Nhận diện sự thật, vượt qua khổ đau…
05/02/2010 22:54 (GMT+7)


Ảnh minh hoạ
LTS:độc giả LNT (lnt...01@yahoo.com) nhân đọc bài của Chúc Thiệu TÌNH YÊU VÀ LÝ TƯỞNG: Anh một đạo, em một đạo và mình... chia tay!... Giác Ngộ rất mong nhận được ý kiến của các bạc trẻ xa gần để chia sẽ với những người bạn chung quanh mình đang lâm vào hoàn cảnh  như người bạn đã viết thư dưới đây. Mọi thư từ bài viết xin gởi về: toasoan@giacngo.vn. .




email tâm sự: “Thật sự tôi đang ở trong trường hợp như những người trong bài: tôi bên Phật, còn người yêu bên đạo. Chúng tôi yêu nhau nhiều lắm nhưng vì tôn giáo khác nhau đã ngăn không cho chúng tôi đến được với nhau. Tôi là con một, còn cô ấy cũng rất ngoan đạo. Vì thế chúng tôi yêu nhau nhưng cả hai gia đình đều không chấp nhận, điều này đã làm chúng tôi rất đau khổ, nước mắt cũng đã cạn vì chuyện này. Giờ chúng tôi cũng đã xa nhau được 4 tháng rồi, nhưng vẫn chưa thể nào tìm lại được niềm vui và sự cân bằng trong cuộc sống, không biết mình nên làm gì bây giờ...

Có một câu nói của cô ấy làm tôi rất đau lòng là nếu không lấy được nhau thì sẽ không lấy ai nữa hết. Bây giờ cô ấy đã đi vào tu viện rồi. Tôi cảm thấy mình bất lực, muốn bảo cô ấy đừng đi tu nữa nhưng thật sự không biết tương lai có đến được với nhau không. Nhìn thấy cô ấy vì tôi mà vào dòng tu thì không thể nào cầm lòng được, tôi không thể nào yêu người khác được...

Bây giờ tôi rất cần niềm tin vào tình yêu và vẫn tin rằng tình yêu sẽ giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn, thử thách. Tôi rất mong nhận được sự sẻ chia từ quý Báo cũng như mọi người”. Tâm sự của bạn LNT được chính tác giả Chúc Thiệu có lời chia sẻ đầu tiên. Nhân đây, xin mời các độc giả có quan tâm đến đề tài này cùng góp lời soi sáng thêm cho những người cùng hoàn cảnh vượt lên, vững tin vào cuộc sống. GN.

CHÚC THIỆU chia sẻ:

Đầu tiên chúng tôi thật sự cảm thông với nỗi đau mà bạn LNT và người yêu đang phải gánh chịu: xa nhau vì trái đạo. Dưới góc nhìn của đạo Phật thì đây là một trong những nghịch duyên tạo ra nỗi khổ cho con người-ái biệt ly khổ (nỗi khổ xa người mình thương).

Xét về nguyên nhân sâu xa, có thể ở một kiếp nào đó bạn và cô ấy đã từng có duyên nợ với nhau và hứa hẹn kiếp này gặp lại và yêu nhau. Thế nhưng, có thể ở một kiếp quá khứ nào đó hai bạn đã từng chia rẽ hạnh phúc của một ai đó nên theo nhân quả, kiếp này các bạn gặp lại, yêu nhau nhưng lại bị chia rẽ bởi lý do không cùng tôn giáo.

Xét ở nguyên nhân gần, tức duyên cớ mà hai bạn buộc phải xa nhau như hiện nay thì rất có thể gia đình của hai bạn đang tạo ra một nhân không lành khi cố gây ra khổ đau cho hai bạn mà chưa quán xét, lắng nghe để hiểu và thương…

Nhưng, dù xét ở nguyên nhân nào thì đó cũng là nỗi khổ mà những người có liên quan đang tạo ra. Đạo Phật không ủng hộ điều ấy bởi đạo Phật luôn hướng con người đến với hạnh phúc, hướng tới việc tha thứ, lắng nghe để hóa giải nỗi khổ niềm đau trên tinh thần từ bi và hiểu biết.

Vậy nên, ngay lúc này bạn và người yêu của mình phải nhận diện rõ sự thật mà các bạn đang phải đối mặt là nghịch duyên trái tôn giáo dẫn đến không thuận duyên trong tình yêu. Nhận diện được nỗi khổ niềm đau để hai bạn bình tâm tìm ra nguyên nhân và giải quyết vấn đề mà mình đang phải đối mặt. Ở nguyên nhân sâu xa thì cả hai bạn nên sám hối nghiệp chướng vì rất có thể các bạn đã tạo trong tiền kiếp nào đó-nghiệp gây chia lìa, tổn hại hạnh phúc người khác… Đồng thời cả hai bạn hãy cùng nhau hướng đến điều thiện lành, mang lại những điều hạnh phúc cho người khác trong khả năng có thể.

Còn ở nguyên nhân hiện tại là sự cấm cản của cha mẹ thì hai bạn phải dùng tình và lý để giãi bày. Nói cho cha mẹ hai bên biết về tình yêu của hai bạn, bày tỏ khổ đau mà các bạn phải chịu đựng khi bị cha mẹ cấm cản, chia rẽ… Hãy bày tỏ thật chân tình, thật kiên nhẫn với cha mẹ mình để họ biết rõ nỗi khổ niềm đau của các bạn. Chúng tôi tin rằng bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng thương con và mong con hạnh phúc. Vậy hạnh phúc của các bạn là gì? Là yêu và được yêu, được chung sống với người mình yêu. Hãy nói điều ấy thật nhiều với gia đình hai bên đi!

Chúng tôi xin nói thêm về ý niệm đi tu phải được thực hiện trên tình thần tự nguyện: thấy, biết đó là con đường mà mình mong muốn dấn thân và cảm thấy hạnh phúc. Chỉ khi ấy người tu đó mới thực sự có hạnh phúc cũng như có thể làm lợi lạc cho mọi người xung quanh. Nói như vậy để thấy rằng con đường mà bạn gái của bạn lựa chọn lúc này (vào nhà dòng, tu viện) là con đường bất đắc dĩ. Con đường ấy hiện không mang lại hạnh phúc cho cô ấy và chính bạn cũng cảm thấy đau lòng. Chính vì vậy, chúng tôi mong các bạn hãy bình tâm, giả sử kết cuộc cuối cùng (sau khi các bạn đã cố gắng hết mình) hai bạn vẫn không thể được ở bên nhau thì cũng không nên chọn việc đi tu để trốn tránh thực tại. Con người ta chỉ thực sự vững vàng, hạnh phúc khi đối mặt và sống chung với thực tại, đón nhận những nghịch duyên và thuận duyên một cách sáng suốt!

Bạn ạ, con người sinh ra trong cõi Ta bà này vốn phải chịu khổ để từ đó khẳng định mình, từ đấy con người nhận diện được con đường của hạnh phúc là con đường thực tập sống tốt, sống chân chính. Tin vào điều ấy cũng như nhân quả để hành xử một cách đúng đắn, để vượt qua nỗi khổ niềm đau bằng tâm chân thành.

Nếu được, chúng tôi thật tâm mong quý phụ huynh của các bạn lắng nghe các bạn hơn, để hòa hợp suy nghĩ với các bạn cũng như hòa hợp với giáo lý mà tôn giáo của mình chỉ dạy. Xét cho đến cùng thì tôn giáo ra đời ngõ hầu mong con người sống tốt, sống đẹp và được hạnh phúc. Thế thì sao cứ phải gây ra oan trái, khổ đau trong khi cuộc đời vốn đã có quá nhiều đau khổ? Nếu được sự cảm thông của gia đình, bạn và người yêu đến được với nhau thì hãy hứa là cùng nhau sống tốt, sống đẹp - ấy cũng là điều mà các bạn trả ơn cha mẹ, trả ơn vị thầy tâm linh của mình.

Mong các bạn sớm vượt qua chướng ngại và tìm thấy bến bờ hạnh phúc, an lạc…

Chúc Thiệu

Giữ đạo và giữ chữ hiếu có nghĩa là…

(Nhân đọc tâm sự LNT và chia sẻ của tác giả Chúc Thiệu trên Giác Ngộ)

Xét trên bình diện của câu chuyện thật mà LNT tâm sự trên Giác Ngộ thì hiện bạn cũng như nhiều bạn có chung hoàn cảnh - đang ở trong “thế kẹt” giữa ba vấn đề: tình yêu, đạo và chữ hiếu. Để vẹn toàn ba cái này trong một con người mà cụ thể là giữa “anh một đạo, em một đạo” quả là khó khăn. 

Khó khăn đầu tiên là ở các bạn. Các bạn có vững vàng để gìn giữ nếp sống tâm linh của mình? Bởi thực tế, trong cuộc sống vẫn có người lúc đầu cũng hứa với nhau là “ai giữ đạo nấy” nhưng rồi sau đó lại ép nhau theo đạo của mình, bỏ đạo người. Thiết nghĩ, nếu điều đó xảy ra thì một trong hai đã không tôn trọng nhau và người chấp nhận từ bỏ đạo (đời sống tâm linh) cũng là người không có bản lĩnh. Tôi cho rằng việc một người bỏ gốc rễ tâm linh của mình là không nên bởi gốc rễ tâm linh mà còn bỏ thì có khác nào một người phản bội lại chính mình Theo đó, một người bắt người khác mà cụ thể là người thương, con rễ, con dâu của mình bỏ gốc rễ tâm linh há chẳng phải là đã dạy cho người ấy hành động phản bội? 

Khó khăn thứ hai mà các bạn đang đối mặt chính là sự cấm cản của gia đình. Vì chữ hiếu mà các bạn không thể bất tuân, phải chấp nhận sống xa nhau. Một người con có hiếu thì rất đáng tuyên dương nhưng hiếu không có nghĩa là mù quáng chấp nhận quyết định của cha mẹ. Khi mình biết rõ quyết định của ba mẹ đặt để vào mình mà mình không có hạnh phúc nhưng vẫn chấp nhận thì vô tình bạn đã làm cho ba mẹ mình trở thành người bất nhân. Hành động bất nhân của bậc làm cha đối với con cái theo tôi là hành động đẩy con cái mình vào nỗi khổ, niềm đau. Và khi con cái biết cha mẹ đang dồn ép mình vào khổ đau thì hành động hiếu phải là làm cho cha mẹ hiểu, thậm chí là “đấu tranh” cho hạnh phúc mà mình đáng có, cần có. “Đấu tranh” ở đây có nghĩa là bạn phải dám nói và dám tự quyết cho những sự việc mà các bạn cảm thấy đúng, thấy hạnh phúc sau khi tham vấn nhiều người. Nếu được các bạn nên sử dụng nhiều “đồng minh” có uy tín hỗ trợ các bạn! Tôi nghĩ, không phải lúc nào cha mẹ cũng đúng nên có những cái con cái cần phải góp ý để cha mẹ khỏi sai lầm, ân hận về sau. Thực tế, không hiếm những bậc cha mẹ vì quá nguyên tắc, giáo điều đã đẩy con cái vào bước đường cùng để rồi sau đó ân hận, hối tiếc muộn màng. Nói như vậy không có nghĩa là tôi ủng hộ cho những hành vi dại dột kiểu như chạy trốn hay làm tổn hại đến cha mẹ! Hành động đấu tranh cho hạnh phúc của chính mình cũng là cách hành xử nhân văn. Nó nằm trong văn hóa ứng xử cũng như những quan niệm của những xã hội khác nhau. Là người có đạo thì các bạn phải đặt trên nền tảng đạo đức, kim chỉ nam của giáo lý một cách khoa học, không giáo điều để giải quyết mọi việc. 

Nói tóm lại, điều mà tôi muốn chia sẻ với các bạn rơi vào hoàn cảnh trái đạo như LNT và nhiều người khác thì nên nhìn kỹ lại để hiểu rõ việc giữ đạo và giữ chữ hiếu như thế nào cho đúng. Phật có nói: “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”, do vậy, nếu vì giáo điều mà giữ đạo thì há chẳng phải là đã hiểu sai tôn chỉ mà Phật đã dạy. Phật hay Chúa thì cũng mong tín đồ của mình hạnh phúc nên nếu vì Phật hay vì Chúa mà mình rơi vào hoàn cảnh bất hạnh, chia lìa, khổ đau nghĩa là người ấy đã không hiểu Phật và Chúa. Liệu như thế có đúng là giữ đạo?

Hiếu cũng vậy, hiếu là làm sao cho cha mẹ vui lòng, nhưng trong niềm vui ấy phải là hành động phước đức, sống đẹp chứ không phải là tạo ra tội nghiệp. Một đứa con thương mẹ, thương cha mà đi ăn cắp, ăn trộm về cung phụng để rồi phải mang tù tội thì càng làm cha mẹ khổ thêm. Ví dụ này khập khiễng với sự việc của các bạn nhưng nó chung ở chỗ hiếu mà “tiếp tay” cho cha mẹ làm sai nghĩa là bất hiếu. Do vậy, tôi hi vọng với những chia sẻ này sẽ giúp các bạn có cái nhìn rõ ràng hơn để gìn giữ tình yêu của mình và vượt qua bất trắc của cuộc sống!

RỪNG PHƯƠNG BỐI (Canada)

giacngo online

Các tin đã đăng: