Tiếng chuông chùa giữa đại dương
04/05/2011 03:56 (GMT+7)

Bất kỳ ai khi ra Quần đảo Trường Sa cũng không thể nào quên được hình ảnh những ngôi chùa được xây dựng kiên cố, phục dựng những nét chùa đậm chất văn hóa nước Việt. Với những mái vòm cong cong uốn lượn trên nền trời trong xanh, những pho tượng Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát… được thờ phụng bên trong. Điều đó càng làm tăng thêm lòng tin, tiếp sức cho anh em chiến sỹ cũng như người dân trên đảo trong công cuộc bảo vệ đất liền.

Chuông chùa ngân vang

Khi chúng tôi đến đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây, và Trường Sa Lớn, ngoài những tiếng sóng vỗ ì ầm suốt đêm ngày ra, chúng tôi còn nghe thấy những tiếng chuông chùa ngân nga, đan xen vào tiếng sóng. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới được Nhà nước xây dựng cho, chị Phan Thị Kim Anh (1965), chia sẻ: “Nhà tôi ngay gần chùa nên hầu như ngày rằm hay mùng 1 hàng tháng, gia đình tôi đều ra đây thắp nhang để cầu cho gia đình, họ hàng người thân được mạnh khỏe, bình an”. Chồng chị, anh Trần Văn Dũng (1965) ngoài công việc ngày ngày đánh bắt thủy sản ra để mưu sinh, còn làm nhiệm vụ thủ từ, giữ chìa khóa của chùa Sinh Tồn để đóng mở cửa chùa mỗi khi có người đến.

Anh Dũng kể, vợ chồng anh có 2 cháu là Trần Phan Như Ý và Trần Phan Trọng Nghĩa. Quê anh ở Nha Trang, ra đây cũng đã khá lâu rồi. Những lúc trời yên biển lặng ra thì không nói. Nhưng đến khi bão tố, mây dông kéo đến, anh và các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn lại cùng nhau phối hợp hướng dẫn cho tàu bè của bà con nhân dân đánh cá biết luồng lạch để ép vào đảo mà tránh bão. Những lúc khốn khó như vậy, anh lại vào trong chùa, gióng mạnh lên những hồi chuông để xua đi sự sợ hãi, hy vọng mang lại sự an lành cho ngư dân cũng như mong xua đi những dông bão đang bao vây mọi người.

Tương tự như ở đảo Sinh Tồn, các đảo Song Tử Tây, Trường Sa lớn đều có những ngôi chùa lớn. Mang đậm nét kiến trúc các ngôi chùa cổ ở miền Bắc, mái cong, chạm trổ rồng phượng; đặc biệt đều có các bức tượng bằng đá rất lớn tạc Thích Ca Mâu Ni và các vị Bồ Tát. Cũng chẳng biết các cổ tự tọa lạc ở đây từ bao giờ. Theo những ngư dân ở đây kể thì từ xa xưa, khi tàu bè của bà con ngư dân trong khu vực miền Trung ra đây đánh bắt hải sản thì bị bão lớn quật đổ con thuyền. Mấy ngư dân nhanh chóng ôm được cột buồm thì dạt vào trong đảo Song Tử Tây. Thoát nạn ở đây, mọi người dựng một cái đền nho nhỏ để thờ Phật, cảm ơn trời đất. Dần dần, mỗi lần đi biển, thuyền đánh cá chở thêm cả vật liệu xây dựng, dựng nên một ngôi chùa khang trang ở đây. Dần dần văn hóa Phật giáo được phát triển mạnh mẽ trên Quần đảo Trường Sa, hầu như đảo nổi nào cũng được xây dựng chùa để cầu mong sự an lành, bình yên trên biển cả.

Niềm tin vào hòa bình

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Vũ Lân - Phó chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) cho biết: Từ khi ngôi chùa được trùng tu khang trang như hiện nay, bà con trên đảo phấn khởi lắm. Vào ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng, nhà nào cũng ra chùa lễ Phật, cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước phồn vinh, thái hòa, gia đình an lạc. Mà không chỉ có người dân, các anh em bộ đội cũng thường xuyên lên chùa cúng lễ sau những giờ huấn luyện và lao động sản xuất. Đặc biệt, vào ngày giỗ của những chiến sĩ hy sinh trên biển đảo Trường Sa, mọi người thường vào chùa làm lễ cầu siêu cho vong linh của họ được siêu thoát...

Thiếu tá Phạm Văn Hưng (quê Hải Dương), người đã có hàng chục năm sinh sống trên các đảo ở ngoài quần đảo Trường Sa kể, mỗi khi nghe những tiếng chuông chùa vang vọng trên biển, nó như nhắc nhở anh em chiến sĩ có ý thức hơn về cuộc sống. Anh Hưng cũng chính là người đánh những bức điện mật đầu tiên báo về đất liền khi phát hiện ra một tàu hải quân của ta bị đánh đắm ở gần khu vực bãi đá ngầm Cô Lin. Theo như những thợ lặn tiếp cận con tầu thì hiện giờ ở khu vực tàu đắm vẫn còn thi thể của 60 chiến sĩ hy sinh dưới biển khơi. Để an ủi và cầu siêu cho những người hy sinh, hàng năm vào ngày lễ tết, các lễ tưởng niệm, cầu siêu được tổ chức tại các chùa trên đảo rồi mọi đồ cúng tế được hóa xuống biển để cho hương hồn các anh được sớm siêu thoát.

Có một điều đặc biệt khác đối với các ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa là các văn bia, bức hoành phi câu đối… đều khắc bằng chữ Quốc ngữ. Nhìn những bức hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng uy nghi, ca ngợi những chiến công hào hùng của dân tộc ta, ca ngợi sự vạn lý Trường Sa của con người Đại Việt mới thấy được lòng tự hào dân tộc. Dù ở đâu, phương trời nào, Trường Sa - Hoàng Sa mãi mãi là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam.

Đà Giang - Nam Long

Các tin đã đăng: