Khái quát phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam giai đoạn 1930-1945
Tác giả: Thích Nhuận Huệ Học viên Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế
31/12/2021 17:12 (GMT+7)

A. Dẫn nhập

Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam đã trải qua các giai đoạn thịnh suy cùng với lịch sử các triều đại của dân tộc. Thời đại Lý – Trần giáo lý Phật Đà được thể hiện trong việc kiến lập quốc gia, xây dựng đời sống nhân sinh một cách tuyệt hảo và trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử nước nhà. Để từ đó, dấu mốc ấy đã hình thành nên tư tưởng chính thống của dân tộc.

Các thời đại về sau, có thời kỳ Nho giáo hưng thịnh, Phật giáo ẩn mình trong đời sống dân dã, thôn quê, lại cũng có giai đoạn Phật giáo lại được chính quyền phong kiến ưu ái, phục hồi và phát triển. Nhưng cuối thời Nguyễn, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, Phật giáo lâm vào tình trạng suy kiệt về mọi mặt, khiến cho xã hội có những đánh giá sai lệch đối với bản chất, giá trị thiết thực của đạo Phật.

Do đó, giai đoạn 1930 – 1945, trong cả nước đã diễn ra “Phong trào chấn hưng Phật giáo.” Đó như một điểm nhấn quan trọng cần tìm hiểu, đánh giá và rút ra những bài học giá trị thực tiễn trong tiến trình phát triển Phật giáo Việt Nam thời Cận đại.

B. Nội dung

1. Bối cảnh xã hội Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945

Từ sau Hiệp ước Pa-tơ-nốt, năm 1884, triều đình Huế thừa nhận quyền bảo hộ của thực dân Pháp trên toàn đất nước, đồng nghĩa chấm dứt sự tồn tại của một nước Việt Nam độc lập. Xã hội rơi vào chế độ nửa thực dân nửa phong kiến.

Các cuộc nổi dậy của nông dân chống lại kẻ thù xâm lược diễn ra trên khắp cả nước như phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết lãnh đạo (1885-1896). Cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, kéo dài từ 1884 đến 1913. Phong trào yêu nước của các nhà trí thức đầu thế kỷ XX diễn ra một cách mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến quần chúng xã hội nhưng đều bị kẻ thù dập tắt như phong trào Duy Tân (1904), Đông Du (1906-1908), Việt Nam Quang Phục Hội (1912),… Sau đó, năm 1927, Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập nhưng bị Pháp đàn áp, năm 1930 khởi nghĩa Yên Bái thất bại, hàng ngàn chiến sĩ yêu nước của Đảng đều bị kết án tử hình. Cùng lúc phong trào cộng sản ở Việt Nam ngày càng lớn mạnh và ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng nhân dân khi hợp nhất ba tổ chức: Đông Dương Cộng Sản Đảng (6.1929), An Nam Cộng Sản Đảng (7.1929), Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn (9.1929) để thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3.2.1930). Chính tổ chức này đã lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bước đầu có những thành công nhất định nhưng sau đó bị thực dân Pháp đàn áp, đi đến tan rã. Đến tháng Tám 1945, đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm chính là sự thành công của Cách Mạng Tháng Tám 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Với chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, kinh tế Việt Nam giai đoạn này có những bước tiến trong sản xuất khi áp dụng kỹ thuật công nghệ do Pháp nhập qua để mở rộng ngành khai thác than, dầu mỏ,… Tuy vậy, đời sống người dân không được cải thiện mà còn sa sút, thiếu lương thực, tình trạng đói kém diễn ra khắp nơi. Bởi chính sách thu thuế hà khắc đã vơ vét hết sức cùng lực kiệt của người nông dân. Do đó, dù kinh tế Việt Nam có khả quan hơn nhưng sự giàu có chỉ phục vụ cho chính quốc chứ không làm lợi ích cho nước thuộc địa.

Văn hóa Việt Nam lúc này bị xáo trộn. Nho giáo không còn được ưa chuộng, văn hóa Tây phương bắt đầu xâm nhập và được lớp trí thức tân thời xiển dương ngày càng lớn mạnh. Sự mâu thuẫn giữa cái cũ lỗi thời và cái mới chưa hoàn thiện gây ra xung đột không chỉ ở những người trẻ mà còn lan rộng đến các tầng lớp khác. Vì thế, giáo dục đã gần như bãi bỏ việc sử dụng chữ Hán trong giảng dạy mà chú trọng tiếng Pháp, kèm theo chữ Quốc ngữ. Đối với giới tri thức, giữa các trào lưu cũ mới, Đông Tây đan xen, gần như bị mất phương hướng trong buổi giao thời. Nên các tờ báo lần lượt ra đời để cất lên tiếng nói của mình làm sôi nổi các cuộc tranh luận lẫn nhau về mọi mặt trong xã hội. Ví như sự khơi nguồn đổi mới trong thơ của Phan Khôi (Tình già) trên báo Phụ nữ tân văn để bắt đầu phong trào thơ mới; tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách thể hiện khí chất Âu hóa của người phụ nữ đã đẩy mạnh sự Tây hóa trong xã hội đương thời.

Về tôn giáo, được sự ủng hộ của thực dân Pháp, Thiên Chúa giáo bắt đầu thịnh hành, lan rộng trong xã hội. Nổi bật hơn, năm 1926, đạo Cao Đài ra đời đã biết kết hợp các giáo lý tôn giáo, tín ngưỡng dân gian,… làm giáo lý riêng của mình. Điều ấy cũng minh chứng sự hỗn độn về mặt tư tưởng của xã hội trong buổi giao thời.

Xã hội giai đoạn này nhìn chung rối ren, loạn li, nghèo đói và đầy bất ổn. Có quá nhiều mâu thuẫn gây ra nhưg cuộc xung đột giữa thực dân Pháp và nhân dân nô lệ, giữa địa chủ phong kiến và nông dân lao động, giữa tầng lớp trí thức tân thời và lớp trí thức Nho học lỗi thời. Gần như ở mọi lĩnh vực trong xã hội đều có vấn nạn cần phải được điều chỉnh, khai thông.


2. Nguyên nhân dẫn đến công cuộc chấn hưng Phật giáo

Sự thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta gây nên một xã hội đầy biến động, các giá trị văn hóa truyền thống dần bị phai mờ, thay thế bởi văn hóa phương Tây do Pháp đưa vào. Bằng nhiều chính sách, Pháp đưa đạo Thiên Chúa vào Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XVII và truyền bá rộng rãi hơn khi nước ta trở thành thuộc địa của chúng. Điều đó gây không ít trở ngại và thử thách cho Phật giáo, kể cả ảnh hưởng mạnh mẽ đến tín ngưỡng cộng đồng. Và tín đồ Phật giáo dưới thời Pháp thuộc bị chính sách cải đạo của thực dân Pháp trấn áp bắt buộc phải từ bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo một tôn giáo phương Tây. Bởi Giám mục Puginier cho rằng: “Tôi xác định rằng khi mà Bắc kỳ trở thành Gia tô giáo thì nó cũng trở thành nước Pháp nhỏ của Viễn Đông, y hệt như quần đảo Phi Luật Tân đã là một Tây Ban Nha nhỏ.”[1] Theo đó, các chùa chiền trong cả nước bị đập phá, thu hồi để xây dựng nhà thờ hoặc trụ sở cai trị. Chính Phật giáo khơi nguồn cho tinh thần yêu nước để chống lại quân xâm lược nên những gì thuộc Phật giáo đều nằm trong chính sách tiêu diệt của thực dân Pháp. Do đó, Phật giáo bắt buộc phải chuyển mình trước sự lớn mạnh bành trướng của Thiên Chúa giáo.

Đạo Phật giữa buổi giao thời bị công kích, bôi nhọ, phê phán từ nhiều phía và họ cho rằng trong vai trò đời sống Phật giáo chủ trương bi quan, yếm thế, thụ động. Tất nhiên, các nhìn nhận ấy đều có nguyên nhân bởi những góc nhìn theo các biểu hiện trá hình của những hình thức Phật giáo. Như cách thầy Tâm Thái diễn tả: “vài ba mươi năm nay, đạo Phật càng ngày càng suy, những thức giả ít ai nhìn tới, chùa chiền chẳng qua chỉ để cho các đàn bà con trẻ bói thẻ châm hương, thậm chí các bà giàu có đến đòi đặt bát hương bát khói, phụ bóng lên đồng…”[2] và “Phật giáo thời bấy giờ bị kỳ thị và suy đồi tột độ, chỉ còn hình thức cúng bái, mê tín dị đoan.”[3] Vì thế, đạo Phật dần mất đi sự ủng hộ của các tầng lớp trí thức, cơ sở vật chất không tăng mà còn bị phá hủy, tầng lớp tăng sĩ “phần nhiều là những người ít học,… thảng hoặc cũng có một đôi ông sư có học thức, có am hiểu đạo Phật nhưng chỉ biết cũ mà không biết mới.” Hơn nữa, “nhân cách các nhà sư ta nhu nhược lắm, chỉ biết gõ mõ tụng kinh, giơ đầu chịu báng là phần nhiều, có kẻ bất đắc chí ở gia đình khoác áo cà sa lợi dụng làm xằng bậy.”[4]

Theo nhiều nhà tri thức, Phật giáo gần như rời rạc, không có tổ chức cụ thể, hoàn chỉnh. Sơn môn nào lo sơn môn ấy, chùa nào giữ chùa nấy, chưa có sự liên hệ với nhau. Nên Pháp Âm hô hào “thủ tiêu chế độ của riêng.” Chính điều đó gây nên sự manh mún, lũng đoạn, ai làm gì thì làm, chẳng ai có thể nói ai được. Hơn thế, qua các bài viết của Thanh Quán Thượng nhân đăng trên tờ Đông Pháp mới thấy ở nước ta kinh sách về Phật giáo thiếu thốn, những kẻ thất học trong đạo, không am hiểu đạo Phật thì nhiều nên dịch thuật, giảng nghĩa tam tạng phần nhiều khó hiểu, có khi đi sai lệch khiến tín đồ và giới tăng sĩ càng ngày càng hiểu nhầm giáo lý. Cho nên, Phật giáo cần cấp thiết chấn chỉnh lại từ nội dung đến hình thức, từ con người đến tổ chức.

3. Phong trào chấn hưng Phật giáo giai đoạn 1930-1945

a. Các cuộc vận động chấn hưng Phật giáo

Cuộc vận động chấn hưng Phật giáo bắt đầu từ thiền sư Khánh Hòa. Năm 1923, nhân dịp giỗ tổ ở chùa Long Hoa, Trà Vinh, ông cho mời các bậc tôn túc khắp miền Tiền Giang và Hậu Giang về dự lễ và họp bàn vấn đề chấn hưng Phật giáo. Sau đó, hội Lục Hòa Liên Hiệp được thành lập với mục đích vận động thành lập một hội Phật giáo toàn quốc. Tuy nhiên, sau nhiều năm bôn ba, thiền sư Khánh Hòa vẫn không thực hiện được ý định đó.

Từ đầu năm 1927 trở đi, sau bài viết “Nên chấn hưng Phật giáo nước nhà” của Nguyễn Mục Tiên đăng trên tờ Đông Pháp Thời Báo thì vấn đề chấn hưng Phật giáo được bàn luận rộng rãi. Hàng loạt các bài viết xoay quanh việc chấn hưng đã được nêu ra, gợi mở đường hướng hay khuyến khích, ủng hộ nhau thực hiện giữa các thiền sư Tâm Lai ở Thái Nguyên, Tâm Ứng, Tâm Thái ở Hải Phòng… Trong đó, ý kiến của sư Tâm Lai đã khắc họa được những việc cần làm trong công cuộc chấn hưng này. Sư viết: “Nếu nhà chùa ta chấn hưng được Phật giáo, làm được những việc như lập ra Phật giáo hội, … như vậy nhà chùa ta tu hành độ cho kim thế mà độ được cả lai sinh vậy” [5]. Tiếp đó, hàng loạt bài viết của sư Tâm Lai trình bày những cách thức thực hiện ý tưởng ấy được đăng trên các báo thời bấy giờ.

Cuộc vận động chấn hưng của Thiện Chiếu không đi đến hồi kết nhưng đã mang ý nghĩa quan trọng khởi đầu cho phong trào chấn hưng bùng nổ trên khắp cả nước. Tuy đa phần còn đang trên lý thuyết nhưng đã định hướng được những việc cần làm trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, tạo tiền đề cho các phong trào về sau thật sự bùng nổ.


b. Phong trào chấn hưng Phật giáo

– Miền Nam:

Khi cuộc vận động thành lập hội Phật giáo toàn quốc không thành. Năm 1928, thiền sư Khánh Hòa, Thiện Chiếu và một số người khác thành lập Phật Học Thư Xã và Thích Học Đường đặt trụ sở ở chùa Linh Sơn, Sài Gòn. Được sự ủng hộ tài chính của các cư sĩ Trần Nguyên Chấn, Ngô Văn Chương và các sư Thiện Niệm, Từ Phong, ngày 12.8.1929, Phật Học Thư Xã ra báo Pháp Âm làm cơ quan ngôn luận. Đây là tờ báo đầu tiên của Phật giáo Việt Nam bằng chữ quốc ngữ. Trong tờ báo này, ngoài những bài về Phật học, diễn giải giáo lý, thiền sư Khánh Hòa đã tự thuật lại quá trình chấn hưng Phật giáo ở miền Nam, “bắt đầu từ huyện quan Huỳnh Thái Cửu kêu gọi “sửa đạo” năm 1926 ở Trà Vinh.”[6] Không lâu sau đó, thiền sư Thiện Chiếu xuất bản một văn tập lấy tên là Phật Hóa Tân Thanh Niên nhắm đến giới trí thức. Điều này cho thấy tư tưởng tân thời của sư Thiện Chiếu khi biết dùng đạo Phật để thu hút giới trẻ thông qua tờ báo do ông chủ nhiệm.


Ngày 26.8.1931, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học chính thức được thành lập, hòa thượng Khánh Hòa làm hội trưởng nhưng sau bốn tháng, khi kết thúc đại hội, hòa thượng Huệ Định nhận chức hội trưởng. Trong bài diễn văn, hòa thượng Khánh Hòa chỉ ra nguyên nhân Phật giáo suy đồi thái quá, chính do thiếu Kinh, Luật, Luận. Vì thế, Phật giáo đồ thất học, lại không có người truyền bá giáo lý cho dân chúng tỏ thông[7]. Hội còn cho rằng: “Phật giáo trong xứ Nam kỳ suy đồi vì bởi không có Thích Học Đường và kinh sách đủ cho tăng đồ học, cũng không có Phật học tạp chí để dịch kinh chữ Hán ra quốc âm cho tín đồ xem đặng lãm tường đạo lý.”[8] Cho nên, hội đã cho xúc tiến xây dựng Pháp Bảo Phường, một thư viện Phật học, tiếp tục thỉnh Tục tạng kinh và Đại tạng kinh làm phong phú thêm nguồn kinh sách.

Sau đó một năm, các vị Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang, Pháp Hải hợp tác với một số cư sĩ ở Trà Vinh thành lập Lưỡng Xuyên Phật Học Hội để làm phương tiện bảo trợ cho Phật học đường. Trường được khai giảng thu nhận cả tăng sinh lẫn ni sinh, ni sinh được tổ chức thành lớp riêng do thiền sư Minh Tịnh điều khiển. Đồng thời, hội xuất bản sách Phật Học Giáo Khoa bằng hai thứ tiếng Việt và Hán và ra báo Duy Tâm làm cơ quan ngôn luận. Tờ báo này luôn lên tiếng kêu gọi thành lập một Phật giáo Tổng Hội. Tuy vậy, đến năm 1939, Phật học đường Lưỡng Xuyên phải đóng cửa vì lý do tài chính và một số học tăng được gởi ra học tại trường Sơn môn Phật học Huế. Sau năm 1943, hòa thượng Khánh Hòa về Bến Tre ở chùa Vĩnh Bửu tổ chức Phật học đường đầu tiên dành riêng cho ni giới tại Nam Kỳ.

Năm 1936, Thiện Chiếu về Rạch Giá, ở lại chùa Tam Bảo cùng với Trí Thiền vận động thành lập hội Phật học Kiêm Tế. Hội chính thức hoạt động từ ngày 23.3.1937. Chính hòa thượng Trí Thiền làm Chánh Tổng lý của hội. Tạp chí Tiến Hóa (1.1.1938) do Đỗ Kiết Triệu làm chủ nhiệm và Phan Thanh Hà chủ bút. Với chủ trương thực tế, lập trường theo hướng thực hành, chú trọng hành động hơn lý thuyết suông nên hội không phải chỉ để học Phật mà còn kinh bang tế thế. Đặc biệt, tờ báo này “chủ trương hủy bỏ hình thức tăng sĩ truyền thống, theo gương phái tân tăng ở Nhật mặc âu phục, cưới vợ và ăn thịt.”[9] Qua đó, chứng minh rằng sự cách tân trong tư tưởng của hội thông qua tờ báo Tiến Hóa đã đánh động cho phong trào chấn hưng cần hành động hơn là bàn luận. Tuy nhiên, hội có những chủ trương, quan điểm chưa hợp thời với xã hội Việt Nam nhưng song song đó còn có những ý tưởng khiến cho các hội nên lấy làm bài học cho mình.

– Miền Trung:

Năm 1932, Hội An Nam Phật Học được thành lập ở chùa Từ Đàm – Huế do HT.Giác Tiên và bác sĩ Lê Đình Thám đứng đầu. Năm 1933, hội đã xuất bản tạp chí Viên Âm, thành lập đoàn Thanh Niên Đức Dục, Gia Đình Phật Hóa Phổ là tiền thân của Gia Đình Phật tử ngày nay. Sự ra đời của hội đã tạo ra tiếng vang lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo. Đặc biệt, Hội An Nam Phật Học đã tổ chức thành công lễ Phật đản năm 1935 là cơ hội để thu hút và nâng tầm ảnh hưởng của Phật giáo đến với cộng đồng sau một thời gian bị phai mờ, quên lãng. Trong lễ Phật Đản, chương trình rước Phật ở Bảo Quốc, hoạt động giảng kinh, thuyết pháp của các Ngài đã thổi vào đời sống nhân dân một luồng sinh khí mới. Điều đó cho thấy, sau bao năm ẩn mình trong dân gian, Phật giáo vẫn không mất đi mà đồng hành cùng với sự thịnh suy của đất nước, đó là tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc.

Ngày 1-12-1933, Nguyệt san Viên Âm – cơ quan hoằng pháp của Hội An Nam Phật học (Hội Phật học Trung kỳ) ra số đầu tiên. Ban Biên tập gồm hai Chứng minh Đạo sư là Hòa thượng Giác Tiên, trụ trì chùa Diệu Đế, Hòa thượng Giác Nhiên, trụ trì chùa Túy Ba và cư sĩ Lê Đình Thám. Trong 78 số Viên Âm xuất bản từ năm 1935 đến năm 1945, có 19 bài của 10 cây bút nữ là Sa di ni và Tỳ kheo ni tham gia viết bài. Điều này, cho thấy ngòi bút văn chương của các vị Ni lưu đã làm tiền đề cho thế hệ chư Ni kế thừa, phát huy tờ bào riêng dành cho Ni giới.

– Miền Bắc:

Ở Bắc kỳ, hội Phật giáo Bắc kỳ được thành lập năm 1934 ở chùa Quán Sứ, Hà Nội. Năm 1935 hội đã xuất bản nhiều tờ báo như Đuốc Tuệ, Bồ Đề Tân Thanh, Tiếng Chuông Sớm… do các cư sĩ biên tập làm nơi truyền tải tin tức, tư tưởng Phật giáo của hội. Trong buổi đầu tiến hành công cuộc chấn hưng Phật giáo, sự ra đời của các hội Phật học có ý nghĩa quan trọng. Xét về mặt Phật học, các tạp chí viết bằng chữ quốc ngữ ra đời là cơ quan ngôn luận quan trọng giúp tiền đề truyền bá giáo lý, tin tức Phật giáo một cách kịp thời, nhanh chóng. Mặc khác, các tài liệu về phật học phổ thông và những bản kinh bằng chữ quốc ngữ như Kim Cang, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm … đã làm phong phú thêm kho tàng Phật học, giúp cho quần chúng tiếp nhận giáo lý nhà Phật một cách dễ dàng, thuận lợi.

Về phương diện đào tạo tăng tài: Tuy các hội đã mở các trường Phật học nhưng thành quả thu được còn rất hạn chế. Theo Giáo sư Nguyễn Lang: “Ngoài Bắc, hội Phật giáo Bắc kỳ tổ chức hai lớp tiểu học cho tăng, ni, một lớp trung học và một lớp Đại học duy trì tại chùa Bằng Sở ở ấp Thái Hà, Hà Đông…” . Riêng ở miền Trung, Hội An Nam Phật Học đã thu nhận được 50 học tăng nội trú. Trong số đó có khoảng mười vị xuất sắc có công đóng góp cho Phật giáo như: TS.Trí Quang, Thiện Siêu, Thiện Minh, Trí Thuyên… Ở miền Nam, Liên Đoàn Phật Học Xã là nơi đào tạo các học tăng lưu động vì một chùa không đủ kinh tế để nuôi dưỡng các học tăng lâu dài. Tuy nhiên, đến khóa 3, Phật học đường này tan rã. HT.Khánh Hòa, Khánh Anh… phải thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật Học để làm phương tiện bảo trợ Phật học đường. Phật Học Đường Lưỡng Xuyên ra đời đào tạo được một số vị tăng tài như: HT.Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hành Trụ…

C. Kết luận

Phong trào chấn hưng Phật giáo giai đoạn 1930-1945 đem lại nhiều thành quả quan trọng khắc phục được nhiều yếu kém về hình thức và nội dung của Phật giáo thời bấy giờ. Việc ra đời các hội Phật giáo ít nhiều đã tạo được tính gắn kết trong nội bộ Phật giáo tuy chưa phải là một hội chung cho cả nước nhưng từng vùng, từng nhóm đã tổ chức những mô hình sinh hoạt có hệ thống. Đây chính là tiền đề để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau này.

Đồng thời, các tạp chí quốc ngữ do các hội Phật giáo xuất bản đã tạo ra làn sóng học thuật, truyền bá giáo lý Phật Đà, đưa những hiểu biết đúng đắn phổ cập khắp quần chúng, để bày trừ những mê tín dị đoan, những hiểu lầm về đạo Phật.

Hơn thế, các Phật học đường mở ra đào tạo thế hệ tăng sĩ có học, có tu, am tường Phật pháp, đã có không ít tăng sĩ thời kì này đã làm rường cột cho Phật giáo. Phong trào chấn hưng Phật giáo qua đi nhưng dấu ấn để lại rất đậm và rất sâu trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, khắc họa nên một tinh thần Phật giáo mạnh mẽ, thực tế và sẵn sàng hòa cùng vận mệnh của đất nước trong buổi loạn li.

Tác giả: Thích Nhuận Huệ
Học viên Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế

———–

CHÚ THÍCH

[1] Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857 – 1914), tr. 437.
[2] Tâm Thái, Chấn hưng Phật giáo, báo Đông Pháp số 322, ngày 13.2.1927.
[3] Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tr. 28.
[4] Nguyễn Mạnh Bổng, Phật giáo với xã hội Việt Nam, báo Thực Nghiệp Dân Báo số 1875, ngày 14 – 15.2.1927.
[5] Tâm Thái, Chấn hưng Phật giáo, báo Đông Pháp số 322, ngày 13.2.1927.
[6] Khánh Hòa, Tự trần, tạp chí Pháp Âm, tr. 17.
[7] Khánh Hòa, Bài diễn văn trong đại hội ngày 24.1.1932, Tạp chí Từ Bi Âm số 5, ngày 1.3.1932.
[8] Điều thứ nhất trong quy tắc riêng của hội.
[9] Tạp chí Tiến Hóa, số 3, tháng 3.1938.

https://tapchinghiencuuphathoc.vn

Các tin đã đăng: