NỘI DUNG
1. Tiểu sử Đạo An
Đạo An (312-385), sinh vào năm thứ ba niên hiệu Kiến Hưng, đời vua Mẫn Đế thời Tây Tấn. Gia đình họ Vệ, huyện Phù Liễu, quận Thường Sơn[1], miền Bắc Trung Hoa (tỉnh Hồ Bắc). Xuất thân trong gia đình truyền thống Nho học, tuổi nhỏ gặp thời kì chiến loạn ở cuối thời Tây-Tấn, song thân đều mất sớm. Năm 12 tuổi xuất gia. Mặc dù thông minh nhưng ngoại hình xấu xí nên không được sư phụ quý mến và bắt làm việc ngoài đồng trong 3 năm. Sau 3 năm cần mẫn, Đạo An xin sư phụ được học kinh. Vị thầy lần lượt đưa cho Đạo An cuốn Biện Ý Kinh khoảng 500 từ và Thành Cụ Quang Minh Kinh do Chi Giao dịch vào đời nhà Hán, khoảng 1000 từ. Thầy ngạc nhiên khi có thể đọc lại toàn bộ nội dung hai quyển sách đó. nhận ra bậc kỳ tài, khuyên Đạo An tìm thầy giỏi học đạo. Năm 20 tuổi, sư phụ truyền giới cụ túc và khuyên Đạo An du phương cầu học[2].
Phương Bắc do chính quyền nhà Hậu Triệu cai trị, Thạch Lặc của dân tộc Yết, một trong nhóm năm dân tộc Hồ (Ngũ Hồ) kiến lập. Thạch Lặc chết, Thạch Hổ tự lập làm vua, dời đô sang đất Nghiệp. Năm 335, Đạo An tới kinh thành Nghiệp, gặp Phật Đồ Trừng. Đại sư Phật Đồ Trừng (232-348) họ Bạch, người Tây vực, xuất gia từ thuở nhỏ, kiến thức uyên bác, thường dùng dị thuật để khuyến hóa dân chúng. Ngài được Thạch Lặc sùng tín, thường tham gia nghị bàn việc quân chính đại sự, được tôn xưng là “Đại Hòa Thượng”. Thạch Hổ sau khi lên ngôi, lại càng kính trọng, xưng ngài là “Quốc chi đại bảo”. Phật Đồ Trừng đem tâm từ bi, cảm hóa, khuyên can Thạch Lặc và Thạch Hổ theo tư tưởng của Phật giáo.
Phật Đồ Trừng nhờ lòng sùng tín và sự giúp đỡ của họ Thạch ra sức truyền bá Phật giáo lan rộng ở phương Bắc, kiến tạo 893 ngôi chùa. Vua cho phép dân chúng được xuất gia làm tăng, phá bỏ các qui định “Người Hán không được xuất gia”[3]. Đó là dấu ấn lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Phật Đồ Trừng quí trọng tinh thần cầu học cũng như trí thông minh của Đạo An trong lần gặp đầu tiên. Các học trò của Phật Đồ Trừng thấy Đạo An tướng mạo xấu xí, tỏ vẻ khinh thị. Phật Đồ Trừng dạy chúng: “Người này có kiến thức cao vời, không phải bọn các ông có thể sánh kịp!”[4]. Đạo An theo Phật Đồ Trừng học tập, bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về Bát Nhã, thực hành Thiền. Kết quả được thể hiện trong các bài bình luận về tác phẩm dịch thuật của An Thế Cao. Những bản bình luận này khiến Đạo An trở nên nổi danh và quy tụ nhiều môn đệ đến học hỏi.
Hơn 10 năm theo Phật Đồ Trừng học đạo, chủ yếu nghiên cứu kinh điển Nguyên thủy. Ngoài ra còn học các kinh Bát Nhã của Đại thừa. Phương diện lý luận Phật giáo, Đạo An đặt nền tảng vững chắc, vượt trội hơn mọi người. Mỗi lần Phật Đồ Trừng giảng kinh, ngài đều được phép thay Phật Đồ Trừng giảng lại lần thứ hai, tài năng làm cho mọi người đều qui phục.
2. Những đóng góp của Đạo An đối với Phật giáo Trung Quốc
Trong các hoạt động của Đạo An, việc làm đầu tiên là sắp xếp các bản kinh theo thứ tự. Đạo An đem hết tâm lực để thu góp, tập hợp, chỉnh lí điển tịch Phật giáo, biên tập mục lục kinh điển. Trước đó, Phật giáo truyền vào Trung quốc từ đời Hán, đến Đạo An, kinh điển được dịch một số lượng lớn, nhưng các bản dịch không đề tên dịch giả, năm tháng,… Ngài Đạo An thu thập, duyệt xét các kinh điển lưu hành đương thời, tiến hành hệ thống, chỉnh lí toàn diện, tổng tập danh mục tác giả tác phẩm, phân biệt chân ngụy. Bất cứ nơi nào ngài đến, đều sao chép các bản dịch kinh điển. Đạo An tổng hợp tất cả các dịch bản từ thời Hán đến năm 374 tạo thành “Chúng Kinh Mục Lục”, thường gọi tắt là “An Lục”. Đây là tác phẩm tiên phong vì trước đó chưa có bản mục lục nào để căn cứ. Những văn bản cổ xưa thường không ghi thông tin như tên tác giả, thời gian, địa điểm…
Nếu sau khi nghiên cứu đầy đủ, vẫn không xác định được tên dịch giả, ngài liệt kê bản kinh đó vào mục “Thất dịch” (tên của dịch giả bị thất lạc). Một số bản kinh ngụy tạo, ngài xếp vào mục “Ngụy tạo lục”. Đạo An nhận thấy cùng một bản kinh có nhiều bản dịch, ngài liệt kê tất cả các bản dịch, tên dịch giả. Những kinh điển nào, trước khi được thu vào danh mục, nhất định phải được tự thân ngài duyệt đọc. Điều này, cho thấy sức cần cù, tính cẩn thận, nghiêm túc của ngài trong quá trình nghiên cứu.
Nguyên bản bộ “Chúng Kinh Mục Lục” của Đạo An đã mất, nhưng còn một số trích lục rải rác trong các tác phẩm khác. Ngài Tăng Hựu biên tập bộ Xuất Tam Tạng Kí Tập vào đời Lương[5], dựa trên cách Đạo An đã thực hiện trước đó. Việc thu thập những văn bản đã dịch trước, là điều rất quan trọng. Mục lục kinh điển của Đạo An có giá trị lớn. Đây là nỗ lực tiên phong, mở ra một nền tảng cho các nhà biên dịch danh mục kinh điển Phật giáo sau này. Những dữ liệu này cung cấp giá trị to lớn cho những thế hệ học giả nghiên cứu Phật giáo. “Chúng Kinh Mục Lục” khơi nguồn, cung cấp những sử liệu về dịch kinh đáng tin cậy nhất để nghiên cứu lịch sử dịch kinh của Phật giáo Trung quốc; mang lại sự thuận tiện to lớn cho người sau kinh nghiệm hữu ích để kế tục sự nghiệp chỉnh lí điển tịch Phật giáo. Hơn nữa, có thể xem là công trình đầu tiên đặt nền móng cho nền văn học Phật giáo Trung Hoa.
Đạo An được sự ủng hộ của triều đình, chủ trì công tác phiên dịch kinh điển Phật giáo với qui mô, chất lượng tiến bộ và phát triển hơn trước rất nhiều. Ngài chú thích kinh, viết tựa, nỗ lực hành trì, tu tập thiền quán. Từ thời nhà Hán, đã có hệ thống tư tưởng chính trong Phật giáo, đó là Thiền và Bát Nhã. Ngài tập trung vào các kinh điển về thiền do An Thế Cao dịch, như Ấm Trì Nhập Kinh, Đạo Địa Kinh, Đại Thập Nhị Môn Kinh. Cả hai hệ tư tưởng này đã được hợp nhất trong tư tưởng truyền bá và tu tập của Đạo An. Đạo An bắt đầu lưu tâm đến Bát Nhã học của Đại thừa, đây là cống hiến quan trọng, ảnh hưởng suốt cuộc đời hành đạo và tư tưởng Phật học của ngài.
Trước giai đoạn của ngài Đạo An đã xuất hiện những kinh điển Bát-nhã như: “Kinh Đạo Hạnh Bát nhã” do Trúc Phật Sóc dịch (đời Hậu Hán), “Phóng Quang Bát nhã” do Vô La Xoa dịch (đời Tây Tấn). Đây là những bản được dịch từ Phạn văn do ngài Chu Sĩ Hành “Nhập Trúc cầu pháp” truyền về Trung Hoa phiên dịch. Rõ ràng trước Đạo An tư tưởng Bát nhã đã được phổ biến trong giới nghiên cứu Phật giáo Trung Hoa: “Thời kỳ học đạo với Phật Đồ Trừng, lúc bấy giờ là giai đoạn bắt đầu có sự nghiên cứu mạnh mẽ về các bản kinh Bát nhã và kinh liên hệ đến hành trì thiền định”[6], tuy nhiên, nghĩa lý khó thâm nhập. Đạo An chính là người đặt nền tảng khơi nguồn nghiên cứu dòng văn học Bát Nhã, đời sau kế thừa, có danh Tăng Tăng Triệu – Người được tôn xưng là Tổ của văn học Bát Nhã Trung Hoa. 15 năm ở Tương Dương, mỗi năm Đạo An giảng hai lần kinh Phóng Quang Bát Nhã. Ngài thu thập tất cả các bản dịch khác nhau cẩn thận, đối chiếu và nghiên cứu để nắm vững ý nghĩa về “Tính không” của Bát Nhã một cách chuẩn xác. Sau đó, giảng giải sơ lược, từng soạn thành tác phẩm Hiệp Phóng Quang Quang Tán Tùy Lược Giải, nhưng nay bị thất truyền, chỉ còn lại bài “Tựa”[7].
Khi ở Tương Dương, Đạo An đã hình thành tín ngưỡng tôn thờ Phật Di Lặc, cùng đệ tử như Pháp Ngộ…, đứng trước hình tượng đức Di Lặc phát nguyện tha thiết sinh về cõi trời Đâu Suất[8]. Điều này phản ánh lý tưởng tôn giáo của Phật giáo Trung Hoa lúc bấy giờ. Đồng thời phản ánh thực trạng tình hình xã hội chính trị loạn động bất an của thời đại Nam Bắc triều, lòng khao khát đời sống tốt đẹp. Cho nên, tư tưởng này rất có ảnh hưởng trong thời kỳ phân chia Bắc-Nam, trong sự truyền bá Phật giáo[9]. Từ sau thời Đông Tấn, tín ngưỡng “vãng sinh về tịnh độ Đâu-suất của đức Di Lặc” rất phổ biến. Có thể xem Đạo An đặt nền tảng cho tín ngưỡng nguyện sinh về thế giới khác, vô tình hay hữu ý đã đặt nền móng về tông Tịnh Độ. Huệ Viễn phát nguyện sinh “Tịnh độ Tây phương”, ảnh hưởng lớn lao hơn nữa trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Có ít nhất hai kinh điển về Phật Di Lặc được lưu truyền trong thời Đạo An, được dịch bởi Trúc Pháp Hộ, đó là Di Lặc Thành Phật Kinh và Bồ Tát Di Lặc Bổn Nguyện Kinh[10].
Trong lịch sử thời kỳ đầu Phật giáo Trung Hoa, đệ tử được lấy theo họ của vị thầy của mình. Các sư từ Thiên Trúc sang thì lấy họ “Trúc”; từ nước Nhục chi sang thì lấy họ “Chi”; từ nước An-tức sang thì lấy họ “An”… Ngài Đạo An đề xướng: “gốc của đại sư, không ai tôn quí bằng đức Thích Ca, nên lấy họ Thích làm họ mình”[11]. Kinh Tăng Nhất A Hàm có nhắc đến: Sông ở bốn phương khi đã chảy vào biển cả, không sông nào còn giữ tên của mình; trăm họ khi đã làm sa môn đều xưng mình là dòng giống Phật[12]. Do vậy, Đạo An đề xuất lấy họ “Thích” vĩnh viễn trở thành quy định, tới nay vẫn không thay đổi. Ngài còn được biết đến với tôn xưng “Di Thiên Thích Đạo An” (thay cho pháp hiệu Trúc Đạo An trước đó). Cách thức này phổ biến trong các nước ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc, cụ thể là Phật giáo Việt Nam. Trong sử sách Việt Nam giai đoạn đầu, danh hiệu các vị Thiền sư không có chữ Thích, như thiền sư Khuông Việt, Viên Chiếu… Cho đến ngài Mật Thể khởi xướng đầu tiên dùng chữ “Thích” ghi tên trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược ấn hành vào năm 1943[13].
Theo đà phát triển của Phật giáo, tăng ni càng ngày càng đông, tuy đã có giới luật truyền vào nhưng chưa đầy đủ. Với một cộng đồng lớn không có những quy phạm giới luật để điều hành là một khiếm khuyết to lớn. Đạo An nhận thấy cần kiểm thúc tang “Bốn sông lớn vào biển rồi, không còn tên cũ, chỉ gọi là biển, các vị thuộc bốn dòng cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, họ sẽ bỏ tên cũ, tự xưng Thích tử. Nay Ta chính là Thích tử, từ trong dòng họ Thích xuất gia học đạo”. Đoàn, sinh hoạt của tăng ni từng bước được qui củ hóa. Ngài chế định “Qui phạm” cho tăng ni, có 3 điều: 1) pháp hành hương, định tòa, thượng kinh thượng giảng; 2) pháp sáu thời thường ngày, hành đạo, ăn uống, lễ xướng; 3) pháp bố tát, sai sửa hối cải lỗi lầm[14].
Các qui định này ảnh hưởng lớn, hiệu quả cao, các tự viện đều theo đó mà thi hành. Ngài là người đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc đặt nền tảng định lập thanh qui tự viện. Qua đó phản ánh tình trạng Phật giáo sơ kỳ phức tạp, hệ thống tổ chức Tăng đoàn đơn giản, thiếu thống nhất. Đạo An là người tiên phong góp công chỉnh đốn Tăng đoàn, chú trọng thánh hóa đời sống người xuất gia. Năm 399, Trung Quốc mới có được một văn bản giới luật hoàn chỉnh do Pháp Hiển đem từ Ấn Độ về. Đạo An còn khuyến khích dịch thuật Luật tạng[15]. Ngài dịch Tỳ Nại Da luật, dựa trên một phần bộ luật của Nhất Thiết Hữu Bộ. Chính ngài gợi ý việc thỉnh Kumarajiva đến Trung Hoa. Sau khi đến Trung Hoa, Kumarajiva dịch toàn bộ luật Vinaya của Nhất Thiết Hữu Bộ, đặt tên là Thập Tụng Luật. Do đó, những quy phạm được thiết lập bởi Đạo An tại Tương Dương không còn được thực hiện.
Đạo An cũng có đóng góp về nghệ thuật. Đạo An dịch kinh, chú giải khá nhiều kinh điển nhưng không biết những lời đó có hợp ý chư Phật hay không. Lúc này không có ai giỏi hơn ngài nên không thể chỉ dạy. Một lần Đạo An mơ thấy một vị sư già Ấn Độ, với mái tóc trắng và lông mi dài, xưng là Pindola Bhardvaja, nói với ngài rằng những bản dịch, chú thích đúng[16]. Sau khi Đạo An thức dậy, ông biết trưởng lão đó là vị A La Hán thi triển thần thông một cách không trí tuệ đã bị Đức Phật phạt ở lại cõi Ta Bà để hóa độ chúng sinh như trong kinh điển Nikaya đã nói. Từ giấc mơ này, sự nghiệp phiên dịch kinh điển của Đạo An được phát triển mạnh mẽ hơn trước. Sau đó, tượng của Pindola Bhardvaja, người đầu tiên trong số mười tám vị La hán được thiết kế theo giấc mơ của Đạo An rất nghệ thuật với lông mi dài, gọi là A La Hán Trường Mi.
Đạo An rất giỏi, quy tụ nhiều người đến học hỏi và làm đệ tử. Các quan chức và hoàng thân thay nhau mời ngài đến giảng dạy. Chiến tranh liên tục xảy ra ở miền Bắc khiến ngài phải thay đổi nơi cư trú chín lần. Dẫu cho những bất ổn về chế độ chính trị, Đạo An vẫn tiếp tục công tác nghiên cứu và bình luận của mình, trái ngược với những tăng sĩ phương Nam rút khỏi xã hội để tự nghiên cứu. Trong khi nghiên cứu Phật giáo, Đạo An có kiến giải mới, khác với những học giả trước đó. Từ thời Hán, Ngụy, chư tang Trung Quốc đọc và giảng kinh điển Phật giáo, thường dùng phương pháp “cách nghĩa”, tức là sử dụng những từ ngữ, khái niệm, thuật ngữ Lão Trang giải thích nghĩa lý trong Phật pháp, để người Trung Quốc tiếp nhận Phật giáo dễ dàng. Đến thời Đạo An, Trúc Pháp Nhã, Khang Pháp Lãng…, trong nhóm những vị ấy, phương pháp “cách nghĩa” dần dần được san định để thống nhất. Theo nhận thức mới của Đạo An, dùng phương pháp “cách nghĩa” để lý giải Phật pháp, sẽ có tính hạn cuộc nhất định, rất dễ phát sinh hiểu lầm. Ngài không đồng tình với phương pháp dịch “Cách nghĩa”[17], không nên phụ thuộc vào các tác phẩm phi Phật giáo để truyền bá Phật giáo.
Sự vận dụng cách nghĩa có tính lịch sử nhất định. Phật giáo khi mới truyền vào Trung Quốc còn quá mới mẻ, giáo nghĩa chưa được trình bày rõ ràng. Việc dùng sách Nho, Đạo đem so sánh và phối hợp với sách Phật trở thành nhu cầu bức thiết cho sự phát triển Phật giáo ở buổi ban đầu. Chính vì vậy dù Đạo An có phản đối phép cách nghĩa, nhưng trên thực tế ngài cũng vẫn chưa thể thoát khỏi hẳn phương pháp ấy. Không những thỉnh thoảng tự thân ngài vẫn sử dụng huyền học của Lão Trang để thuyết giảng Phật pháp, có lúc còn đặc biệt cho phép vị cao đồ là Huệ Viễn, khi giảng giải kinh Phật, có thể dẫn dụng nghĩa lý trong sách Trang Tử để gợi ý thính chúng.
Đạo An đã sáng lập một chủ thuyết được gọi là “Bổn Vô tông” của Bát Nhã học. Đây là học phái hình thành sớm nhất, hơn hẳn các học phái trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, tác động đến tiến trình Trung Quốc hóa. Ngài đã dung hợp hai hệ tư tưởng lớn Thiền và Bát Nhã. Bát Nhã học trong thời Ngụy Tấn chịu ảnh hưởng của huyền học Lão Trang, hình thành “6 nhà 7 tông”. Trong đó “Bổn Vô tông” của Đạo An có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Bổn Vô tông của ngài xuất hiện, báo hiệu chuyển sang giai đoạn Phật giáo Trung Quốc tiếp thu, tiêu hóa, dung hợp, quán thông, phát huy sáng tạo. Tuy nhiên, trường phái này tan rã khi Ngài viên tịch. Về sau, Lục gia phái chủ trương theo tông Bổn Vô của Đạo An, nhưng luận giải thì “cách nghĩa” chẳng hợp lý đạo với Ngài. Vì thế, các đệ tử Đạo An kịch liệt phản biện Lục gia. Ảnh hưởng của học thức, đạo phong, đức độ, công tích và địa vị của bậc tông sư một đời đại Thích Đạo An, xưa nay vẫn được các giới Phật giáo và học thuật đánh giá cao. Đạo An đối với hai hệ tư tưởng lớn Bát Nhã và Thiền học, không những biểu hiện học thức uyên bác, tầm nhìn mở rộng, mà còn nói lên óc suy cứu độc lập, tinh thần dám làm mới của ngài.
Thông qua việc nghiên cứu và đọc nhiều kinh điển, Đạo An đã thâm nhập một cách tinh tế và sâu sắc, nhận thấy những đoạn dịch lỗi và làm rõ ý nghĩa thông qua các bài bình luận của mình. Ngài Đạo An đúc kết kinh nghiệm, khó khăn từng gặp trong việc dịch kinh, đề ra “ngũ thất bản, tam bất dị”. “Ngũ thất bản”(5 điều mất gốc): 1) Dùng cách đảo trang để dịch câu nguyên văn, cho phù hợp với tập quán ngữ pháp Hán văn; 2) Dùng cách tu sức thích đáng để dịch câu nguyên văn chất phác, cho phù hợp với cái học phong hiếu văn chương của người Trung Quốc; 3) Tỉnh lược một cách thích đáng đối với nguyên văn trùng phức rắc rối; 4) Cắt bỏ những câu tụng văn ở trong nguyên bản có tính cách đúc kết mà lại lặp đi lặp lại; 5) Không dịch toàn cả đoạn văn lặp đi lặp lại đoạn văn trước ở trong nguyên bản.
“Tam bất dị” (3 điều không dễ dịch): 1) Không dễ gì đem đồ vật thời cổ đại phiên dịch cho thích hợp với thời hiện kim; 2) Không dễ gì đem lời của thánh nhân dịch ra cho kẻ phàm phu ngu muội đủ sức tiếp nhận am hiểu; 3) Người dịch bình thường hiện thời không dễ gì am hiểu tường tận thâm ý của Phật trước đây cả ngàn năm. Quan điểm này ảnh hưởng lớn đối với công tác phiên dịch kinh điển về sau. Khi Cưu Ma La Thập dịch kinh, Tăng Duệ tham gia chấp bút. Mỗi khi chấp bút, trong lòng 3 lần nghĩ đến lời giáo huấn của Đạo An, bỗng nhiên cảm thấy lo sợ, cho nên phải hết sức cẩn trọng[18].
Năm 365, trong chuyến di cư từ miền Bắc đến Tương Dương, Đạo An phân tán 400 đệ tử đi khắp nơi truyền bá giáo pháp. Trong đó, Trúc Pháp Thải, Pháp Hòa hành đạo khu vực sông Dương Tử và Tứ Xuyên. Đạo An đến Tương Dương suốt 15 năm cùng với một số đệ tử. Năm 379, vua Phù Kiên của nhà Tiền Tấn, đã tấn công miền Bắc, cử tướng Phù Phi chiếm thành Tương Dương. Trong tình hình chiến loạn, Đạo An không vì thế mà ẩn tích giữ mình. Trái lại, ngài vẫn giữ nếp tu học, hoạt động truyền giáo không gián đoạn, lấy việc hoằng pháp làm nhiệm vụ. Đạo An cho các đệ tử chia nhau đi các nơi hoằng hóa, khiến cho Phật giáo ngày càng trải rộng. Huệ Viễn xuống phía Nam Trung Hoa, thành lập trung tâm Phật giáo nổi tiếng Lư Sơn ở Giang Tây. Phật giáo truyền vào Trung Quốc từ thời Hán, đến thời Ngụy, thời Tấn thì hưng thịnh, ngoại trừ nhiều nguyên nhân đến từ điều kiện xã hội và phong thái học thuật, có thể nói, sự hưng thịnh ấy đã không tách rời nỗ lực không mỏi mệt của thầy trò Đạo An.
Đạo An tổ chức đạo tràng dịch kinh cho chư tăng Trung Quốc và ngoại quốc. Ngài thỉnh sa môn ngoại quốc như Tăng Già Đề Bà, Đàm Ma Nan Đề, và Tăng Già Bạt Trừng, dịch kinh trên trăm quyển. Đa số là kinh điển Đại thừa, nhưng vẫn lấy kinh điển của Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ làm chủ yếu. Phụ giúp Đạo An có Triệu Chính, Trúc Phật Niệm và Pháp Hòa. Chính Đạo An khởi xướng mời Cưu Ma La Thập đến Trường An. Tuy nhiên, Ngài đã viên tịch trước khi La Thập đến, qua những công trình cống hiến của Đạo An, La Thập thốt lên lời tán thán rằng: “Đông phương Thánh nhân”. Nhân tài tập trung và đào tạo bởi Đạo An trở thành nguồn nhân lực cho Cưu Ma La Thập trong công tác dịch thuật. Đạo An trở thành nhân vật chủ chốt trong tất cả những phát triển chính của Phật giáo Trung Quốc trong giai đoạn này. Các nhà hào phú ở địa phương đều thường xuyên tới lui, cúng dường xây chùa, dựng tháp, đúc tượng. Vua nước Tiền Tần là Phù Kiên sai sứ đem tượng Phật thếp vàng cao 7 thước, tượng Phật ngồi bằng vàng, tượng Phật Di Lặc kết bằng châu ngọc, và các tượng thêu bằng những sợi tơ vàng, sang cúng dường ngài[19]. Một trong những danh sĩ đứng đầu tại Tương Dương là Tập Tạc Xỉ kết giao với Đạo An với câu đối đáp nổi danh đương thời “Tứ hải Tập Tạc Sĩ; Di thiên Thích Đạo An”[20].
Đạo An ở tại Tương Dương chuyên giảng kinh thuyết pháp, chỉnh lí kinh điển, biên soạn mục lục, chế định tăng qui, đem lại nhiều thành quả nổi bật. Vua Phù Kiên của nước Tiền Tần nghe danh ngài, nói: “Ở Tương Dương có ngài Thích Đạo An, đầy đủ thần khí. Nên muốn mời đến để giúp cho trẫm trị nước”[21]. Năm thứ 3 niên hiệu Thái Nguyên (378) vua Hiếu Vũ đế, vua Phù Kiên sai tướng Phù Phi dẫn quân tấn công thành Tương Dương, đem Đạo An và Tập Tạc Xỉ đưa về Trường An.Tại chùa Ngũ Trùng, tăng chúng có đến mấy ngàn người. Vua Phù Kiên, quan lại sùng kính ngài, đãi ngộ trọng hậu. Vua Phù Kiên nói: “An công đạo đức đáng ton trọng. Trẫm cho đem thiên hạ mà đổi An không phải dễ, vinh dự xe cộ, chưa xứng đức ấy”[22].
Trong giai đoạn cuối đời tại Trường An, ngài dịch được 14 bộ kinh, gồm 183 quyển. Ngài cũng cần mẫn trong việc chú thích kinh điển, viết các bài tựa. Trước sau Đạo An trước tác hơn 60 chủng loại, ngày nay hiện còn hơn 20 chủng loại, nội dung bao hàm rộng rãi các lãnh vực như lý luận Phật giáo đại tiểu thừa, tu thiền, luật nghi… Năm thứ 10 niên hiệu Thái Nguyên (385) thời Tấn, ngày mồng tám tháng hai, ngài an nhiên viên tịch, thế thọ 72 tuổi.
KẾT LUẬN
Đạo An là nhà Phật học uyên bác nhất của Trung Quốc trong thời đại Đông Tấn, cũng là nhà truyền giáo có tầm ảnh hưởng to lớn và sâu xa trong tiến trình phát triển của Phật giáo Trung Quốc. Ngài tận lực hoằng dương Phật pháp, tích cực bồi dưỡng đệ tử. Khác với các vị cao tăng đương thời chỉ thích an nhàn tự tại, ẩn mình trong chốn núi rừng, Đạo An trước sau chuyên tâm truyền bá Phật pháp và giáo hóa đồ chúng, thúc đẩy mãnh liệt đối với tiến trình phát triển của Phật giáo Trung Quốc. Đạo An có trí tuệ đặc thù, nổi danh thiên tài, lãnh tụ các bậc tiên hiền, khai thông đàn hậu học. Ngài chế định qui phạm tăng ni, hiến chương Phật pháp, thống nhất họ cho sa môn, những sự kiện đó cũng đã gây nên tác dụng nhất định cho bước phát triển của Phật giáo.
Tác giả: Thích Chúc Hòa
——————-
CHÚ THÍCH
[1] Huệ Kiểu, Song Hào Lý Việt Dũng dịch, Cao tăng truyện sơ tập, tr. 200.
[2] Kenneth K.S Ch’en, Buddhism in China, tr. 95.
[3] Pháp Sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, tr. 44.
[4] Pháp Sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, tr. 54.
[5] Pháp Sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, tr. 46.
[6] Kenneth Ch’en, Buddhism In China, tr.97.
[7] Lữ Trừng, Thích Hạnh Bình dịch, Lịch sử tư tưởng Phật học Trung Quốc, tr. 114.
[8] Huệ Kiểu, Song Hào Lý Việt Dũng dịch, Cao tăng truyện sơ tập, tr. 210.
[9] Zenryu Tsukamoto, Leon Hurvitz (dịch), A History of Early Chinese Buddhism, tr.756.
[10] Kenneth K.S Ch’en, Buddhism in China, tr. 100.
[11] Huệ Kiểu, Song Hào Lý Việt Dũng dịch, Cao tăng truyện sơ tập, tr. 206.
[12] HT Thích Thanh Từ, Kinh Tăng Nhất A-Hàm – Tập II, XXIX. Phẩm Khổ Lạc, Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 103.
[13] Giác Không, Giải Luận Giáo Lý, 1969.
[14] Huệ Kiểu, Song Hào Lý Việt Dũng dịch, Cao tăng truyện sơ tập, tr. 209 -210.
[15] Kenneth Ch’en, Buddhism In China, tr.99.
[16] Dr. Chou Hsiang-Kuang, A history of Chinese Buddhism, tr. 42.
[17].Lữ Trừng, Thích Hạnh Bình dịch, Lịch sử tư tưởng Phật học Trung Quốc, tr. 75.
[18] Lữ Trừng, Thích Hạnh Bình dịch, Lịch sử tư tưởng Phật học Trung Quốc, tr.95.
[19] Huệ Kiểu, Song Hào Lý Việt Dũng dịch, Cao tăng truyện sơ tập, tr. 204.
[20] HT. Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, tr. 55.
[21] Huệ Kiểu, Song Hào Lý Việt Dũng dịch, Cao tăng truyện sơ tập, tr. 206.
[22] Sđd, tr. 208.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Pháp Sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc,
NXB. Phương Đông, TP. HCM, 2010.
2. Giác Không, Giải Luận Giáo Lý, Nha Tuyên Úy Phật Giáo QLVNCH, Sài Gòn, 1969.
3. Huệ Kiểu, Song Hào Lý Việt Dũng dịch, Cao tăng truyện sơ tập, NXB. Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, 2015.
4. HT. Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2010.
5. HT Thích Thanh Từ, Kinh Tăng Nhất A-Hàm – Tập II, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2005.
6. Lữ Trừng, Thích Hạnh Bình dịch, Lịch sử tư tưởng Phật học Trung Quốc, NXB. Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, 2018.
7. Dr. Chou Hsiang-Kuang, A History of Chinese Buddhism, Indo-Chinese Literature Publications, India, 1956.
8. Kenneth K.S Ch’en, Buddhism in China, Princeton University Press, New Jersey, 1964.
9. Zenryu Tsukamoto, Leon Hurvitz (dịch), A History of Early Chinese Buddhism, Tokyo – New Yord – San Francisco, 1985.