Kham nhẫn và thiền quán: nền tảng để thành đạo
02/01/2022 07:31 (GMT+7)

Sau khi Thành đạo, nhìn về con đường tu tập đã đi qua, Thế Tôn đúc kết thành kinh nghiệm quý giá: “Có hai lực này. Thế nào là hai lực? Nghĩa là nhẫn lực và tư duy lực. Nếu Ta không có hai lực này trọn chẳng thành Vô thượng Chánh chân Chánh đẳng giác”. Người hậu học có thể xem đây là bí quyết để thành công trên đường đạo.


“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai lực này. Thế nào là hai lực? Nghĩa là nhẫn lực và tư duy lực. Nếu Ta không có hai lực này trọn chẳng thành Vô thượng Chánh chân Chánh đẳng giác.
Lại nữa, nếu không có hai lực này, trọn chẳng ở xứ Ưu-lưu-tỳ khổ hạnh sáu năm, lại cũng không thể hàng phục ma oán, thành đạo Vô thượng Chánh chân ngồi ở đạo tràng. Vì Ta có sức nhẫn, sức tư duy nên có thể hàng phục chúng ma, thành đạo Vô thượng Chánh chân, ngồi tại đạo tràng. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên tìm phương tiện tu hai lực này: nhẫn lực và tư duy lực; liền thành đạo Tu-đà-hoàn, đạo Tư-đà-hàm, đạo A-na-hàm, đạo A-la-hán, ở Vô dư Niết-bàn mà Bát-niết-bàn. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Hỏa diệt, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.214)


Theo lời của Thế Tôn, thật rõ ràng, hai sức mạnh của nhẫn và tư duy chính là điểm mấu chốt giúp Ngài đạt đến đạo quả. Nhẫn lực chính là sức kham nhẫn trước mọi điều không như ý. Chúng ta thử hình dung một người tu khổ hạnh trong rừng sâu, phải đối diện với đói khát, nóng lạnh, bệnh tật, thú dữ, ma quỷ, lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc… Nếu không kham nhẫn thì Ngài không thể vượt qua các chướng ngại, chẳng thể trụ lại được nơi khu rừng Khổ hạnh ấy để tu hành. Đỉnh cao của kham nhẫn chính là sẵn sàng hy sinh thân mạng, chấp nhận cái chết chứ không bỏ cuộc, không thối thất trước những khó khăn chướng ngại.

Kế đến là tư duy lực, tức năng lực tư duy của thiền quán. Khi học với đạo sĩ Uất-đầu-lam-phất, có thể nói Sa-môn Cồ-đàm đã đạt đến đỉnh cao của Thiền chỉ nhưng Ngài biết rõ rằng, định Phi tưởng Phi phi tưởng xứ tâm tuy có định mà trí chưa sáng. Sau 6 năm khổ hạnh Ngài cũng đã nhận ra đỉnh cao của khổ hạnh là chết, sự khổ hạnh vẫn không giúp Ngài sáng đạo. Nên khi từ bỏ khổ hạnh, 49 ngày đêm dưới cội bồ-đề, Ngài đã dựa trên kinh nghiệm Sơ thiền, từng bước chứng đạt Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, và từ đây phát huy thiền quán cao độ chứng đắc Tam minh, thành Vô thượng giác. Tư duy lực chính là năng lực thiền quán vô ngã, loại trừ mười kiết sử để lần lượt chứng đắc bốn Thánh quả và đạt Niết-bàn tối hậu.


Ngày nay, chúng ta tu tập theo giáo pháp của Thế Tôn, người tu tuy nhiều nhưng người đạt đạo thì không nhiều, phải chăng chúng ta thiếu sức kham nhẫn và yếu kém năng lực tư duy? Bình tâm để thấy cái sự đời lắm lúc kham nhẫn được trong nghịch cảnh mà lại không thể kham nhẫn dẫn đến chết chìm trong thuận cảnh. Và đôi khi học cao hiểu rộng bên ngoài mà lại không rõ biết chính mình, không trực nhận được vô thường, vô ngã của thân tâm, vạn sự vạn vật. Thế nên, học theo Thế Tôn chúng ta “nên tìm phương tiện tu hai lực này: nhẫn lực và tư duy lực” để có thể dự phần vào Thánh quả, thành tựu giải thoát và an lạc.


Quảng Tánh

https://phathocdoisong.com

Các tin đã đăng: