Tác giả: Thích Chúc Hòa Học viên Cao học Khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM
Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài và Hứa sử truyện vãn
31/12/2021 09:24 (GMT+7)

1. Cuộc đời Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài

Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài (1757-1834) là đệ tử đắc pháp của Thiền sư Pháp Chuyên Diệu Nghiêm (1726-1798), thuộc đời thứ 37 dòng Lâm Tế thế hệ thứ 4 phái Chúc Thánh. Là một Thiền sư tinh thông giáo lý cũng vừa là một tác gia lớn của nền văn học Việt Nam nói chung và văn học Phật giáo nói riêng ở cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, số lượng tác phẩm Thiền sư để lại góp phần phát triển nền văn học chữ Nôm của dân tộc. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa một tài liệu nào đề cập đến hành trạng của Thiền sư một cách rõ ràng. Ngoài trừ, Long vị tìm thấy ở chùa Phổ Quang, thôn Phổ Trạch, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định tương đối cũ nhưng cung cấp cho chúng ta biết “pháp danh pháp hiệu, xác định năm sinh năm mất”[1] . Tuy nhiên, trong một công trình nghiên cứu tác giả Thích Như Tịnh có đề cập đến bản văn Phật môn pháp sự yếu tập  do tổ Pháp Chuyên Diệu Nghiêm soạn và Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài biên tập có ghi lại cuộc đời của mình như sau:

“Ta sinh vào giờ Tỵ ngày 28 tháng 11 năm Đinh Sửu (1757), cha họ Nguyễn, mẹ họ Lê. Năm lên 9 tuổi, ta được cha mẹ đưa đến trường để học, nhưng mới chừng hai năm thì mẹ qua đời. Cho đến năm 1773, 17 tuổi cũng là khi chiến tranh bất ngờ xảy ra cha bị bắt ép đi lính. Từ đó, ta phải đến nương nhờ nhà ông ngoại. Ngoại hiệu thượng Bảo hạ Sơn, hằng ngày sáng tối ông đều tụng kinh lễ Phật. Nhân đó ta nhớ được kinh A Di Đà nhưng chỉ biết âm thanh mà không hiểu nghĩa lý. May thay ngoại mời thầy đến giảng dạy về sử thư nhưng ta vẫn chưa hiểu được nghĩa lý uyên thâm, chỉ hiểu được chút ít về ngôn từ cạn cợt. Năm 18 tuổi, một đêm nằm ngủ mơ thấy ông lão trao cho tờ giấy, trong đó viết rằng “về sau lúc thiên hạ thái bình, nên ra vùng ngoại thành phía đông”. Giật mình tỉnh giấc và trong tâm trí cứ nhớ mãi […] 22 tuổi lập gia đình, thoáng qua đã 29 tuổi nếm trải gian khổ vừa làm ruộng đồng vừa học, xách nước chẻ củi mọi việc ta đều chú tâm vào Nho học. Tự nghĩ nếu học thật tốt thì có ngày đỗ đạt, nên ta dốc chí tìm thầy mong có ngày sẽ lập được công danh làm rạng rỡ cha mẹ, mong phần nào trả ân dưỡng dục, báo đức cù lao […] 31 tuổi quy y với hòa thượng Đạo Giác theo tông Tào Động tại chùa Viên Quang, 32 tuổi lần đầu tham vấn với hòa thượng Pháp Chuyên Diệu Nghiêm tông Lâm Tế tại chùa Từ Quang […] Năm Giáp Dần (1794), 38 tuổi xuất gia với hòa thượng Đạo Giác tại chùa Viên Quang, 42 tuổi ngày 15 tháng 5 thọ tam đàn cụ túc tại chùa Từ Quang do hòa thượng Pháp Chuyên làm Đường đầu, được phú pháp truyền thừa theo tông Lâm Tế, 47 tuổi được đại chúng thỉnh giảng kinh thuyết pháp, 57 tuổi ngộ đạo nhờ đọc tập Phật môn pháp sự yếu tập do tổ Pháp Chuyên soạn. Năm Mậu Dần (1818), 61 tuổi cùng với hòa thượng Toàn Thể Vi Lương Linh Nguyên trụ trì chùa Từ Quang và môn hạ chùa Viên Quang khắc in bộ Địa Tạng bồ tát bổn nguyện kinh yếu giải, 75 tuổi chứng minh sự khảo chính bản Đại phương tiện Phật báo ân kinh chú nghĩa,[2]. Và rồi thuận theo đạo lý sinh diệt của vũ trụ “vào giờ Dần ngày mồng 6 tháng 4 năm Giáp Ngọ (1834) viên tịch”[3] hưởng thọ được 78 tuổi, tháp thờ tại chùa Viên Quang.

Căn cứ vào nguồn tài liệu có được lần nữa chúng ta khẳng định quê hương Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài thuộc tỉnh Phú Yên, huyện Tuy An, xã An Định. Cuộc đời Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài được tỏa sáng từ sự trợ giúp của ông Ngoại. Không những vậy, ông Ngoại của Thiền sư chính là người đứng ra sáng lập nên chùa Viên Quang, thỉnh Thiền sư Đạo Giác trú trì. Rõ ràng ông Ngoại chính là tác nhân tác động mạnh đến chí nguyện xuất gia sau này của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài. Chính sự chấp bút của Thiền sư thì độ tin tưởng về nguồn tư liệu này không thể sai được.

Một vấn đề nữa ở đây chúng ta thấy Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài trước khi xuất gia là một nhà Nho: “Thiền sư Toàn Nhật đã từng chú tâm vào Nho học để thi cử, làm quan. Theo con đường Nho học là điều tất yếu để thể hiện chí làm trai, tài kinh bang tế thế, để trả nợ tang bồng. Thời gian đầu của cuộc đời, Toàn Nhật dành trọn thời gian cho việc học Nho và sống với cuộc đời. Đây là nền tảng để cho Toàn Nhật có được sở học về Khổng giáo, là tư tưởng đầu tiên trong chặng đường tư tưởng của thiền sư”[4] . Vốn xuất phát từ nhà Nho, sau khi xuất gia sự hiểu biết đã xoay chuyển hệ tư tưởng của Thiền sư tiến lên trên thêm một bậc tư tưởng mới của thời đại. Không còn ôm riêng tư tưởng Nho giáo hay tư tưởng Phật giáo mà Thiền sư đã nhìn ra sự mâu thuẫn thực tiễn trong xã hội một cách tường tận rõ nét hơn. Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài xứng đáng là “nhà văn, nhà thơ lớn của lịch sử văn học dân tộc ta, là một nhà tư tưởng lớn, có những quan điểm độc đáo đầy sáng tạo đối với lịch sử tư tưởng thế kỷ XVIII và cũng là một vị Thiền sư đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam”[5].

2. Sự nghiệp trước tác của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài

Căn cứ vào những nguồn tài liệu khảo sát có được chúng ta biết Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài để lại 10 truyện viết bằng thể lục bát, song thất lục bát; 5 bài phú; 30 bài thơ Nôm; 14 bài thơ chữ Hán, trong đó tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn có 4.486 câu. Công trình sáng tác của Thiền sư gắn liền với 4 loại “Truyện, phú, thơ, văn”, theo sự thống kê của tác giả Lê Mạnh Thát sau đây là những tác phẩm được tìm thấy và có sự dị bản, trừ những tác phẩm thơ ra thì Hứa Sử Truyện Vãn chiếm số lượng dị bản nhiều nhất (4 bản).


1). Tam giáo nguyên lưu ký ( 3 bản)

2). Tống Vương truyện (1 bản)

3). Lục tổ truyện diễn ca (1 bản)

4). Bát nhã đạo quốc âm vãn (3 bản)

5). Xuất gia tối lạc tỉnh thế tu hành vãn (1 bản)

6). Tham thiền vãn (2 bản)

7). Thiền cơ yếu ngữ vãn (4 bản)

8). Hoán tỉnh trần tâm khuyến tu Tịnh độ vãn ( 1 bản)

9). Xuất gia vãn (2 bản)

10). Giới hành đồng từ (5 bản)

11). Trùng khuyến thân sơ quyến thuộc phú (1 bản)

12). Khuyến tu hành quốc ngữ phú (2 bản)

13). Thơ bà vãi (2 bản)

14). Phá thô bát tống văn (2 bản)

15).  Văn đưa cây bắp (1 bản)

16). Sa di oai nghi tăng chú giảo ngụy tự tiểu thiên (1 bản)

17). Thủy sám bạt (1 bản)

18). Nhân quả kinh bạt (2 bản)

19). Vô lượng nghĩa kinh hậu bạt (4 bản)

Về mặt ngôn ngữ các tác phẩm của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài đa số viết bằng Quốc Âm (chữ Nôm) trừ bản Sa di oai nghi tăng chú giảo ngụy tự tiểu thiên và ba bài bạt là viết bằng chữ Hán ra, số lượng những tác phẩm Quốc Âm (chữ Nôm) của Thiền sư có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc nói chung và văn tự Quốc âm (chữ Nôm) nói riêng mang lại giá trị đích thực cho nền văn học Việt Nam trên bước tiến của xã hội. Với số lượng tác phẩm như thế, khẳng định Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài là một bậc thi hào với nguồn tri thức dồi dào lại có tâm huyết lớn với thời cuộc, sinh ra trong thời binh đao khói lửa Thiền sư là một người con của thời đại luôn nuôi dưỡng khát vọng xây dựng một xã hội bình ổn, mong muốn nhân dân có cuộc sống an nhàn hạnh phúc.

Tác phẩm Hứa Sử truyện vãn
Tác phẩm Hứa Sử truyện vãn

3. Nguồn gốc và hiện trạng Hứa Sử Truyện Vãn

Hứa Sử Truyện Vãn là một tác phẩm dài nhất so với những tác phẩm thuộc thể loại Vãn mà hiện nay còn lưu lại của nền văn học lịch sử nước ta. Tuy nhiên, trước khi có tên gọi Hứa Sử Truyện Vãn Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài đã gắng công “đứng ra khắc bản, san bổ từ bản Vãn Hứa Sử của Hòa Thượng Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm, vì bản Vãn Hứa Sử ấy chưa đạt yều cầu của văn học”[6], ngoài ra để tránh tình trạng “tam sao thất bản và Bằng trắc sai di của Vãn Hứa Sử”.

Về năm soạn tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn cũng như vấn đề sao tập tác phẩm Tam giáo nguyên lưu ký, khi so sánh hai tác phẩm này chúng ta có thể thấy rằng “giữa chúng có 133 câu giống nhau một cách liên tục, tức từ câu 4239 đến 4372 của Hứa Sử Truyện Vãn và từ câu 937 đến 1077 của bản sau, trừ sáu câu dôi không quan trọng”[7]. Chính có sự giống nhau như vậy mới tạo ra sự ra đời trước sau. Có thể Hứa Sử Truyện Vãn được viết trước và khi viết Tam giáo nguyên lưu ký Toàn Nhật chỉ việc sao chép lại những câu giống nhau và cũng có khi ngược lại vì thời gian hoàn thành cả hai tác phẩm tương đối gần nhau. Trong tác phẩm Tam giáo nguyên lưu ký có đoạn tự sự về chính cuộc đời Toàn Nhật, “từ lúc 12 tuổi đến 43 tuổi thông qua các câu từ 1133 – 1147, chúng ta biết Toàn Nhật đã viết lúc nó ông 43 tuổi hay sau đó không lâu”, Toàn Nhật – Quang Đài sinh năm 1757 nếu viết vào lúc ông 43 tuổi trở đi thì Tam giáo nguyên lưu ký sẽ ra đời khoảng những năm 1798, lúc này Hòa Thượng Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm còn sống, qua cách xưng hô thân mật “duyên lành may gặp thầy ta, người thương chỉ thị thoát nhà tử sinh”, chứ không phải cách xưng hô như Lời bạt sau kinh Vô lượng nghĩa viết vào năm 1829 như vầy: “Tổ sư đại lão Hòa thượng (thượng) Diệu (hạ) Nghiêm thuộc bảo điện Từ Quang”,  quá ư là trịnh trọng kính cẩn lễ nghi như thế. Qua đó, ta kết luận được là Tam giáo nguyên lưu ký được viết vào những năm 1798 về sau là hợp lý nhất. Về tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn có rất nhiều giả thiết giả định đặt ra nhưng giả thiết Toàn Nhật san bổ trước năm 1790 và dự định khắc ván là thích đáng nhất vì lúc này chính trị nhà Tây Sơn lúc bấy giờ đang xuống dốc, thế lực Nguyễn Ánh ngày càng lớn mạnh đánh đổ nhà Tây Sơn nhất là vào năm 1798 trở về sau, sau khi phần nào ổn định về đời sống trong nước  khoảng năm 1807 Toàn Nhật mới cho khắc ván Hứa Sử Truyện Vãn. Đây là giả thuyết có kết quả tương đối phù hợp hơn hết “có thể vừa giải quyết được vấn đề sao chép tác phẩm Tam giáo nguyên lưu ký, vừa cho phép Hứa Sử Truyện Vãn khắc ván trong khoảng thời gian 1807 – 1826, nếu như có một công trình loại đó quả đã xảy ra vào những năm đó”[8].

– Về hiện trạng văn bản: Xuất hiện từ thế kỷ XVIII trải qua nhiều biến chứng lịch sử, tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn qua bao lần khắc in, sao lưu, truyền tụng nhưng đến thời điểm hiện tại mới phát hiện được sáu bản trong đó gồm hai bản khắc ván; hai bản chép tay và hai bản in quốc ngữ. Theo nghiên cứu trước đó của giáo sư Lê Mạnh Thát mỗi bản sẽ gắn liền với tên gọi các địa phương khác nhau, biểu thị sự có mặt của tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn tại nơi đó, các bản có tình trạng như sau:

Bản Vạn Giã (V) có 84 tờ gồm 4486 câu, khổ giấy 17×25 cm, tờ đầu bị mất, nên ai đó đã chép 55 câu đầu từ “tiết đông… giàu sang…” thành 2 tờ rồi ráp chung với 82 tờ còn lại thành 84 tờ trên thực tế chỉ có 83 tờ mà thôi. Vì 55 câu đầu chép trên 2 tờ đó chỉ chiếm 1 tờ tức là tờ đầu. Từ tờ thứ 2 đến tờ 81 số tờ đánh theo cách chia quyển thượng – hạ, quyển thượng từ tờ 2 – 58; quyển hạ từ tờ 1 – 24; tờ cuối ghi tên người đứng và giúp ra in thì còn lại trang A hơi rách nát, còn trang B nát hoàn toàn. Bên trong tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn thì khoảng 6 tờ bị rách nát, đặc biệt là tờ 58 của quyển thượng bị nát 1/3 người sở hữu bản này cũng đã tu sửa những chỗ rách, có viết lại những chữ bị mất nhưng không được chính xác khi so với bản G. Số trang còn lại đẹp và rõ ràng dễ đọc. Mỗi tờ có 2 trang, mỗi trang tương ứng với 10 dòng, mỗi dòng có 20 chữ, trừ những trang có bài hịch và văn tế thì dùng thơ kệ, mỗi dòng trụt xuống 1 ô nên số chữ có được là 19 chữ, trang cuối cùng có liên hệ đến vua chúa và Phật giáo thì mỗi dòng lui xuống 2 ô còn lại là 18 chữ. Bản này được tìm thấy ở chùa Long Sơn làng Phú Cang Xã Vạn Phú huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa, cách thị trấn Vạn Giã 2 cây về phía Bắc, nên giáo sư Lê Mạnh Thát đã đặt là bản Vạn Giã, viết tắt là bản V, căn cứ vào tờ cuối bản in thì bản V do chính Thiền sư Toàn Nhật –  Quang Đài “san bổ” và đứng in. Khi khắc ván có ghi tên các vị Hòa thượng như: “Giác Ngộ, Linh Nguyên, Vân Đàm…” những vị này cùng thời với Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài.

Bản Viên Giác (G) có 82 tờ gồm 4486 câu, khổ giấy 17×25 cm, bản này giống với bản V về mặt hình thức cho tới nội dung, chỉ là không có danh sách bảng tên của người đứng ra in giống như bản V. Bản này tìm thấy tại chùa Viên Giác, Gia Định cũ nay thuộc Quận 11,Tp. HCM.

Bản Tây Thiên (T) bản này có khổ giấy 9,5×20cm, gồm 117 tờ, mỗi tờ như thế có 2 trang, mỗi trang có 17 dòng, mỗi dòng có 20 chữ. Bản này thầy Pháp Tạng dựa vào bản V hoặc bản G viết lại nhưng chưa trung thành với bản gốc.

Bản Phú Yên (P) gồm 4473 câu, khổ giấy 16×25cm, 83 tờ nhưng không đánh số thứ tự, mỗi tờ cũng 2 trang mỗi trang lại có 10 dòng, mỗi dòng 20 chữ, 12 câu cuối bị mất. Nét chữ dễ đọc, có nhiều chữ chưa chính xác, lối viết theo kiểu bản V.

Bản Nha Trang (N) khổ giấy 15,5×28,5, gồm 4486 câu tổng 91 tờ, mỗi tờ 2 trang mỗi trang 9 dòng mỗi dòng có 19 chữ. Đây là bản chép tay nhưng do ai chép thì chưa tìm thấy dấu tích để lại, chỉ biết bản này từ bản G sao chép lại, vì bản G có sao y nơi và này in của bản V, tức là chép lại từ năm 1880 trở về sau.

Hai bản phiên âm La Tinh bản đầu do Tịnh Quang cư sĩ phiên âm và Nxb Thanh Mâu xuất bản năm 1952 với tên gọi Hứa Sử Truyện, bản thứ 2 do Thiền sư Thích Thiện Bửu phiên âm và sư cô Diệu Kiến đứng ra ấn tống tại Kiên Giang vào năm 1961. Đều không có lời giới thiệu hay lai lịch bản gốc, không giúp gì nhiều cho công tác nghiên cứu Hứa Sử Truyện Vãn.

Về bản Đáy chúng ta có bản V chính Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài đứng ra in do đó có vai trò là bản gốc cho các bản còn lại, vì nó bộc lộ cốt cách của chính Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài. Chấp nhận bản V là bản đáy thì không có gì tranh luận, với nữa bản in thứ 2 là bản G lại nhất trí với bản V, trừ 4 chữ có dạng hơi khác nhưng nghĩa vẫn không đổi. Do thế, trong trường hợp chữ bản V bị nát, chúng ta dùng bản G vẫn xem như chính xác.

Sự xuất hiện của tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn là đánh dấu sự thành công về văn học Phật giáo cũng như văn học Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII giai đoạn kế thừa phát triển văn hóa văn học Hán – Nôm. Mang tính thời đại thể hiện bản lĩnh tư duy của dân tộc ta trước vấn nạn trọng đại của đất nước.

4. Tóm tắt nội dung Hứa Sử Truyện Vãn

Tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn là một câu truyện văn vần được viết theo thể thơ lục bát nghĩa là “hai câu liên tiếp một câu sáu chữ đi theo một câu tám chữ, gieo vần cuối câu, câu tám chữ gieo vần ở cả giữa câu, theo luật là ở chữ thứ sáu, nhưng có khi còn gieo ở chữ thứ tư của câu tám, thỉnh thoảng có kèm những câu song thất (hai câu liên tiếp đều bảy chữ)”[9] , tổng có 4.486 câu. Song song đó, giữa những câu nguyên văn có những bài thơ thất ngôn hay những bài thuộc thể phú, hịch, không được đếm số câu. Về mặt hình thức, truyện văn vần thích hợp với người bình dân. Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài lựa chọn một hình thức tiếp cận với bản văn khá phù hợp để mọi người dễ dàng tiếp cận.

Kết cấu của tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn được chia làm hai phần chính, được trình bày chi tiết ở quyển thượng và quyển hạ. Nhân vật chính của quyển thượng là Hứa Sử, quyển hạ là Đổng Vân, bên cạnh đó cũng có nhiều nhân vật phụ. Tuy nhiên, cuối cùng các nhân vật chính diện đều được đức Phật Di Đà thọ ký về cảnh giới tây phương cực lạc.

Phần mở đầu của đoạn đầu gồm 100 câu, ở đây Thiền sư Toàn Nhật- Quang Đài trình bày lai lịch và lý do ra đời của tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn. Tiếp đến, từ câu 101 đến câu 2.576, thuật lại câu chuyện của Hứa Sử với nội dung như sau:

Tại Việt quốc bên Trung Hoa có một vị tăng sĩ hiệu là Châu công tu ở chốn lâm tuyền, cùng lúc ấy cũng có một đôi vợ chồng tên là Đào thị có đứa con mới ba tuổi tên gọi Văn Quí, nghe danh Châu công là một vị đạo cao đức trọng bèn tìm đến để xin quy y.

Sau đó, đôi vợ chồng Đào thị thường lui tới hầu thầy. Gia đình Đào thị khó khăn, Đào lang thường đi làm kiếm tiền, Đào nương ở nhà tích góp dâng lễ đến thầy, khiến miệng người cười chê, nhưng vợ chồng Đào thị vẫn giữ gìn lễ nghĩa, không quản tiếng đời. Văn Quí lên tám tuổi thì Đào nương qua đời. Trước khi qua đời, Đào nương xin cho Văn Quí theo hầu thầy, Châu công đồng ý. Năm Văn Quí được mười hai tuổi thì Đào Lang cũng mất. Sau khi, giữ hiếu cha xong thì Châu công cũng sắp lìa xa cõi trần, liền xuất gia cho Văn Quí cho pháp danh Hứa Sử, dặn dò Hứa Sử tinh tấn tu hành, Châu công viên tịch. Hứa Sử ở trên núi một mình cảm thấy cô đơn liền nghĩ đến chốn thị thành tìm bạn cùng nhau tu tập, Hứa Sử lần bèn dò đến chùa của Từ Khôi đang cư trú. Hai người kết bạn đồng tu mặc dù Từ Khôi lớn tuổi hơn. Đương thời, có quan Vương Hứa Sử đến tuổi về chầu, Diêm vương lệnh cho hai quỷ Dạ Xoa đi bắt thì lại bắt nhầm thầy Hứa Sử. Từ Khôi thấy thân thể của Hứa Sử còn hơi ấm liên tục nhờ người trợ duyên trì kinh niệm Phật. Khi đó, thần thức của Hứa Sử xuống Diêm đài, sau khi tra hỏi biết có sự nhầm lẫn, Diêm Vương mời Hứa Sử ở lại chứng kiến sự tra khảo, hành hình, Hứa Sử gặp một số người đã quy y có cả Thanh Sơn. Sau cùng Diêm vương đưa con hạc trắng để Hứa Sử về lại nhân gian, Hứa Sử không dám cưỡi hạc Diêm vương khuyên không nên tị hiềm. Hứa Sử đồng ý và trở về với thân tứ đại của mình. Hứa Sử thuật chuyện với Từ Khôi, ở với Từ Khôi thêm một năm sau đó cáo từ đi tìm Thanh Sơn. Gặp Thanh Sơn, Hứa Sử thuật chuyện của mình, Thanh Sơn liền nhận ra Hứa Sử là bậc chân tu rồi cùng Hứa Sử tìm đến lâm tuyền bỏ cảnh thị thành cùng nhau tu tập hóa độ nhiều người. Đến lúc duyên trần đã hết, Hứa Sử cùng Thanh Sơn đều về cảnh giới Tây phương, làm bậc La hán. Hứa Sử liền nghĩ đến những người từng có ơn với mình nên tìm cách cứu độ, trước là tìm đến Từ Khôi, sau về Tây phương hỏi thăm cha mẹ Đào thị, thầy Châu công, được đức Di Đà thọ ký. Thanh Sơn trở lại nhân gian đến tìm sư Mật Hạnh ở núi Thanh Tuyền trấn Hòa Nam cùng nhau tu học.

Phần hai, từ câu 2577 đến câu 3226 kể về câu chuyện Đổng Vân đi tu. Tiếp đến, từ câu 3227 đến câu 4086 kể về chuyện Đổng Vân trở về giúp vua đánh giặc với sự kiện nội dung câu chuyện như sau:

Thuở đó, ở trấn Hòa Nam của Việt quốc có một quan đại thần tên là Đổng Vân người có đạo đức tốt, đêm tối nằm mơ thấy bậc La Hán hiện và khuyên Đổng Vân nên tu hành để giải thoát. Ông nghe vậy liền trốn vợ con tìm đến núi Thanh Tuyền gặp thầy Mật Hạnh quy y. Là trụ cột của Việt quốc, khi nghe tin Đổng Vân đi tu, Triệu Tân một tướng lĩnh của nước lân bang đem binh sang đánh, chiếm lấy năm thành. Thấy quân Việt quốc chống không lại, Việt vương lo lắng. Thái giám hầu hạ cạnh liền tâu nên mời Đổng Vân về dẹp giặc. Tìm cách phòng thủ, Việt vương cho người đi mời Đổng Vân, biết tin Đổng Vân ở chùa Huê Lâm, qua nhiều lần mời nhưng không thành Việt Quốc liền đích thân đến thỉnh cầu Đổng Vân về giúp nước. Đổng Vân thỉnh ý thầy mình là Mật Hạnh, Mật Hạnh đồng ý, dặn dò nên khuyến giáo bằng văn đức, nếu trường hợp giặc không nghe thì lúc đó mới sử dụng võ công. Đổng Vân trở lại triều tập hợp quân sĩ, binh lính làm lễ tế binh. Triệu Tân nghe tin Đổng Tân xuất quân, ban đầu không mấy tin liền cho thám tử đi điều tra, sự thật là Đổng Vân tướng lĩnh, lúc ấy mới vội rút khỏi những thành đã chiếm trước đó. Sau khi thu hồi các thành cũ, chiêu mộ nhân sĩ rồi tiến quân đến tận biên cương, đóng quân và truyền bài hịch chiêu hàng. Triệu Tân thấy Đổng Vân khí thế ngút ngàn, buông tay đầu hàng. Đổng Vân mang Triệu Tân về trước triều đình Việt vương, xin Việt Vương tha cho Triệu Tân và được Việt vương chấp thuận. Sau cùng, Việt vương truyền ngôi cho thái tử cùng Đổng Vân đi xuất gia. Về sau, Đổng Vân, Mật Hạnh và nhà vua đều xa lìa cảnh trần tục.

Phần cuối, từ câu 4087, tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn đưa ra lời bình về các nhân vật trong truyện.

Tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn, trong Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài cho rằng Hứa Sử Truyện Vãn có ba luận đề chính: “Luận đề thứ nhất là đập tan chủ nghĩa chủ nghĩa tôn quân chuyên chế và cực đoan, phá vỡ trật tự phong kiến quân-sư-phụ hàng ngàn năm đè lên đầu lên cổ nhân dân”; Luận đề thứ hai là chính lao động mới sáng tạo nên trí tuệ và nhận thức sáng ngời chân lý của nhân dân, đã tạo nên những tình cảm trong sáng, vị tha đầy nghĩa tình trong cuộc sống; Luận đề thứ ba là Bạo lực chính nghĩa và sử dụng bạo lực vì mục đích chính nghĩa là một điều chính đáng”[10] . Cũng trong luận đề đó Toàn Tập nhận định rằng: “…vừa là một thể hiện yêu cầu khách quan của thời đại, vừa là một biểu trưng trung thực của truyền thống nhân đạo Việt Nam”[11] . Tuy nhiên, điều đó không thể hiện hết những gì trong bối cảnh thời đại của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Nhật vì vẫn còn những vấn đề chưa thể giải quyết được một cách chính xác.

Tác giả: Thích Chúc Hòa
Học viên Cao học Khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

[1] Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Tr. 13
[2] Thích Như Tịnh (2014), “Sử liệu mới về pháp sư Toàn Nhật Quang Đài”, Suối Nguồn số 14, 5/2014, Nxb Hồng Đức, tr. 46-73.
[3] Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Tr.17.
[4] Phan Thạnh (2020), Quan điểm Phật – Đạo – Nho trong sáng tác của Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài.
[5] Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Tr. 9.
[6] Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 55.
[7] Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 62.
[8] Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. tr.65.
[9] Nhiều tác giả (2021), Nghiên cứu Phật giáo, tập 1, Nxb Khoa học Xã Hội. tr.103.
[10] Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 67
[11] Nhiều tác giả (2021), Nghiên cứu Phật giáo, tập 1, Nxb Khoa học Xã Hội. tr. 106

Các tin đã đăng: