Chùa Tiêu - trung tâm Phật giáo xưa của Việt Nam
Trần Văn Thông
07/10/2010 07:10 (GMT+7)





Dọc quốc lộ 1 A đường Hà Nội - Lạng Sơn, ai đã từng đi đâu, về đâu, nhưng chưa lấy một lần đến vãng cảnh chùa Tiêu thì thật là đáng tiếc.

Trở ngại về địa lý hay eo hẹp về thời gian, nhưng chỉ cần mạnh dạn một chút, quyết tâm vượt qua các ngại ngùng trong lòng là có thể đến được chùa Tiêu.

Chùa Tiêu có tên là chùa Thiên Tâm còn gọi là Tiêu Sơn tự, chùa nằm trên lưng chừng núi Tiêu. Nay thuộc xã Tương Giang - huyện Tiên Sơn - tỉnh Bắc Ninh.

Chùa Tiêu là một danh thắng nổi tiếng và cũng là - trung tâm Phật giáo cổ xưa của Việt Nam.

Những công trình còn lại của chùa Thiên Tâm (chùa Tiêu) hiện nay là sản phẩm kiến trúc nghệ thuật thời Lê - Nguyễn.

Chùa Tiêu hầu như không bị ảnh hưởng bởi các biến cố lịch sử qua nhiều thời kỳ và chỉ cách thủ đô Hà Nội khoảng 20 km mà thôi.

Từ xưa, ở đây, núi bắc, sông nam sơn thủy hữu tình, con sông Tiêu Tương chảy qua bây giờ đã biến thành đồng ruộng, làng mạc trù phú. Dấu ấn một thời chỉ còn lại là một cái hồ sen dưới chân núi trước cửa chùa.

Theo bước chân du khách về chốn này, dưới bóng cây xanh mát rượi, ta bước lên từng bậc gạch. Ta đang lần tìm đến nơi phát tích của một triều đại phát triển toàn diện và một quốc gia phong kiến độc lập: triều nhà Lý.

Trước mắt ta, trên sân lữ khách dừng chân, cũng là đường dẫn đến chùa chính nhà thờ tổ, hiển hiện một nhà bia mới dựng. Thành kính thắp nén hương, trân trọng xem câu đối trên cột nhà bia viết bằng chữ Hán:

"Lý gia linh tích tồn bi kỷ
Tiêu Lĩnh danh kha đắc sử truyền"

(Dẫu thiêng nhà Lý còn bia tạc
Danh thắng non tiên có sử truyền).


Mặt chính của tấm bia khắc chữ Hán Nôm:

"Lý gia linh thạch". Mặt sau bia quay vào phía núi khắc chữ Hán nhỏ. Theo ông Nguyễn Công Nha người làng Đình Bảng tạm dịch như sau:

"Chùa Thiên Tâm có Lý Vạn Hạnh (là người trụ trì tăng viện người làng Cổ Pháp (nay thuộc làng Đình Bảng - huyện Tiên Sơn - tỉnh Bắc Ninh).

Đặc biệt, sườn đông bên tả ngạn sông Tiêu Tương có bà Phạm Mẫu người ở Hoa Lâm, lên chùa đèn nhang gặp người thần ngẫu nhiên có thai, rồi sinh ra Lý Công Uẩn tại tam quan chùa ứng Tâm hương cổ pháp còn gọi là chùa Dân thuộc xã Đình Bảng ngày nay...".


Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi việc này:

"Thái tổ Hoàng đế họ Lý, tên húy là Công Uẩn người châu Cổ Pháp. Mẹ họ Phạm đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần... Có chửa sinh vua ngày 12/2 năm Giáp Tuất, niên hiệu thái bình năm thứ năm (974) thời Đinh. Mới ba tuổi... Sư Khánh Văn nhận làm con nuôi, bé đã thông minh vẻ người tuấn tú khác thường, lúc nhỏ đi học nhà sư Vạn Hạnh thấy khen rằng "đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy cơ, gỡ rối làm bực minh chủ trong thiên hạ".

Nói về chùa Tiêu là nói đến Thiền sư Vạn Hạnh. Bởi lẽ chùa Tiêu là chốn tu thiền giảng đạo của nhiều bậc cao tăng trong đó sư Vạn Hạnh là người trụ trì.

Thiền sư Vạn Hạnh là một con người tài năng: về đạo thì "linh thông tam pháp cửu lưu" còn binh pháp thì thuộc lòng binh pháp của Tôn Tử "Vũ".

Do có công lao cố vấn cho triều tiền Lê và Lý, Thiền sư Vạn Hạnh được suy tôn là quốc sư, hiện nay trong chùa Tiêu còn bài vị thờ sư tổ:

"Lý triều tể tướng Thiền sư Vạn Hạnh vị".

Sư thần Ngô Sĩ Liên thừa nhận: "Mắt trông thấy Lý Thái Tổ biết là người khác thường, đến khi thấy sét đánh thành vết chữ thì đoán ngay thời thế thay đổi, như thế là có trí thức vượt người thường".

Nghe các cụ Đình Bảng kể rằng: Thiền sư Vạn Hạnh sinh ra trong một gia đình đại thế tộc, nhiều đời làm quan. Gặp thời loạn thập nhị sứ quân không biết đâu chính, đâu tà đành thành tâm tu luyện đợi thời cơ xoay chuyển thế cuộc. Sư Lý Khánh Văn, sư Lý Vạn Hạnh là hai anh em ruột. Lý Khánh Văn có công nuôi dưỡng. Lý Vạn Hạnh có công dạy dỗ đào tạo và huấn luyện người "lãnh đạo" quốc gia. Họ đều là những cao tăng có kiến thức uyên bác. Năm 1018 Thiền sư Vạn Hạnh không ốm đau bệnh tật gì mà mất, người thời ấy đã truyền lại rằng ngài đã hóa thân.

Vào thập kỷ 90, nhân dân xã Tương Giang, nhà chùa Tiêu Sơn và những người hảo tâm đã đóng góp công sức xây dựng tượng Thiền sư Vạn Hạnh trong tư thế thiền sừng sững giữa đỉnh Tiêu Sơn.

Cảnh đấy, người đây đã tạo cảnh quan xứ này thêm trang trọng và bề thế.

Đến thăm chùa Tiêu, đọc lại 10 điều tâm niệm của người xưa, để tưởng nhớ suy ngẫm, học hỏi những gì tốt đẹp về đạo đức lẽ sống, cách làm người, âu cũng là để cho lòng ta thanh thản, cho trí óc ta trong sáng hơn. Đồng thời ta cũng biết thêm một di tích lịch sử và nghệ thuật được Nhà nước công nhận.



nguồn: Giáo dục và Thời đại
bạn đọc (sưu tầm)

Các tin đã đăng: