Đức Phật thăm một Tỳ-kheo bị bệnh - Tranh vẽ mô tả theo
Ma-ha Tăng kỳ luật, quyển 28, Đại chính tân tu Đại tạng kinh, tập 22, trang 455b
Vậy thì làm sao
để chúng ta đối phó với bệnh tật khi nó đến? Chúng ta có thể cảm thấy thương
cho bản thân mình. Chúng ta có thể đổ lỗi cho người khác. Chúng ta có thể tức
giận. Chúng ta có thể làm cho bản thân và mọi người xung quanh phải khổ sở.
Những cách làm như thế liệu có thể chữa được bệnh không? Không, tất nhiên là
không.
Nguyên nhân gốc
rễ của bệnh tật chính là sự sinh ra. Nếu chúng ta không muốn bị bệnh thì chúng
ta không nên để mình sinh ra trong luân hồi sinh tử. Vậy, làm thế nào để chúng
ta thoát khỏi việc sinh ra trong luân hồi sinh tử? Chúng ta có thể thoát ra
ngoài vòng luân hồi sinh tử bằng cách loại bỏ các nguyên nhân chính, đó là vô
minh và tham ái.
Tất cả chúng ta
đều nghĩ: “Vâng, tôi phải thoát khỏi sự vô minh”. Nhưng sau đó thì lại
nghĩ: “Hiện tại tôi đang có một cuộc sống tốt. Tôi còn trẻ và toàn bộ cuộc
sống đang chờ đợi tôi ở phía trước. Có rất nhiều thứ tôi có thể làm. Có quá
nhiều người tôi muốn ở bên họ. Có nhiều người tôi phải quan tâm, chăm sóc. Tôi
muốn có một sự nghiệp. Tôi muốn đi du lịch. Tôi muốn có tất cả những niềm vui.
Tôi muốn làm việc này, việc kia”.
Vâng, đó là
những gì chúng ta đã làm trong nhiều đời nhiều kiếp. Chúng tôi đã trì hoãn trong
nhiều đời nhiều kiếp. Và những gì chúng ta làm đã dẫn chúng ta đi đâu? Chúng ta
hết tái sinh lần này lại tái sinh lần khác trong cõi luân hồi sinh tử vì chúng
ta tiếp tục trì hoãn. Tại sao chúng ta trì hoãn? Vì chúng ta còn tham ái.
Nguyên nhân đau
khổ của chúng ta là do vô minh và tham ái. Vậy, tại sao chúng ta không loại bỏ
sự vô minh và tham ái ấy đi? Tại vì chúng ta còn vô minh và tham ái. Chúng ta
phải quán xét hoàn cảnh một cách rõ ràng. Chúng ta phải phát triển lòng can đảm
để nhìn vào hoàn cảnh mà chúng ta đang sống, và sau đó nỗ lực để nhận thức rõ
bản chất tối hậu của hiện thực, sự giả huyễn, trống không của tất cả mọi sự
vật, hiện tượng. Thông qua đó chúng ta loại bỏ sự vô minh dẫn đến sanh, lão,
bệnh, tử.
Trước khi chúng
ta có thể nhận chân được bản chất giả huyễn, trống không của vạn hữu, có một số
cách khá thú vị để chúng ta có thể tự giúp mình đối phó với bệnh tật.
Trước hết, để
đối phó với bệnh, chúng ta hãy quán xét tâm mình và nhìn lại cách chúng ta phản
ứng đối với bệnh tật.
Khi bị bệnh,
chúng ta thường hãy tưởng tượng và phóng đại sự thực. Thật ra, điều chúng ta
cảm nhận lúc đầu chỉ là cảm giác về sự khó chịu trong cơ thể - chỉ là cảm giác
về thể chất. Sau đó, tùy thuộc vào cách chúng ta liên tưởng đến cảm giác về thể
chất ấy mà chúng ta có thể tạo ra nhiều nỗi đau về tinh thần. Khi chúng ta phản
ứng với cảm giác về thể chất bằng sự sợ hãi và vẽ ra những câu chuyện kinh dị
thì chúng ta đã tạo ra hàng tấn đau khổ về tinh thần.
Nếu chúng ta có
thể dừng lại sự tưởng tượng, phóng đại những bệnh tật của mình và chỉ đơn thuần
là nhận diện cảm giác về thể chất thì chúng ta sẽ không tạo ra quá nhiều đau
khổ về tinh thần. Cảm giác về thể chất ấy sẽ trở thành một cảm giác để trải
nghiệm. Nó không phải là một cái gì đó khiến chúng ta phải lo sợ, một cái gì đó
khiến chúng ta phải căng thẳng. Nó chỉ là một cảm giác, và chúng ta hãy để cho
cảm giác ấy biểu hiện đơn thuần.
Trong khi chúng
ta hành thiền, chúng ta trải nghiệm những cảm giác về thể chất khác nhau. Nếu
chúng ta gán cho cảm giác ấy cái tên “đau ở đầu gối” thì sau đó chúng ta
bắt đầu bị đau thực sự. Nhưng nếu chúng ta gọi đó là “cảm giác” và chúng
ta không có khái niệm về đầu gối thì nó chỉ là một cảm giác. Đâu là cảm giác?
Đâu là thân thể?
Bạn có thể thử
nghiệm điều này với nhiều cách khác nhau trong việc vui đùa với những trải
nghiệm vật lý về cơn đau trong lúc hành thiền, thay vì để rơi trở lại vào các
thói quen căng thẳng xung quanh nó và sợ hãi của nó.
Một cách khác
để đối phó khi chúng ta bị bệnh là hãy nghĩ: “Tôi đang bị bệnh, thật là
tuyệt vời!”. Đây là lối suy nghĩ trái ngược với những gì chúng ta thường
nghĩ. Các phương pháp đối trị trong giáo pháp dành cho những phiền não của
chúng ta hầu hết đều hoàn toàn trái ngược - nói chính xác, đấy là những điều mà
chúng ta không muốn làm. Trong trường hợp này cũng vậy, khi bị bệnh, chúng ta
hãy nghĩ rằng: “Thật là tuyệt! Thật là tuyệt vời vì tôi bị bệnh”.
Sở dĩ chúng ta
bị bệnh là vì những nghiệp xấu mà chúng ta tạo ra trong quá khứ. Và bây giờ các
nghiệp xấu ấy được chín muồi và thể hiện qua hình thức những bệnh tật, do vậy
những nghiệp ấy không còn che lấp tâm trí của chúng ta nữa. Có thể là những
nghiệp xấu sẽ tạo thành sức mạnh để dẫn dắt chúng ta tái sinh vào những cảnh
khổ (như địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh) trong một thời gian khá dài, nhưng bây
giờ nó chín muồi và biểu hiện qua một số căn bệnh nhẹ. Nếu chúng ta nhìn vào
bệnh tật theo cách này thì những căn bệnh mà chúng ta đang mắc phải sẽ trở nên
dễ điều trị hơn. Nó không phải là một cái gì đó đáng phải kinh sợ. Nó không
xấu.
Cho nên, bất cứ khi nào chúng ta bị đau nhức, bị
bệnh, nếu chúng ta nhìn nhận về nó theo hướng tích cực và nhẹ nhàng, hoặc xem
đấy là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta trả nghiệp, để không còn bị chi phối
bởi những nghiệp bất thiện nữa, thì chúng ta sẽ nhận ra được rằng, bị bệnh tật
thực sự không phải là điều xấu. Chúng ta có thể chịu đựng được cơn bệnh khi
chúng ta nghĩ rằng, nếu không may những nghiệp bất thiện của mình chín muồi và
biểu hiện ra dưới những hình thức khác, khiến cho chúng ta vô cùng đau khổ thì
lúc đó chúng ta sẽ thê thảm hơn nhiều. Và chúng ta có thể nghĩ rằng, mình thật
may mắn khi nghiệp bất thiện đã chín muồi trong hiện tại, nhờ đấy mà nó sẽ
không còn che khuất tâm trí của ta nữa, không làm khổ ta nữa. Đây là một phương
thức mà chúng ta có thể vận dụng khi bị bệnh.
Có một cô gái
trẻ, khoảng chừng hơn 30 tuổi. Cô cảm thấy không được khỏe trong một thời gian
dài và đã đi khám bác sĩ. Bác sĩ đã chẩn đoán bệnh tình của cô và nói với cô:
“Tình trạng sức khỏe của cô không được khả quan lắm. Cô đã bị bệnh trong một
thời gian dài và căn bệnh này có thể khiến cô phải tử vong”.
Tất nhiên, phản ứng tức thời của cô gái là buồn
bã, sợ hãi và tiếc cho bản thân mình. Một lần nọ, cô dừng sự lo nghĩ và tự hỏi:
“Vâng, nếu Đức Dalai Lama rơi vào tình cảnh như mình thì ngài sẽ cảm thấy
thế nào? Ngài đối phó với tình trạng này như thế nào?”. Cô nghĩ về điều đó
và câu trả lời đã đến với cô, rằng ngài sẽ nói: “Hãy tử tế”.
Thế là cô đã
lấy đó làm phương châm của mình, “hãy tử tế”. Và cô nghĩ rằng: “Được
rồi, mình sẽ nhập viện một thời gian. Mình sẽ gặp rất nhiều hạng người - các y
tá, kỹ thuật viên, chuyên gia trị liệu, bác sĩ, người lao công, các bệnh nhân
khác, người thân trong gia đình và những người khác. Mình sẽ tiếp xúc với rất
nhiều người và mình chỉ cần tử tế với họ”. Cô đã chuẩn bị sẵn tâm thế cho
mình, rằng việc cô sẽ làm là đối xử tử tế với bất kỳ ai mà cô gặp phải.
Cô kể lại rằng,
cô đã từng nghĩ như thế và nhờ đó mà cô cảm thấy bình an hơn. Đó là vì cô đã
chấp nhận sự thật là cô bị bệnh và cô đã có một phương thức hành động, đó là “hãy
tử tế”. Cô nhận ra rằng, ngay cả khi cô bị bệnh, cô vẫn có thể làm cho cuộc
sống của mình có ý nghĩa. Cô vẫn có thể đem đến một thứ gì đó cho người khác để
cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Sau đó, bác sĩ
đã tiến hành thêm một số xét nghiệm và nói với cô là ông ta đã chẩn đoán sai,
rằng cô không có bị căn bệnh nặng như vậy. Tất nhiên là cô ấy khá nhẹ nhõm khi
nghe điều đó, nhưng cô nói, đấy là một bài học kinh nghiệm rất quý giá mà cô đã
trải nghiệm.
Tôi cũng nhớ
khi tôi sống ở Singapore
vào năm 1987 và 1988, có một người đàn ông trẻ đã chết vì bệnh ung thư. Một
hôm, tôi đến thăm anh và anh ta nói: “Tôi chỉ là một người vô dụng. Thậm chí
tôi không thể rời khỏi căn hộ của mình”. Lúc ấy chúng tôi đứng gần cửa sổ,
và tôi nói: “Anh hãy nhìn ra ngoài cửa sổ. Tất cả mọi người đang chạy ngược
chạy xuôi, anh có nghĩ rằng cuộc sống của họ là đáng giá? Họ có thể bận rộn với
rất nhiều thứ nhưng không có nghĩa là cuộc sống của họ là đáng giá”.
Tôi đã giải
thích với anh ta rằng, sống một cuộc sống đáng giá không có nghĩa là người bận
rộn nhất trong những người bận rộn. Sống một cuộc sống đáng giá phụ thuộc vào
những gì chúng ta làm với tâm của chúng ta. Ngay cả khi cơ thể của chúng ta bất
lực, nếu chúng ta sử dụng trái tim và tâm trí của mình để thực hành giáo pháp
thì cuộc sống của chúng ta cũng trở nên rất có ích. Chúng ta không cần phải
khỏe mạnh để thực hành giáo pháp.
Có thể khi ta khỏe mạnh thì việc thực hành giáo
pháp sẽ dễ dàng hơn, nhưng nếu đang bị bệnh, chúng ta có thể sử dụng thời gian
và năng lượng mà chúng ta có để thực hành. Thậm chí, nếu chúng ta không thể
ngồi thẳng, hoặc đang nằm trên giường, hoặc bị ngủ nhiều, hoặc bất cứ điều gì,
chúng ta vẫn có thể nghĩ đến những ý niệm lành. Chúng ta vẫn có thể quán xét
bản chất của thực tại. Chúng ta vẫn có thể suy nghiệm về nghiệp. Chúng ta vẫn
có thể quy y Phật, Pháp và Tăng. Vẫn có rất nhiều thứ chúng ta có thể làm ngay
cả khi đang bị bệnh. Và điều đó khiến cho cuộc sống của chúng ta rất có ý
nghĩa.
Đừng nghĩ rằng cuộc sống của ta có ý nghĩa chỉ vì ta
đang chạy lăng xăng để làm việc này việc kia. Đừng lấy đó làm tiêu chuẩn để
đánh giá một cuộc sống hữu ích. Đôi khi, chúng ta có thể có rất nhiều thứ để
chứng minh cho những nỗ lực của mình, nhưng trong quá trình thực hiện những
điều ấy, chúng ta lại tạo ra cả tấn nghiệp xấu. Và nghiệp xấu ấy không phải là
một sản phẩm hữu ích trong cuộc sống của chúng ta.
Ngược lại,
chúng ta có thể bị bệnh và nằm trên giường, nhưng nếu chúng ta sử dụng tâm trí
của mình để tạo ra rất nhiều nghiệp thiện, thiện nghiệp ấy sẽ trở thành nghiệp
nhân cho sự tái sinh tốt lành và đưa chúng ta đến gần sự giải thoát và giác ngộ
hơn.
Đừng đánh giá
thấp sức mạnh tâm thức của chúng ta. Tâm của ta thực sự rất mạnh mẽ. Ngay cả
khi ta đang bị bệnh, chỉ cần sức mạnh của những ý tưởng tích cực mà chúng ta
tạo ra cũng có thể ảnh hưởng phần nào đến những người xung quanh.
Ni sư Thubten Chodron
Minh Nguyên dịch
____________
(Dịch từ bài How to deal with sickness, Ven. Thubten Chodron)