Tự viện-Pháp khí
Pháp Long cổ tự - Nhật Bản
10/02/2011 17:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chùa Pháp Long - Hōryū Gakumonji, được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ VII, nằm ở ngoại ô thành phố Nara, cách trung tâm thành phố khoảng 12km. Lúc mới thành lập, chùa được gọi là chùa Ban Cưu (Ikarugadera). Tên này hiện nay thỉnh thoảng người ta vẫn dùng.



háp Long tự là nơi đầu tiên đã du nhập và thăng hoa nền văn hóa Phật giáo ở Nhật Bản. Trải qua những biến đổi, thăng trầm của lịch sử, chùa vẫn còn đó, sừng sững, uy nghi và cổ kính, là một công trình kiến trúc bằng gỗ lâu đời nhất trên thế giới còn được bảo lưu gần như nguyên vẹn, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.

Chùa được Thánh Đức thái tử xây dựng nhằm cầu an cho Dụng Minh (Yomei) Thiên hoàng. Theo văn tự khắc trên hào quang tượng Phật Dược Sư ở Kim đường thì chùa được hoàn thành vào năm 607, nhưng bị thiêu rụi vào năm 670 và được xây dựng lại với dáng vẻ như hiện nay từ cuối thế kỷ thứ VII đến đầu thế kỷ thứ VIII.

Pháp Long tự gồm có: Già lam Tây viện và Già lam Đông viện. Già lam Tây viện với trung tâm là Kim đường - điện thờ chính của tự viện với màu sắc chủ đạo là màu vàng và Ngũ Trùng tháp được bao bọc bởi một hệ thống hành lang. Già lam Đông viện với trung tâm là Mộng điện cũng được bao bọc bởi một hệ thống hành lang. Ngũ Trùng tháp và Kim đường của Già lam Tây viện được bố trí đối xứng trái phải. Cách sắp xếp như vậy tạo nên một phong cách kiến trúc riêng biệt gọi là “Phong cách Pháp Long tự”.

Có thể nói Pháp Long tự là một đại bảo tàng cổ vật của Nhật Bản với nhiều di sản được xếp hạng bảo vật quốc gia. Chi riêng Kim đường ở Già lam Tây viện thôi cũng đã có rất nhiều bảo vật quốc gia. Đó là bộ tam tượng Thích Ca với nghệ thuật chạm khắc tạo hình hào quang hết sức tinh tế, hào quang lớn phủ lấy cả 3 tượng với rìa hào quang có chạm khắc các phi thiên được gọi là “3 tượng 1 hào quang” với tổng trọng lượng 236,5kg.

Tượng chịu ảnh hưởng của phong cách tạo hình Bắc Ngụy, Trung Quốc với nghệ thuật điêu khắc chú trọng mặt trước, nụ cười thoảng nhẹ, chiếc mũi to, mắt hình hạnh nhân, chú trọng đến trang trí được thể hiện qua bộ y dài được chạm khắc tinh xảo và phủ lấy bảo tọa. Gian phía Đông của Kim đường có tượng Phật Dược Sư, gian phía Tây có tượng Phật A Di Đà. Ở 4 góc Tu Di Đàn của Kim đường có tượng Tứ Thiên Vương bằng gỗ. Ở hai phía trái phải bộ tam tượng Thích Ca có Cát Tường Thiên và Tỳ Sa Môn Thiên với niên đại từ thời Bình An.

Phía sau mặt Bắc của Kim đường là tượng đắp có niên đại thời Nại Lương (Nara). Trần nhà của Kim đường cũng là một tác phẩm nghệ thuật với những tượng phi thiên đồng tử làm từ gỗ cây bách hội đang sử dụng nhạc cụ, ngồi trên hoa sen, được chạm khắc ở phần giao nhau của những tấm lợp trần. Tượng được phối 3 màu: đỏ, xanh lục, đen.

Bản thân kiến trúc của Kim đường cũng là một quốc bảo Nhật Bản, nổi bật nhất là bộ khung 55 rường cột. Kế tiếp phải kể đến kỹ thuật kết cấu mái ngói đa tầng để cản mưa, đây là một kỹ thuật mới chưa có trước đó. Tầng mái trên gồm 2 lớp mái - mái 2 và mái 4. Đà nối kết 4 mặt tầng mái được đẽo khắc chữ “nhân” và chữ “vạn” giản lược. Đà xéo đỡ mái có hình đám mây. Trụ đỡ 2 tầng mái chạm khắc nổi hình rồng. Cột trụ trong chánh điện không suôn thẳng mà phình ra ở giữa.

Ra khỏi Kim đường chếch về phía Tây là Ngũ Trùng tháp. Tháp được xây dựng để thờ xá lợi Phật, xưa được gọi là Thốt Tháp Bà. Tòa tháp 5 tầng này được xem là tòa tháp cổ nhất hiện nay với chiều cao 34,1m. Tháp nổi tiếng với quần thể tượng đắp bằng đất sét mô tả cảnh Đức Thích Ca nhập diệt tọa lạc ở tầng đầu tiên của tòa tháp. Trung tâm của quần thể tượng Phật Thích Ca nhập diệt chính là Đức Phật Thích Ca, phía sau Ngài lần lượt từ trái sang phải là ngài Duy Ma Cật, ngài Xá Lợi Phất, ngài Di Lặc.

Quỳ cạnh Đức Phật bắt mạch cho Ngài là Kỳ Bà đại thần. Xung quanh Đức Phật có các vị Bồ tát và A la hán với những sắc thái tình cảm khác nhau. Dưới chân Phật là tượng Atula - một trong Thiên Long bát bộ bảo hộ Phật giáo, được xem là tượng Atula cổ nhất của Nhật Bản. Đây là quần thể tượng có quy mô lớn được xây dựng năm 711 thể hiện tính thống nhất, tả thực cao trong nghệ thuật điêu khắc thời đó.

Tả hữu phía sau Ngũ Trùng tháp là nhà để kinh và nhà chuông. Đây là cách bố trí già lam đặc trưng của các tự viện xưa mà nay chỉ còn Pháp Long tự là vẫn bảo tồn được. Phía cuối già lam là giảng đường Phật học. Ra khỏi Già lam Tây viện đi về hướng Đông một đoạn là Già lam Đông viện với trung tâm là Mộng điện được xây dựng năm 739 theo hình bát giác, từng là nơi lưu trú của Thánh Đức thái tử.


Bên trong điện có tượng Đạo Thuyên đại sư - người đã trùng tu Đông viện, tượng Hành Tín đại sư và tượng Quan Âm cứu thế. Tượng Quan Âm cứu thế cũng là một trong những quốc bảo Nhật Bản của Pháp Long tự. Tương truyền chiều cao tượng được mô phỏng theo chiều cao Thánh Đức thái tử, khoảng 179,7cm, được làm từ cây long não. Trong suốt 800 năm kể từ khi được tạo dựng cho đến trước 1884, tượng là một “bí Phật” được giữ kín trong tiểu mật điện nên không ai có thể chiêm bái được Ngài. Nhưng từ 1884, mỗi năm vào mùa Xuân và mùa Thu (mỗi mùa 1 tháng) tượng được trưng bày cho khách thập phương chiêm ngưỡng.

Tượng theo trường phái Tonori với phong cách tạo hình cách điệu, đối xứng, chú trọng mặt trước. Nhưng, tượng đã tiến lên một bước gần với nghệ thuật tả thực qua việc thể hiện vòng eo thon thả, sống động. Tượng đứng trên hoa sen được chạm khắc cực khéo, tay cầm ngọc châu. Quốc bảo ở Pháp Long tự không chỉ có vậy. Tại Già lam Tây viện có các bích họa mô tả cảnh Tịnh độ A Di Đà đặt ở Kim đường, tượng Cửu Diện Quan Âm, tượng Quan Âm Bách Tế, tượng Quan Âm cứu thế, tượng Quan Âm đảo mộng, tam tượng A Di Đà, tiểu mật điện được đặt ở đại bảo tàng viện.

Già lam Đông viện có bức thêu mô tả cảnh Tịnh độ Mạn đà la đặt ở Trung Cung tự. Thật không sao kể hết các quốc bảo ở đây. Bước vào Pháp Long tự, bạn không chỉ được chiêm bái những tuyệt tác do bàn tay con người tạo nên, mà bạn còn được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt diệu thay đổi theo từng mùa. Mùa Xuân với hoa anh đào nở trắng hồng một góc Già lam Tây viện hợp cùng với màu xanh của tùng tạo nên một dáng vẻ thanh khiết vô cùng cho Kim đường và Ngũ Trùng tháp. Mùa Hạ sen nở. Mùa Thu, những cành hồng trĩu quả ở những cánh đồng làng ven chùa như đang gọi mời từng đàn chim, đây cũng là lúc cây lá đỏ chuyển sang sắc đỏ tía nhuộm thắm những cánh đồng làng. Mùa Đông hoa sơn trà nở, tuyết phủ trắng mái chùa, hòa lẫn với màu xanh của tùng, cùng với tiếng kêu gọi đàn của bầy chim ban cưu tạo nên một cảnh sắc đặc thù khó tả ở Pháp Long tự.

Đến với Pháp Long tự là bạn đang bước vào một thế giới của tâm linh, suy tưởng. Ở nơi đó, lòng bạn sẽ nhẹ nhàng hơn, an lạc hơn, rũ bỏ mọi ham muốn đời thường, những mong cầu phàm tục.

Nguồn:  dulichvn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch