Có lần tôi hỏi: Công quả là gì hả mẹ? Mẹ cười đáp: Công quả là mình lên chùa để phụ nấu ăn, quét dọn, sắp xếp vài công việc lặt vặt giúp các sư. Tôi hỏi: Làm vậy mình sẽ có thật nhiều phước báo phải không mẹ? Khi ấy mẹ nhìn tôi, im lặng rồi cười: Không hẳn vậy, chỉ là thấy thương các sư đời sống tu hành kham khổ, sợ phải lo nhiều việc ở chùa nên mẹ giúp để các sư có thêm thời gian tu tập. Sau này, tôi hiểu ra đó là tình người.
Tác giả và mẹ - Ảnh: TGCC
Mỗi lần tới mùa vải, chôm chôm hay nhãn lồng, tôi thấy mẹ mua về rất nhiều. Cứ thế mẹ lại bảo tôi phải chia ra làm ba phần: một phần để riêng mang lên chùa cúng Phật, cúng các sư; một phần cho vào đĩa để cúng tổ tiên ông bà; phần còn lại mới tới lượt gia đình. Hồi đó, trong lòng tôi hơi hụt hẫng, không hiểu tại sao mẹ làm thế, sau này tự mình va chạm, tự mình suy ngẫm tôi mới chợt nhận ra đó là bài học về lòng biết ơn.
Đi chùa công quả về mẹ đều mang một ít bánh trái hoặc xôi chè, mẹ bảo: Đây là đồ ăn của các sư hồi hướng, con ăn cho có phước, để học giỏi. Khi ấy, tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại có phước, lại học giỏi. Tôi hỏi mẹ - mẹ bảo - thì các sư tu hành có công đức, khi ăn các sư lại chú nguyện, thức ăn này bỗng hóa thành thức ăn của Phật, người nào ăn vào sẽ được thông minh, khai tâm mở trí. Quả thực, tôi không mấy hài lòng về cách giải thích mang tính… huyễn hoặc của mẹ. Cho đến khi đi tu, tôi mới chợt nhận ra việc làm đó thật sự xuất phát từ tấm lòng thương kính của mẹ dành cho các vị xuất gia. Nhờ vậy, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn sống đúng với tâm niệm thương kính ấy, vẫn y nguyên như lời mẹ dặn.
Khi lễ Tết có dịp về thăm nhà, mẹ lại chuẩn bị cho tôi một bộ chén đĩa riêng, khăn tắm riêng, mền gối, giường ngủ đều riêng biệt cả, thậm chí thau giặt đồ, gáo múc nước cũng riêng, đến nỗi chỗ ngồi ăn cơm mẹ cũng bắt tôi phải ngồi riêng ra với các anh chị. Rồi mẹ cho gọi từng người đến chắp tay chào tôi một cách cung kính, mẹ dặn: Khi có sư về thăm nhà, các con có ăn nói, có đi đứng phải biết để ý để tứ, sư là người xuất gia không phải là người thường như mình nữa. Tôi thấy anh chị y theo lời mẹ mà làm. Lúc đầu tôi cảm thấy sao xa lạ vô cùng, thấy mình thật khác biệt.
Nhưng rồi tôi cảm thấy thương mẹ, cảm phục mẹ nhiều hơn, vì mẹ đã sống đúng với tư cách của một người Phật tử, một người hộ đạo, mẹ đã thật sự nén đi tình thương cá nhân, nén đi tình mẫu tử thiêng liêng để tròn bổn đạo. Đó cũng chính là cái chân chất, thật thà, nhưng đầy mạnh mẽ mà khi đi xa nhớ về mẹ, lòng tôi đã bao lần rung động.
Bao nhiêu năm nay vẫn vậy, trên con đường quen thuộc kia mẹ vẫn cứ âm thầm sáng chiều đến chùa nấu ăn, dọn dẹp phụ với các sư. Nhưng có lẽ mẹ sẽ vui hơn khi nhìn thấy các sư như nhìn thấy con mình, bởi con mẹ cũng là một nhà sư, cũng dự phần vào một con đường, một tình thương lớn.
Mẹ tôi không cần tước hiệu, không cần sự ghi nhận tán tụng nào. Mẹ chỉ gọi đó là công quả, là tình người, là sống đúng với cái chân chất, giản dị của một người Phật tử vùng quê.
Giác Minh Luật
Cảm ơn bạn đọc đã chia sẻ "Cảm xúc Vu lan" Từ ngày phát động (19-8) đến nay, tiểu mục "Cảm xúc Vu lan" đã nhận được bài vở của các tác giả: Võ Thị Long Giang, Hoa Tâm, Thùy Dung, Huệ Tài, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Minh Út, Đức Chơn, Ho Phuong, Lê Văn Duân (Hải Dương), Chân Nguyên, Minh Tựu (Bình Định), Hợp Vũ, Yên An, Thích nữ Huyền Linh, Diệu Hoàng, Nhất Mạt Hương,...
Tòa soạn mong tiếp tục nhận được những bài viết, là những cảm xúc chân thành, sâu lắng, mang thông điệp tri ân, khơi gợi lòng hiếu... của bạn đọc. Bài viết dưới hình thức văn xuôi, gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn. Chủ đề thư điện tử xin đề “Cảm xúc Vu lan”. "Cảm xúc Vu lan" do Ban Ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM và Báo Giác Ngộ tổ chức nhân mùa Vu lan - Báo hiếu PL.2564.
Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc! - Mời bạn đọc viết "Cảm xúc Vu lan"
|