Có lẽ rất nhiều thi nhân, văn sĩ v.v… đều trải nghiệm nỗi đau khổ của cuộc đời và chiêm nghiệm lời Đức Phật dạy, nên họ viết lên rất nhiều bài văn, bài thơ và những ca khúc nổi tiếng, như nhà thơ Đoàn Như Khuê viết:
Biển khổ trầm luân sóng ngụt trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió
Ngẫm lại cho cùng biển khổ thôi.
Đúng thế! Con người sinh ra cõi Ta-bà này là kham nhẫn, chịu đựng muôn ngàn nỗi đau khổ khác nhau. Vậy thế nào là biển khổ? Là chỉ cho thế giới có nhiều khổ nạn, cũng chính là ba cõi, sáu đường của sinh tử luân hồi. Bởi vì, chúng sinh chìm đắm trong sự khổ não của ba cõi, mênh mông không bờ bến, giống như đắm chìm trong biển cả khó ra được. Do đó, Đức Phật dùng biển cả vô tận để thí dụ. Vì thế, trong kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán ghi: “Tất cả chúng sinh đều không biết phiền não nghiệp chướng, nên phải chịu đắm chìm trong biển khổ, sinh tử không cùng tận”.
Con người sinh ra ở cõi đời này, chắc chắn không có người nào dám vỗ ngực nói mình không có khổ đau. Theo Phật pháp thường nói là tám thứ khổ mà chúng sinh phải chịu đựng, đó là: Sinh khổ, Lão khổ, Bệnh khổ, Tử khổ, Ái biệt ly khổ, Oán tắng hội khổ, Cầu bắt đắc khổ, Ngũ ấm xí thạnh khổ.
Thật vậy, khổ đau là một thực trạng mà con người cảm nhận từ lúc lọt lòng mẹ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, không ai mà không phủ nhận điều này. Chúng ta hãy nghe một nhà thơ nổi tiếng than thở:
Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu.
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bèo trong bể khổ hồi đầu bến mê.
(Ôn Như Hầu)
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thấy từ người giàu sang quyền quý, cho đến kẻ dân thường nghèo khổ, ai cũng có nỗi khổ riêng mà mọi người hay nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.
Lúc còn nhỏ, tôi có quen một chị ở cùng quê, nhưng sau năm 1990 chị lập nghiệp ở thành phố Sài Gòn. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp trung cấp Phật học ở Khánh Hòa, tôi vào thành phố tiếp tục con đường học đạo. Một hôm trên đường đi học về, gặp trời mưa to, nên tôi ghé vào mái hiên nhà người ta trú mưa. Không ngờ, đúng ngay nhà chị, nhận ra người quen nên chị mừng rỡ vô cùng. Từ đó, tôi với chị cũng thường xuyên liên lạc hỏi thăm nhau. Do vậy mà tôi biết rõ gia cảnh của chị.
Khi vợ chồng chị mới vào thành phố lập nghiệp, một mình chị bươn chải buôn bán lo kinh tế gia đình và dạy dỗ con cái để chồng chị yên tâm tiếp tục đến giảng đường đại học. Ra trường khoảng gần mười năm, chồng chị được thăng chức làm giám đốc một công ty rất lớn. Số tiền chồng chị đem về cho vợ con càng nhiều thì tình cảm anh dành cho chị ngày càng nhạt dần, vì anh có bồ nhí ở bên ngoài. Lý do, anh chê chị già nua, xấu xí, quê mùa, dốt nát, khinh thường chị ra mặt; chưa kể tính gia trưởng độc đoán của anh làm khổ vợ con. Chị đau đớn vô cùng, nhưng đành ngậm đắng nuốt cay, âm thầm chịu đựng vì tương lai hai đứa con. Người ngoài nhìn vào cứ ngỡ chị có phước, chồng làm địa vị cao có danh tiếng, tiền của dư dả; con cái ngoan ngoãn, chịu khó học hành. Tình cảnh của chị đúng như mọi người thường nói “nhà giàu cũng khóc”.
Đọc qua báo chí hàng ngày, chúng ta thấy biết bao nỗi đau khổ mà con người phải chịu đựng, như con gái giết mẹ lấy vài chỉ vàng để theo người tình. Cha mẹ, anh em ruột thịt kéo nhau ra tòa, chỉ vì tranh chấp đất đai. Bậc làm cha mẹ đau khổ vô cùng, nhưng chuyện gia đình không giải quyết được.
Còn đối với những người nghèo khổ, suốt ngày làm đầu tắt mặt tối, nhưng cuộc sống vẫn luôn thiếu trước hụt sau, nợ nần chồng chất. Do đó mà vợ chồng cãi nhau, chỉ vì chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Con cái chứng kiến cảnh khổ như vậy, chúng nó không còn tha thiết đến chuyện học hành.
Mặc dù, tôi không làm trụ trì, chỉ là học chúng, nhưng tôi hay ngồi ở phòng khách vừa dịch bài, vừa coi chùa, nên tôi cũng thường tiếp khách. Phần đông thì các bà, các cô đến gặp tôi trút bầu tâm sự. Có cô chồng vướng vào cá độ bóng đá, bao nhiêu năm vợ chồng tích góp tiền của để sửa lại nhà và lo cho con học hành, nay chồng cô nướng vào cuộc chơi đỏ đen, bao nhiều tiền của làm ra đều không còn; thế là, vợ chồng cô bùng nổ chiến tranh, không ai chịu nhường ai. Có cô gặp phải ông chồng có tính trăng hoa. Có cô gặp phải ông chồng mê nhậu nhẹt v.v… và v.v… Ôi thôi! Nỗi khổ ở thế gian thì dài dằng dặc kể không bao giờ hết.
Chính vì thấy rõ nỗi khổ của chúng sinh, nên xưa kia Đức Phật từ bỏ cung vàng điện ngọc để tìm chân lý giải thoát cho chúng sinh. Con người đau khổ không phải vì thiếu thốn vật chất, tiền của, danh vọng mà chính là vì vô minh tăm tối. Vì bị vô minh che lấp, nên mọi người chưa nhận thức đúng bản chất của cuộc đời. Nếu cuộc đời không có khổ đau tăm tối thì Đức Phật không xuất hiện ở đời. Ngài xuất hiện ở thế gian chỉ vì mục đích quan trọng là chỉ cho chúng sinh ngộ nhập tri kiến Phật của chính mình. Hay nói khác hơn: “Vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời…”.
Vì thế, chúng ta muốn tìm được sự an lạc trong cuộc sống hàng ngày thì phải thực hành theo Chánh pháp, phải trải qua quá trình Văn, Tư, Tu mới thành đạt được kết quả thực sự. Giáo pháp của Đức Phật là chiếc thuyền từ đưa chúng sinh vượt qua biển khổ sinh tử luân hồi, là vị thuốc cam lộ chữa trị mọi căn bệnh trầm kha cho tất cả muôn loài. Cho nên, chúng ta phải thực hành thể nghiệm giáo pháp thật sự thì hiệu quả của diệu pháp mới đem lại lợi ích cho mình và người thương trong gia đình mình một cách viên mãn.Cùng hỗ trợ nhau nâng đỡ nhau trong quá trình tu tập thì đó cũng được xem như công hạnh tự lợi lợi tha vậy!
Có những người tu theo pháp môn Tịnh độ, chính nhờ trải nghiệm và chứng kiến bao cảnh khổ đau trầm luân này mà họ không còn tham sống ở cõi Ta-bà này. Họ phát tâm tu học mạnh mẽ, ngày đêm chí thành niệm Phật, phát nguyện xả bỏ thân này sinh về Cực Lạc tu học, khi nào chứng ngộ trở lại Ta-bà hóa độ chúng sinh. Tâm nguyện của họ đúng như Tổ sư dạy:
Sông ái dài muôn dặm
Biển mê sóng vạn tầm
Cõi luân hồi muốn thoát
Mau mau niệm Di-đà.
Viên Thắng