Vùng đất
linh thiêng
Bước hơn
300 bậc đá xanh được chạm công phu, chúng tôi lên Bái Đính cổ tự, toạ
lạc trên núi Bái Đính - ngọn núi cao nhất, đứng độc lập, sừng sững giữa
vùng bán sơn địa Bái Đính Sơn (thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh
Ninh Bình).
Nó được
tạo thành bởi hai dãy núi khép lại hình cánh cung và hướng về phía Tây,
tựa như tay ngai, mở ra một thung lũng thênh thang ở chân núi, gọi là
Thung Chùa. Trên sườn núi, bạt ngàn chồi xanh và các loại hoa đua nhau
khoe sắc dưới nắng hồng, tựa như chiếc váy hoa ôm ngang miên man trùng
điệp.
Tương
truyền, thời nhà Lý, khu vực này là vườn Sinh Dược (vườn thuốc sống) của
Nguyễn Minh Không - một nhà sư, thầy thuốc lừng danh người thôn Điềm
Dương (nay thuộc xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn). Ông là người lập ngôi
chùa Thạch Am trên động núi Bái Đính tu hành và trồng cấy vườn Sinh Dược
để chữa bệnh cho muôn dân.
Ông
chính là thần y chữa bệnh "hoá hổ" cho vua Lý Thần Tông và được phong
hàm quốc sư. Sau khi ông qua đời (năm 1141), nhân dân địa phương đúc
tượng, lập bàn thờ ngay tại ngôi chùa do ông khai sinh trên núi Bái
Đính.
Xét về
không gian thờ cúng, Bái Đính cổ tự là biểu tượng cao nhất, tập trung và
rực rỡ nhất của sự hoà đồng, dung nhập giữa tín ngưỡng Phật và Lão của
nhân dân hơn 900 năm qua. Đường lên động càng lên cao, không khí càng
trong lành, thoáng mát.
Đi nửa
đường, rẽ tay phải có hang Voi Phục và bàn thờ Tổ. Bậc đá cuối cùng của
dốc lên động Bái Đính là ngã ba: Bên phải là động thờ Phật, bên trái là
động thờ Tiên. Qua ban thờ Phật, rẽ trái khoảng 2m là nơi thờ thần Cao
Sơn (Thần Núi).
Theo
hướng mắt của Thần Núi, tôi tiến thêm vài bước, ngạc nhiên thấy mở ra
một không gian tựa cổng lên trời và được đón nhận ngay cơn gió mát lành
từ cửa động. Gian thinh trong thanh cùng sự hiện diện của các pho tượng
long lanh ngũ sắc, uy nghiêm mà nhân từ, ẩn hiện trong mong manh khói
trầm khiến người đến đây có cảm giác đang lạc vào cõi tiên với những
nghĩ suy kỳ bí.
Từ ngã
ba đầu dốc, rẽ trái, qua đền thờ đức Thánh Nguyễn Minh Không khoảng 30m
là tới động Tiên - nơi thờ tam toà Thánh Mẫu. Động Tiên gồm 7 "buồng",
tức là 7 hang thông nhau qua nhiều vách đá. Động Tiên còn có đường lên
Trời, lối xuống Âm phủ, ao Tiên.
Trên
trần, nhũ đá như những con chim công xoè cánh, nhỏ nước thánh thót rồi
lại làm điệu soi bóng xuống mặt nước lung linh. Bằng sự tưởng tượng tinh
tế và cái nhìn xa rộng, mỗi người có thể đặt tên cho từng cây nhũ, mỏm
đá.
Ba câu
chuyện khó giải thích
Khi kể
cho chúng tôi nghe về Bái Đính Sơn huyền thoại gắn liền với hình ảnh vị
Thánh có thật Nguyễn Minh Không, ông Nguyễn Văn Khoa - người trông coi
Bái Đính cổ tự không bỏ qua câu chuyện mà với suy nghĩ của ông, có lẽ
các nhà khoa học phải mất nhiều công sức nghiên cứu mới có thể giải
thích được.
Tại động
Phật trên Bái Đính cổ tự, vì phía trước tượng thần Cao Sơn rất hẹp, mở
ra một cửa động tiếp nối không gian bên ngoài, không có chỗ lập bàn thờ
rộng rãi, nên năm 2007, Ban Quản lý di tích cùng nhân dân đã xây dựng
riêng đền thờ ngay cạnh đó, đồng thời đúc tượng thần Cao Sơn bằng đồng
nguyên khối mạ vàng để thay tượng Ngài bằng gỗ trên động Phật.
Nhưng
khi đưa tượng đồng vào thay thế, không thể di dời pho tượng gỗ ra khỏi
vị trí cũ được, dù đã phải huy động hàng chục trai tráng dùng đòn bẩy
bẩy lên. Thần Núi vẫn ung dung tọa an vững như bàn thạch, không hề nhúc
nhích, mắt hướng xa trấn giữ đại ngàn.
Để giải
thích điều này, cũng có nhiều ý kiến cho rằng vì bức tượng thân Cao Sơn
hiện thân chỉ là gỗ, nhưng nhân gian đã thờ phụng Ngài trải qua bao năm
tháng nên nó đã thành một khối, vì vậy rất khó lay chuyển. Tuy nhiên, đó
cũng chỉ là một giả thuyết mà chưa hề có sự nghiên cứu rõ ràng.
Câu
chuyện thứ hai là về "giếng nước Thạch Sanh mà chỉ huy công trình chùa
Bái Đính Nguyễn Văn Công vô tình "bật mí" khi nói về những khó khăn
trong quá trình thực hiện quần thể chùa Bái Đính.
Hiện ở
dưới chân núi Bái Đính, ngay sát đường lên ngôi chùa cổ, có một giếng
nước lớn, gọi là giếng Ngọc. Năm 2003, khi bắt đầu triển khai xây dựng
công trình, cái khó đối với Ban dự án là không tìm được nguồn nước.
Tính từ
mặt đất nơi thấp nhất của quần thể chùa đến Tam Quan có độ cao 72m. Xung
quanh không có nguồn nước, trong khi đó, để thực hiện một công trình
lớn đến như vậy phải sử dụng nước rất nhiều. Những người thợ khoan đã
cất công tìm tòi, nhưng mũi khoan cứ chạm đâu... khét đấy.
Cả tháng
trời, bao phần việc phải dừng lại bởi không có nước thi công.
Đúng lúc
tưởng như bó tay thì nhóm thợ phát hiện ra một địa điểm có nước duy
nhất ở khu vực công trình. Nhưng đó là cái giếng nhỏ, đường kính chỉ hơn
vòng tay, nằm lẩn khuất dưới um tùm cỏ rậm.
Tuy
không hy vọng đây sẽ là nguồn nước phục vụ công trình, nhưng đại diện
Ban dự án vẫn thành tâm xin đức Thánh độ cho công trình được thực hiện
suôn sẻ, đồng thời cho nhóm thợ thử hút nước từ giếng lên.
Thật bất
ngờ, càng hút, lượng nước trong giếng càng dềnh lên, trong vắt. Ngay
lập tức, Ban dự án đã quyết định đào rộng khu vực giếng và hơn 7 năm
qua, nguồn nước duy nhất này đã phục vụ cho công trình xây dựng chùa lớn
nhất Đông Nam Á.
Theo ông
Khoa, xưa giếng nước này có tên Lỗ Lùng. Đó là giếng nước mà thuở sinh
thời Nguyễn Minh Không tự đào để lấy nước thổi cơm, nấu nước, đồ xôi
cúng Phật và cũng chính nguồn nước ở đây được ông sử dụng để sắc thuốc
chữa bệnh cho chúng sinh.
Nước từ
các khe núi Bái Đính chảy xuống lọc qua khe đá, rễ cây rừng, qua mạch
nước ngầm nên trong suốt, ngọt như nước mưa, tụ tại Lỗ Lùng. Mặc dù Lỗ
Lùng ở chân núi có độ cao hơn hẳn các vùng đất xung quanh từ 5 - 7m,
nhưng không bao giờ cạn, ngay cả những năm đại hạn.
Sau khi
Nguyễn Minh Không mất, ít người qua lại khu vực này nên giếng gần như bị
lãng quên. Giờ đây, khi quần thể chùa Bái Đính được xây dựng, giếng
được mở rộng, nằm trong khuôn viên rộng 6.000m2, bốn góc được xây lầu
bát giác, thường xuyên có chiều sâu nước từ 5 đến 6m. Mùa hè nước bốc
hơi mát, mùa đông toả hơi ấm áp.
Tại lán
mộc của anh Phạm Văn Thế, quê ở xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, tôi thấy một
bé gái chừng 5 tháng tuổi, bụ bẫm, da trắng như trứng gà bóc đang nhẩn
nha chơi đùa. Bé là Phạm Hương Quỳnh, con gái đầu lòng của vợ chồng anh
Thế. Chị Hương, vợ anh đã kể cho tôi nghe sự diệu kỳ khi bé ra đời. Vợ
chồng chị kết hôn 4 năm mà chưa có tin mừng, đã đi nhiều nơi chạy chữa.
Người
nói ra, kẻ nói vào, người động viên, kẻ chì chiết khiến chị Hương buồn
chán, có lúc tâm trạng rơi vào bế tắc và quên hẳn việc chữa trị.
Cách đây
hơn một năm, khi nhận công trình ở Bái Đính, hai người đưa nhau lên đây
và cũng như nhiều anh chị em lao động khác, họ dựng lán ở tại khu vực
chùa. Tuy cũng phải kiếm tiền sinh sống, nhưng vợ chồng Thế - Hương coi
công việc ở đây là vì cái tâm nên đã quên đi sự vất vả hay thu nhập
thấp.
Một đêm,
chị Hương mơ thấy mình sinh được bé gái bụ bẫm. Hương hào hứng kể lại
giấc mơ với mọi người trong nhóm và thấy tủi thân vì những tiếng cười
chế nhạo. Nhưng chưa đầy hai tháng sau, chị Hương có bầu và cuối năm
2009 chị sinh bé Hương Quỳnh gần 4kg trong niềm vui khôn tả của hai gia
đình.
Trái với
dự đoán của nhiều người rằng sản phụ sẽ bị ảnh hưởng tuyến sữa do sử
dụng quá nhiều loại thuốc khi chữa trị vô sinh, chị Hương lại nuôi bé
Hương Quỳnh bằng sữa mẹ hoàn toàn. Bé Quỳnh được hơn một tháng, vợ chồng
Thế - Hương lại bồng con lên Bái Đính Sơn.
Nơi đây,
lán mộc tuềnh toàng, tiện nghi thiếu thốn, âm thanh công trường hỗn
độn, nhưng bé Quỳnh ăn no, ngủ kỹ, cả ngày không thấy tiếng khóc và đặc
biệt là bé lanh lợi, bụ bẫm...
Đó là ba
câu chuyện mang đậm màu sắc huyền bí mà chúng tôi được trực tiếp nghe
từ những người trong cuộc. Dù rằng, có những chuyện rất khó kiểm chứng
nhưng ở đất Phật có lẽ có những chuyện cũng nghe trong tâm thế của nhà
Phật: "sắc sắc, không không".
Kỳ tới: Những con số khó tin của công trình Phật
giáo lớn nhất Đông Nam Á