật nghĩa, thật pháp, sẽ thấy chúng sanh này, nhất định không có gì trở ngại; Ta cũng thấy chúng sanh này nhưng không nói, sợ người không tin. Vì sao? Những điều Như Lai nói, có kẻ không tin. Kẻ ngu si áy phải chịu khổ lâu dài.

“Chúng sanh này thời quá khứ ở thành Vương Xá, tự phá thai mình. Do tội này nên rơi vào địa ngục trong trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ, tội báo kia còn sót lại nên nay vị ấy phải mang cái thân như thế, và tiếp tục chịu khổ.

Này các tỳ kheo! Như Đại Mục Kiền Liên đã thấy là đúng thật không khác, các Thầy phải ghi nhớ. Phật nói kinh nầy xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.”

Mong rằng, với việc đọc bài kinh này, Phật tử chúng ta thấy được đạo Phật coi phá thai là một tội rất nặng, phải chịu quả báo hết sức ghê gớm. Chống lại việc phá thai thực chất là một việc cứu sinh, cứu mạng, là điều người con Phật cần phải làm. Chống phá thai là việc tương đồng giữa Phật giáo và các tôn giáo khác, với điểm gặp gỡ là cùng tôn trọng mạng sống của con người, cướp đi mạng sống đó, dù dưới hình thức nào, vẫn là tội ác.

Với bài kinh trong Tạp A Hàm này, mong rằng Phật tử chúng ta tích cực hơn trong việc chống phá thai, không dừng lại ở việc chỉ cầu siêu cho thai nhi, mà chủ động ngăn chặn việc phá thai, không để nó xảy ra.

Theo Minh Thạnh - PTVN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch