PG & Thời đại
Xây dựng một xã hội nhân ái
La Sơn Phúc Cường trích dịch từ (Dalai Lama: Behind Our Anxiety, the Fear of Being Unneeded, The New York Times
02/12/2016 12:57 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhìn ra khắp thế giới, chúng ta dường như thấy bạo lực vẫn lan tràn ở nhiều nơi. Còn quá nhiều người dân các nước vẫn phải sống dưới sự kìm kẹp của các chế độ độc tài. Mặc dù tất cả các tôn giáo lớn thế giới đều dạy về lòng nhân ái, tâm từ bi và khoan dung, nhưng bạo lực nhân danh tôn giáo vẫn xảy ra ở mức độ không thể tưởng tượng được.



 
Tuy nhiên, nếu nhìn ở những phương diện khác, thì tiến bộ xã hội là điều không thể phủ nhân. Số lượng người nghèo đói trên thế giới đã giảm thiếu rất nhiều, ngày càng có ít trẻ em bị chết yểu lúc sơ sinh, số lượng người biết đọc, biết viết tăng lên hơn bao giờ hết. Ở các nước phát triển, quyền của phụ nữ và các nhóm thiểu số đã được coi trọng. Tất nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng có rất nhiều hy vọng và tiến bộ.

Như thế thì thật lạ lùng, khi chứng kiến những phẫn nộ và sự bất mãn lớn diễn ra ở một số quốc gia giàu có nhất. Tại Mỹ, Anh và trên khắp châu Âu, nhiều người dân đang quay cuồng với sự thất vọng chính trị và những bất an về tương lai. Người tị nạn và nhập cư đang tìm những cơ hội được sống tại các quốc gia thịnh vượng và an toàn nhưng nhiều người đã sống ở các vùng đất hứa đó lại cho biết họ đang thất vọng to lớn về tương lai của chính mình.

Có những nghiên cứu rất thú vị gợi ý cho chúng ta cách tư duy về vấn đề. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người già cảm thấy không còn hữu ích cho xã hội thì khả năng tử vong sớm cao hơn ba lần so với những người có trạng thái lạc quan và thấy mình còn hữu ích. Kết luận này phản ánh một sự thật rộng lớn hơn về con người: tất cả chúng ta đều mong muốn đời sống của mình có giá trị.

Cảm giác hữu ích này không phải là sự kiêu ngạo cá nhân. Thay vào đó, nó phản ánh một khao khát rất tự nhiên của con người muốn được phụng sự đồng loại. Như các nhà hiền triết Phật giáo thế kỷ XIII đã dạy: "Nếu ai thắp lửa cho người khác, ngọn lửa cũng sẽ soi sáng con đường cho chính họ.” Hầu như tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều dạy rằng tâm nguyện và những nỗ lực không ngừng phụng sựnhân loại chính là bản chất cao quý nhất của chúng ta và đó là tâm điểm mang lại một đời sống an lạc. Nhiều nghiên cứu khoa học góp phần khẳng định những nguyên lý chung này của các tôn giáo. 

Những người Mỹ ưu tiên làm những công việc phụng sự mọi người cho rằng họ rất hài lòng về cuộc sống của mình, số người này nhiều gấp hai lần những người không đồng quan điểm. Tại Đức cũng vậy, những người làm công việc phụng sự xã hội nói rằng họ cảm thấy an lạc, số người này nhiều gấp năm lần những người không đồng quan điểm. 

Lòng vị tha và niềm an lạc có sự gắn bó chặt chẽ. Chúng ta càng hòa nhập với cộng đồng, chúng ta càng có hạnh phúc.

Điều này cũng giúp giải thích tại sao những nỗi khổ đau và sự phẫn nộ đang lan tràn ở các nước phát triển. Vấn đề không nằm ở việc thiếu của cải vật chất. Ngày càng có nhiều người cảm thấy rằng đời sống của họ không còn hữu ích, không còn cần thiết và có giá trị cho xã hội nữa.

Ở Mỹ hiện nay, số lượng nam giới ở độ tuổi lao động hoàn toàn không làm việc nhiều gấp ba lần so với 50 năm trước đây. Tình trạng này đang diễn ra trên khắp các nước phát triển - và hậu quả là không chỉ đơn thuần là kinh tế. Cảm giác thấy sự tồn tại của cuộc đời mình vô nghĩa là một đòn giáng mạnh vào đời sống tinh thần con người. Nó mang đến sự cô lập với xã hội và những nỗi đau tinh thần, và làm cho những cảm xúc tiêu cực khởi hiện.

Chúng ta có thể làm gì để cải thiện tình trạng này?

Câu trả lời trước hết không nằm ở hệ thống. Nó nằm ở mức độ cá nhân mỗi người. Sinh ra là con người, tất cả mỗi chúng ta đều có những giá trị riêng có của mình. Hãy bắt đầu mỗi ngày bằng câu hỏi: “Mình sẽ làm gì để đáp lại lòng tốt mà mọi người và thế giới đã ban tặng cho mình?” Mỗi người cần hiểu biết một cách sâu sắc rằng lòng nhân ái trên khắp toàn cầu và sự đồng nhất bản chất con người không phải là những ý tưởng trừu tượng mà chúng ta rao giảng, đó là những phẩm chất có thực và mỗi người cần phải biết nuôi dưỡng trong đờisống của mình. Những người đang giữ những trọng trách quản lý xã hội thì còn có một cơ hội đặc biệt mở rộngsự hiểu biết này và xây dựng các xã hội thực sự mang lại lợi ích mọi người.

Các nhà lãnh đạo cần thấu hiểu rằng một xã hội nhân ái là một xã hội phải tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm có ý nghĩa, để càng nhiều người dân có thể đóng góp khả năng của mình. Một xã hội nhân ái phải cung cấp nền giáo dục và đào tạo giúp trẻ em có một đời sống  phong phú, ở cả phương diện đạo đức và các kỹ năng thực tế đảm bảo an ninh kinh tế và an bình nội tâm.  Một xã hội nhân ái phải bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương trong khi đảm bảo rằng các chính sách xã hội không đẩy họ vào bần cùng và lệ thuộc.

Xây dựng một xã hội như vậy là nhiệm vụ không dễ dàng. Không có một ý thức hệ hay đảng phái chính trị nào có thể giải đáp tất cả các câu trả lời. Những cách suy nghĩ sai lệch từ mỗi bên có thể góp phần làm chia rẽ thêm xã hội. Để khắc phục, không có cách nào khác, mỗi bên cần tự biết đổi mới chính mình.  Thật vậy, những gì liên kết chúng ta trong tình nhân ái và hòa hợp không phải là do chúng ta cùng một đảng chính trị hay cùng một tôn giáo. Đó là thực ra là thứ đơn giản hơn nhiều: một niềm tin chung vào lòng từ bi, nhân phẩm của con người, một niềm tin chung vào sự hữu ích vốn có nơi mỗi người có thể góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp và có ý nghĩa hơn. Các vấn nạn mà chúng ta đang đối mặt chỉ là nhất thời, bởi vậy rất cần sự đối thoại và tin tưởng lẫn nhau.

Nhiều người đang bối rối và lo sợ khi chứng kiến sự phẫn nộ và những nỗi thất vọng giống như ngọn lửa đang lan tràn khắp trên toàn xã hội, ở cả những nơi từng được hưởng sự an toàn và thịnh vượng bậc nhất trong lịch sử. Nhưng nếu tư duy kỹ càng thì chúng ta sẽ thấy ẩn phía sau những hiện tượng đó là một niềm khát khao nơi mỗi người mong muốn được sống có ích. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một xã hội đáp ứng được niềm khát khao này.


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch