Vua Asoka-người hộ trì Phật giáo dưới góc nhìn bia ký (SC. Thích Nữ Chúc Hòa) - Audio
Vua Asoka xuất hiện trong lịch sử Ấn Độ với hai tư cách: Một Quân vương chinh phục và một Quân chủ bảo hộ Phật giáo nhiệt thành. Sự sùng kính của nhà vua đối với Tam bảo đã đem lại lợi ích lớn lao cho nhân dân và cho Phật giáo. Bài viết trình bày một số nội dung về cuộc đời và hành hoạt hộ pháp của vua Asoka qua các bia ký tại Kalinga, Lumbini, Sarnath và Bairat.
TIỂU SỬ VUA ASOKA
Ngược dòng lịch sử, vào thời đại trị vì của vương triều Maurya (Khổng Tước) ở xứ Ấn Độ, đã xuất hiện một nhân vật lịch sử, đó là vua Asoka (304-232 TCN), tên tuổi của ông đã trở thành huyền thoại và đi vào lịch sử nhân loại. Asoka trước hết được biết đến là Hoàng đế của một triều đại hùng mạnh và cực thịnh trong lịch sử Ấn Độ cổ đại, ông nội là vua Chandragupta, thân phụ là vua Bindusara. Vua Asoka nổi tiếng bởi đường lối lãnh đạo đầy nhân bản của Ngài, đỉnh cao trong cuộc đời Asoka là sự từ bỏ chiến tranh, quyết tâm theo đuổi hòa bình và nỗ lực xây dựng một vương quốc thánh thiện nhất trong lịch sử: “Asoka là vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nhân loại chủ trương tự thắng chính mình hơn chiến thắng người khác và dùng pháp âm thay cho tiếng trống trận” [1]. Lịch sử Phật giáo đã ghi nhận đóng góp to lớn của vua Asoka trong việc hộ trì Chánh pháp, phát triển Đạo Phật. Chính Ngài đã bảo trợ kỳ kiết tập Kinh điển lần thứ III, đưa chín phái đoàn truyền giáo ra nước ngoài để truyền bá Chánh pháp, cho xây dựng tháp thờ Xá lợi Phật trên khắp đất nước. Đặc biệt, vua ra các huấn lệnh liên quan đến Phật giáo, cho khắc vào các bia ký và trụ đá trở thành minh chứng lịch sử cho sự đóng góp của Ngài đối với Phật giáo, đồng thời, làm sáng tỏ cuộc đời của vị Thánh vương cai trị bằng Chánh pháp.
BIA KÝ TẠI KALINGA
Đầu thế kỷ XIX, các nhà khảo cổ tìm thấy“Một tập hợp 14 chỉ sắc lệnh nổi tiếng của vua A Dục khoảng một dặm về phía Đông Junagarh, thủ phủ bang Junagah trong bán đảo Kahiavar tạo lối vào của một hẻm núi dẫn đến thung lũng bao quanh ngọn núi thiêng liêng, hùng vĩ Girnar” [2]. Mười bốn sắc dụ chính được đánh số từ I đến XIV, hai sắc dụ chính trên đá tại Kalinga và nhiều sắc dụ khác, tổng cộng có 33 sắc dụ Asoka đã được tìm thấy. Chúng là những trụ đá độc đáo cả về nội dung lẫn nghệ thuật điêu khắc, phản ánh cuộc đời vua Asoka, một người đã thực hành Chánh pháp vì hòa bình, hạnh phúc cho mọi người và vì phụng sự đạo pháp.
Bia ký ghi lại nguyên nhân vua Asoka đến với Phật giáo sau trận chiến Kalinga: “Canda Asoka chống gươm lặng ngắm thảm cảnh kinh hoàng. Trái tim của vị Đại đế chùng xuống, ông cảm thấy hối hận, bẻ lưỡi gươm thề, quyết từ nay không sử dụng vũ lực để gây nên một cuộc can qua nào nữa” [3]. Sự tàn khốc của cuộc chiến Kalinga khiến ông tỉnh ngộ cùng với trái tim đầy lòng thương cảm tạo động lực thúc đẩy Asoka đến với Phật giáo. Bia ký Shanbazgarhi cho thấy bước ngoặt quan trọng của triều đại Maurya khi Asoka chấm dứt chinh phạt, quy hướng Phật pháp: “Sau khi chinh phục xứ Kalinga, đức Thánh tượng Priyadarsi, người con yêu quý của các Thần linh đã thực hành Chánh pháp, yêu quý Chánh pháp và giảng dạy Chánh pháp” [4]. Đối với ông, Đức Phật “như người dựng đứng lại những gì bị quăng bỏ xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc” [5]. Có lẽ ông nhận ra chỉ có Đức Phật và Chánh pháp mới mở ra con đường cho những ai muốn sống đời sống thánh thiện, giải thoát khổ đau, nên Asoka chọn quy hướng Phật giáo: “…tiếng trống trận (bheri-ghosa) năm xưa biến thành tiếng gọi của Chánh pháp (Dharma-ghosa) mở ra cho mọi người quang cảnh các thế giới thần tiên, các loài voi” [6]. Asoka tuyên bố thực hành Chánh pháp, dùng pháp âm thay tiếng trống trận, lấy tiếng gọi Chánh pháp tạo dựng “tịnh thổ” ngay “cõi Ta Bà”. Ông công khai quay lưng với chiến tranh và các nước lân bang cũng ủng hộ việc này: “Không có bằng chứng lịch sử nào nói rằng có vua láng giềng nào đã lợi dụng sự sùng đạo của Asoka để tấn công về quân sự hay có một cuộc nổi loạn nào trong đế quốc ông sinh thời” [7].
Nếu trước đó, ông được biết đến với tên Asoka tàn bạo, bây giờ với lòng từ bi xóa bỏ hận thù, vì lợi lạc chúng sanh, ông trở thành vị Thánh vương với danh hiệu Dhammasoka. Sự ân hận trước những tàn hại của chiến tranh và mong muốn chấm dứt việc giết chóc đã đưa vua đến với Phật giáo:
“Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn
Thật chiến thắng tối thượng” [8].
BIA KÝ TẠI BAIRAT
Giáo lý của Đức Phật mang lại lợi ích to lớn và được triều đình vua Asoka tin theo vì “Pháp Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu” [9]. Vì sự sùng kính và muốn phổ thuyết Phật giáo cho thần dân, nhà vua đã dựng nhiều bia ký trên khắp vương quốc, văn khắc trên bia đá thể hiện niềm tin, sự tôn kính ba ngôi báu và xiển dương Kinh Phật của vua.
Bia ký Bairat ghi như sau: “1. Vua Thiên Ái Thiện Kiến, nước Ma Kiệt Đà đảnh lễ Tăng già, mong rằng các vị khỏe mạnh và an lạc; 2. Như các vị đã biết, thưa các Tôn giả, lòng tin bất thối và lòng kính trọng của Trẫm đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng; 3. Bất cứ điều gì, thưa các Tôn giả, được tuyên thuyết từ Đấng Giác ngộ, tất cả điều ấy là thiện thuyết. 4. Thưa các Tôn giả, cho phép Trẫm được nói rằng: Điều mà Trẫm tin tưởng sẽ đóng góp vào việc trường tồn của Chánh pháp; 5. Thưa các Tôn giả, những đoạn sau đây (được trích) từ Pháp: 1. Vinaya-samukasa; 2. Alya-vasasnh); 3. Anagata-bhayas; 4. Muni-gasthas; 5. Moneya-sutta; 6. Upatisa-pasina; 7. Laghulovada; 6. Trẫm muốn rằng Tăng, Ni trùng tụng, lắng nghe những đoạn này của Chánh pháp và rằng sẽ ảnh hưởng đến các vị; 7.Cùng một cách như vậy, hàng Cư sĩ áo trắng nam và nữ cũng nên thực hành theo; 8. Vì mục đích đó, thưa các Tôn giả, Trẫm hạ chỉ được viết ra để mọi người biết được bản ý của Trẫm” [10].
Bia ký được phát hiện tại Bairat trên một ngọn đồi kề bên thị trấn Bairat năm 1840. Ngôn ngữ trên bia ký là tiếng Prakit, gồm 8 hàng chữ viết bằng hệ Brahmi, nội dung cho biết Asoka đã đến Bairat thăm viếng, cầu chúc sức khỏe và đảnh lễ Tăng già. Sau khi tin theo Phật giáo, thể hiện lòng tin bất thối và sự kính trọng Phật, Pháp, Tăng như một người Cư sĩ hộ pháp. “Tức vị tới năm thứ 2, vua lại phát tâm thọ giới Ưu-bà-tắc, ngộ được chính trí, năm thứ 12 thường thường công bố nhiều sắc lệnh chấn hưng Phật giáo” [11]. Theo Phật giáo, niềm tin là một trong bảy tài sản của bậc Thánh và người có niềm tin nơi Tam bảo mới đủ khả năng thực hành Chánh pháp và vua Asoka đã thực hành điều đó: “A Dục Vương sùng Phật, làm việc bố thí rất rộng rãi, chi phí hàng trăm vạn xây dựng tháp Xá lợi Phật đến tám vạn bốn nghìn ngôi, tu dựng tinh xá, cung phụng Tăng già” [12]. Bia ký này được xem là chỉ dụ riêng của đức vua với Tăng già và xác nhận vua Thiên Ái Thiện Kiến cũng chính Asoka vua nước Ma Kiệt Đà. Mặt khác, nội dung bia ký đề cập Asoka tán dương giáo lý Đức Phật khéo thuyết và nhắc tên bảy Kinh xem căn bản và quan trọng cho đời sống Tăng, Ni nam nữ Cư sĩ: “1. Luận về tầm quan trọng của giới luật, 2. Thánh cư hay nếp sống phạm hạnh cao cả, 3. Các lo lắng về tương lai, 4. Các bài kệ nói về đời sống ẩn sĩ, 5. Bài Kinh đề cập sự tịch tịnh, 6. Những câu hỏi của Xá Lợi Phất, 7. Giáo Giới La Hầu La” [13].
Bảy tên Kinh khắc trên đá thể hiện ý muốn vua Asoka xiển dương Kinh, Luật để thần dân đều ghi nhớ, học tập, đạt lợi ích lớn lao. Bia ký còn cho thấy vào lúc này, Kinh văn Phật giáo đã được kết tập và có khả năng phổ biến trong quần chúng.
BIA KÝ TẠI SARNATH
Vua Asoka rất chú ý đến vấn đề hòa hợp và phát triển Tăng đoàn. Bia ký trên trụ đá tại Sarnath có cùng nội dung với trụ đá tại Kausambi và Sanchi, chữ Brahmi của triều đại Maurya ghi rõ: “1. Thiên Ái…, 2. … Hoa Thị Thành; … 3. Tăng già không thể phân chia bởi bất cứ người nào; 4. Bất cứ Tỳ kheo hay Tỳ kheo Ni nào chia rẽ Tăng già sẽ bị lột y (cho mặc đồ trắng) và đuổi ra khỏi tu viện (cho ở nơi không phải tu viện); 5. Sắc lệnh này hãy được thông báo cho Tăng đoàn lẫn Ni đoàn; 6. Thiên Ái Thiện Kiến Vương nói như thế; 7. Hãy để một bản sắc lệnh này trong văn phòng của Tăng già và một bản nữa cho người Cư sĩ áo trắng; 8. Những người Cư sĩ áo trắng có thể đến đây vào ngày trưởng tịnh để được tăng trưởng tín tâm vào sắc lệnh này. Cũng như vậy, các vị “Tôn giáo quan” (mahamatra) đến đây vào ngày trưởng tịnh để tăng trưởng tín tâm vào sắc lệnh này; 9. Xa cho đến nơi ở của các ngươi hãy phái đi một vị quan của triều đình đến mọi nơi để biết và thực hành theo sắc lệnh này” [15]. Sắc lệnh này được ban ra trong những năm cuối đời của Asoka. Vua muốn Chánh pháp được trường tồn nên ngoài việc ủng hộ Hội nghị Kết tập Kinh điển lần thứ ba do Trưởng lão Moggaliputta Tissa chủ trì, cử các phái đoàn truyền giáo sang Kashmir, Gandhara, Mahisamandala, Varanasi, Silanka… phổ biến Phật pháp, Asoka lệnh cho toàn dân ghi nhớ không được chia rẽ Tăng đoàn. Sự chia rẽ Tăng già do không cùng quan điểm trong một số vấn đề góp phần phân chia bộ phái và dẫn tới Đại hội Kết tập Kinh điển lần thứ ba. Tăng đoàn vững chãi, thống nhất thì Phật giáo mới trường tồn trên thế gian.
Đối chiếu với các sử liệu bấy giờ cho thấy, vì được sự ủng hộ của triều đình nên nhiều người trà trộn vào Tăng đoàn để hưởng thụ lợi dưỡng, không chịu tu tập, giảng giải những giáo lý sai lệch, khiến Tăng đoàn bị suy vi. Nhờ các bậc cao Tăng và sự hộ pháp của vua Asoka nên Tăng đoàn đã được thanh tịnh và hòa hợp trở lại. Cũng nên nói thêm, ngoài Phật giáo được trọng vọng, vua Asoka cũng dành sự tôn trọng nhất định đối với các tôn giáo khác.
BIA KÝ TẠI LUMBINI
Bia ký tại Lumbini dựng nơi khu vườn Đức Phật Đản sanh cũng thuộc văn hệ Brahmi, được tiến sĩ A.A.Fuhrer tìm thấy năm 1896, trùng khớp mô tả trong Đại Đường Tây Vực Ký của Huyền Tráng. Bia có nội dung nói về việc thu thuế và giảm thuế cho dân: “Hai mươi năm sau khi lên ngôi, vua Thiên Ái Thiện Kiến đích thân đảnh lễ nơi này bởi vì Đức Thích Ca đã Đản sanh nơi đây… Ngài hạ chỉ giảm thuế cho làng Lum Bi Ni và chỉ đóng một phần tám sản lượng” [16]. Sự chiêm bái các Thánh tích Phật giáo của Asoka được lịch sử ghi nhận và tán dương. Asoka đã thực hành lời dạy của Thế Tôn: “Này Ananda, có bốn Thánh tích, người thiện tín Cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính” [17].
Asoka chiêm bái các Phật tích như: Lumbini, Bồ đề Đạo tràng, vườn Lộc Dã, rừng Sa La Song Thọ. Mỗi Thánh tích Asoka đều cho xây tháp cúng dường, dựng trụ đá. Tại nơi Đức Phật Đản sanh – Lumbini, để tỏ lòng tri ân bậc Đạo sư đã khai sáng con đường giác ngộ, Ngài cho giảm thuế, chỉ đóng một phần tám sản lượng thu hoạch. Hành động này của vua xét trong bối cảnh bấy giờ là rất đáng quý.
Nguồn thuế dưới thời vua Asoka được chi cho nhiều việc từ thiện và an sinh như: Làm đường, xây nhà dưỡng lão, bệnh viện cho người và thú như trong bia ký II Girnar ghi: “Xây dựng hai loại hình trị liệu, chăm sóc y tế cho người và trị liệu cho thú vật. Các loại cây làm thuốc cần cho việc điều trị người và thú vật được phép nhập khẩu và cho trồng tại những nơi chưa có. Trên các trục lộ, các giếng nước được xây và các loại cây được gieo trồng để phục vụ tiện ích cho người và súc vật” [18]. Vua Asoka khuyến khích tôn trọng loài hữu tình, bảo vệ sự sống, làm lợi lạc chúng sanh.
Đạo Phật chủ trương dùng thiện pháp chuyển hóa nhận thức của mọi người, không phân biệt là người bình dân hay người giữ cương vị trọng yếu của đất nước. Vua Asoka – bậc quân vương, đã từ bỏ chiến tranh, chọn lối đi hòa bình theo Chánh pháp và đề cao đạo đức, bất bạo lực. Ông thật xứng danh hiệu Dharmmasoka. Thời đại của vua Asoka là thời đại thịnh trị Phật pháp trong lịch sử Ấn Độ. Các trụ đá đã phản ánh chân thực tình hình Phật giáo lúc bấy giờ và chính sách trọng thị Phật giáo của nhà vua.
SC. Thích Nữ Chúc Hòa
Chú thích:
* SC. Thích Nữ Chúc Hòa: Học viên Cao học khóa III tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
[1] Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí (dịch) (2008), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, tr.143.
[2] Thích Chơn Minh, Tài liệu Văn bia và Khảo Cổ Học Phật giáo, The Girnar Rock, Khóa XII, tr.1.
[3] Minh Đức Triều Tâm Ảnh (2008), Sử Phật Giáo Thế Giới tập 1, Nxb.Thuận Hóa, tr.55.
[4] Thích Tâm Minh (2004), A Dục Vương cuộc đời và sự nghiệp, Bia ký Shahbazgarhi, Nxb.Tôn giáo, tr.316.
[5] Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam (2017), Đại Tạng Kinh Nam Truyền Kinh Trung Bộ 1, Nxb.Tôn giáo, tr.65.
[6] Thích Tâm Minh (2004), Nxb.Tôn giáoSđd, tr.306.
[7] Thích Tâm Minh (2004), Sđd, Nxb.Tôn giáo, tr.119-120.
[8] Thích Minh Châu (dịch) (1999), Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Viện NCPHVN, tr.52.
[9] Thích Minh Châu (dịch) (1991), Kinh Tương Ưng 5, Viện NCPHVN, tr.502.
[10] Thích Chơn Minh, Tài liệu Văn bia và Khảo Cổ học Phật giáo, The Calcutta-Bairat Rock-Inscription, Khóa XII.
[11] Thích Thanh Kiểm (2014), Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, tr.93.
[12] Thánh Nghiêm – Tịnh Hải (2008), Lịch sử Phật giáo Thế Giới, Nxb.Khoa Học Xã Hội, tr.125.
[13] Thích Tâm Minh (2004), Nxb.Tôn giáo Sđd, tr.299.
[14] Thích Chơn Minh, Tài liệu Văn Bia và Khảo Cổ học Phật giáo, The Calcutta-Bairat Rock-Inscription, Khóa XII, tr.2
[15] Thích Chơn Minh, Tài liệu Văn bia và Khảo Cổ học Phật giáo, Sarnath Pillar Inscription, Khóa XII.
[16] Thích Chơn Minh, Tài liệu Văn bia và Khảo Cổ Học Phật Giáo, The Rummindei pillar inscription, Khóa XII, tr.1
[17] Thích Minh Châu (dịch) (1991), Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh, Viện NCPHVN Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.328.
[18] Thích Tâm Minh (2004), Nxb. Tôn giáo Sđd, tr.305.