Nhiều người cũng đã lên kế hoạch cho việc tiếp tục đăng ký đi hỗ trợ cho các y bác sĩ, điều dưỡng tại các BV điều trị Covid-19.
“Tôi đang chờ test để đi tình nguyện tiếp đợt 2”
Chị Đoàn Thị Quế Anh, pháp danh Nguyên Thư, sinh năm 1983, là Phật tử, đăng ký và được chọn phục vụ đợt 1 tại khoa 9A - Bệnh viện Hồi sức Covid-19, sau 1 tháng hoàn thành nhiệm vụ tình nguyện viên, chị đang tự cách ly ở nhà. “Sau đó tôi sẽ tiếp tục đi tình nguyện viên đợt 2”, chị Quế Anh nói.
Làm công việc tự do nên chị cho biết rất thuận lợi để tham gia tình nguyện. Bản thân không có kinh nghiệm và chuyên môn về điều dưỡng, nhưng chị từng có kinh nghiệm chăm sóc người mẹ bị liệt vì tai biến suốt 10 năm, nhờ đó hiểu được tâm ý người bệnh và đồng cảm với nỗi đau khi mắc bệnh của họ. Hiện chị sống chung với con gái 12 tuổi và khi đăng ký tình nguyện thì con gái rất ủng hộ.
“Từ nhỏ tôi đã được gia đình cho quy y Tam bảo và sống theo con đường Phật dạy, hiểu rằng nên cho đi với tất cả tình thương của mình thì sẽ được nhận lại, và trong gia đình tôi cũng đã sống theo hướng như vậy rồi”, người mẹ trẻ chia sẻ.
Công việc tình nguyện viên một tháng qua của chị Quế Anh là đi theo ca kíp của bác sĩ, phụ các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, thay tã, thay bô, đổ nước tiểu, thay ga giường cho bệnh nhân, làm vệ sinh ở giường, phòng ốc, các sảnh, các khu vực bác sĩ làm việc. Thỉnh thoảng phụ các điều dưỡng di chuyển bệnh nhân qua các khoa khác.
Có những bệnh nhân không tự chủ được thì các tình nguyện viên sẽ hỗ trợ lau mình, chăm bón bệnh nhân ăn, và trong những lúc như vậy thì tình nguyện viên sẽ trò chuyện tâm sự, hỏi thăm tình hình sức khỏe bệnh nhân như thế nào.
“Có nhiều bệnh nhân họ cảm kích khi mình chăm sóc và trò chuyện với họ. Nhiều bệnh nhân nói: ‘Con chăm sóc cô như người nhà của con, như mẹ của con, cô nằm trong đây hai mươi mấy ngày không có người thân chăm sóc nói chuyện, bây giờ được các con chăm sóc và trò chuyện cô rất vui’”. Chị Quế Anh cho biết nhờ trò chuyện hỏi thăm và quan tâm như vậy nên tinh thần người bệnh cải thiện. Rồi thỉnh thoảng chị và các tình nguyện viên kết nối với người nhà bệnh nhân để họ được nói chuyện và biết tình hình bệnh nhân, để bệnh nhân yên tâm điều trị bệnh, mà người nhà cũng bớt lo lắng.
|
Chị Quế Anh là đi theo ca kíp của bác sĩ, phụ các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân |
Qua 1 tháng phục vụ ở bệnh viện, chị Quế Anh cảm nhận nhờ đó mà mình đã có một cái nhìn bao dung hơn, yêu thương sâu sắc những người đang hiện hữu trước mặt mình, vì có thể phút này gặp họ, nhưng 5 phút sau họ đã ra đi ngay trước mặt mình, điều này được chị trải nghiệm trong những ngày tình nguyện ở bệnh viện.
Chị kể, có nhiều người bạn khi biết chị tham gia tình nguyện ở bệnh viện đã nhờ đi kiếm người thân điều trị bệnh tại đây. Sau 4, 5 ngày trời mới tìm ra được, bác sĩ thông báo gia đình chuẩn bị tinh thần... Vậy nên hãy để cho mình một ánh mắt nhìn yêu thương trân quý trong cơn đại dịch này. “Tôi nghĩ cho dù mình có oán thù nhau, giận dỗi gì nhau, không nhìn mặt nhau, nhưng trong thời điểm này không biết ngày mai mình có còn được gặp nhau, có được nghe tiếng nói của họ nữa hay không; mình nên sống một cách bao dung, cởi mở lòng mình và yêu thương nhiều hơn”, chị trải lòng.
|
Bài trên báo Giác Ngộ số 1116-1119 |
Tình cảm của hậu phương dành cho tuyến đầu cũng làm chị Quế Anh xúc động, biết ơn, khi làm tình nguyện viên trong điều kiện y tế, đồ bảo hộ và nước uống thiếu thốn, chị đã nhắn tin trò chuyện với thầy trụ trì chùa Viên Giác, sau đó thầy đã kêu gọi Phật tử và các đạo tràng ở chùa đóng góp để mua những trang thiết bị và thực phẩm cần thiết để tuyến đầu yên tâm công tác. “Tôi rất cảm động với tình cảm mà mọi người dành cho các lực lượng tuyến đầu, có rất nhiều tình yêu thương ở hậu phương dành cho chúng tôi. Tôi chỉ hy vọng sau dịch mọi người sẽ có được cuộc sống bình an và kết thân được rất nhiều bạn bè xung quanh mình với trái tim yêu thương đồng cảm”.
“Sẵn sàng tham gia công tác tình nguyện tại các bệnh viện khi có cơ hội”
Đó là lời khẳng định chắc nịch của anh Vương Hoàng Phong, 40 tuổi (ngụ quận 8), tình nguyện viên Phật giáo vừa trở về vào ngày 23-8, sau 1 tháng tham gia phục vụ tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2.
Anh Phong hiện đang phụ giúp gia đình buôn bán và lái xe. Anh cho biết, ngày thường hay tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện của chùa Giác Ngộ tổ chức. Khi thấy thông tin tuyển tình nguyện viên tôn giáo tham gia tuyến đầu tại các bệnh viện điều trị Covid-19, anh nghĩ “nếu ai cũng sợ nhiễm bệnh thì ai sẽ giúp đỡ các bệnh nhân, y bác sĩ”; được sự khuyến khích, ủng hộ của gia đình nên anh đã đăng ký tham gia.
|
Anh Vương Hoàng Phong |
Chia sẻ về công việc tình nguyện hàng ngày, anh Phong cho biết công việc nào cũng làm, ai cần giúp đỡ việc gì sẽ làm việc đó như: dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác, chăm sóc bệnh nhân về việc ăn, uống, hỗ trợ cả việc vệ sinh cá nhân, thậm chí cả thay tã cho người bệnh không làm chủ được hành vi.
Thời gian phục vụ tại bệnh viện đã mang lại cho anh Phong nhiều cảm xúc. “Lúc đầu, trước khi đi và mới vào bệnh viện thì tâm lý ai cũng sợ bị nhiễm bệnh, nhưng khi vào rồi, nhận thấy cái cực khổ của các y bác sĩ nơi đây thì tôi không còn sợ nữa, tâm nguyện chỉ biết cố gắng hết sức để giúp đỡ bệnh nhân. Vì tại bệnh viện thiếu thốn nhiều thứ, nhất là nhân lực”.
Trước khi chưa có tình nguyện viên vào, anh Phong cho biết bệnh viện hơi bề bộn, do công tác vệ sinh thiếu người, nhưng từ khi có các tình nguyện viên thì tại bệnh viện được sạch sẽ, ngăn nắp, tạo không khí trong lành hơn. “Tôi nghĩ điều đó một phần nào sẽ giúp đỡ các bác sĩ thoải mái khi làm việc, người bệnh thì yên tâm điều trị hơn”.
Sau 1 tháng phục vụ tình nguyện, vì công việc anh trở về nhà. Nhưng anh Vương Hoàng Phong cho biết: “Nếu sắp xếp được công việc, gia đình, khi có cơ hội, tôi sẽ sẵn sàng tham gia tình nguyện tiếp tục”.
Anh Phong lần đầu tiên tiếp xúc môi trường bệnh viện còn bỡ ngỡ, chưa quen nhưng được các bác sĩ, y tá, điều dưỡng tận tình hướng dẫn nên dần quen. Chính nhờ đó, “tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân để khi về nhà có thể biết cách chăm lo cho người bệnh trong gia đình và những người thân khác”.
Khi dấn thân vào công việc tình nguyện, anh Phong bộc bạch bản thân không nghĩ rằng sẽ mang lại nhiều cảm xúc như vậy. “Tôi cảm thấy rất vui, ý nghĩa khi được giúp đỡ các bệnh nhân. Khi các bệnh nhân hoang mang thì các tình nguyện viên sẽ động viên, an ủi, giúp đỡ họ và liên lạc với gia đình của họ, đem đồ người nhà gửi tới tận giường của họ. Đặc biệt, đây là lần đầu anh được sống môi trường tập thể đông như vậy, sinh hoạt tập thể rất vui, được ăn uống, làm việc cùng nhau, từ đó có thêm nhiều người bạn”.
Anh Phong chia sẻ, hiện tại các tình nguyện viên một tuần được xét nghiệm 1 lần Covid-19; nhưng nếu được xét nghiệm 2 lần trong tuần thì sẽ khiến tâm lý các tình nguyện viên yên tâm hơn. Mặc dù trang bị rất kỹ nhưng do phải trực tiếp tiếp xúc với các bệnh nhân F0 nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.
|
Tình nguyện viên tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hỗ trợ đưa bệnh nhân về nhà |
Sau 1 tháng phục vụ tình nguyện, vì công việc anh trở về nhà. Nhưng anh cho biết: “Nếu sắp xếp được công việc, gia đình, khi có cơ hội, tôi sẽ sẵn sàng tham gia tình nguyện tiếp tục”.
“Các bạn đừng ngần ngại đăng ký, cứ thử đi không có gì phải sợ, chúng ta sẽ được trải nghiệm những điều mà chúng ta không bao giờ ngờ tới. Chúng ta sẽ biết yêu thương và trưởng thành lên rất nhiều. Các bạn cứ yên tâm, bởi vì trước khi đi, có bộ phận y tế chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn, tiêm vắc-xin cho các bạn trước khi tham gia. Khi thực hiện công tác thiện nguyện sẽ được trang bị, phòng hộ rất tốt. Hơn nữa, là người con Phật, thực hiện theo những lời Ngài dạy thì thế nào chúng ta cũng được chư Phật gia hộ để được an lành cho mình và những người xung quanh mình”, anh Phong chia sẻ.
Ngày 22-7 có 299 tình nguyện viên các tôn giáo nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 10 và Bệnh viện Dã chiến thu dung số 12 (TP.Thủ Đức).
Ngày 23-8, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đợt 1, có 91 tình nguyện viên các tôn giáo trở về, trong đó Phật giáo có 7/ 80 tình nguyện viên trở về trong đợt này, còn 208 tình nguyện viên các tôn giáo vẫn đăng ký tiếp tục thêm thời gian một tháng.