Chùa Hương Tích
Chùa Việt Nam
26/01/2011 22:15 (GMT+7)


Đây cũng là một vùng có những dãy núi đá vôi nhấp nhô kề bên những dòng suối uốn lượn quanh co.

Trên núi, hay trong các hang, ở các thôn Yến Vĩ, Đục Khê, Hội Xá và Phú Yên người ta đã xây dựng nhiều đền, chùa, mà trung tâm là chùa Hương trong động Hương Tích.

Vùng Hương Sơn bắt đầu có chùa Phật vào khoảng thế kỷ XV, nhưng các ngôi chùa chính được xây dựng với quy mô lớn là vào khoảng cuối thế kỷ XVII.

Cho đến đầu thế kỷ XX, trong khu vực này, đã có hơn một trăm ngôi chùa.

Để thăm các chùa ở Hương Sơn, người hành hương và khách du lịch thường đi theo các tuyến đường khác nhau.

Tuyến chính là từ bến Yến, đi thuyền theo suối Yến, đến bến Trò (tức bến Thiên Trù). Cũng có thể đi theo con đường bộ ven chân núi.

Trên đường từ bến Yến vào bến Trò, người ta dừng thuyền ở đền Trình (có nghĩa là nơi "trình diện" với thần linh) trên núi Ngũ Nhạc. Đây là đền thờ một vị thần núi.

Trên dòng suối Yến, có một nếp cầu gỗ khá đẹp, gọi là cầu Hội. Từ chân cầu bên trái, có thể đi vào ngôi chùa Thanh Sơn trong một động núi.

Cuối suối Yến là bến Trò, từ đây lên bộ đến chùa Trò, tức chùa Thiên Trù (có nghĩa là "Bếp Trời"), còn được gọi là chùa Ngoài.

Từ bến vào chùa có một nhà bia, trong có tấm bia "Thiên Trù tự bi ký" dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686), ghi lại những hoạt động tu sửa chùa Thiên Trù và chùa Hương Tích của nhà sư Viên Quang.

Giữa sân chùa có một đỉnh đồng cao 3m. Cạnh sân có hồ bán nguyệt và vườn tháp. Trong vườn tháp, còn có ngôi tháp Viên Công chứa hài cốt nhà sư Viên Quang, được dựng từ thế kỷ XVII.

Tháp xây gạch trần màu đỏ, có 4 tầng, tầng thứ 2 và thứ 3 có mái cong với các đầu đao. Ở chùa Thiên Trù hiện còn quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1793) thời Tây Sơn.

Bài minh cho biết người đi quyên góp để đúc quả chuông này là nhà sư Hải Viên. Xưa kia, Thiên Trù là một kiến trúc lớn, nhưng đã bị phá hủy năm 1947.

Ngôi chùa hiện tại nhỏ hơn ngôi chùa cũ. Bái đường và hậu cung chùa Thiên Trù mới được xây dựng lại gần đây. Giữa điện thờ Phật có tượng Quan Âm Nam Hải bằng đá, tạc theo mẫu tượng trong chùa Hương Tích nhưng được phóng to gấp 2,5 lần, cao đến 2,8m.

Gần chùa Thiên Trù là núi Tiên, có chùa Tiên ở trong hang. Trong chùa, có 5 pho tượng bằng đá do những người thợ đá ở Kiện Khê (Hà Nam) tạc năm 1907, dựa vào truyền thuyết Bà Chúa Ba Diệu Thiện đã đắc đạo thành Quan Thế Âm ở Hương Sơn.

Tượng Bà Chúa Ba ở giữa. Phía trước là tượng người chị cả Diệu Thanh cưỡi sư tử xanh (tức: đã trở thành Bồ Tát Văn Thù) và tượng người chị thứ hai Diệu Âm cưỡi voi trắng (tức: đã trở thành Bồ Tát Phổ Hiền). Phía sau là tượng vua cha và hoàng hậu mẹ của Bà Chúa Ba.

Giữa đường từ chùa Thiên Trù đến chùa Hương là chùa Giải Oan. Gần chùa này có động Tuyết Kinh và đền Cửa Võng, thờ mẫu Thượng Ngàn.

Từ chùa Thiên Trù, theo đường núi quanh co và nhiều dốc, khoảng 2km, ta đến chùa Hương, trong động Hương Tích, còn gọi là chùa Trong. Đường xuống hang chùa là một dốc gồm 120 bậc lát đá.

Vách đá trước cửa động có năm chữ Hán "Nam thiên đệ nhất động" (nghĩa là Động thứ nhất ở trời Nam) khắc năm 1770, đời chúa Trịnh Sâm.

Hang khá rộng, có nhiều nhũ đá với  hình dạng khác nhau, được gọi bằng các tên như: Núi Cô, Núi Cậu, Đụn Gạo, Đụn Tiền, Buồng Tằm, Nong Kén,...

Trên bệ thờ Phật, còn có pho tượng Quan Âm bằng đá khá đẹp, ngồi ở tư thế đặc biệt, tay cầm viên ngọc minh châu, chân trái duỗi, đặt trên một bông sen, chân phải co, dưới chân cũng có một bông sen với lá mềm mại.

Theo bài ký khắc trên đá năm 1806 thì pho tượng này được tạc năm 1793. Trong động Hương Tích còn quả chuông đồng cao 1,24m, đường kính đáy 0,63m, đúc năm Thịnh Đức thứ 3 (1655). Từ chùa Thiên Trù, có lối rẽ qua rừng mơ, đến chùa Hinh Bồng.

Một tuyến hành hương khác là theo suối Tuyết đến chùa Bảo Đài. Trong chùa còn giữ được một pho tượng Cửu Long bằng đồng rất đẹp. Từ chùa Bảo Đài, theo một con đường phẳng, ta đến chùa Tuyết trong động Tuyết Sơn, cũng gọi là động Ngọc Long. Chùa Tuyết do một bà quận chúa thời Trịnh dựng vào năm 1694. Ở đây, còn có phù điêu chân dung bà tạc vào vách động.

Một tuyến đường nữa là theo một nhánh của suối Yến, qua núi Ông Sư Bà Vãi, cập bến Long Vân. Từ chùa, vượt qua một con đường núi, đến một thung lũng trồng dâu. Gần đó có chùa Cây Khế, cũng ở trong một hang núi. Cách đó vài trăm mét, có hang Sũng Sàm, một di chỉ văn hóa Hòa Bình thời đại đá đã được các nhà khảo cổ học khai quật.

Chùa Hương Tích đã qua nhiều đời liệt Tổ trụ trì. Từ đời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) đã có 3 vị Hòa thượng đến tu hành tại đây. Đến năm 1687, Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang đã đến đây dựng lại thảo am thờ Phật ở Hương Sơn.

Từ đó đến nay chùa Hương Tích đã qua 12 đời Hòa thượng trụ trì. Các vị trụ trì gần đây là: Hòa thượng Thích Thanh Tích (1881-1964), Hòa thượng Thích Thanh Chân (1905-1989),  Hòa thượng Thích Viên Thành (1950-2002). Vị trụ trì hiện nay - Đời thứ 12 là Thượng tọa Thích Minh Hiền, chuyên tâm thờ Phật và tiếp tục công việc tôn tạo của các vị Hòa thượng lớp trước.

Hội chùa Hương Sơn là hội chùa kéo dài nhất ở Việt Nam. Hàng chục vạn người đã trẩy hội chùa trong suốt ba tháng sau Tết Nguyên đán Âm lịch.
---------------------------------------------

Nguồn: Chùa Việt Nam. Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long. Biên tập: Lê Văn Lan – Nguyễn Duy Chiếm. Nxb Thế giới, in lần thứ tư. 2010 có chỉnh lý bổ sung, tr.246.

Ảnh: Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì chùa Hương Tích.

Suối Yến

Lễ khai hội chùa Hương năm 2008

Đền Trình

Toàn cảnh chùa Thiên Trù

Nam Thiên Môn

Chùa Thiên Trù

Gác Chuông

Ngày khai hội

Nhà Mẫu

Nhà Bia

Tháp đá Chân Tịnh

Chùa Tiên Sơn

Chùa Giải Oan

Động Hương Tích

Phật Bà trong động Hương Tích

Các tin đã đăng: